Chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam qua các thời kì lịch sử

Chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam qua các thời kì lịch sử

1. Chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945

1.1. Trong thời kì Bắc thuộc, bọn phong kiến Trung Quốc dù cai trị trực tiếp hay gián tiếp, cũng thi hành một chính sách nhất quán là đồng hoá Việt Nam về chính trị và văn hoá. Tiếng Hán và chữ Hán trở thành một công cụ hữu hiệu trong hành chính và nhiều lĩnh vực khác. Sử có nhắc tới vai trò của Sĩ Nhiếp (làm Thái Thú Giao Chỉ vào khoảng 187–226) với tư cách là Nam bang học tổ, tức là người đầu tiên tổ chức việc học ở Việt Nam. Nhưng thực tế vào thời Bắc thuộc quan cai trị chỉ tổ chức dạy chữ Hán cho một số người Việt, đủ để làm công chức trong bộ máy cai trị của người Hán chứ chưa phải là dạy Nho giáo nhằm mục đích thi cử. Trong thời kì này, các chùa mới là các trung tâm văn hoá và nhân dân học chữ Hán ở các chùa chứ không phải các trường do người Trung Quốc dựng nên. Theo sử sách, dưới thời Bắc thuộc, đã có một ít người giỏi chữ Hán, nhưng vẫn chưa có chế độ học tập chữ Hán quan trọng ngoài các chùa. Ai muốn đi thi thì phải sang Trung Quốc, như Trương Trọng, Lí Cầm, Lí Tiến, Khương Công Phụ. Cho đến trước thế kỉ XI, những người tiêu biểu cho văn hoá Việt Nam vẫn là các nhà sư.

1.2. Từ năm 939, Việt Nam giành được độc lập từ tay người Hán. Do nhu cầu phải đua tài với Trung Quốc để củng cố độc lập bằng văn hoá, Việt Nam có nhu cầu tiếp thu văn hoá Hán. Việc học chữ Hán có quy mô chỉ bắt đầu từ thời độc lập. Về vấn đề này, chúng ta không quên công lao của các vị vua khai quốc thời Lí–Trần. Khi đất nước giành được quyền độc lập, định hướng cơ bản về ngôn ngữ văn tự là: tiếp tục dùng chữ Hán, coi đó là nền văn tự chính thức của nhà nước. Căn cứ vào những tài liệu còn lưu giữ được thì năm 1018 vua Lí Thái Tổ sai Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạc sang Tàu lấy Kinh Tam Tạng đem về để vào Kho Đại Hưng; 1075 vua Lí Nhân Tông mở Khoa thi Tam trường để tuyển người ra làm quan, năm sau vua lập Quốc Tử Giám, tổ chức giảng dạy và đến năm 1086 Vua lại mở khoa thi chọn người vào Hàn Lâm Viện. Theo Nguyễn Tài Cẩn, "Tri thức Hán học của người Việt ở giai đoạn Ngô, Đinh, Lê là một sản phẩm còn lưu lại của chế độ Bắc thuộc, còn tri thức Hán học của người Việt từ đời Lí trở về sau lại là sản phẩm của một sự định hướng có ý thức của một triều đình nước Việt độc lập. Sự định hướng này làm cho Việt Nam đi hẳn vào khu vực văn hoá Hán, đứng bên cạnh Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Về mặt ngôn ngữ, sự định hướng này làm cho tiếng Việt đi xa dần các ngôn ngữ bà con vốn cùng gốc Mon Khmer như mình: Mường, Poọng, Chứt, Cơtu, Bana, Môn, v.v."(1)

 

doc 17 trang Người đăng duyphuonghn Lượt xem 1123Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam qua các thời kì lịch sử", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam qua các thời kì lịch sử
• Nguyễn Thiện Giáp
1. Chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945
1.1. Trong thời kì Bắc thuộc, bọn phong kiến Trung Quốc dù cai trị trực tiếp hay gián tiếp, cũng thi hành một chính sách nhất quán là đồng hoá Việt Nam về chính trị và văn hoá. Tiếng Hán và chữ Hán trở thành một công cụ hữu hiệu trong hành chính và nhiều lĩnh vực khác. Sử có nhắc tới vai trò của Sĩ Nhiếp (làm Thái Thú Giao Chỉ vào khoảng 187–226) với tư cách là Nam bang học tổ, tức là người đầu tiên tổ chức việc học ở Việt Nam. Nhưng thực tế vào thời Bắc thuộc quan cai trị chỉ tổ chức dạy chữ Hán cho một số người Việt, đủ để làm công chức trong bộ máy cai trị của người Hán chứ chưa phải là dạy Nho giáo nhằm mục đích thi cử. Trong thời kì này, các chùa mới là các trung tâm văn hoá và nhân dân học chữ Hán ở các chùa chứ không phải các trường do người Trung Quốc dựng nên. Theo sử sách, dưới thời Bắc thuộc, đã có một ít người giỏi chữ Hán, nhưng vẫn chưa có chế độ học tập chữ Hán quan trọng ngoài các chùa. Ai muốn đi thi thì phải sang Trung Quốc, như Trương Trọng, Lí Cầm, Lí Tiến, Khương Công Phụ. Cho đến trước thế kỉ XI, những người tiêu biểu cho văn hoá Việt Nam vẫn là các nhà sư.
1.2. Từ năm 939, Việt Nam giành được độc lập từ tay người Hán. Do nhu cầu phải đua tài với Trung Quốc để củng cố độc lập bằng văn hoá, Việt Nam có nhu cầu tiếp thu văn hoá Hán. Việc học chữ Hán có quy mô chỉ bắt đầu từ thời độc lập. Về vấn đề này, chúng ta không quên công lao của các vị vua khai quốc thời Lí–Trần. Khi đất nước giành được quyền độc lập, định hướng cơ bản về ngôn ngữ văn tự là: tiếp tục dùng chữ Hán, coi đó là nền văn tự chính thức của nhà nước. Căn cứ vào những tài liệu còn lưu giữ được thì năm 1018 vua Lí Thái Tổ sai Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạc sang Tàu lấy Kinh Tam Tạng đem về để vào Kho Đại Hưng; 1075 vua Lí Nhân Tông mở Khoa thi Tam trường để tuyển người ra làm quan, năm sau vua lập Quốc Tử Giám, tổ chức giảng dạy và đến năm 1086 Vua lại mở khoa thi chọn người vào Hàn Lâm Viện. Theo Nguyễn Tài Cẩn, "Tri thức Hán học của người Việt ở giai đoạn Ngô, Đinh, Lê là một sản phẩm còn lưu lại của chế độ Bắc thuộc, còn tri thức Hán học của người Việt từ đời Lí trở về sau lại là sản phẩm của một sự định hướng có ý thức của một triều đình nước Việt độc lập. Sự định hướng này làm cho Việt Nam đi hẳn vào khu vực văn hoá Hán, đứng bên cạnh Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Về mặt ngôn ngữ, sự định hướng này làm cho tiếng Việt đi xa dần các ngôn ngữ bà con vốn cùng gốc Mon Khmer như mình: Mường, Poọng, Chứt, Cơtu, Bana, Môn, v.v."(1)
Nhà Trần và các triều đại tiếp theo vẫn tiếp tục sự nghiệp của nhà Lí, cũng tổ chức học hành thi cử bằng chữ Hán, cũng sáng tác bằng chữ Hán.
Thực tiễn lịch sử chứng tỏ rằng định hướng ngôn ngữ văn tự của các triều đại Việt Nam đã khiến cho sự tiếp xúc văn hoá–ngôn ngữ Việt–Hán phát triển. Hệ quả là:
– Việt Nam đã sáng tạo ra chữ Nôm để ghi lại tiếng nói của mình.
– Tiếng Việt đã tiếp thu các yếu tố Hán Việt và các yếu tố Hán Việt Việt hoá làm phong phú kho từ vựng của mình.
– Hình thành cách đọc Hán Việt, một cách đọc chữ Hán riêng của người Việt Nam.
Trong cuốn Từ vựng tiếng Việt năm 1978, Nguyễn Thiện Giáp xác định cách đọc Hán Việt như sau: "Cách đọc Hán Việt là cách đọc chữ Hán ở Việt Nam của người Việt Nam. Cách đọc đó phản ánh dạng ngữ âm của chữ Hán thời nhà Đường được dạy và học ở Việt Nam lúc bấy giờ. Tất nhiên so với dạng ngữ âm của chữ Hán thời nhà Đường thì cách đọc Hán Việt cũng đã được Việt hoá ít nhiều cho phù hợp với hệ thống ngữ âm của tiếng Việt thời đó"(2). Gần đây, trong bài Mối quan hệ giữa âm Hán Việt và phương ngữ tiếng Hán nhìn từ đặc điểm âm đầu(3), Lê Xảo Bình và Vi Thụ Quan đã chứng minh âm Hán Việt chịu ảnh hưởng của phương ngữ tiếng Hán. Các tác giả cho rằng tại vùng giáp Quảng Tây và Quảng Đông ngày nay, trong thời cổ, từng có một phương ngữ Hán quyền uy, đó là phương ngữ Quảng Tín. Trong hơn 300 năm kể từ năm 106 trước công nguyên cho đến năm 217, Quảng Tín luôn là trụ sở của Bộ Thứ Sử Giao Chỉ (về sau là Bộ Thứ Sử Giao Châu), là trung tâm chính trị, văn hoá của Lĩnh Nam. Ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam nằm trong nước Việt Nam ngày nay luôn thuộc về sự cai quản của Bộ Thứ Sử Giao Chỉ, Việt Nam chịu ảnh hưởng của trung tâm chính trị, văn hoá thời bấy giờ là điều tất nhiên. Trong thời gian Sĩ Nhiếp làm Thái Thú Giao Chỉ, âm Hán mà người Việt học không phải là âm Trung Nguyên, mà là âm của một phương ngữ nào đó lúc bấy giờ. Các tác giả khẳng định phương ngữ Hán này phải là phương ngữ Quảng Tín. Bản thân Sĩ Nhiếp chính là người Quảng Tín Xương Ngô, phương ngữ Quảng Tín lại là phương ngữ quyền uy thời kì đó, dạy học sinh Việt Nam bằng phương ngữ Quảng Tín cũng là điều bình thường. Vì trung tâm chính trị Lĩnh Nam di chuyển sang phía đông (năm 217 Tôn Quyền rời trung tâm chính trị Lĩnh Nam từ Quảng Tín Xương Ngô đến Phiên Ngung (thành phố Quảng Châu ngày nay) Nam Hải) và theo di chuyển của người Hán, phương ngữ Quảng Tín phân hoá dần, cho nên hình thành đối ứng không đồng đều về đặc trưng ngữ âm giữa âm Hán Việt và mấy phương ngữ Hán hiện đại.
1.3. Trên cơ sở của chữ Hán, dựa vào nguyên tắc cấu tạo chữ Hán, người Việt Nam đã sáng tạo ra chữ Nôm, một thứ chữ ghi lại tiếng nói của dân tộc. Ban đầu, chữ Nôm mới chỉ là những kí tự dùng để phiên âm các từ ngữ nước ngoài, những địa danh, nhân danh ở Việt Nam mà vốn chữ Hán không thể thể hiện được. Khi hệ thống văn tự Nôm được hình thành và việc sáng tác thơ văn bằng chữ Nôm đã trở thành phong trào thì có sự phân công giữa chữ Hán và chữ Nôm về mặt chức năng: chữ Hán dùng trong hành chính, giáo dục, trong giao tiếp triều chính, còn chữ Nôm thì dùng trong giao tiếp, văn chương bình dân. Theo Phan Huy Chú(4), Lê Thánh Tông làm vua 38 năm, mở 12 kì thi, lấy đỗ 501 tiến sĩ, trong số đó có 9 trạng nguyên. Tuy coi trọng chữ Hán hơn chữ Nôm, nhưng phong trào sáng tác bằng chữ Nôm vẫn phát triển mạnh. Quan lại, nho sĩ đua nhau làm thơ bằng chữ Nôm. Ngay vua Lê Thánh Tông cũng có nhiều thơ Nôm được truyền tụng trong lịch sử.
Cái tâm lí "trọng chữ khinh Nôm" có ở hầu hết các nhà nho: sáng tác về những đề tài trang trọng, nghiêm chỉnh thì dùng chữ Hán, làm thơ để chơi, để mua vui thì dùng Nôm. Tuy nhiên, cùng với bước trưởng thành của chữ Nôm, vị thế của nó cũng dần thay đổi. Nguyễn Trãi hết lòng tôn trọng ngôn ngữ dân tộc, tin yêu ngôn ngữ dân tộc. Tất cả các bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi đều nói đến những cái chân thành nhất, trang nghiêm nhất: nói đến chí hướng, nói đến đạo lí, nói đến lẽ sống ở đời,... Với ý thức tự cường dân tộc, dưới thời nhà Hồ, Hồ Quý Li đã có một quyết sách lớn nhằm nâng cao vị thế của chữ Nôm. Tương truyền, Hồ Quý Li đã dịch Kinh Thi, Kinh Thư ra chữ Nôm để dạy cho các cung nữ. Điều này chứng tỏ Hồ Quý Li đã có chủ trương đưa chữ Nôm vào lãnh vực giáo dục. Rất tiếc, công cuộc cải cách của nhà Hồ bị chặn lại bởi gót giày xâm lược của nhà Minh. Nhà Minh thi hành chính sách đồng hoá rất tàn bạo. Chúng đã đốt phá các văn liệu, sử liệu Việt, trong đó có cả những tài liệu ghi chép bằng chữ Nôm. Vì thế những tài liệu bằng chữ Nôm thời Hồ Quý Li đều đã thất truyền.
1.4. Chữ quốc ngữ được các nhà truyền giáo chế tác từ thế kỉ XVII với mục đích chính là truyền bá đạo Thiên Chúa vào Việt Nam và học tiếng Việt, hiểu được về đất nước và con người Việt Nam. Muốn truyền bá đạo của mình, cần phải có phương tiện giao tiếp. Thực tế, nhân dân Việt Nam rất ít người đọc được chữ Nôm, vì thế không thể dựa vào chữ Nôm để truyền bá tư tưởng Thiên Chúa giáo vào nhân dân. Vấn đề đầu tiên là phải học tiếng Việt. Các giáo sĩ phương Tây đã tạo ra một hệ thống kí tự ghi tiếng Việt dựa trên hệ chữ cái La tinh. Những năm đầu của thế kỉ XIX hệ thống kí tự này được gọi là chữ Quốc ngữ, mặc dù theo nghĩa đen thì chữ Nôm cũng là chữ quốc ngữ. Từ khi xuất hiện chữ Quốc ngữ, thế tương quan giữa các ngôn ngữ, văn tự trên diễn đàn văn hoá Việt Nam khác với các giai đoạn trước: Có hai ngôn ngữ là tiếng Việt và văn ngôn Hán, với ba loại chữ viết là chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ.
Trong ba loại chữ viết thì chữ Hán vẫn chiếm vị thế số một, sau đó đến chữ Nôm, cuối cùng là chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, trong thời kì này đã nảy sinh sự tranh chấp giữa chữ Hán và chữ Nôm. Văn học chữ Nôm thời kì này có sự phát triển toàn diện về lượng cũng như về chất. Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, đại thi hào Nguyễn Du với tác phẩm Truyện Kiều bất hủ đều xuất hiện trong giai đoạn này. Không những thế, chữ Nôm không chỉ được dùng để ghi lại văn chương bình dân mà còn được dùng cả trong những lĩnh vực khác nữa. Căn cứ vào "Di sản Hán Nôm Việt Nam, Thư mục đề yếu" do Viện Hán Nôm biên soạn với sự cộng tác của nhóm học giả Trường Viễn đông Bác cổ Pháp, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, trong số 5038 quyển, có một số quyển viết bằng chữ Nôm. "Vận niên ca diễn âm" là một quyển sách về ảnh hưởng của thời tiết đối với mùa màng viết bằng chữ Nôm. Số sách về Đạo giáo có 163 quyển, phần lớn là loại "giáng bút", tức là loại sách tập hợp những lời của các đồng cốt nói thay mặt các vị thần, chủ yếu viết bằng chữ Nôm bởi vì Đạo giáo gắn bó trước hết với người dân lao động. Những sách in đầu tiên ở Việt Nam là Kinh Phật, nhưng số kinh in lại, diễn Nôm không có bao nhiêu. Sách giáo khoa về sử Việt Nam, có một cuốn bằng chữ Nôm. Về ngoại giao, cuốn "Chuyến sang Pháp của sứ bộ triều Nguyễn" viết bằng thơ lục bát. Về luật pháp, có Hoàng triều luật lệ toát yếu diễn ca bằng chữ Nôm, Dân luật Bắc Kì, diễn Nôm thời Khải Định. Tầng lớp nho sĩ gần gụi nhân dân lao động đã dùng chữ Nôm để sáng tác văn chương, ghi chép các sự kiện xã hội, lịch sử với cách nhìn khác với cách ghi chép chính thức bằng chữ Hán, có những tác phẩm tiến bộ, chứa đựng những tư tưởng trái với quan điểm và đạo lí chính thống. Vào giai đoạn cuối của nhà Lê, nhà cầm quyền không những coi thường mà còn e ngại chữ Nôm, có những hoạt động tiêu cực đối với chữ Nôm, thậm chí còn đốt rất nhiều văn liệu viết bằng chữ Nôm. Năm 1663 đời Lê Huyền Tông, Trịnh Tạc đã yêu cầu Phạm Công Trứ viết 47 điều giáo hoá bằng chữ Hán, trong đó điều 35 chủ trương cấm đoán và phá hoại các tác phẩm Nôm. Năm 1718 lại có lệnh của Trịnh Cương như sau: "Phủ liệu(5) vâng lời truyền cho quân dân trong nước biết rằng: phàm sách vở có quyển nào quan hệ đến sự giáo hoá trong đời mới được khắc in và lưu hành. Lâu nay, những bọn hiếu sự lượm nhặt bậy bạ các tạp truyện và bỉ ngữ(6) bằng quốc âm, không phân biệt hay dở, khắc gỗ in bán, việc ấy phải nên nghiêm cấm. Từ nay nhà nào có in những sách như thế, cho trình quan đến bắt và tịch thu ván in phá hết"(7). Năm 1760, Trịnh Doanh lại sai Nhữ Đình Toản diễn Nôm 47 điều giáo hoá ra lục bát để tiện phổ biến.
Ngược lại, nhằm tăng cường tính tự tôn và tinh thần dân tộc, triều đại Tây Sơn của Nguyễn Huệ đã chủ trương dùng tiếng Việt và chữ Nôm trong hành c ... c ngoại ngữ ở trường phổ thông Việt Nam có thể chia thành hai giai đoạn:
– Từ 1956 đến năm 1975: Ở miền Bắc, tiếng Nga và tiếng Trung Quốc được dạy học phổ biến trong các trường cấp III và ở một số trường cấp II, tiếng Anh và tiếng Pháp cũng được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, nhưng với quy mô nhỏ hơn; ở miền Nam, tiếng Anh và tiếng Pháp được dạy học trong các trường phổ thông, chủ yếu ở các thành phố lớn, tiếng Trung Quốc cũng được dạy nhưng với quy mô nhỏ.
– Từ năm 1975 đến nay: Cả 4 thứ tiếng trên được dạy học ở trường Trung học cơ sở (cấp II) và trường Trung học phổ thông (cấp III) theo chương trình thống nhất trên phạm vi cả nước(22).
Vị thế của tiếng Anh trên thế giới càng ngày càng được đề cao. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo David Crystal trong cuốn English as Global Language, số người nói tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất là 337 triệu người, những người dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai là 235 triệu. Còn theo Eddie Ronowiez và Collin Yallop trong cuốn English: One language, different cultures thì tổng số người nói tiếng Anh bản ngữ và không bản ngữ là khoảng hơn 2 tỉ người(23). Do nhu cầu giao lưu, hội nhập với thế giới, từ những năm 1985–1986 ở Việt Nam đã bùng lên phong trào học tiếng Anh. Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị 422-TTg về đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ công chức chính phủ. Chương trình thí điểm được tiến hành trong hai năm tại Hà Nội dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Nội Vụ, Học viện Hành chính Quốc gia và Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, sau đó được triển khai rộng rãi tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước dưới sự giám sát trực tiếp của Ban tổ chức chính quyền các tỉnh hoặc vụ đào tạo của các bộ (xem thêm: Trần Thị Lan, 2006). Hiện nay, Việt Nam có chương trình thi công chức: thi tuyển công chức, thi nâng ngạch công chức, thi chuyên viên chính, thi chuyên viên cao cấp, trong đó ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) là một trong ba môn thi.
Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải nghiên cứu kĩ nhu cầu sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam hiện nay và tương lai, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tổng thể trong giáo dục ngoại ngữ. Cần căn cứ vào yêu cầu phát triển kinh tế–xã hội của cả nước và đặc điểm khác nhau của các vùng miền mà điều chỉnh cơ cấu ngoại ngữ, tránh khuynh hướng chỉ dạy một ngoại ngữ. Với giáo dục phổ thông, nên chọn ngoại ngữ nào và bắt đầu cho học ngoại ngữ từ lớp mấy. Những vấn đề đào tạo đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ; xây dựng chương trình, giáo trình; phương pháp kiểm tra đánh giá; phương án trang bị cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ngoại ngữ; quy định về phân cấp quản lí việc dạy học, kiểm tra, đánh giá và cấp văn bằng chứng chỉ công nhận trình độ ngoại ngữ... cần phải nghiên cứu và triển khai thực hiện.Trong hệ thống giáo dục của nhà nước, từ phổ thông đến đại học phải sử dụng tiếng Việt làm phương tiện giảng dạy. Tuy nhiên, có thể dùng một ngoại ngữ nào đó để giảng dạy một số môn học hoặc chuyên đề trong một số loại lớp học, khoá học nào đó, nhưng có cần đưa vấn đề này vào Luật giáo dục hay không thì phải cân nhắc kĩ.
______________
(1) Nguyễn Tài Cẩn. Ảnh hưởng Hán văn Lí Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn. Nxb Giáo dục, H., 1998.
(2) Nguyễn Thiện Giáp: Từ vựng tiếng Việt, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội xuất bản, năm 1978, trang 110. Năm 1985, giáo trình này đã được sửa chữa, bổ sung và với tên mới là Từ vựng học tiếng Việt, được Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp xuất bản năm 1985, Nxb Giáo dục tái bản các năm 1998, 1999, 2000, 2002, 2005.
(3) Lê Xảo Bình & Vi Thụ Quan. Mối quan hệ giữa âm Hán Việt và phương ngữ tiếng Hán nhìn từ đặc điểm âm đầu. Tạp chí Ngôn ngữ, số 10/2005, trang 25–34.
(4) Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí. Khoa mục chí. (bản dịch, tập 3). Nxb Sử học, H., 1961.
(5) Phủ chúa Trịnh.
(6) Tạp truyện là các truyện Nôm lục bát. Bỉ ngữ là tục ngữ ca dao
(7) Dẫn theo Đinh Gia Khánh; Bùi Duy Tân & Mai Cao Chương: Văn học Việt Nam thế kỉ thứ X–nửa đầu thế kỉ XVIII, (tập 2), Nxb Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, H., 1992, trang 35.
(8) Dẫn theo Sơn tùng Hoàng Thúc Trâm: Quốc văn đời Tây Sơn, Nxb Vĩnh Bảo, Sài Gòn, 1950. Tuy bức chiếu này còn lổn nhổn tiếng Việt và tiếng Hán, nhưng là một bằng chứng quý báu về văn bản đầu tiên dùng tiếng Việt trong công văn của nhà nước. Theo ngôn ngữ hiện đại thì, đây là: "Chiếu truyền cho thầy La Sơn Nguyễn Thiếp được biết.
Ngày trước giao cho thầy về Nghệ An xem đất làm kinh đô cho kịp dịp này (ta) trở về. Sao về tới đó chưa thấy xong việc nhỉ? Cho nên (ta) hãy về kinh thành Phú Xuân cho quân lính nghỉ ngơi đã.
Vậy (khi tiếp được) chiếu (này) ban xuống, thầy nên sớm cộng tác với Trấn Thủ Thận lo liệu việc đó, xem đất xây dựng kinh đô ở hành cung Phú Thạch (thì) sao cho phía sau gần núi, chính giữa (thì) ở lẫn với dân, hay là đâu là đất tốt có thể xây dựng kinh đô (thì) tuỳ con mắt đạo pháp của thầy định đoạt, sớm sớm làm cho chóng xong. Giao cho Trấn thủ Thận sớm dựng cung điện, trong vòng ba tháng phải xong, để (ta) tiện ngự về. Thầy chớ lơ là việc ấy.
Kính vậy thay! (Nay xuống) chiếu đặc biệt.
Ngày mồng 1 tháng 6 năm Thái Đức thứ 11 (Thái Đức là niên hiệu của Nguyễn Nhạc từ 1778 đến 1793).
(9) Dẫn theo Nguyễn Phú Phong: Việt Nam: Chữ viết, Ngôn ngữ và Xã hội, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, 2005, trang 58–59
(10) Nguyễn Kim Thản; Nguyễn Trọng Báu & Nguyễn Văn Tu. Tiếng Việt trên đường phát triển. Nxb Khoa học Xã hội, 1982, trang 8.
(11) Trần Trí Dõi. Ngôn ngữ và sự phát triển văn hoá xã hội. Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
(12) SIL: dạng tắt của Summer Institute of Linguistics, University of North Dakota – Vietnam Branch.
(13) Viện Ngôn ngữ học. Những vấn đề chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam. Nxb Khoa học Xã hội, H., 1993, trang 30.
(14) Trần Trí Dõi. Chính sách ngôn ngữ văn hoá dân tộc ở Việt Nam. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003, trang 56–57.
(15) Trần Trí Dõi. Thực trạng giáo dục ngôn ngữ ở vùng dân tộc miền núi ba tỉnh phía Bắc Việt Nam: Những kiến nghị và giải pháp. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, trang 225.
(16) Mác, Angghen, Lênin bàn về ngôn ngữ. Nxb Sự thật, Hà Nội 1962, trang 95.
(17) Hồ Chí Minh. Về công tác văn hoá văn nghệ. Nxb Sự thật, H., 1971, trang 60.
(18) Phạm Văn Đồng. Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ. Nxb Văn học, H., 1973, trang 159.
(19) Dẫn theo Joseph Lo Bianco: Viet Nam: Quoc ngu, Colonialism and Language Policy, in trong Language planning and policy: East Asian perspectives, Nxb Curzon, 2002 (bản dịch: Phạm Văn Lam)
(20) Bùi Hiền. Phương pháp hiện đại dạy–học ngoại ngữ. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1997, trang 24.
(21) Trần Thị Lan. Tổng quan về phương pháp giảng dạy ngoại ngữ và sơ lược tình hình giảng dạy ngoại ngữ tại Việt Nam. In trong Những vấn đề ngôn ngữ học. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006
(22) Lê Anh Tâm. Dạy học ngoại ngữ ở trường phổ thông: thực trạng và giải pháp. Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 4/2005.
(23) Phan Văn Quế. Tiếng Anh có trở thành một ngôn ngữ toàn cầu?. Tài liệu Hội thảo khoa học Dùng tiếng nước ngoài làm chuyển ngữ (ngôn ngữ giảng dạy) trong quá trình hội nhập. Viện Đại học Mở Hà Nội, 2005.
Thư mục nghiên cứu
Đinh Lê Thư (chủ biên); Trần Thanh Pôn; Nguyễn Khắc Cảnh & Đinh Lư Giang. Vấn đề giáo dục vùng đồng bào Khmer đồng bằng sông Cửu Long. Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2005. 
Đoàn Thiện Thuật; Mai Ngọc Chừ. Tiếng Dao. Nxb Khoa học Xã hội, H., 1991. 
Đoàn Văn Phúc. Ngữ âm tiếng Ê Đê. Nxb Khoa học Xã hội, H., 1996. 
Đoàn Văn Phúc. Từ vựng các phương ngữ Ê Đê. Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1998. 
Hoàng Văn Ma, Lục Văn Pảo & Hoàng Chí. Ngữ pháp tiếng Tày Nùng. Nxb Khoa học Xã hội, H., 1971. 
Hoàng Văn Ma & Solnceva, N.V.. Tiếng La Ha, 1986 (bằng tiếng Nga). 
Hoàng Văn Ma; Nguyễn Văn Tài & Hoàng Tuệ. Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và chính sách ngôn ngữ. Nxb Khoa học Xã hội, H., 1984. 
Hoàng Văn Ma & Vũ Bá Hùng. Tiếng Pu Péo. Nxb Khoa học Xã hội, H., 1992. 
Hoàng Văn Ma & Tạ Văn Thông. Tiếng Bru Vân Kiều. Nxb Khoa học Xã hội, H., 1998. 
Joseph Lo Bianco. Viet Nam: Quoc Ngu, Colonialism and Language Policy, in trong Language planning and policy: East Asian perspectives. Nxb Curzon, 2002 (bản dịch của: Phạm Văn Lam). 
Lê Quang Thiêm. Về vấn đề ngôn ngữ quốc gia. Tạp chí Ngôn ngữ, số 1/2000. 
Liên hiệp các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam; Hội Ngôn ngữ học Việt Nam & Viện Đại học mở Hà Nội. Tài liệu Hội thảo khoa học Dùng tiếng nước ngoài làm chuyển ngữ (ngôn ngữ giảng dạy) trong quá trình hội nhập. Hà Nội, 2005. 
Lý Toàn Thắng & Nguyễn Văn Lợi. Về sự phát triển của ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong thế kỉ XX. Tạp chí Ngôn ngữ, số 2/2001. 
Nguyễn Hữu Hoành & Nguyễn Văn Lợi. Tiếng Ka Tu. Nxb Khoa học Xã hội, H., 1998. 
Nguyễn Kim Thản; Nguyễn Trọng Báu & Nguyễn Văn Tu. Tiếng Việt trên đường phát triển. Nxb Khoa học Xã hội, H., 1982. 
Nguyễn Phú Phong. Việt Nam: Chữ viết, Ngôn ngữ, Xã hội. Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 2005. 
Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên); Đoàn Thiện Thuật & Nguyễn Minh Thuyết. Dẫn luận ngôn ngữ học. Nxb Giáo dục, H., 1994 (tái bản lần thứ 10 năm 2004). 
Nguyễn Văn Khang. Kế hoạch hoá ngôn ngữ – Ngôn ngữ học xã hội vĩ mô. Nxb Khoa học Xã hội, H., 2003. 
Nguyễn Văn Lợi. Sinh thái ngôn ngữ và sự phát triển xã hội. Tạp chí Ngôn ngữ, số 4/1994. 
Nguyễn Văn Lợi. Vị thế của tiếng Việt ở nước ta hiện nay. Tạp chí Ngôn ngữ, số 4/1995. 
Nguyễn Văn Lợi. Tộc danh của một số dân tộc Nam Trung Quốc và Đông Nam A. Vấn đề tên gọi Giao Chỉ, trong Việt Nam: Những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá. Hội Ngôn ngữ học Việt Nam & Đại học ngoại ngữ Hà Nội, 1993. 
Nguyễn Văn Lợi. Bảo tồn sự đa dạng văn hoá ngôn ngữ tộc người, Dân tộc và thời đại. Tạp chí Ngôn ngữ, số 3/1999. 
Nguyễn Văn Lợi. Một số vấn đề về chính sách ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay, Dân tộc học. Tạp chí Ngôn ngữ, số 3/1999. 
Nguyễn Văn Lợi. Các ngôn ngữ nguy cấp và việc bảo tồn sự đa dạng văn hoá, ngôn ngữ tộc người ở Việt Nam. Tạp chí Ngôn ngữ, số 4/1999. 
Nguyễn Văn Lợi. Một số vấn đề về chính sách ngôn ngữ ở các quốc gia đa dân tộc. Tạp chí Ngôn ngữ, số 1/2000. 
Trần Trí Dõi. Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999. 
Trần Trí Dõi. Ngôn ngữ và sự phát triển văn hoá xã hội. Nxb Văn hoá Thông tin, H., 2001. 
Trần Trí Dõi. Chính sách ngôn ngữ văn hoá dân tộc ở Việt Nam. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003. 
Trần Trí Dõi. Thực trạng giáo dục ngôn ngữ ở vùng dân tộc miền núi ba tỉnh phía bắc Việt Nam. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004. 
Viện Ngôn ngữ học. Những vấn đề chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam. Nxb Khoa học Xã hội, H., 1993. 
Viện Ngôn ngữ học. Cảnh huống và chính sách ngôn ngữ ở các quốc gia đa dân tộc. Nxb Khoa học Xã hội, H., 1997. 
Viện Ngôn ngữ học & Hội Ngôn ngữ học TP. Hồ Chí Minh. Hoàng Tuệ. Tuyển tập ngôn ngữ học. Nxb Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh. 

Tài liệu đính kèm:

  • docchinh_sach_ngon_ngu_o_viet_nam_qua_cac_thoi_ki_lich_su.doc