Chuyên đề: Phân tích biện pháp tu từ

Chuyên đề: Phân tích biện pháp tu từ

Chuyên đề:

Phân tích biện pháp tu từ

I. Khái niệm biện pháp tu từ:

- Biện pháp tu từ là cách dùng từ, đặt câu sao cho hình ảnh gợi cảm, tăng sức biểu đạt cho diễn đạt. Ví dụ: Có hai cách diễn đạt:

Cách 1: Trong các loại chổi, chổi rơm vào loại đẹp nhất. Chổi được tết bằng rơm nếp vàng. Tay chổi tết săn lại thành sợi và quấn quanh thành cuộn.

Cách 2: Trong họ hàng nhà chổi thì cô bé chổi rơm vào loại xinh xắn nhất. Cô có chiếc váy vàng óng không ai đẹp bằng. Áo của cô cũng bằng rơm thóc nếp vàng tươi, được tết săn lại, cuốn từng vòng quanh người, trông cứ như áo len vậy.

Rõ ràng trong hai cách diễn đạt trên thì cách hai hay, gợi cảm hơn. Nếu cách một chỉ đơn thuần thông báo những đặc điểm của chổi rơm về chất liệu, hình dáng thì cách hai sinh động hơn nhiều. Với biện pháp tu từ, chổi rơm đã biến thành một cô gái xinh xắn với chiếc áo vàng tươi và rạng rỡ. Do đó, đã bày tỏ được những tình cảm, cảm xúc của người viết.

 

doc 10 trang Người đăng honghoa45 Lượt xem 6571Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Chuyên đề: Phân tích biện pháp tu từ", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chuyên đề:
Phân tích biện pháp tu từ
I. Khái niệm biện pháp tu từ:
- Biện pháp tu từ là cách dùng từ, đặt câu sao cho hình ảnh gợi cảm, tăng sức biểu đạt cho diễn đạt. Ví dụ: Có hai cách diễn đạt:
Cách 1: Trong các loại chổi, chổi rơm vào loại đẹp nhất. Chổi được tết bằng rơm nếp vàng. Tay chổi tết săn lại thành sợi và quấn quanh thành cuộn.
Cách 2: Trong họ hàng nhà chổi thì cô bé chổi rơm vào loại xinh xắn nhất. Cô có chiếc váy vàng óng không ai đẹp bằng. Áo của cô cũng bằng rơm thóc nếp vàng tươi, được tết săn lại, cuốn từng vòng quanh người, trông cứ như áo len vậy.
Rõ ràng trong hai cách diễn đạt trên thì cách hai hay, gợi cảm hơn. Nếu cách một chỉ đơn thuần thông báo những đặc điểm của chổi rơm về chất liệu, hình dáng thì cách hai sinh động hơn nhiều. Với biện pháp tu từ, chổi rơm đã biến thành một cô gái xinh xắn với chiếc áo vàng tươi và rạng rỡ. Do đó, đã bày tỏ được những tình cảm, cảm xúc của người viết.
II. Phân tích biện pháp tu từ
Biện pháp tu từ vốn sinh động, phong phú, gợi cảm. Phân tích toàn bộ vẻ đẹp của nó không phải dễ bởi dưới bàn tay của mỗi nhà văn nó lại trở nên sinh động khác thường. Vậy nhưng, để chỉ ra và phân tích được biện pháp tu từ các em cần nắm được bản chất của phương pháp tu từ đó. Bản chất ấy dễ được phát lộ nếu ta thực hiện thao tác so sánh các biện pháp tu từ với nhau.
Sau đây là một số thao tác phân tích tu từ cơ bản:
1. Phân tích biện pháp tu từ so sánh
a. Định nghĩa
A: Hình ảnh được so sánh – B: Hình ảnh so sánh
	Tương đồng (giống nhau)
	Tăng tính gợi hình, gợi cảm cho diễn đạt
Nhìn vào sơ đồ trên ta thấy so sánh là sự đối chiếu hình ảnh A và B. Song quan trọng nhất là giữa hai hình ảnh đó phải có sự tương đồng (giống nhau)
Thông thường trong văn học hình ảnh B sẽ là hình ảnh biểu cảm, giàu sức gợi. Do vậy trong việc phân tích tu từ so sánh ta phải tập trung để khai thác, hình dung sức gợi cảm của hình ảnh này.
b. Cách phân tích BPTT so sánh
Bước 1: Chỉ rõ 2 hình ảnh A và B trong TT so sánh
Bước 2: Nhận xét về A, B
Bước 3: Hình dung về B
Bước 4: Nêu tác dụng của BPTT
Bước 5: Trình bày thành đoạn văn
Ở bước 1 chỉ là bước nhận biết đơn giản song các em lưu ý cần chỉ rõ tên gọi các biện pháp tu từ so sánh. Nếu thiếu nó sự phân tích của các em sẽ thiếu câu chủ đề quan trọng nhất.
Ở bước 2, chúng ta cần căn cứ vào mỗi hình ảnh mà nhận xét: Có khi nó là một hình ảnh cụ thể (Quê hương là chùm khế ngọt), có khi là một ảnh cụ thể được đưa ra so sánh với hình ảnh tượng trưng (Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng), có khi là một âm thanh của tự nhiên được đưa ra so sánh với âm thanh của tiếng người (Tiếng suối trong như tiếng hát xa), có khi một hình ảnh được đưa ra so sánh với một chùm hình ảnh (Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ, cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa. Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa. Chiếc nôi ngừng bỗng gập cánh tay đưa)
Bước 3 là bước quan trọng nhất trong phần này. Về thực chất là việc các em tái hiện tại thứ nhất và thứ hai trong văn học. Thông qua sơ đồ sao ta sẽ tái hiện điều này:
Hiện thực 2
Nhà văn
Hiện thực
1
Hiện thực 1 là hiện thực có trong cuộc sống. Còn hiện thực 2 là hiện thực của văn học. Hai hiện thực này chỉ thống nhất chứ không đồng nhất. Hiện thực thứ 2 là hiện thực thứ nhất được nhìn qua lăng kính chủ quan của nhà văn. Do đó, qua hiện thực 2 ta không chỉ hình dung được cảnh vật, con người trong cuộc sống mà còn thấy được những tình cảm, suy nghĩ, những ước mơ, khát vọng của nhà văn (nhà thơ) đó.
Bước 4 là kết luận mà các em rút ra từ việc phân tích trên. Đó cũng là hai tác dụng của tu từ so sánh:
- Giúp cho việc miêu tả sự vật, sự việc được cụ thể, sinh động.
- Có tác dụng biểu hiện tư tưởng, tình cảm sâu sắc
	Bước 5 là bước các em hoàn chỉnh trên giấy thi. Các em phải liên kết tất cả những bước trên thành một đoạn văn hoàn chỉnh.
c. Phân tích biện pháp tu từ so sánh thường gặp trong đề thi của THCS
C1:
Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Toả nắng xuống dòng sông lấp loáng
(Tế Hanh)
Trong đoạn thơ trên, nhà thơ Tế Hanh đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh: “Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè”. “Tâm hồn” là một sự vật trừu tượng, phi vật thể, không tri giác được, không định lượng được, khó định tính. Hình ảnh trừu tượng này được đưa ra so sánh với một hình ảnh tương đối cụ thể để làm nổi rõ hình ảnh trừu tượng. Bởi vì “một buổi trưa hè” là một khái niệm tương đối cụ thể, có thể hình dung bằng kinh nghiệm sống, có cảm xúc, gắn với những kỷ niệm. Đó là một thời gian cụ thể, một không gian đầy nắng, đầy gió, đầy tiếng ve và hoa phượng đỏTất cả đã cho ta hiểu rằng “tâm hồn tôi” là một tâm hồn nhạy cảm, phong phú, đa dạng. Tâm hồn ấy đang rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên và không thoát khỏi bồi hồi với những hoài niệm của một thời trai trẻ hồn nhiên, vô tư đến thánh thiện.
 C2: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”
(Hồ Chí Minh)
Phép so sánh trong câu thơ của Bác rất đặc sắc. Đây là cách ví von thoát sảo, rất mới mẻ. Người xưa đã từng so sánh tiếng nói với tiếng đàn: “Côn Sơn suối chảy rì rầm. Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai” (Nguyễn Trãi). Nghĩa là một âm thanh của tự nhiên được so sánh với một âm thanh cũng của tự nhiên. Chỗ độc đáo của lời thơ Bác ở đây là một âm thanh của tự nhiên đã được so sánh với âm thanh của tiếng người. Âm thanh dễ gợi nên sự quạnh vắng nhất được so sánh với một âm thanh dễ gợi nên sự đầm ấm nhất. Nhờ đó, trong thơ Bác, thiên nhiên đã gần lại với con người, không heo hút xa xôi mà hiền hoà thân thiết. Đây là một biểu hiện tuyệt vời của tình yêu thiên nhiên thắm thiết và phong thái ung dung tự tại cũng như tư thế làm chủ mọi tình huống đời sống của con người Hồ Chí Minh.
	C3: “Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng”
(Đỗ Trung Quân)
Trong hai câu thơ trên, nhà thơ Đỗ Trung Quân đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh. “Quê hương” - một hình ảnh trừu tượng được đưa ra so sánh với “Con diều biếc” - một hình ảnh cụ thể. “Con diều biếc” giúp chúng ta hình dung ra một bầu trời xanh mênh mông của quê hương trên đó in hình con diều biếc và chiều rộng đến rợn ngợp của những cánh đồng quê. Trong không gian ấy tuổi thơ đã có những kỷ niệm thật đẹp của một thời bắt bướm, thả diều, chăn trâu Như vậy, yêu quê hương chính là yêu bầu trời, yêu cánh đồng, yêu những kỷ niệm tuổi thơ đẹp. Biện pháp tu từ so sánh đã vẽ nên một bức tranh đẹp về quê hương với đầy đủ những chiều: Chiều cao của bầu trời, chiều rộng của cánh đồng và chiều dài của những năm tháng kỷ niệm tuổi thơ. Bức tranh ấy được nhìn từ đôi mắt của một đứa con xa quê đang nhớ về quê mẹ, nhớ về kỉ niệm tuổi thơ đẹp.
2. Phân tích biện pháp tu từ ẩn dụ
a. Biện pháp tu từ ẩn dụ:
A: Hình ảnh được so sánh – B: Hình ảnh so sánh
	(ẩn đi)
	Tương đồng
Nhìn vào sơ đồ trên ta thấy rõ: Thực chất ẩn dụ là so sánh ngầm. Trong đó, ẩn dụ đi hình ảnh A nhưng không thông qua quan hệ giữa A và B ta có thể tìm được A. Nó khác với tu từ so sánh ở chỗ: Ẩn đi hình ảnh A. Còn khác với tu từ hoán dụ ở mối quan hệ giữa hai hình ảnh.
b. Cách phân tích tu từ ẩn dụ.
Bước 1: Chỉ rõ hình ảnh B trong phép tu từ ẩn dụ
Bước 2: Từ B đi tìm A
Bước 3: Hình dung về B
Bước 4: Nêu tác dụng của biện pháp tu từ.
Bước 5: Trình bày thành một đoạn văn hoàn chỉnh.
c. Phân tích một số hình ảnh tu từ ẩn dụ hay gặp trong các đề thi THCS
C1.	“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
	Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”
(Viếng lăng Bác - Viễn Phương)
Ở câu thơ trên, tác giả Viễn Phương đã sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ, thể hiện qua hình ảnh “mặt trời trong lăng”. Mặt trời đi qua trên lăng là mặt trời thực, mặt trời của tự nhiên còn mặt trời trong lăng chính là Bác Hồ. Mặt trời thực đem lại ánh sáng, sự sống, hơi ấm cho muôn loài cây cỏ trong vũ trụ. Bác Hồ đã đem lại ánh sáng của độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Tuy Bác đã đi xa nhưng Bác vẫn luôn luôn là tấm gương sáng cho mọi người noi theo (ẩn) và học tập, Bác tuy đã mất nhưng trong tim mọi người con dân tộc Việt họ vẫn còn sống mãi.
Bài tập:
1. Từ “soi” trong hai dòng thơ dẫn sau đây được dùng theo kiểu ẩn dụ nào đã học? Nếu không dùng ẩn dụ thì có thể dùng cách diễn đạt nào thay cho “soi”?
Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
(Tế Hanh) 
2. Phân tích BPTT trong câu văn sau:
“Chao ôi, trông con sông vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng.
Bài làm 
1. “Soi” thuộc kiểu ẩn dụ cách thức, dùng từ chỉ hành động của con người gán cho bài thực vật.
Nếu không dùng “soi” (tóc) thì có thể dùng cách diễn đạt như in bóng.
“Soi tóc” có tính chủ động. Đem lại cho hàng tre tính chất “người” tạo cho tre cái “hồn người”, cái hồn hữu thức của quê hương còn “in bóng” giúp tạo ra tính chất đó.
2. “Giòn tan” ở đây được dùng theo kiểu ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Nắng vẫn được cảm nhận bằng thị giác (ánh sáng) hoặc bằng cảm giác về nhiệt độ. Nắng giòn tan là cách dùng chuyển từ cảm giác về nhiệt độ, cảm giác về độ cứng (dễ vỡ)
Trong đời sống hàng ngày, người dân thường nhất là nông dân cũng có cách dùng trong ý nghĩa này: Nắng của trời trong, khô không còn oi bức. Chỗ riêng của tác giả là thêm từ “tan”: Nắng giòn tan và nhờ đó làm tăng thêm độ mạnh của “giòn”, hơn nữa lại đặt trong khung cảnh một con sông và đặt nó trong quan hệ “nối lại chiêm bao đứt quãng”. Qua đó người đọc có thể cảm nhận rằng nắng giòn tan là một trong những đoạn đẹp của “giấc chiêm bao đứt quãng” đó.
Ẩn dụ và hoán dụ
Có hai phương thức chuyển nghĩa phổ biến
Có hai phương thức chuyển nghĩa phổ biến: 
3.1. Phương thức ẩn dụ: 
Là phương thức lấy tên gọi A của sự vật a để gọi tên các sự vật b,c,d vì giữa a,b,c,d có điểm giống nhau. Hay nói cách khác, ẩn dụ là phương thức chuyển nghĩa dựa vào quy luật liên tưởng tương đồng. 
* Có 2 hình thức chuyển nghĩa: 
- Dùng cái cụ thể để nói cái cụ thể (ẩn dụ cụ thể - cụ thể) 
- Dùng cái cụ thể để gọi tên những cái trừu tượng (ẩn dụ cụ thể - trừu tượng). 
* Một số cơ chế chuyển nghĩa của phương thức ẩn dụ thường thấy: 
- Dựa vào sự giống nhau về hình thức giữa các sự vật, hiện tượng. 
- Dựa vào sự giống nhau về vị trí giữa các sự vật, hiện tượng. 
- Dựa vào sự giống nhau về cách thức thực hiện giữa hai hoạt động. 
- Dựa vào sự giống nhau về chức năng giữa các sự vật, hiện tượng. 
- Dựa vào sự giống nhau về tính chất, trạng thái hoặc kết quả giữa các đối tượng. 
* Nhận xét: 
Sự phân loại các ẩn dụ theo cơ chế trên không phải bao giờ cũng tách bạch, dứt khoát. Trong rất nhiều trường hợp không chỉ một mà có nhiều nét nghĩa cùng tác động. 
3.2. Phương thức hoán dụ: 
Là phương thức lấy tên gọi A của sự vật a để gọi tên cho sự vật b,c,d vì giữa a,b,c,d tuy không giống nhau nhưng có một quan hệ gần nhau gần nhau nào đó về không gian hay thời gian. Hoán dụ là phương thức chuyển nghĩa dựa vào quy luật liên tưởng tiếp cận. 
* Các dạng chuyển nghĩa theo phương thức hoán dụ: 
a. Hoán dụ dựa trên quan hệ giữa bộ phận và toàn thể. Dạng chuyển nghĩa này có các cơ chế chuyển nghĩa cụ thể sau: 
- Lấy tên gọi của một bộ phận cơ thể gọi tên cho người hay cho cả toàn thể. 
- Lấy tên gọi của tiếng kêu, đặc điểm hình dáng của đối tượng gọi tên cho đối tượng. 
- Lấy tên gọi của đơn vị thời gian nhỏ gọi tên cho đơn vị thời gian lớn. 
- Lấy tên gọi của toàn bộ gọi tên cho bộ phận. 
b. Hoán dụ dựa trên quan hệ giữa vật chứa và vật bị chứa hay lượng vật chất được chứa. 
c. Lấy tên nguyên liệu gọi tên cho hoạt động hoặc sản phẩm được chế ra từ nguyên liệu đó. 
d. Hoán dụ dựa trên quan hệ giữa đồ dùng hoặc dụng cụ và người sử dụng hoặc ngành hoạt động sử dụng dụng cụ đó. 
e. Hoán dụ dựa trên quan hệ giữa cơ quan chức năng và chức năng. 
f. Hoán dụ dựa vào quan hệ giữa tư thế cụ thể và hành vi hoặc trạng thái tâm - sinh lí đi kèm. 
g. Hoán dụ dựa trên quan hệ giữa tác giả hoặc địa phương và tác phẩm hoặc sản phẩm của họ hoặc ngược lại. 
.... 
Tóm lại, mỗi sự vật, hiện tượng có quan hệ với nhiều sự vật, hiện tượng khác chung quanh, do đó có thể có rất nhiều dạng hoán dụ. Vấn đề quan trọng cần chú ý là cần phải biết lựa chọn quan hệ nào là cơ bản để chuyển đổi tên gọi. 
* Mối quan hệ giữa ẩn dụ và hoán dụ: 
- Giống: 
+ Bản chất cùng là sự chuyển đổi tên gọi. 
+ Cùng dựa trên quy luật liên tưởng. 
- Khác: 
+ Cơ sở liên tưởng khác nhau: 
ẩn dụ dựa vào sự liên tưởng tương đồng. Do đó, trong trường hợp này sự vật chuyển đổi tên gọi và sự vật được chuyển đổi tên gọi thường khác phạm trù hoàn toàn. Do đó, ta có thể nói ẩn dụ mang nhiều sắc thái chủ quan hơn. 
Hoán dụ dựa vào sự liên tưởng tiếp cận. Mối quan hệ giữa sự vật chuyển đổi tên gọi và sự vật được chuyển đổi tên gọi là có thật, chứ không hoàn toàn tùy thuộc vào sự suy luận chủ quan của con người. Do đó hoán dụ mang nhiều tính khách quan hơn. 
* Nhận xét: 
- Một từ có thể được chuyển nghĩa theo nhiều phương thức. 
- Các từ có ý nghĩa biểu vật cùng một phạm vi hoặc có ý nghĩa biểu niệm cùng một cấu trúc thì sự chuyển nghĩa thường theo cùng một hướng. 
- ẩn dụ và hoán dụ tồn tại ở bình diện ngôn ngữ lẫn lời nói, tuy nhiên sự chuyển nghĩa của hai bình diện này khác nhau. Cần phân biệt ẩn dụ và hoán dụ tu từ với ẩn dụ và hoán dụ từ vựng. 
+ ẩn dụ và hoán dụ tu từ được sử dụng nhằm giúp cho sự diễn đạt tăng tính hình ảnh, biểu cảm, chứ không có tác dụng tạo nghĩa mới nhằm làm giàu cho hệ thống ngữ nghĩa của ngôn ngữ dân tộc. ẩn dụ và hoán dụ tu từ là sự sáng tạo của cá nhân do đó nghĩa tu từ mang tính tạm thời, lệ thuộc hoàn toàn vào văn cảnh, tách khỏi văn cảnh, nghĩa tu từ biến mất. 
+ ẩn dụ và hoán dụ từ vựng có tác dụng tạo nghĩa mới cho hệ thống từ vựng - ngữ nghĩa của dân tộc, do đó sự chuyển nghĩa đó là sản phẩm của toàn dân, được cố định hóa trong kho từ vựng tiếng Việt, được ghi vào từ diển như một nghĩa sẵn có, được tái dụng một cách tự do trong lời nói. 

Tài liệu đính kèm:

  • docOn thi vao lop 10(4).doc