Đề thi học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2009-2010

Đề thi học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2009-2010

Câu 1 (2,5 điểm):

Phân tích nét độc đáo của việc sử dụng từ láy trong những câu thơ sau:

Nao nao dòng nước uốn quanh,

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

Sè sè nắm đất bên đường,

Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Câu 2 (1,5 điểm):

Em hãy cho biết ba hình ảnh trăng sau đây gắn đời Thuý Kiều với những nhân vật nào? Ở hoàn cảnh cụ thể nào trong Truyện Kiều?

- Vầng trăng vằng vặc giữa trời

Đinh ninh hai miệng một lời song song.

 - Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.

 - Lần thâu gió mát trăng thanh

Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi.

Câu 3 (6,0 điểm):

Phẩm chất và số phận người phụ nữ phong kiến qua nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ./.

 

doc 6 trang Người đăng duyphuonghn Lượt xem 606Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2009-2010", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 PHÒNG GD&ĐT ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN 
 MÔN NGỮ VĂN LỚP 9
ĐỀ CHÍNH THỨC
VÒNG 1
 NĂM HỌC 2009-2010
 Thời gian làm bài: 120 phút
Câu 1 (2,5 điểm): 
Phân tích nét độc đáo của việc sử dụng từ láy trong những câu thơ sau:
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
Sè sè nắm đất bên đường,
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Câu 2 (1,5 điểm): 
Em hãy cho biết ba hình ảnh trăng sau đây gắn đời Thuý Kiều với những nhân vật nào? Ở hoàn cảnh cụ thể nào trong Truyện Kiều?
- Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song.
 	- Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.
 	- Lần thâu gió mát trăng thanh
Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi.
Câu 3 (6,0 điểm): 
Phẩm chất và số phận người phụ nữ phong kiến qua nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ./.
PHÒNG GD&ĐT 	 HƯỚNG DẪN CHẤM
 ĐỀ THI HSG CẤP HUYỆN NH 2009-2010 
VÒNG 1
 	 MÔN NGỮ VĂN 9
Câu 1 (2,5 điểm): 
 Phân tích nét độc đáo của việc sử dụng từ láy trong những câu thơ sau:
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
Sè sè nắm đất bên đường,
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Học sinh cần thể hiện được một số yêu cầu sau:
- Chỉ ra những từ láy được sử dụng trong những câu thơ trên là: nao nao, nho nhỏ, sè sè, rầu rầu.	(0,5đ)
- Nét độc đáo của việc sử dụng từ láy trong những câu thơ trên là:
+ Các từ láy nao nao, rầu rầu là những từ láy vốn được dùng để diễn tả tâm trạng con người nhưng trong đoạn thơ lại dùng để tả cảnh vật.	(0,5đ)
+ Trong đoạn thơ, các từ láy nao nao, rầu rầu chẳng những biểu đạt được sắc thái cảnh vật (từ nao nao: góp phần diễn tả bức tranh mùa xuân thanh nhẹ với dòng nước lững lờ trôi xuôi trong bóng chiều tà; từ rầu rầu: gợi sự ảm đạm, màu sắc úa tàn của cỏ trên nấm mộ Đạm Tiên) mà còn biểu lộ rõ nét tâm trạng con người (từ nao nao: thể hiện tâm trạng bâng khuâng, luyến tiếc, xao xuyến về một buổi du xuân, sự linh cảm về những điều sắp xảy ra - Kiều sẽ gặp nấm mộ Đạm Tiên, gặp Kim trọng; từ rầu rầu: thể hiện nét buồn, sự thương cảm của Kiều khi đứng trước nấm mồ vô chủ). 	(0,5đ)
- Được đảo lên đầu câu thơ, các từ láy trên có tác dụng nhấn mạnh tâm trạng con người. Các từ láy nao nao, rầu rầu đã làm nổi bật nghệ thuật tả cảnh đặc sắc trong đoạn thơ: cảnh vật được miêu tả qua tâm trạng con người, nhuốm màu sắc tâm trạng con người. 	(1 đ)
....................................................................
Câu 2 (1,5 điểm): 
Em hãy cho biết ba hình ảnh trăng sau đây gắn đời Thuý Kiều với những nhân vật nào? Ở hoàn cảnh cụ thể nào trong Truyện Kiều?
- Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song.
 	- Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.
 	- Lần thâu gió mát trăng thanh
Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi.
- Trong câu thơ: Vầng trăng vằng vặc giữa trời...
 	Vầng trăng gắn Thuý Kiều với Kim Trọng trong buổi hẹn ước. 	(0,5đ)
- Trong câu thơ: Vầng trăng ai xẻ làm đôi...
Vầng trăng gắn Thuý Kiều với Thúc Sinh trong buổi chia tay (Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều). 	(0,5đ)
- Trong câu thơ: Lần thâu gió mát trăng thanh...
Vầng trăng gắn Thuý Kiều với Từ Hải trong buổi Kiều gặpTừ Hải.(0,5đ)
....................................................................
Câu 3 (6,0 điểm): 
Phẩm chất và số phận người phụ nữ phong kiến qua nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.
* Yêu cầu chung:
Học sinh trên cơ sở cảm nhận về phẩm chất và số phận của nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái nam Xương của Nguyễn Dữ, khái quát lên phẩm chất và số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Có thể trình bày cảm nhận, suy nghĩ bằng nhiều cách nhưng cần đáp ứng được một số ý chính sau:
* Yêu cầu cụ thể:
 	1. Giới thiệu sơ lược về tác giả Nguyễn Dữ, tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương và nhân vật Vũ Nương: 	(0,5đ)
- Nguyễn Dữ: Là tác giả nổi tiếng ở thế kỉ XVI, học rộng tài cao nhưng chỉ làm quan một năm rồi sống ẩn dật như nhiều trí thức đương thời.
- Chuyện người con gái Nam Xương có nguồn gốc từ một truyện dân gian, là một trong số 20 truyện của “Truyền kì mạn lục” - một kiệt tác văn chương cổ, từng được ca ngợi là thiên cổ kì bút.
- Vũ Nương là nhân vật chính của truyện. Một phụ nữ có nhan sắc, có đức hạnh nhưng phải chịu một số phận bi thảm.
 	2. Trình bày cảm nhận về phẩm chất và số phận của Vũ Nương: (5,5 đ) 
 	a. Là người phụ nữ có phẩm chất tôt đẹp: 	(1,5 đ)
 	- Ngay từ đầu đã được giới thiệu là “tính đã thuỳ mị nết na...”
 	- Là một người vợ đảm biết giữ gìn khuôn phép, một lòng một dạ chung thuỷ với chồng (dẫn chứng).
 	- Là một người mẹ hiền, dâu thảo: Một mình nuôi dạy con thơ vừa làm tròn phận sự của một nàng dâu (dẫn chứng).
 	b. Là người phụ nữ có số phận bất hạnh: 	(1,5 đ)
 	- Nạn nhân của chế độ nam quyền, của cuộc chiến tranh PKiến phi nghĩa.
 	- Bị chồng nghi ngờ lòng chung thuỷ chỉ vì lời nói ngây thơ của con trẻ. (chú ý các lời thoại của Vũ Nương: cố phân trần với chồng, biện bạch cho mình mà không được, đau khổ tuyệt vọng khi bị chồng mắng nhiếc, đánh đuổi đi, bị dồn vào bước đường cùng phải tự vẫn ở bến Hoàng Giang để bảo toàn danh dự).
 	- Đoạn kết của truyện tuy mang màu sắc cổ tích (kết thúc có hậu) nhưng vẫn không làm mờ đi bi kịch của Vũ Nương: nàng không thể trở về dương thế sống bên cạnh chồng con được nữa.
 	c. Từ nhân vật Vũ Nương, khái quát lên phẩm chất và số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến: 	(2,5 đ)
 	- Nguyễn Dữ đã đặt nhân vật Vũ Nương vào nhiều hoàn cảnh khác nhau để làm nổi bật lên những phẩm chất và cả sự bất hạnh của nàng. Cách dẫn dắt, tình tiết sinh động, hấp dẫn, sự đan xen các yếu tố kì ảo với những yếu tố thực khiến nhân vật vừa mang đặc điểm nhân vật của thể loại truyền kì vừa gắn với cuộc đời thực. 	(1 đ)
 	- Vũ Nương là người phụ nữ mang vẻ đẹp mẫu mực của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa kia, lẽ ra nàng phải được hưởng hạnh phúc trọn vẹn nhưng lại phải chết oan uổng, đau đớn. Phẩm chất và số phận bi thảm của nàng gợi lên phẩm chất và số phận bi thảm của người phụ nữ trong xã hội phong kiến ngày xưa. 	(1 đ)
 	- Qua nhân vật Vũ Nương, Nguyễn Dữ cất lên tiếng nói cảm thông, bênh vực người phụ nữ đồng thời phản ánh, tố cáo xã hội phong kiến bất công, vô nhân đạo. 	(0,5 đ)
Ngoài ra, tuỳ theo mức độ bài làm của học sinh, giám khảo chấm điểm linh hoạt, hợp lý. Mục đích cao nhất (không cục bộ) là chọn được những học sinh thực sự có năng khiếu môn Ngữ văn vào đội tuyển của huyện để bồi dưỡng dự thi HSG cấp tỉnh có thành tích.
....................................................................
PHÒNG GD&ĐT ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN 
 MÔN NGỮ VĂN LỚP 9
ĐỀ CHÍNH THỨC
VÒNG 2
 NĂM HỌC 2009-2010
 Thời gian làm bài: 120 phút 
Câu 1 (1,5 điểm): Phân tích cấu trúc ngữ pháp của câu sau: 
 	Anh chờ em bảo con nhỏ trong nhà xích chân con chó đó lại.
Câu 2 (1,5 điểm): Cho đoạn thơ sau: 
	Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan
	Đường bạch dương sương trắng nắng tràn
	Anh đi nghe tiếng người xưa vọng
	Một giọng thơ ngâm một giọng đàn.
	(Em ơi Ba Lan – Tố Hữu)
 	Em hãy chỉ ra nét độc đáo của việc sử dụng các vần trong đoạn thơ trên? 
 	Việc sử dụng các vần đó có tác dụng gì trong việc biểu đạt nội dung?
Câu 3 (7,0 điểm): 
Câu chuyện về dòng sông sau cơn lũ lớn./.
PHÒNG GD&ĐT 	 HƯỚNG DẪN CHẤM
 ĐỀ THI HSG CẤP HUYỆN NH 2009-2010 
VÒNG 2
 	 MÔN NGỮ VĂN 9
Câu 1 (1,5 điểm): Phân tích cấu trúc ngữ pháp của câu sau: 
 	Anh chờ em bảo con nhỏ trong nhà xích chân con chó đó lại.
Câu trên gồm 3 kết cấu C - V, trong đó: 
- CN: Anh  
- VN: chờ em bảo con nhỏ trong nhà xích chân con chó đó lại.
Trong VN có hai kết cấu c - v:
	+ Cụm c - v: em / bảo... làm bổ ngữ cho động từ chờ
+ Cụm c - v: con nhỏ trong nhà / xích chân con chó đó lại làm bổ
ngữ cho động từ bảo.
	Học sinh xác định đúng mỗi kết cấu C - V được tính 0,5 đ
......................................................................
Câu 2 (1,5 điểm): Cho đoạn thơ sau: 
	Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan
	Đường bạch dương sương trắng nắng tràn
	Anh đi nghe tiếng người xưa vọng
	Một giọng thơ ngâm một giọng đàn.
	(Em ơi Ba Lan – Tố Hữu)
 	Em hãy chỉ ra nét độc đáo của việc sử dụng các vần trong đoạn thơ trên? 
 	Việc sử dụng các vần đó có tác dụng gì trong việc biểu đạt nội dung?
 	- Trong đoạn thơ trên tác giả dùng vần chính là vần an (tan, tràn, đàn), bên cạnh đó còn sử dụng rất nhiều vần khác (lan/tan, dương/sương, trắng/ nắng, vọng/ giọng). 	(0,5 đ)
	- Trong 4 dòng thơ hàng loạt các vần liên tiếp xuất hiện, tạo nên một khúc nhạc ngân nga, diễn tả một niềm vui phơi phới như muốn hát lên của nhà thơ khi đứng trước mùa xuân của đất nước Ba Lan. 	(1 đ)
......................................................................
Câu 3 (7,0 điểm): 
Câu chuyện về dòng sông sau cơn lũ lớn./.
1/ Yêu cầu chung: 	(1 đ)
- Xác định đúng vấn đề, nội dung và thể loại.
- Hành văn trôi chảy, giàu cảm xúc và có chiều sâu. Thể hiện sự quan sát tinh tế trước sự thay đổi của cảnh vật.
- Bố cục chặt chẽ, mạch lạc, thể hiện sự linh hoạt trong diễn đạt.
- Biết kết hợp nhuần nhuyễn tự sự với các yếu tố miêu tả và biểu cảm.
2/ Yêu cầu cụ thể: 	(6 đ)
a. Hình thức: Bài văn trình bày dưới dạng một câu chuyện.	(1 đ)
(học sinh tự lựa chọn ngôi kể sao cho phù hợp)
b. Nội dung: Bài viết thể hiện được sự quan sát tinh tế và tâm hồn nhạy cảm của người viết trước sự tàn phá của thiên nhiên đối với cảnh vật, vẻ đẹp của quê hương. Có cái nhìn đúng đắn về vấn đề bảo vệ môi trường. 
 	Học sinh có thể tạo các tình huống khác nhau nhưng bài làm cần nêu được các nội dung:
- Vẻ đẹp của con sông và sự gắn bó của nó với cuộc sống con người trước mùa lũ. 	(1đ)
- Con sông và cuộc sống con người trong mùa lũ.	(1đ)
- Con sông và cuộc sống con người sau mùa lũ.	(1đ)
- Nguyên nhân của sự thay đổi đáng buồn đó.	(1đ)
- Những suy nghĩ và đề xuất biện pháp bảo vệ môi trường.	(1đ)
......................................................................

Tài liệu đính kèm:

  • docde_thi_hoc_sinh_gioi_cap_huyen_mon_ngu_van_lop_9_nam_hoc_200.doc