Đề thi học sinh giỏi tỉnh lớp 9 thcs tỉnh Nghệ An năm học 2011 – 2012 môn: Ngữ văn - Bảng A

Đề thi học sinh giỏi tỉnh lớp 9 thcs tỉnh Nghệ An năm học 2011 – 2012 môn: Ngữ văn - Bảng A

Câu 1 (8,0 điểm ) :

 “ Hãy cảm ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó , nhưng chớ quên người cầm đèn đang kiên nhẫn đứng trong đêm ” ( R.Ta – gor ) .

 Trình bày suy nghĩ của em về vấn đề trên .

Câu 2 ( 12 điểm ) :

 “ Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác , vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sỹ mang trong lòng ” .

( “ Tiếng nói của văn nghệ ” – Nguyễn Đình Thi – Ngữ văn 9 – tập 2 )

 Hãy làm rõ điều đó trong bài thơ “ Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải ( Ngữ văn 9 – tập 2 ) .

Bài làm :

( Bài làm mẫu của thầy giáo Lê Minh Thiên – THCS Đặng Chánh Kỷ - Nam Đàn)

 Câu 1 : Câu nói“ Hãy cảm ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó , nhưng chớ quên người cầm đèn đang kiên nhẫn đứng trong đêm ” của R.Ta – gor xứng đáng được liệt vào kho tàng những câu danh ngôn bất hủ của nhân loại . Là bởi , ở đó một triết lý nhân văn sâu sắc chứa đựng ý nghĩa giáo dục lớn lao về sự tri ân đối với cuộc đời đã được đại thi hào nổi tiếng này cô đúc trong một cách nói hết sức ấn tượng .

 Ánh sáng của ngọn đèn giúp soi rõ mọi vật , tỏa sáng bóng đêm . Đó là một điều giản dị nhưng rất thiết thực trong cuộc sống , không ai là không nhận thấy . Nếu không có những ngọn đèn như thế thì sẽ luôn có một nửa thế giới của nhân loại sẽ bị ám ảnh bởi những bóng đêm khủng khiếp . Con người sẽ khó khăn biết bao khi đối diện với đêm tối . Tuy nhiên , để có được cái ánh sáng kỳ diệu ấy thì không những cần tới người làm ra ngọn đèn mà còn phải cần tới người cầm đèn đang kiên nhẫn đứng trong đêm . Hai mặt của một vấn đề ấy có một mối quan hệ rất biện chứng với nhau . Bởi thế , xét theo nghĩa đen , câu nói này của R.Ta – gor , khuyên nhủ chúng ta không chỉ phải biết hàm ơn ngọn đèn vì nó đã mang lại ánh sáng mà còn phải nhận biết để đặc biệt tri ân những công sức của những con người thầm lặng cầm đèn soi cho chúng ta trong đêm tối .

 

doc 8 trang Người đăng honghoa45 Lượt xem 2368Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi học sinh giỏi tỉnh lớp 9 thcs tỉnh Nghệ An năm học 2011 – 2012 môn: Ngữ văn - Bảng A", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
KỲ THI HỌC SINH GIỎI TỈNH LỚP 9 THCS TỈNH NGHỆ AN
NĂM HỌC 2011 – 2012 MÔN : NGỮ VĂN - BẢNG A
Thời gian 120 phút không kể thời gian giao nhận đề
Đề chính thức
( Nhóm tác giả ra đề : Nguyễn Thị Thương – THCS Lê Lợi – Thành phố Vinh
Lê Minh Thiên – THCS Đặng Chánh Kỷ - Nam Đàn
Lê Thị Phương Minh – THCS Lê Hồng Phong – Hưng Nguyên )
Câu 1 (8,0 điểm ) :
	“ Hãy cảm ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó , nhưng chớ quên người cầm đèn đang kiên nhẫn đứng trong đêm ” ( R.Ta – gor ) .
	Trình bày suy nghĩ của em về vấn đề trên .
Câu 2 ( 12 điểm ) : 
	“ Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác , vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sỹ mang trong lòng ” .
( “ Tiếng nói của văn nghệ ” – Nguyễn Đình Thi – Ngữ văn 9 – tập 2 )
	Hãy làm rõ điều đó trong bài thơ “ Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải ( Ngữ văn 9 – tập 2 ) .
Bài làm :
( Bài làm mẫu của thầy giáo Lê Minh Thiên – THCS Đặng Chánh Kỷ - Nam Đàn)
	Câu 1 : Câu nói“ Hãy cảm ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó , nhưng chớ quên người cầm đèn đang kiên nhẫn đứng trong đêm ” của R.Ta – gor xứng đáng được liệt vào kho tàng những câu danh ngôn bất hủ của nhân loại . Là bởi , ở đó một triết lý nhân văn sâu sắc chứa đựng ý nghĩa giáo dục lớn lao về sự tri ân đối với cuộc đời đã được đại thi hào nổi tiếng này cô đúc trong một cách nói hết sức ấn tượng .
	Ánh sáng của ngọn đèn giúp soi rõ mọi vật , tỏa sáng bóng đêm . Đó là một điều giản dị nhưng rất thiết thực trong cuộc sống , không ai là không nhận thấy . Nếu không có những ngọn đèn như thế thì sẽ luôn có một nửa thế giới của nhân loại sẽ bị ám ảnh bởi những bóng đêm khủng khiếp . Con người sẽ khó khăn biết bao khi đối diện với đêm tối . Tuy nhiên , để có được cái ánh sáng kỳ diệu ấy thì không những cần tới người làm ra ngọn đèn mà còn phải cần tới người cầm đèn đang kiên nhẫn đứng trong đêm . Hai mặt của một vấn đề ấy có một mối quan hệ rất biện chứng với nhau . Bởi thế , xét theo nghĩa đen , câu nói này của R.Ta – gor , khuyên nhủ chúng ta không chỉ phải biết hàm ơn ngọn đèn vì nó đã mang lại ánh sáng mà còn phải nhận biết để đặc biệt tri ân những công sức của những con người thầm lặng cầm đèn soi cho chúng ta trong đêm tối . 
	Mượn hình ảnh ánh sáng ngọn đèn và người cầm đèn như thế , tác giả của câu danh ngôn này đã đề cập một vấn đề nhân văn rất sâu sắc . Trong khi hình ảnh ngọn đèn và ánh sáng của nó tượng trưng cho những thành quả tốt đẹp mà cuộc đời mang lại thì hình ảnh người cầm đèn lại tượng trưng cho những đóng góp , những hy sinh thầm lặng . Cách nói của Ta – gor được thể hiện bằng một nghệ thuật đòn bẩy hết sức độc đáo . Vấn đề “ Hãy cảm ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó ” là một nét đẹp ứng xử ân nghĩa mang tính nền tảng của đạo lý làm người , không ai là không thấm thía . Tuy nhiên , trong khi phần lớn chúng ta đã có ý thức dành cho những công lao to lớn những sự tri ân đúng mực thì lại vô tình hoặc thậm chí là cố ý lãng quên đi những đóng góp thầm lặng . Tất cả công sức làm nên những thành quả như ngọn đèn và ánh sáng của nó không phải bao giờ cũng được chúng ta ghi nhận một cách thấu đáo . Người tạo ra những thành quả to lớn cho cuộc đời được mọi người tôn trọng , ngưỡng mộ , tri ân là điều hoàn toàn xứng đáng . Nhưng bên cạnh đó , đại thi hào Ta – gor với tinh thần nhân văn đẹp đẽ của mình còn đặc biệt lưu ý chúng ta phải biết nâng niu , trân trọng những đóng góp âm thầm , bền bỉ mà nếu không có một cái nhìn tinh tế và cao thượng thì không dễ gì chúng ta có thể nhận thấy . Vế sau trong câu danh ngôn này của ông “ Người cầm đèn đang kiên nhẫn đứng trong đêm ” chính là cách nói rất hình ảnh về những sự đóng góp như thế . 
	Câu nói của Ta – gor gồm hai vế tương hỗ cho nhau để cùng bàn về lẽ sống tri ân . Nhưng có thể nhận thấy ở vế trước của câu nói này dường như chỉ đơn thuần là đạo lý uống nước nhớ nguồn , ăn quả nhớ kẻ trồng cây . Chúng ta không thể phủ nhận tính giáo dục của nó , nhưng dù sao đó cũng chỉ là một quan niệm nhân sinh khá phổ biến . Nếu chỉ nói như vậy thì chúng ta không thấy có sự khác biệt giữa thiên tài Ta – gor với những người bình thường khác . Tuy nhiên , đại thi hào đã thể hiện được vị thế của mình bằng cách nói ở vế sau của câu danh ngôn . Đây là mấu chốt của vấn đề làm nên điểm sáng trong tinh thần nhân văn cao cả của một cây bút từng vinh dự được nhận giải thưởng Nô – ben văn học . Ông đã thể hiện sự đặc biệt nâng niu , trân trọng biết bao đối với những công lao thầm lặng .
	Soi vào trong thực tiễn cuộc đời chúng ta mới thấy hết ý nghĩa nhân văn to lớn mà Ta – gor đúc kết . Mỗi một góc nhỏ thôi trong thành quả chung mà chúng ta đang ngày ngày được hưởng thụ không phải bổng dưng mà có . Nhìn rộng ra thì đó chính là hệ quả được tích lũy của không biết bao nhiêu công sức của bao người trong nhiều thế hệ . Việc chúng ta cần biết để tri ân cuộc đời là một chuẩn mực của ứng xử . Tính đúng đắn của vấn đề này đã thuộc về phạm trù nhân bản cho nên bất kỳ ai cũng thừa nhận . Sinh thời , chính Bác Hồ kính yêu cũng đã từng căn dặn các cháu thiếu niên nhi đồng rằng “ Các vua Hùng đã có công dựng nước , Bác cháu ta phải có công giữ nước ” . Suy cho cùng đây chính là thái độ trân trọng những thành quả của bao thế hệ cha ông . Giữ gìn và phát huy vẻ đẹp của những thành quả đó không chỉ là chúng ta đang xây dựng cuộc sống bền vững của chính mình mà còn là cách để chúng ta trả món nợ ân nghĩa , thiêng liêng , sâu nặng của cuộc đời . 
	Nhưng để thể hiện sự mang ơn đối với những người đã tạo ra thành quả mà nếu chúng ta chỉ mới “ Cảm ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó ” rõ ràng là hoàn toàn chưa đủ . Khi đi trong đêm tối , được ánh sáng của ngọn đèn soi tỏ , ta hiểu ra vấn đề mà biết ơn ngọn đèn âu cũng là lẽ thường tình . Đây chắc chắn là điều chúng ta phải làm vì đó là cái mặt nổi của vấn đề và cũng là phần quan trọng nhất của lối sống tri ân . Nhưng Ta – gor còn muốn khuyên chúng ta phải hoàn thiện hơn cách ứng xử này bằng cách không bao giờ được quên “ Người cầm đèn đang kiên nhẫn đứng trong đêm ” . Đây chính là một góc khuất của lối sống tri ân mà chúng ta không phải bao giờ cũng dễ dàng nhận thấy . Đôi khi chỉ do thiếu một cái nhìn nhân ái mà chúng ta đã trở thành kẻ vô ơn , bội bạc lúc nào không hay . Trên sân khấu , một diễn viên tài ba nào đó đã vừa trình diễn xuất sắc một ca khúc của mình . Đó là một ca khúc đã tạo nên sự rung động mãnh liệt đối với hàng triệu triệu trái tim . Chúng ta đã tung hô diễn viên nọ như một vị thánh sống . Dĩ nhiên , với tài năng kiệt xuất của mình , anh ta xứng đáng được tôn trọng và ngưỡng mộ . Có thể hiểu rằng món quà tuyệt vời mà anh ta vừa mang lại cho chúng ta chính là ngọn đèn và ánh sáng của nó . Đó là những thành quả đẹp đẽ và đáng quý biết bao trong cuộc đời này . Nhưng , chỉ biết ơn con người anh ta không thôi sẽ là chưa đủ . Để có được cái ánh hào quang như vậy trên sân khấu còn phải kể đến công sức của bao nhiêu con người thầm lặng khác. Chưa kể xa hơn là cha mẹ anh ta đã sinh thành , các thầy cô giáo của anh ta đã dưỡng dục thì gần hơn cũng có thể kể tới những nhạc sĩ , nhạc công , những nhân viên kỹ thuật , nghệ sĩ hóa trang vv ... Họ chính là “ Người cầm đèn đang kiên nhẫn đứng trong đêm ” . Không biết ghi nhận sự đóng góp của những con người này sau những thành công thì sẽ là một khiếm khuyết trầm trọng . Tuy nhiên , để đem được cái tinh thần nhân văn ấy ứng dụng trong cuộc sống cũng không phải là chuyện dễ dàng . Lý thuyết là một chuyện còn thực hiện lại là chuyện khác . Hãy tưởng tượng là chúng ta đang đi trên một con đường quốc lộ phong quang , rộng rãi và hiện đại . Cùng lắm chúng ta chỉ biết thầm cảm ơn những người đã làm nên con đường ấy chứ mấy ai biết nghĩ thêm rằng : đóng góp vào việc làm đẹp con đường ta đi còn có những người như chị lao công “ Đêm đêm quét rác ” . Để ghi nhận công lao của những con người bình dị như chị lao công ấy rõ ràng là cần ở chúng ta một sự mở lòng . Câu nói trên của R. Ta – gor chính là muốn chúng ta phải luôn thực sự thấm thía điều này . Đó là một vẻ đẹp nhân văn cao thượng đến từ trái tim của một nghệ sĩ lớn . 
	Nhắc nhở về lối sống ân nghĩa là điều không hề mới nhưng đối với đạo làm người đó vẫn luôn là một “ Gươm báu răn mình ” . Càng đọc , càng suy ngẫm về câu danh ngôn trên của Ta – gor chúng ta được nâng cao hơn về nhận thức của mình . Tri ân cuộc đời nói chung mà đặc biệt là tri ân những công lao thầm lặng , bền bỉ nói riêng chính là một bài học làm người vẫn luôn sống mãi với thời gian .
	Câu 2 : Đối với những người cầm bút thì trong chặng đường sáng tạo gian khổ và vinh quang của mình , mỗi đứa con tinh thần của họ ra đời đều chính là một thành tựu nghệ thuật mang đầy tâm huyết . Tác phẩm là nơi được lựa chọn để người nghệ sỹ thực hiện sứ mệnh gửi bức thông điệp mà mình ấp ủ đến với cuộc đời . Đúng như nhà văn Nguyễn Đình Thi , trong văn bản “ Tiếng nói của văn nghệ ” đã khẳng định“ Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác , vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sỹ mang trong lòng ” . Chỉ cần tìm hiểu một trong những tác phẩm văn học tiêu biểu là bài thơ “ Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải để minh họa chúng ta cũng sẽ thấy rõ điều này .
	Trước hết cần phải thấy rằng nhận định nói trên của Nguyễn Đình Thi là hết sức xác đáng .Với việc sử dụng điệp ngữ vừa là trong hai vế câu của nhận định này ông đã cô đúc được những giá trị đồng thời của tác phẩm văn chương trong một cách nói rất ấn tượng . Đó thực sự là một am hiểu sâu sắc , uyên bác của một con người đã có bề dày lăn lộn với sự nghiệp sáng tác cũng như lý luận , phê bình và nghiên cứu văn học . Ông đã nâng tầm cho chúng ta cách cảm thụ , đánh giá tác phẩm có thêm chiều sâu của tư duy lý luận .
	Sở dĩ ông nói Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác , bởi vì đó là đứa con tinh thần của nhà văn , là nơi nhà văn gửi gắm những tình cảm sâu sắc nhất , những cảm xúc , khát vọng chân thành , mãnh liệt nhất về con người và cuộc đời . Thiếu đi điều này thì ngọn bút của người nghệ sỹ không thể thăng hoa và anh ta vì thế sẽ bất lực trên mọi hành trình sáng tạo . Chúng ta hãy đặc biệt chú ý chữ dùng kết tinh trong cách nói của Nguyễn Đình Thi . Rằng tác phẩm văn chương không thể là một sản phẩm hời hợt , nhạt nhẽo của tâm hồn mà phải là tiếng nói đến từ những tầng cảm xúc chân thành , mãnh liệt . Bao nhiêu xúc động , bao nhiêu tình yêu cũng như nỗi đau đời hết sức nhạy cảm trong tâm hồn người nghệ sỹ mới chính là bấy nhiêu chất men thực sự của sáng tạo nghệ thuật . Đó là những nhãn quan đặc biệt vốn dĩ là tiềm năng thiên bẩm của người cầm bút . Tuy nhiên , điều này chỉ áp dụng đối với những nhà văn , nhà thơ đích thực với những tác phẩm chân chính đã được khẳng định giá trị thông qua sự sàng lọc kỹ lưỡng của thời gian . Đối với những tác phẩm chỉ chạy theo thói xun xoe , nịnh bợ hay lòe bịp mị dân hoặc là vì những dục vọng tầm thường thì không được tính đến ở đây . 
	Cái sự ...  Phải đợi đến khi Chính Hữu trở thành người lính của trung đoàn Thủ đô anh hùng , được sống thực sự cuộc sống của người lính thì lúc bấy giờ thơ của ông viết về họ mới trở nên mộc mạc và chân thực . Hình ảnh “ Áo anh rách vai – Quần tôi có vài mảnh vá – Miệng cười buốt giá – Chân không giày ” mới chính là bức chân dung sống động nhất của người lính lúc bấy giờ .
	Xin lấy thêm một ví dụ khác . Nhà thơ Hoàng Cầm đã viết bài thơ “ Bên kia sông Đuống ” trong hoàn cảnh nào ? Nếu không phải là đang ở bên này bờ sông , nghe tin bên kia sông Đuống quê hương Kinh Bắc của ông đang bị giặc bắn phá tơi bời , Hoàng Cầm đã thức trắng đêm viết liền một mạch bài thơ nổi tiếng này . Đó là những dẫn chứng hùng hồn khẳng định rằng những tác phẩm văn học thực sự có giá trị bao giờ cũng đến từ những nỗi xúc động vô cùng sâu sắc , mãnh liệt và đúng là đã kết tinh của tâm hồn người sáng tác . Mảnh đất sống của tác phẩm chính là những rung động chân thành của nhà văn bắt nguồn từ hơi thở ấm nóng của cuộc đời .
	Tuy nhiên , đó chỉ mới là một nửa của vấn đề , nhà văn Nguyễn Đình Thi trong nhận định của mình còn nói tác phẩm văn học vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sỹ mang trong lòng. Đây chính là chức năng cầu nối đặc trưng giữa nhà văn và bạn đọc thông qua sợi dây tác phẩm . Khi nhà văn nung nấu , chưng cất được một điều gì đó thật lớn lao , mới mẻ từ cuộc sống anh ta sẽ gọt đẽo một cách công phu để biến nó thành một ý nghĩa nhân văn và gửi vào tác phẩm , từ tác phẩm mang đến với cuộc đời . Cái chặng hành trình ấy là một vòng quay hoàn hảo của sáng tạo và tái tạo . Cái đời sống trong tác phẩm tất nhiên là bắt nguồn từ đời sống của thế giới hiện thực . Tuy nhiên , nếu như cái đẹp trong cuộc sống chỉ mới là hình ảnh của một viên ngọc thô thì nhà văn khi đưa vào tác phẩm đã mài giũa , gọt đẽo để sao cho nó có thể trở thành một viên ngọc toàn bích . Chính nhờ cái quyền năng vô tận ấy của sáng tạo từ ngòi bút của nhà văn cho nên cái đẹp trong tác phẩm mới luôn trở thành một nguồn hấp dẫn rất lớn . Chúng ta , phàm là người Việt Nam , có ai mà không cảm thấy rất đỗi thân thuộc với những lũy tre làng . Nhưng , đã có ai trong chúng ta cảm nhận thấy những cây tre bình dị kia cất lên được những giai điệu của cuộc sống ? Vậy mà khi đọc những câu thơ này của Nguyễn Duy “ Lưng trần phơi nắng , phơi sương – Có manh áo cộc tre nhường cho con ” thử hỏi có ai có thể cầm được lòng mình ? ... Chính Bielinnki cũng đã từng nói rằng : “ Bất cứ thi sĩ nào cũng không thể trở thành vĩ đại nếu họ chỉ do ở mình và miêu tả mình – dù đó là miêu tả những nỗi đau hay niềm hạnh phúc . Bất cứ thi sĩ vĩ đại nào , sở dĩ họ vĩ đại là vì những đau khổ và hạnh phúc của họ bắt nguồn từ hoẳng sâu thẳm của lịch sử xã hội , bởi vì họ là khí quan của xã hội , của thời đại và của nhân loại ”. Sự nhạy cảm của tác giả sẽ là cây chìa khóa tạo nên sự đánh động , thức tỉnh những sự đồng điệu ở tâm hồn người đọc .
	Cần phải nói thêm trong nhận định của Nguyễn Đình Thi , ông đã chú trọng tới cái gọi là sự sống mà nghệ sỹ mang trong lòng . Điều đó khẳng định những tác động tích cực của tác phẩm văn học vào cuộc sống . Một khi sợi dây truyền của nó chính là bằng những xúc động mãnh liệt của tâm hồn thì người đọc sẽ được soi tỏ bằng những quan điểm nhân văn tích cực và chính họ sẽ biết cách điều chỉnh hành vi trong cuộc sống của mình mà hướng tới cái cách sống đẹp hơn . Tác phẩm văn học cũng như một cách nói khác của Nguyễn Đình Thi trong văn bản “ Tiếng nói của văn nghệ ” rằng không chỉ trỏ cho ta con đường đi mà chỉ vào bên trong đốt lửa lên trong lòng chúng ta khiến chúng ta có sự tiếp cận với cuộc đời một cách tích cực hơn . 
	Đối với hoàn cảnh của nhà thơ Thanh Hải khi làm bài thơ “ Mùa xuân nho nhỏ” thì đó là một trường hợp rất đặc biệt khiến chúng ta vô cùng xúc động . Không thể ngờ rằng trong những thời khắc cuối cùng của cuộc đời trên giường bệnh mà ông vẫn có thể làm nên một dòng cảm xúc trữ tình trong sáng , tin yêu phơi phới một tinh thần lạc quan và nổi bật một khát vọng hòa nhập , cống hiến đẹp đẽ đến là vậy . Bài thơ trước hết là sự kết tinh , chắt lọc của tâm hồn thơ Thanh Hải với cách nói nhỏ nhẹ , khiêm nhường nhưng có sức lay động , làm xao xuyến lòng người . Để rồi , từ những cảm xúc trong sáng ấy của mình tiếng lòng của ông đã tạo nên những dư ba trong tâm hồn hàng triệu triệu độc giả mọi thời đại . 
	Mở đầu bài thơ này , khi viết về cái đẹp của mùa xuân , nhà thơ không đi trên những lối mòn quen thuộc đã trở nên sáo rỗng với những chim én liệng , hoa Mai , hoa Đào chúm chím nở hay mưa bụi rơi rơi ... Nhà thơ đã chăm chú quan sát , chăm chú lắng nghe để rồi phát hiện , nâng niu trân trọng những cái đẹp thật đơn sơ , bình dị để đưa vào những vần thơ của mình . Đó dù chỉ là một bông hoa lục bình tím biếc mọc giữa dòng sông xanh hay chỉ là âm vang trong trẻo của một tiếng chim chiền chiện nhưng bức tranh mùa xuân mà nhà thơ mang lại vẫn có đủ sức làm lay động lòng người . Cái đẹp đó rõ ràng là đã kết tinh từ một tâm hồn dung dị , luôn luôn tha thiết gắn bó và khao khát hòa nhập với cuộc đời .
	Nằm trên giường bệnh nhưng Thanh Hải vẫn thể hiện được mối giao hòa rất đẹp giữa tâm hồn mình với cuộc đời chung . Ông vẫn cảm nhận được ngoài kia là không khí thời đại , là tinh thần cách mạng đang vô cùng hối hả khẩn trương với lộc giắt đầy quanh lưng trên vành lá ngụy trang của người ra trận và lộc cũng đang trải dài trên nương mạ của người ra đồng . Cả dân tộc đang rất phấn khởi , tin tưởng trên con đường hàn gắn vết thương chiến tranh và từng bước dựng xây cuộc đời mới . Nhà thơ vì thế đã cảm nhận được đất nước như vì sao – cứ đi lên phía trước với một niềm tin vô cùng tươi sáng . 
	Từ cái đẹp của mùa xuân đất trời tạo vật cũng như từ cái đẹp của mùa xuân cuộc đời , mùa xuân thời đại như thế nhà thơ đã cảm thấy trỗi dậy trong lòng mình biết bao thôi thúc , giục giã . Ông chân thành tha thiết bày tỏ ước nguyện được đóng góp một chút tôi nhỏ bé của mình trước cái chung đang bừng bừng khí thế ấy . Đó là một niềm khao khát đẹp đẽ được nhà thơ phô ra tận đáy lòng mình . Ông muốn làm một con chim hót để hòa vào muôn ngàn tiếng chim của cuộc đời , muốn làm một nhành hoa nở để hòa vào cái vườn hoa trăm hồng ngàn tía của đất nước và muốn làm một nốt trầm xao xuyến để góp mình vào trong bản hòa ca rộng ràng của thời đại. Những ước nguyện ấy đều khiêm nhường , bình dị nhưng đều giống như những ngọn lửa của niềm say mê cháy sáng đến hết mình . Cái mùa xuân nho nhỏ đáng yêu trong sự sống của nhà thơ được ông thành tâm dâng cho cuộc đời bằng tất cả sự tin yêu và tự nguyện . Dù đó là lúc tuổi hai mươi trẻ trung tràn đầy nhiệt huyết hay dù đó là khi tóc bạc tuổi già bóng xế . Trái tim nhỏ bé trong lồng ngực nhà thơ còn đập thì vẫn còn đó cái khát vọng lớn lao được cống hiến những gì tinh túy nhất của bản thân cho cuộc đời . 
	Bài thơ đặt ra một vấn đề trang trọng về lý tưởng sống nhưng Thanh Hải đã không hề hô hào mang tính khẩu hiệu . Ông đã chứng tỏ nó bằng một hiện thực rất cảm động của chính cuộc đời mình . Bằng chứng là trong những tháng ngày vật lộn với tử sinh trên giường bệnh nhưng ông đã không hề buông xuôi , bỏ cuộc . Trái lại , ông đã tận dụng chút ít thời gian còn lại của cuộc đời để làm nên khúc ca “ Mùa xuân nho nhỏ” . Đó thực sự là một đóng góp đầy hữu ích mà chúng ta phải ghi nhận. Bài thơ giản dị như tiếng lòng của Thanh Hải và cũng chính là món quà đẹp đẽ mà ông gửi lại cho đời trước lúc đi xa .Nổ lực phi thường ấy của nhà thơ càng cho thấy rằng nếu không để cho tâm hồn của mình gắn bó thiết tha với cuộc đời thì làm sao ông có thể làm nên một khúc ca đầy những vẻ đẹp trong sáng tin yêu như thế trong một hoàn cảnh đặc biệt của mình . 
	Từ mùa xuân nho nhỏ của mình , Thanh Hải đã truyền vào trái tim độc giả một nhiệt huyết thật sự say mê của cuộc sống . Không phải là những bài học luân lý khô cứng mang tính giáo điều sách vở mà nhà thơ đã mang đến cho chúng ta một tiếng nói của tâm hồn . Chổ giao nhau giữa tác phẩm với độc giả chính là những tri âm , tri kỉ , những đồng điệu của cảm xúc . Chính vì lẽ đó mà nó có sức mạnh hơn bất kỳ một bài thuyết giảng nào . Từ những hình ảnh dòng sông xanh , bông hoa tím , tiếng chim chiền chiện mà nhà thơ đã liệt kê rất chọn lọc ở phần đầu của bài thơ như càng khiến chúng ta biết nâng niu , trân trọng hơn những cái đẹp đơn sơ trong cuộc sống của mình . Đó cũng giống như cái hình ảnh của một bãi bồi bên kia sông Hồng đã trở thành một niềm thao thức thiết tha , cháy bỏng của nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn “ Bến Quê ” của nhà văn Nguyễn Minh Châu hay cũng giống như tiếng gà cục tác , ổ trướng hồng tuổi thơ trong bài thơ “ Tiếng gà trưa ” của nhà thơ Xuân Quỳnh . Những hình ảnh cuộc đời mộc mạc ấy nếu ta biết trân trọng , yêu thương gắn bó thì đó sẽ mãi mãi là những mảnh tâm hồn đẹp đẽ và sẽ cùng ta đi suốt cuộc đời . 
	Từ hình ảnh của mùa xuân đất nước , mùa xuân thời đại với những chồi tơ , lộc biếc trên vành lá ngụy trang của người ra trận cũng như trên nương mạ của người ra đồng được Thanh Hải nói đến trong bài thơ đã đốt lửa lên trong lòng chúng ta tình yêu và niềm tin vào con đường đi tươi sáng trong sự nghiệp cách mạng lớn lao của dân tộc . Nó khiến chúng ta càng thêm gắn bó hơn với chính cuộc đời này . 
	Nhưng có lẽ bức thông điệp đáng chú ý nhất trong “ Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải chính là quan điểm sống cống hiến vô cùng cao đẹp của nhà thơ . Điều này đã tạo nên những tác động hết sức tích cực trong suy nghĩ cũng như hành động của chúng ta . Sẽ không quá khi nói rằng những lời thơ mở lòng kia của một một nhà thơ trước lúc đi xa đã soi tỏ cho chúng ta một cách nhập thế khi đang băn khoăn tìm kiếm lẽ yêu đời . “ Mùa xuân nho nhỏ” vì thế đã tạo nên một sự cộng hưởng giữa nhà thơ với độc giả . Tiếng lòng của Thanh Hải đã trở thành tiếng hát của muôn nhà , tiếng hát của lý tưởng sống cao đẹp . Cái tôi riêng của người nghệ sỹ rất chân thành , thiết tha ấy đã hòa vào cái ta chung của cuộc đời làm thức dậy trong mỗi con người mà đặc biệt là những con người trẻ tuổi ý thức về một lẽ sống đẹp . Rằng , không có gì đáng trân trọng hơn của một đời người khi chúng ta biết thành tâm cống hiến những gì đẹp nhất của chính bản thân cho dân tộc , cho đất nước , cho thời đại .
	Văn học chính là một bờ bến vô cùng của nghệ thuật ngôn từ . Nghệ sỹ chính là người khơi nguồn cho những sáng tạo đó . Đến lượt mình độc giả vừa là người tiếp nhận lại vừa là người đồng sáng tạo . Chổ giao thoa kỳ diệu ấy giữa tác phẩm với thế giới bạn đọc đã khiến cho dù trải qua bao nhiêu thăng trầm dâu bể , bao nhiêu biến thiên thay đổi của cuộc đời nhưng những áng văn lạ , những vần thơ hay vẫn luôn có một sức hấp dẫn đặc biệt . Ta đến với tác phẩm văn học như là để soi mình trong tấm gương lớn của cuộc đời để từng bước hoàn thiện mình hơn .
	Nam Đàn mùa thi HSG Tỉnh năm học 2011 – 2012
	Tác giả : Lê Minh Thiên – THCS ĐCK 

Tài liệu đính kèm:

  • docBai lam mau cho de thi HSG Tinh Nghe An Mon Ngu Van 9 2011 2012.doc