Giáo án môn Ngữ văn khối 9 - Độc thoại nội tâm trong “Truyện Kiều” - Một hình thức giao tiếp đặc biệt

Giáo án môn Ngữ văn khối 9 - Độc thoại nội tâm trong “Truyện Kiều” - Một hình thức giao tiếp đặc biệt

Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp quan trọng của con người. Trong giao tiếp, con người giao tiếp với nhau thì có giao tiếp một chiều và giao tiếp hai chiều. Trong giao tiếp một chiều chỉ có một bên nói còn bên kia tiếp nhận, không phát biểu. hình thức này thường gặp ở nhữnh mệnh lệnh, lời khấn và ngày nay trong diễn văn và lời của phát ngôn viên truyền thanh , truyền hình. Trong hoạt động giao tiếp thường diễn ra các hình thức hội thoại như : song thoại, tam thoại, đa thoại . còn có hình thức hội thoại đặc biệt mà chúng tôi đề cập đến trong tiểu luận này là vấn đề giao tiếp bằng hình thức độc thoại, mà là độc thoại nội tâm. Có thể nói một cách khái quát rằng, độc thoại là chỉ có một nhân vật phát biểu còn các nhân vật khác chỉ nghe nhưng không phát biểu, không có lời đáp lại; còn chuíng tôi nói ở đây là độc thoại nội tâm, tức là lời tự nhủ, tự mình nói với mình của các nhân vật. Nếu đối thoại là hình thức giao tiếp sử dụng hình thức nói năng giữa người này với người khác thì độc thoại là dạng giao tiếp đặc biệt của ngôn ngữ nhân vật, là hình thức nói với chính mình. Mà qua lời độc thoại đó người tiếp nhận ngôn bản (người đọc) có thể hiểu được tâm trạng nhân vật dù đó chỉ là kiểu ý nghĩ - tư duy bằng ngôn ngữ thầm.

Trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, tác giả đã tập trung ngòi bút của mình váo nhân vật chính là Thuý Kiều phục vụ cho việc biểu hiện tình cảm nhân đạo cao cả của ông đối với nàng Kiều. Ngoài nhân vật chính, ông lại xây dựng được hàng loạt nhân vật có cá tính và đã trở thành nhân vật điển hình trong văn học : Kim Trọng,Từ Hải, Hoạn Thư, Tú Bà, Mã Giám Sinh, Thúc Sinh Ngay cả những nhân vật tưởng như rất phụ chỉ được nêu ra trong một số câu thơ, Nguyễn Du cũng để lại cho người đọc những hình ảnh khó quên qua những màn, những cuộc hội thoại trong tác phẩm. Chúng ta có thể tìm trong tác phẩm của Nguyễn Du rất nhiều hình thức hội thoại: đơn thoại, song thoại, tam thoại, đa thoại, đối thoại giữa người âm và người dương, đối thoại trực diện và đối thoại gián tiếp Nhưng, có một hình thức đối thoại đẳc biệt là độc thoại nội tâm. Có thể nói độc thoại nội tâm là một hình thức đặc biệt trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, là vấn đề phong phú ,hấp dẫn cho chúng ta đi tìm hiểu. Bằng sự thu nhặt những mớ kiến thức tản mạn của các giáo sư đầu ngành làm thành tư liệu riêng của mình mà làm thành tập tiểu luận nhỏ nhoi, tự nghĩ cũng hổ thẹn với bỉ nhân!. Mong rằng tập tiểu luận sẽ là một tài liệu nho nhỏ cho bạn đọc tham khảo và rất mong sự đóng góp, nhận xét của bạn đọc để tập tiểu luận được thêm hoàn chỉnh.

 

doc 10 trang Người đăng honghoa45 Lượt xem 528Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án môn Ngữ văn khối 9 - Độc thoại nội tâm trong “Truyện Kiều” - Một hình thức giao tiếp đặc biệt", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Độc thoại nội tâm trong “Truyện Kiều” - một hình thức giao tiếp đặc biệt
Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp quan trọng của con người. Trong giao tiếp, con người giao tiếp với nhau thì có giao tiếp một chiều và giao tiếp hai chiều. Trong giao tiếp một chiều chỉ có một bên nói còn bên kia tiếp nhận, không phát biểu. hình thức này thường gặp ở nhữnh mệnh lệnh, lời khấn và ngày nay trong diễn văn và lời của phát ngôn viên truyền thanh , truyền hình. Trong hoạt động giao tiếp thường diễn ra các hình thức hội thoại như : song thoại, tam thoại, đa thoại. còn có hình thức hội thoại đặc biệt mà chúng tôi đề cập đến trong tiểu luận này là vấn đề giao tiếp bằng hình thức độc thoại, mà là độc thoại nội tâm. Có thể nói một cách khái quát rằng, độc thoại là chỉ có một nhân vật phát biểu còn các nhân vật khác chỉ nghe nhưng không phát biểu, không có lời đáp lại; còn chuíng tôi nói ở đây là độc thoại nội tâm, tức là lời tự nhủ, tự mình nói với mình của các nhân vật. Nếu đối thoại là hình thức giao tiếp sử dụng hình thức nói năng giữa người này với người khác thì độc thoại là dạng giao tiếp đặc biệt của ngôn ngữ nhân vật, là hình thức nói với chính mình. Mà qua lời độc thoại đó người tiếp nhận ngôn bản (người đọc) có thể hiểu được tâm trạng nhân vật dù đó chỉ là kiểu ý nghĩ - tư duy bằng ngôn ngữ thầm. 
Trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, tác giả đã tập trung ngòi bút của mình váo nhân vật chính là Thuý Kiều phục vụ cho việc biểu hiện tình cảm nhân đạo cao cả của ông đối với nàng Kiều. Ngoài nhân vật chính, ông lại xây dựng được hàng loạt nhân vật có cá tính và đã trở thành nhân vật điển hình trong văn học : Kim Trọng,Từ Hải, Hoạn Thư, Tú Bà, Mã Giám Sinh, Thúc Sinh Ngay cả những nhân vật tưởng như rất phụ chỉ được nêu ra trong một số câu thơ, Nguyễn Du cũng để lại cho người đọc những hình ảnh khó quên qua những màn, những cuộc hội thoại trong tác phẩm. Chúng ta có thể tìm trong tác phẩm của Nguyễn Du rất nhiều hình thức hội thoại: đơn thoại, song thoại, tam thoại, đa thoại, đối thoại giữa người âm và người dương, đối thoại trực diện và đối thoại gián tiếp Nhưng, có một hình thức đối thoại đẳc biệt là độc thoại nội tâm. Có thể nói độc thoại nội tâm là một hình thức đặc biệt trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, là vấn đề phong phú ,hấp dẫn cho chúng ta đi tìm hiểu. Bằng sự thu nhặt những mớ kiến thức tản mạn của các giáo sư đầu ngành làm thành tư liệu riêng của mình mà làm thành tập tiểu luận nhỏ nhoi, tự nghĩ cũng hổ thẹn với bỉ nhân!. Mong rằng tập tiểu luận sẽ là một tài liệu nho nhỏ cho bạn đọc tham khảo và rất mong sự đóng góp, nhận xét của bạn đọc để tập tiểu luận được thêm hoàn chỉnh.
* Khái niệm : “ độc thoại nội tâm”: 
Độc thoại nội tâm là gì? 
Trước hết, trong nghệ thuật tự sự, ngoài lời gián tiếp của người kể còn có lời trực tiếp của nhân vật. theo lí thuyết phong cách học hiện đại, lời trực tiếp của nhân vật được thuật lại dưới bốn dạng thức sau: 
a. Dạng có dẫn ngữ trực tiếp: 
Nó giật mình rồi nói với mình: Mình sai rồi 
b. Dạng có dẫn ngữ gián tiếp: 
Nó giật mình rồi nói với chính mình là nó đã sai rồi 
c. Dạng gián tiếp tự do: 
Nó giật mình, nó thấy sai rồi. 
d. Dạng trực tiếp tự do: 
Nó giật mình. Nó sai rồi. 
Dạng thứ tư là dạng tiền đề để xuất hiện độc thoại nội tâm. Bởi vì điều kiện thứ nhất để xuất hiện độc thoại nội tâm là nhân vật tự do nói lời của mình một cách trực tiếp, nguyên vẹn, thoát khỏi mọi ràng buộc của lời gián tiếp của người kể, không có chỉ dẫn, dẫn dắt. Đồng thời độc thoại nội tâm cũng cần đặt trong ngữ cảnh của lời nói gián tiếp, nếu không thì nó khác chi lời trần thuật theo ngôi thứ nhất?. Điều kiện thứ hai là nó khác với lời độc thoại . độc thoại là lời nói một mình, trước và sau không có lời nào của ai khác nhưng người thứ ba đó đang nghe, nghe mà không trả lời như trong kịch và trong phim. Còn độc thoại nội tâm là lời độc thoại dùng vào việc miêu tả quá trình ý nghĩ trong nội tâm, và là lời nói thầm kín, viết ra để đọc chứ không nhằm nói ra thành tiếng như trong kịch mà người đọc qua đó có thể tiếp xúc được, hiểu được tâm trạng của nhân vật độc thoại nội tâm. Như vậy, lời trực tiếp tự do là hình thức đầu tiên của độc thoại nội tâm. 
Thứ hai, dòng ý thức cũng là một hình thức của độc thoại nội tâm, nhưng là độc thoại nội tâm với một sự tự do liên tưởng, không có mục tiêu đặc biệt nào; nó xuất hiện theo dòng ý thức, tâm trạng của nhân vật. 
Thứ ba, lời nửa trực tiếp cũng là hình thức của độc thoại nội tâm. Đó là bao gồm lời nói không chỉ phát ra lời của nhân vật , lời nửa trực tiếp, nơi mà tác giả nhân danh mình, nhưng lại nắm bắt từ ngữ và ngữ điệu của nhân vật, và lời độc thoại nội tâm , trong đó tiếng nói của nhân vật dường như được tách ra làm hai tiếng nói tranh cãi nhau; và hàng loạt lời suy luận chặt chẽ , hoặc lời mang những ý nghĩ mù mờ hỗn loạn. Tất cả những hình thức đó giúp cho nhà tiểu thuyết tái hiện một cách chân thực, không giản đơn sơ lược toàn bộ thế giới tâm hồn, trí tuệ của nhân vật ngày càng trở nên phức tạp và thường là mâu thuẫn. Như vậy, lời nửa trực tiếp có thể hiểu là lời của người kể chuyện mà cũng có thể hiểu là lời của nhân vật. Nói cách khác nó có hai tính chất: tính trực tiếp về nội dung, nó chứa thực ý và kiểu giọng của nhân vật; và được tác giả phát ngôn, viết như văn gián tiếp. Với cách hiểu như thế, thiết nghĩ có thể nói rẳng, lời nửa trực tiếp có hình thức truyền đạt là gián tiếp, không có lời chỉ dẫn, dẫn ngữ, không đặt sau hai chấm và trong ngoặc kép như một dẫn ngữ; hình thức lời thuật nhưng nội dung và ngữ điệu hoàn toàn là của nhân vật. Nói cách khác, chủ thể của lời nói là người kể, mà chủ thể ý thức của lời nói là nhân vật. 
Tóm lại, ba tiền đề để xuất hiện độc thoại nội tâm là lời nói trực tiếp tự do, dòng ý thức và lời nửa trực tiếp của nhân vật. Từ cách hiểu độc thoại nội tâm như thế, ta có thể đi tìm trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du những hình thức độc thoại nội tâm đó.
* Độc thoại nội tâm trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du : 
- Lời trực tiếp tự do trong Truyện Kiều : 
Chúng ta hãy đọc đoạn Vương Quan kể chuyện Đạm Tiên như sau: 
Vương Quan mới dẫn gần xa 
Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi. 
Nổi danh tài sắc một thì 
Xôn xao ngoài cửa thiếu gì yến anh 
Phận hồng nhan quá mong manh 
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương 
Có người khách ở viễn phương 
Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi 
Thuyền tình vừa ghé đến nơi 
Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ. 
Buồng không lặng ngắt như tờ 
Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh 
Khóc than khôn xiết sự tình 
Khéo vô duyên bấy là mình với ta! 
Đã khong duyên trước chăng mà, 
Thì chi chút ước gọi là duyên sau 
Sắm sanh nếp tử xe châu 
Vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa 
Đây là lời kể trực tiếp của nhân vật Vương Quan, nhưng đặc biệt là trong đó, đã xuất hiện lời độc thoại nội tâm của người khách viễn phương: 
Khéo vô duyên bấy là mình với ta 
Đã không duyên trước chăng mà 
Thì chi chút ước gọi là duyên sau. 
Lời này không có chỉ dẫn dẫn ngữ, lại là lời trực tiếp của người khách nói ý nghĩ, ý nguyện của mìnhđể lẫn trong lời của Vương Quan. Câu “ Khóc than khôn xiết sự tình” chỉ là lời tự sự, ý vị chỉ dẫn hầu như bị mờ hoàn toàn. Chữ “mình” với “ta” là cách xưng hô thân mật riêng của người khách và người chết. Các chữ ”Đã không duyên trướcThì chiduyên sau” là dấu hiệu của lời khấn. tuy có vẻ là lời nói với người chết, nhưng thật ra là nhân vật nói với mình, nói một mình. Đây hoàn toàn là lời độc thoại nội tâm tiêu biểu, nó nói lên khả năng xuất hiện độc thoại nội tâm trong dòng lời kể theo ngôi thứ nhất, một cái”tôi” nhân vật xuất hiện trong ngữ cảnh của dòng tự sự theo ngôi thứ nhất. 
Đoạn Kim Kiều gặp gỡ có những câu: 
Kim từ quán khách lân la 
Tuần trăng thấm thoát nay đã thêm hai 
Cách tường khoảng buổi êm trời 
Dưới đào dường có bóng người thướt tha 
Buông cầm, xốc áo, vội ra 
Hương còn thơm nức người đà vắng tanh 
Lần theo tường gấm dạo quanh 
Trên đào nhác thấy một cành kim thoa 
Giơ tay với lấy về nhà 
Này trong khuê các đâu mà đến đây? 
Gẫm đâu người ấy báu này 
Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm 
Liền tay ngắm nghía biếng nằm 
Trong đoạn thơ trên thì câu : “ Dưới đào dường có bóng chiều thướt tha” và “ Hương còn thơm nức người đà vắng tanh” hay “ Này trong khuê các đâu mà đến đây?/ Gẫm âu vật ấy, báo này / Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm” là lời độc thoại nội tâm của nhân vật Kim Trọng. Có thể viết trứơc những câu đó mấy chữ:” Kim Trọng nghĩ bụng” thì sẽ rõ ràng. Nhưng thông qua đoạn trích, ta có thể hiểu những câu ấy là suy nghĩ thầm của Kim Trọng. Đó là lời trực tiếp tự do trong đoạn trích, trước và sau kông có lời nào khác, nó dùng để miêu tả quá trình ý nghĩ trong nội tâm, đó là lời thầm kín. 
Hay trong đoạn kể Kiều bị bắt cóc, Thúc ông tưởng Kiều đã chết cháy: 
Ngay tình ai biết mưu gian 
Hẳn nàng thôi, lại còn bàn rằng ai! 
Thúc ông sùi sụt ngắn dài 
Đoạn kể Kiều bị bắt về nhà Hoạn Bà: 
Hoàng lương chợt tỉnh hồn mai 
Cửa nhà đâu mất, lau đài nào đây? 
Bàng hoàng giở tình, giở say 
Hai câu giữa trong hai đoạn trích này đều là lời trực tiếp tự do với ngữ diệu nói , ý thức người nói khác hẳn với lời trần thuật, làm cho lời trần thuật chủ thể hoá. Lời nói của nhân vật không cần lời dẫn mà trực tiếp tự do, tự do trong thể hiện suy nghĩ của mình. 
Không chỉ lời trần thuật của tác giả biến thành lời trực tiếp tự do của nhân vật trở thành trần thuật chủ thể hoá, mà đối thoại của nhân vật cũng được dộc thoại hoá. Ví dụ như đoạn Kim Trọng được tin chú mất, phải về hộ tang, bèn sang chỗ Thúy Kiều tự tình: 
Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng 
Băng mình lẻn trước đài trang tự tình. 
Gót đầu mọi nỗi đinh ninh, 
Nỗi nhà tang tóc, nỗi mình xa xôi. 
Sự đâu chua kịp đôi hồi, 
Duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ. 
Trăng thề còn đó trơ trơ, 
Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng. 
Ngoài nghìn dặm, chóc ba đông 
Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy. 
Gìn vàng, giữ ngọc cho hay, 
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời. 
Hai dòng đầu là thuật sự việc xảy ra và phản ứng của Kim Trọng. Hai dòng tiếp theo là tóm lược nội dung những lời Kim Trọng thông báo tình cảnh của mình cho Kiều nghe. Đây là hình thức rất mới, bởi như ta biết, vào trường hợp tương tự, các truyện Trung Hoa để cho nhân vật nhắc lại nguyên si các lời đã nói; còn ở đây Nguyễn Du thật lại lời của nhân vật một cách gián tiếp. Ở đây lời trực tiếp tự do của nhân vật trón dấu hiệu dẫn lời, từ lời tóm tắt của người kể chuyển sang đối thoại mà như là độc thoại. Sáu dòng tiếp theo là lời nói như lời than thở độc thoại, chỉ tới hai dòng cuối mới hướng vào Thuý Kiều như một lờ cầu xin. Do vậy ta như không phải nghe đối thoại mà nghe lời thổ lộ trực tiếp tự do nội tâm của nhân vật. 
Một ví dụ khác, đoạn Hoạn Thư nói với Bạc Bà: 
Roi câu vừa gióng dặm trường (1) 
Xe hương nàng cũng thuận đường quy ninh.(2) 
Thưa nhà huyên hết sự tình (3)
Nỗi chàng ở bạc, nỗi mình chịu đen. (4) 
Nghĩ rằng ngứa rẻ hờn ghen,(5)
Xáu cháng mà có ai khen chi mình. (6) 
Vậy nên ngoảnh mặt làm thinh,(7) 
Mưu cao vốn đã rắp ranh nững ngày. (8) 
Lâm Tri đường bộ tháng chầy, (9) 
Mà đường hải đạo sang ngay thì gần.(10) 
Dọn thuyền lựa mặt gia nhân, (11) 
Hãy đem dây xích buộc chân nàng về.(12)
Làm ho cho mệt cho mê, (13) 
Làm cho đau đớn ê chề cho coi!. (14) 
Trước cho bỏ ghét những người, (15) 
Sau cho để một trò cười về sau. (16) 
Phu nhân khen chước rất mầu, (17) 
Chiều con mới dạy mặc dầu ra tay. (18) 
Câu 1,2 là tác giả thuật việc. Câu 3,4 là tóm tắt câu chuyện uất ức của Hoạn Thư. Câu 5,6,7 là lòi trực tiếp của Hoạn Thư đối với mẹ, nhưng nghe như là độc thoại. Câu 8 là lời thuật của người thuật xen vào. Câu 9 đến câu 16 ở đoạn này tiếp tục lời thoại. Câu 13, 14, 15, 16 lại là lời vừa nói với mẹ , vừa giống như độc thoại, buộc chân nàng về tì làm sao? Hoạn Thư khng6 nói rõ, mà tự sự cũng không cho biết hết. Câu 17 và nửa đầu câu 18 là lời thuật của tác giả, nửa câu 18 là lời của Hoạn Bà. Có thể nói độc thoại hoá làm co tâm tình, dục vọng của nhân vật nổi lên lồ lộ. 
Nguyễn Du không quan tâm nhiều đến lí lẽ củasự việc, mà quan tâm đến nỗi lòng của nhân vật. Đoạn Từ Hải chịu hàng người đọc đều thấy không thông, không hiểu vì sao Từ nghe lời khuyên của Kiều đề cao ơn vua mà lại thấy “ mặn mà”. Trong Kim Vân Kiều truyện, Thanh Tâm Tài Nhân chú ý kể chuyện sứ giả thuyết hàng, Từ nổi giận, Kiều khuyên giải làm cho Từ đuối lý. Tiếp đến Từ Hải nêu việc hàng có 3 điều lợi 5 điều hại, lợi bất cập hại, không hàng. Kiều phân tích lại cho Từ thấy có 3 điều tiện và 5 điều lợi, làm cho Từ nghe mà nhận hàng. Như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, Nguyễn Du đã tạo ra một Từ Hải khác, và để cho Từ Hải thổ lộ một đoạn độc thoại nội tâm cực hay, đầy khí phách, vượt xa những dấu hiệu vừa nêu trong truyện Trung Hoa của Thanh Tâm Tài Nhân : 
Một tay gây dựng cơ đồ 
Bấy lâu biển Sở, sông Ngô tung hoành! 
Bó tay về với triều đình, 
Hàng thần lơ láo, phận mình ra sao? 
Áo xiêm ràng buộc lấy nhau, 
Vào luồng, ra cúi, công hầu mà chi? 
Sao bằng riêng một biên thuỳ, 
Sức này, đã dễ làm gì được nhau? 
Chọc trời, quấy nước mặc dầu, 
Dọc ngang nào biết trên dầu có ai? 
Lời đọc thoại nội tâm rõ ràng đã bộc lộ tâm tình nhân vật trọn vẹn, đầy đủ hơn là lời đối đáp của Từ trong cơn giận do cuộc khuyên hàng gợi lên như trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Tiếp đến Kiều cũng có một tâm sự riêng bộc lộ trong 12 câu đôc thoại : 
Nghĩ mình mặt nước cánh bèo, 
Đã nhiều luân lạc lại nhiều gian truân. 
Bằng nay chịu tiếng vương thần, 
Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì. 
Công, tư vẹn cả đôi bề, 
Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương. 
Cũng ngôi mệnh phụ đường đường, 
Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha. 
Trên vì nước, dưới vì nhà, 
Một là đắc hiếu, hai là đắc trung. 
Chẳng hơn chiếc bánh giữa dòng, 
E dè bảo tố, hãi hùng phong ba. 
Sau màn độc thoại nội tâm, mới đến Kiều khuyên chỉ trong 10 câu lục bát mà Từ đã hàng. Như vậy, lời khuyên của Kiều và sự nghe lời của Từ là chiếu lệ, đều thể hiện sự bế tắc trong tư tưởng. Nguyễn du chủ yếu là thể hiện được nội tâm nhân vật qua lời độc thoại trực tiếp tự do. Kể rõ 3 điều tiện, 5 điều lợi  như Thanh Tâm Tài Nhân chỉ là logic hình thức, không có ý nghĩa gì. Đã không có ý nghĩa thì dài dòng làm chi! Sao bằng Nguyễn Du ta!.
- Lời nửa trực tiếp trong” Truyện Kiều” của Nguyễn Du : 
Truyện Kiều cũng có những câu làm nghĩ tới lời nửa trực tiếp. Ví dụ như: 
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê, 
Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn. 
Câu bát có hình thức trần thuật của tác giả, nhưng cái ý thức “Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn” là của nhân vật. Hoặc như câu: 
Êm đềm trướng rủ màn che 
Tường đông ong bướm đi về mặc ai! 
Câu bát là lời nửa trực tiếp, nói cái ý “ta còn cao giá” của nhân vật trong lời trần thuật của người kể. 
Lời nửa trực tiếp không chỉ là lời bộc bạch ý nghĩ của nhân vật mà nó còn là lời của tác giả muốn thể hiện trong tác phẩm. Như vậy, lời nửa trực tiếp có thể hiểu đó là lời của người kể chuyện, cũng có thể hiểu đó là lời của nhân vật. Lời thuật là của tác giả nhưng nội dung và ngữ điệu là của nhân vật. Hay nói đúng hơn, chủ thể lời nói là người kể, mà chủ thể ý thức của lời nói là nhân vật. Mà qua đó, mượn lời nhân vật, tác giả nhằm bộc lộ quan niện, tưởng của mình. 
Có thể thấy, giọng điệu của Truyện Kiều đã được nhận ra từ lâu như một “tiếng kêu thương” (Hoài Thanh), “tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày” (Tố Hữu). Nhưng đó là nhận xét chủ yếu trên phương diện tư tưởng, gắn liền với “cảm hứng nhân đạo và cảm hứng hiện thực”, còn giong điệu cảm thương như một hiện tượng nghệ thuật thường có trong tác phẩm. Đó là tiếng kêu thương đau đớn, da diết, thống thiết để bộc lộ tâm tư của tác giả nhan nhản khắp nơi dưới nhiều hình thức trong tác phẩm. Tiêu biểu là qua lời của nhân vật. Ta hãy xét lời nửa trực tiếp trong trường hợp đó. 
Đoạn Kiều thương xót Đạm Tiên mà ta nghe như là tiếng lòng của tác giả được biểu hiện trong đó: 
Lòng đâu sẵn mối thương tâm, 
Thoắt nghe nàng đã đầm đầm châu sa. 
Đau đớn thay phận đàn bà ! 
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. 
Phủ phàng chi bấy hóa công, 
Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha; 
Sống, làm vợ khắp người ta, 
Hại thay ! Thác xuống làm ma không chồng ! 
Nào người phượng chạ loan chung, 
Nào người tích lục, tham hồng là ai ? 
Hai câu đầu là lời dẫn của tác giả để những câu còn lại trong đoạn là lời độc thoại nội tâm của Kiều thương xót cho Đạm Tiên. Nhưng qua lời độc thoại của nhân vật, ta dường như thấy trong đó là lời của tác giả muốn nói với ta về nỗi lòng thương xót của mình đối với những người hồng nhan tài hoa bạc mệnh. 
Hay trong đoạn Kiều than thở: 
Buồn riêng, riêng những sụt sùi, 
Nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân: 
“ Tiếc thay trong giá trắng ngần, 
Đến phong trần, cũng phong trần như ai! 
Tẻ, vui cũng một kiếp người 
Hồng nhan phải giống ở đời mãi ru! 
Kiếp xưa đã vụn đường tu, 
Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi! 
Dẫu sao bình đã vỡ rồi, 
Lấy thân mà trả nợ đời cho xong!” 
Hai câu đầu là lời dẫn của người kể để những câu còn lại trong đoạn là lời độc thoại nội tâm của Kiều thương cho thân phận của mình. Qua đó ta nghe như văng vẳng tiếng lòng của tác giả như chia sẻ cùng nhân vật, cùng tâm sự với nhân vật của mình: “ Dẫu sao bình đã vỡ rồi / Lấy thân mà trả nợ đời cho xong!”. Đó là một lời cảm thông mà cũng là một tiếng nói đau lòng từ một trái tim “rỉ máu” của Nguyễn Du thương xót cho nhân vật mình. Đó chảng phải Nguyễn Du đang giao tiếp, đang tâm sự cùng nhân vật mình đó sao? 
Chúng ta có thể thấy trong Truyện Kiều rất nhiều hình thức như vậy : 
Khéo là mặt dạn mày dày, 
Kiếp người đã đến thế này thì thôi! 
Thương thay thân phận lạc loài, 
Dẫu sao cũng ở tay người biết sao? 
Mặt sao dày gió dạn sương, 
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân? 
Lần lần thỏ bạc ác vàng, 
Xót người trong hội đoạn trường dòi cơn. 
Đã cho lấy chữ hồng nhan, 
Làm cho : cho hại, cho tàn, cho cân! 
Đã đày vào kiếp phong trần, 
Sao cho sĩ nhục một lần mới thôi! 
Hay trong đoạn Kiều đàn cho Kim Trọng nghe. Mượn lời Kim nhận xét tiếng đàn của Thúy Kiều, tác giả như cũng thể hiện tâm sự của mình: 
Ngọn đèn khi tỏ khi mờ, 
Khiến người ngồi đó mà ngơ ngẩn sầu. 
Khi tựa gối, khi cúi đầu, 
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mài, 
Rằng : “hay thì thật là hay, 
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào! 
Lựa chi những khúc tiêu tao, 
Cực lòng mình, cũng nao nao lòng người!” 
Ta như thấy Nguyễn như đang cùng ngồi đấy theo dõi từng tiếng đàn của Kiều, và qua lời nói của Kim, ta như nhận thấy đó là lời của tác giả nhận xét về nhân vật mình. 
Còn trong đoạn sau này : 
Tiếc thay một đóa trà mi, 
Con ong đã tỏ đường đi lối về! 
Một cơn mưa gió nặng nề, 
Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương. 
Đêm xuân một giấc mơ màng, 
Đuốc hoa để đó mặc nàng nằm trơ! 
Nỗi riêng tầm tả tuôn mưa, 
Phần căm nỗi khách, phần dơ nỗi mình: 
Tuồng chi là giống hôi tanh, 
Thân nghìn vàng để ô danh má hồng! 
Thôi còn chi nữa mà mong, 
Đời người đên thế là xong một đời! 
Bốn câu cuối ta dường như thấy đó vừa là lời của Thúy Kiều, vừa là lời của Nguyễn Du. Hình ảnh Mã Giám Sinh không còn ra gì nửa, khác chi “ một giống côn trùng hôi tanh”, và ngòi bút của Nguyễn Du như đang hướng tới Mã Giám Sinh, lột trần tất cả bản tính của hắn như để tỏ một mối cảm thông, thương xót cho nhân vật mình. 
Có thể nói, bằng cách sử dụng ngôn ngữ nửa trực tiếp trong độc thoại nội tâm của nhân vật, tác giả như muốn hòa mình vào đó để tự nhiên bày tỏ quan niệm, suy nghĩ, cách đánh giá của mình một cách khách quan. Nội dung và ngữ điệu hoàn toàn là của nhân vật, nhưng chủ thể lời nói là của người kể. đó chẳng phải là một nghệ thuật độc đáo trong việc thể hiện quan niệm của tác giả trong tác phẩm đó.
* Tổng kết
Một trong những nghệ thuật đặc sắc được Nguyễn Du thể hiện trong “Truyện Kiều” là hình thức hoạt động giao tiếp ngôn ngữ của các nhân vật trong truyện. Trong đó, độc thoại nội tâm là hình thức hoạt động đặc biệt của ngôn ngữ. Độc thoại nội tâm làm cho diện mạo tinh thần của các nhân vật trở nên nổi bật, sắc nét và diện mạo, cảm quan của tác giả được thể hiện sinh động, độc đáo và sâu sắc. Đây cũng là điều mà nhiều nhà nghiên cứu đã từng xác nhân. Trong “ Truyện Kiều” đã xuất hiện lời độc thoại nội tâm với các dặc trưng của nó là lời trực tiếp tự do, dòng ý thức và lời nửa trực tiếp trong tâm trạng nhân vật. Bằng những hình thức thể hiện như thế, chúng ta có thể đi sâu vào phân tích những hình tượng cụ thể trong tác phẩm trong một đề tài cao hơn, sâu hơn. Với thời diện của một tiểu luận nhỏ, chúng tôi chỉ đi vào phân tích một số chi tiết tiêu biểu cũng mong sẽ làm sáng tỏ vấn đề đặt ra. Có thể nói, hình thức thể hiện độc thoại nội tâm trong “Truyện Kiều” đã đổi mới hoàn toàn phong cách tự sự trong “Truyện Kiều”, một bước đột phá truyền thống tự sự Trung Quốc-Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà Nguyễn Du đã tiếp xúc, tạo ra một điểm mới trong biểu hiện nội tâm nhân vật – khởi đầu cho truyền thống mới cho tự sự Việt Nam.Đó chẳng phải Nguyễn Du là một đại thi hào dân tộc, làm phong phú thêm “ tính chất đặc sắc” của tiếng Việt ta đó sao ?
(Sưu tầm)

Tài liệu đính kèm:

  • docDoc thoai noi tam trong Truyen Kieu(1).doc