Đề tài Bồi dưỡng học sinh năng khiếu nâng cao chất lượng môn ngữ văn cấp trung học cơ sở

Đề tài Bồi dưỡng học sinh năng khiếu nâng cao chất lượng môn ngữ văn cấp trung học cơ sở

Văn học là nhân học”. Nguyễn Đình Thi viết: “Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại”. Và mỗi tác phẩm văn chương là một mảng cuộc sống đã được nhà văn chọn lọc phản ánh. Vì vậy môn Văn trong nhà trường có một vị trí rất quan trọng: Nó là vũ khí thanh tao đắc lực có tác dụng sâu sắc đến tâm hồn tình cảm của con người, nó bồi đắp cho con người trở nên trong sáng, phong phú và sâu sắc hơn.

doc 7 trang Người đăng HoangHaoMinh Lượt xem 1480Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề tài Bồi dưỡng học sinh năng khiếu nâng cao chất lượng môn ngữ văn cấp trung học cơ sở", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
BỒI DƯỠNG HỌC SINH NĂNG KHIẾU NÂNG CAO 
CHẤT LƯỢNG MÔN NGỮ VĂN CẤP TRUNG HỌC CƠ SỞ
A- ĐẶT VẤN ĐỀ 
 I -Lý do chọn đề tài 
“Văn học là nhân học”. Nguyễn Đình Thi viết: “Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại”. Và mỗi tác phẩm văn chương là một mảng cuộc sống đã được nhà văn chọn lọc phản ánh. Vì vậy môn Văn trong nhà trường có một vị trí rất quan trọng: Nó là vũ khí thanh tao đắc lực có tác dụng sâu sắc đến tâm hồn tình cảm của con người, nó bồi đắp cho con người trở nên trong sáng, phong phú và sâu sắc hơn. 
Vì thế đến trường thông qua học tác phẩm văn chương, những cảm xúc thẩm mỹ của các em sẽ được trau dồi, uốn nắn, sửa chữa và bồi dưỡng, nâng lên thành năng lực cảm thụ thẩm mỹ đúng đắn. Điều đó muốn khẳng định rằng bồi dưỡng học sinh năng khiếu không những là việc làm đúng đắn, mà còn là công việc có tầm quan trọng trong nhà trường phổ thông. Nó góp phần phát hiện bồi dưỡng để tiến tới đào tạo một nhân tài có “phẩm chất” - một lực lượng lao động đặc biệt của xã hội, lao động sáng tạo nghệ thuật. Nó còn là một việc làm thiết thực góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên.
Vậy làm thế nào để công tác bồi dưỡng học sinh năng khiếu đạt kết quả cao? Đây là một công việc vô cùng khó khăn đối với giáo viên dạy Văn ở trường Trung học cơ sở (THCS). Thực tế cho thấy, những giáo viên được phân công phụ trách bồi dưỡng học sinh năng khiếu thực sự hết sức lo lắng, trăn trở bởi họ đã bỏ ra nhiều công sức, lăn lộn với học sinh mà hiệu quả chưa cao, chất lượng đội tuyển vẫn còn thấp. Là một giáo viên, được giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh năng khiếu, nắm bắt được tình hình này, tôi nhận thấy cần quan tâm tới công tác bồi dưỡng học sinh năng khiếu nhiều hơn. Vì vậy, tôi đã chọn đề tài để nghiên cứu: “Bồi dưỡng học sinh năng khiếu nâng cao chất lượng môn Ngữ văn cấpTHCS”, để có những suy nghĩ sâu sắc hơn về năng lực cảm thụ của học sinh.
 II - Mục đích, phạm vi và phương pháp nghiên cứu.
 1. Mục đích nghiên cứu: 
 Công tác bồi dưỡng học sinh năng khiếu là một công tác rất khó khăn và phức tạp. Vì vậy, tôi nghiên cứu đề tài này với mục đích tìm ra những giải pháp, hình thức bồi dưỡng nhằm đạt hiệu quả cao. Đồng thời còn nâng cao chất lượng giảng dạy, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho bản thân. Làm tốt công tác này, sẽ kích thích mạnh mẽ ý thức tự giác, lòng say mê và ý chí vươn lên trong học tập, tu dưỡng của học sinh năng khiếu nói riêng và tất cả học sinh nói chung.
 2. Phạm vi nghiên cứu : 
* Bồi dưỡng học sinh năng khiếu là một việc làm cần thiết đối với tất cả các khối lớp trong nhà trường THCS, ở đây tôi chỉ nghiên cứu trong phạm vi hẹp. Đó là bàn về một số biện pháp, hình thức bồi dưỡng học sinh năng khiếu ở những mảng: Văn hay chữ tốt, Sáng tác thơ văn, Học sinh giỏi Văn, ...
	* Đối tượng bồi dưỡng là học sinh ở các lớp trong trường THCS.
 3. Phương pháp nghiên cứu : 
 Phương pháp chủ yếu khảo sát, nắm bắt tình hình thực tiễn và đúc rút kinh nghiệm thực tiễn giảng dạy hàng năm để tìm ra giải pháp chung. 
B - NỘI DUNG 
 I - Ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bồi dưỡng học sinh năng khiếu
	Công tác bồi dưỡng học sinh năng khiếu ở trường THCS có ý nghĩa thật to lớn. Nó góp phần đào tạo một lực lượng lao động đặc biệt cho xã hội, lao động sáng tạo nghệ thuật. Nó phát hiện ra những tài năng, nhân tài cho đất nước. Phát hiện và bồi dưỡng kịp thời năng lực cảm thụ văn chương là thể hiện sâu sắc tinh thần nhân văn cao đẹp của chế độ ta, của các nhà giáo. Và vì vậy nó kích thích cổ vũ ý thức, tinh thần, thái độ học tập của học sinh. Khác với môn học khác, trong dạy học tác phẩm văn chương, những học sinh có năng khiếu thật sự, nhiều khi có những phát hiện về tác phẩm mà giáo viên không thể ngờ tới. Vì vậy công tác này còn là việc làm thiết thực góp phần nâng cao ý thức và trình độ chuyên môn, trình độ nghiệp vụ cho giáo viên.
 II - Cơ sở lý luận 
	Việc bồi dưỡng học sinh nhằm phát hiện tài năng, nâng cao năng lực cảm thụ văn chương cho học sinh, là công việc diễn ra thường xuyên hàng năm, một công tác trọng tâm ở các nhà trường và là công tác thể hiện chất lượng bộ môn. Trong đó có nhiều mảng phải tập trung bồi dưỡng:
 + Bồi dưỡng học sinh giỏi Văn;
 + Bồi dưỡng học sinh thi “Văn hay chữ tốt” – được tổ chức khoảng năm năm nay;
 + Bồi dưỡng học sinh Sáng tác văn thơ.
	Khó khăn lớn nhất mà giáo viên bồi dưỡng học sinh năng khiếu là vấn đề “tư tưởng” của học sinh cũng như phụ huynh, là không xem trọng môn học này do tác động của nền kinh tế thị trường. Khó khăn thứ hai là vấn đề tài liệu, nhất là phương pháp, hình thức bồi dưỡng. Kinh nghiệm thì chưa có là bao mà những bài viết, những chuyên đề về vấn đề này còn quá ít. Chính từ những lý do này mà các giáo viên rất lo lắng khi được phân công bồi dưỡng, thậm chí có những đồng chí tìm lý do này, lý do khác để từ chối bồi dưỡng đội tuyển. Đây là một tình hình thực thế mà tôi nắm bắt được thông qua trao đổi, gặp gỡ trực tiếp với một số giáo viên bồi dưỡng đội tuyển ở trường. Thực tế trên đã giúp tôi càng nhận thức sâu sắc hơn về công tác này.
 III - Cơ sở thực tiễn
	- Việc bồi dưỡng học sinh năng khiếu phải gắn liền với giáo dục tư tưởng, đạo đức cho các em. Các em vừa được bồi dưỡng và phát huy năng khiếu vừa được có ý thức học tập và học tập nghiêm túc các môn học khác.
	- Phải động viên được sự quan tâm của tập thể học sinh, nhất là sự giúp đỡ, động viên của gia đình và các đoàn thể địa phương đối với việc bồi dưỡng học sinh năng khiếu. Đồng thời bản thân học sinh có năng khiếu, phải phát huy được vai trò tích cực đối với việc học tập của tập thể, ý thức được tầm quan trọng của môn học.
 IV - Một số biện pháp và hình thức bồi dưỡng
 1- Tổ chức kiểm tra năng lực, năng khiếu của học sinh:
 Đây là công việc đầu tiên của người giáo viên dạy bồi dưỡng. Mỗi giáo viên phải nắm được năng lực của từng học sinh trong đội tuyển: năng lực diễn đạt, năng lực cảm nhận, năng lực sáng tạo...Công việc này được tiến hành bằng cách giáo viên tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra tại lớp. Sau khi đã có bài, giáo viên chấm chữa bài cho học sinh lấy kết quả, phân loại chất lượng học sinh để có kế hoạch bồi dưỡng phù hợp, đạt hiệu quả cao.
 2- Kiểm tra khả năng nắm kiến thức cơ bản của học sinh:
	Sở dĩ phải có bước này, bởi một yêu cầu đối với học sinh năng khiếu là phải nắm vững kiến thức cơ bản, cái gọi là phần “Nền, rồi mới khơi gợi và nuôi dưỡng, phát triển cảm xúc, lòng yêu mến văn chương và nhu cầu sáng tạo nghệ thuật cho các em”. Đây là biện pháp có tính phương pháp, thậm chí gần như một nguyên tắc trong dạy học Văn cho học sinh năng khiếu.
 3 - Hướng dẫn học sinh phương pháp, kỹ năng làm bài:
	Giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh kỹ năng, phương pháp làm bài. Giáo viên cần hướng dẫn cụ thể từng bước cho học sinh, dù là học sinh giỏi về năng khiếu văn chương nhưng ngay cả những cách lập dàn ý, dùng từ, đặt câu, viết đoạn học sinh cũng còn có nhiều vướng mắc. Vì vậy mà giáo viên phải dành một khoảng thời gian nhất định, có ít nhất là từ 5 buổi học để rèn kỹ năng lập dàn ý, dùng từ, dựng đoạn, liên kết đoạn... 
 4 - Xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập để rèn luyện kỹ năng.
	Xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập để rèn luyện kỹ năng cho học sinh là một công việc cần thiết. Xong, giáo viên phải xây dựng có hệ thống, phân chia theo mảng, chuyên đề, chủ đề không được dạy tràn lan, chung chung, thích chỗ nào dạy chỗ ấy. Dĩ nhiên hệ thống câu hỏi phải bám sát chương trình nội dung Chuẩn kiến thức kĩ năng mà các em đã được học. Cụ thể:
	- Sáng tác Văn thơ thì giáo viên chú ý đến năng lực xây dựng đề tài, nội dung chủ đề để giúp các em sáng tạo phù hợp.
- Cuộc thi Văn hay chữ tốt thì giáo viên chú ý đến đề tài xã hội trong văn nghị luận.
- Bồi dưỡng học sinh giỏi Văn thì phải giúp các em nắm vững những mảng: 
+ Nghị luận văn học hoặc một vấn đề văn học
+ Nghị luận xã hội
+ Các biện pháp tu từ
+ Các văn bản Văn học Trung đại và hiện đại
+ ....
 5 - Tổ chức cho học sinh thực hành theo chuyên đề, hệ thống câu hỏi:
	Từ những chuyên đề, chủ đề trên giáo viên tổ chức cho học sinh thực hành dưới hình thức ra đề bài yêu cầu học sinh thực hành. Sau đó chấm chữa, nhận xét, đánh giá những ưu khuyết điểm của từng học sinh, giúp học sinh nhận ra được những lỗi sai của mình, những thiếu sót phải bổ sung. Đồng thời hướng dẫn học sinh cách làm bài một cách tỉ mỉ.
 VD: Khi hướng dẫn học sinh thực hành chủ đề về “Thế hệ thanh niên xung phong trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ”, giáo viên phải hướng dẫn một cách cụ thể: Từ cách viết mở bài sao cho hấp dẫn, cách trình bày ý sao cho hợp lý. Ngoài việc hướng dẫn học sinh cảm nhận về nội dung, giáo viên lưu ý với học sinh phải biết sắp xếp nhân vật theo tiến trình của lịch sử văn học, không nên trình bày lộn xộn, nhớ tới nhân vật nào thì nói tới nhân vật ấy; hoặc chú ý đến suy nghĩ của họ vì cái chung, cái giải phóng dân tộc đặt lên hàng đầu. 
	Phải hướng dẫn các em biết chủ động mở rộng và thu hẹp về dung lượng bài viết theo giới hạn khác nhau mà bài viết vẫn giàu cảm xúc và thể hiện nổi bật tư tưởng, chủ đề. Đây là hình thức quan trọng và phải tiến hành thường xuyên bởi học sinh càng làm quen với nhiều dạng đề, càng viết nhiều thì sẽ thành thói quen, có nhiều kinh nghiệm khi viết. Bên cạnh việc rèn luyện kỹ năng, viết bài, hình thức này còn cung cấp bổ sung rất nhiều kiến thức cho học sinh. 
	Một yêu cầu đối với hình thức này là phải cho học sinh thực hành trên lớp, hạn chế ra bài tập cho học sinh về nhà bởi ở nhà học sinh thường có thói quen tham khảo, sao chép nhiều trong tài liệu. Vì thế rất khó đánh giá thực chất khả năng, năng lực vốn có của học sinh khi viết bài. 
 6- Tổ chức cho học sinh nhận xét văn người và sửa văn mình:
	Song song với việc tổ chức cho học sinh luyện tập thực hành, giáo viên cho học sinh tự đọc “văn bạn” để sửa “văn mình”. Thông qua cách làm này, học sinh có thể tìm ra được những nhược điểm của nhau và sửa chữa cho nhau. Ngoài ra còn có thể học tập ở nhau những điểm tốt hoặc học sinh có thể sửa bài của mình sau khi thầy cô giáo đã chấm. Chú ý những thiếu sót mà thầy giáo đã phát hiện, viết lại theo chỉ dẫn. Ngoài ra giáo viên dành ít thời gian để hướng dẫn học sinh đọc tài liệu tham khảo, nhất là đọc các bài văn đạt giải của những năm trước, để giúp học sinh học tập thêm ở văn người hoặc có thể tham khảo những bài làm tốt của học sinh ở ngay trong đội tuyển.
C – KẾT QUẢ
	- Năm học 2009 – 2010: Cuộc thi Sáng tác Văn thơ có 03 học sinh đạt giải vòng huyện, Cuộc thi Văn hay chữ tốt có 02 học sinh đạt giải vòng huyện
	- Năm học 2010 – 2011: Cuộc thi Sáng tác Văn thơ có 03 học sinh đạt giải vòng huyện, Cuộc thi Văn hay chữ tốt có 02 học sinh đạt giải vòng huyện, Hội thi học sinh giỏi Văn có 02 học sinh đạt giải vòng huyện (02 em này đều được cử dự thi vòng tỉnh)
D - KẾT LUẬN 
 Bồi dưỡng học sinh năng khiếu cũng như bồi dưỡng học sinh giỏi là một công tác trọng tâm ở các nhà trường phổ thông. Nhiệm vụ của mỗi giáo viên là phải để phát hiện đúng đối tượng cần bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và bồi dưỡng đạt kết quả tốt, mà người giáo viên là yếu tố cơ bản. Giáo viên thật sự phải có năng lực, năng khiếu sư phạm, đồng thời phải có tâm huyết với nghề nghiệp, biết tôn trọng tài năng, đặc biệt là “khâu vận động” phải thuyết phục học sinh năng khiếu cũng như phụ huynh để những “đối tượng” này thực sự tâm huyết với việc bồi dưỡng. Và chất lượng học sinh đạt kết quả không chỉ thể hiện đánh giá năng lực, năng khiếu văn chương của học sinh mà còn thể hiện năng lực bồi dưỡng của mỗi giáo viên nói riêng và chất lượng giáo dục của nhà trường nói chung. 
E – BÀI HỌC KINH NGHIỆM
	- Những giáo viên được phân công bồi dưỡng học sinh năng khiếu phải biết chọn đối tượng phù hợp và tác động “tư tưởng” khi cần thiết,
	- Giáo viên phải có kế hoạch bồi dưỡng cụ thể theo từng chuyên đề, chủ đề đã thống kê, phải thực sự tâm huyết với công việc và học sinh,
	- Nhà trường phải quan tâm, động viên giáo viên trong công tác này, kể cả vật chất lẫn tinh thần.
 Trên đây là sáng kiến kinh nghiệm của tôi về công tác bồi dưỡng học sinh năng khiếu nâng cao chất lượng môn Ngữ Văn được thực hiện tại trường THCS Thanh Bình. Vì điều kiện thời gian nghiên cứu có hạn và trình độ năng lực hạn chế, đề tài của tôi chắc chắn sẽ còn nhiều thiếu sót. Do vậy, tôi rất mong được sự góp ý của các đồng nghiệp và cán bộ phụ trách chuyên môn, để bản thân thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng bộ môn. Tôi xin chân thành cảm ơn.
 Thanh Bình, ngày 18 tháng 4 năm 2011
 Người thực hiện
 Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Tài liệu đính kèm:

  • docSÁNG KIẾN KINH NGHIỆM 2010-2011.doc