Giáo án tự chọn Văn 9 - Chủ đề: Chủ nghĩa nhân đạo và những biểu hiện của chủ nghĩa nhân đạo trong các tác phẩm

Giáo án tự chọn Văn 9 - Chủ đề: Chủ nghĩa nhân đạo và những biểu hiện của chủ nghĩa nhân đạo trong các tác phẩm

Chủ đề :

 CHỦ NGHĨA NHÂN ĐẠO VÀ NHỮNG BIỂU HIỆN

CỦA CHỦ NGHĨA NHÂN ĐẠO TRONG CÁC TÁC PHẨM

A- Loại chủ đề : Nâng cao

B- Mục tiêu:

 Sau khi học chủ đề này, học sinh nắm được một số kiến thức và kỹ năng cơ bản như sau:

- Bước đầu hiểu được các khái niệm về chủ đề bài học, hệ thống hóa được những kiến thức liên quan để vận dụng.

- Nâng cao kỹ năng phân tích, đối chiếu, so sánh và ứng dụng vào việc

phân tích tác phẩm văn học, tập làm văn. Có hành vi văn hoá, đối xử thường ngày trong cuộc sống.

C- Thời gian : 6 tiết

D- Nội dung bài học :

I-Khái niệm chủ nghĩa nhân đạo :

Bài tập 1 : Nêu ý nghĩa của các bài ca dao sau :

 a/ Bầu ơi ! thương lấy bí cùng

 Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

 b/ Nhiễu điều phủ lấy giá gương

 Người trong một nước phải thương nhau cùng.

 

doc 9 trang Người đăng honghoa45 Lượt xem 658Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án tự chọn Văn 9 - Chủ đề: Chủ nghĩa nhân đạo và những biểu hiện của chủ nghĩa nhân đạo trong các tác phẩm", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chủ đề :
 CHỦ NGHĨA NHÂN ĐẠO VÀ NHỮNG BIỂU HIỆN 
CỦA CHỦ NGHĨA NHÂN ĐẠO TRONG CÁC TÁC PHẨM 
A- Loại chủ đề : Nâng cao
B- Mục tiêu: 
 Sau khi học chủ đề này, học sinh nắm được một số kiến thức và kỹ năng cơ bản như sau:
- Bước đầu hiểu được các khái niệm về chủ đề bài học, hệ thống hóa được những kiến thức liên quan để vận dụng.
- Nâng cao kỹ năng phân tích, đối chiếu, so sánh và ứng dụng vào việc 
phân tích tác phẩm văn học, tập làm văn. Có hành vi văn hoá, đối xử thường ngày trong cuộc sống.
C- Thời gian : 6 tiết
D- Nội dung bài học :
I-Khái niệm chủ nghĩa nhân đạo :
Bài tập 1 : Nêu ý nghĩa của các bài ca dao sau :
	a/ 	Bầu ơi ! thương lấy bí cùng
	 Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
	b/	Nhiễu điều phủ lấy giá gương
	 Người trong một nước phải thương nhau cùng.
- Tìm một số câu tục ngữ, ca dao có cùng chủ đề trên ( HS tự tìm theo nhóm dưới sự tổ chức, hướng dẫn của GV )
Bài tập 2 : GV cho học sinh đọc hoặc tóm tắt các tác phẩm dân gian : Tấm Cám, Thạch Sanh, Sọ Dừa, Cây khế, Cây tre trăm đốt...
- Em có nhận xét gì về những nhân vật chính trong tác phẩm trên ? ( về tuổi tác, hoàn cảnh, thân phận ...)
 ( Đa phần là những người trẻ tuổi : Tấm, Thạch Sanh, Sọ Dừa, người em, anh Khoai...đều đói nghèo, bị áp bức, bóc lột, người thì mồ côi, kẻ làm thuê bị lợi dụng, người phải ở với dì ghẻ ác đôc...)
- Ngoài những nhận xét trên, em thấy ở họ có những phẩm chất gì qua những tình tiết, diễn biến của cốt truyện ?
 ( Họ là những người thật thà dũng cảm, cần cù làm việc; trung thực, giàu lòng nhân ái.)
- Cuộc đời họ thường phải trải qua nhiều nỗi bất hạnh, đắng cay, bị lừa lọc, phải đối mặt với cầm thú dữ tợn...,trước khi đến với hạnh phúc. Vậy em có bình luận gì về những kết thúc có hậu này ?
 ( Cái thiện sẽ được bảo vệ, chiến thắng là tất yếu, cái ác sẽ bị trừng trị, bị lên án.)
- Rõ ràng, thông qua những tác phẩm ấy, các tác giả dân gian muốn gửi gắm một thái độ, một lời phản kháng đến với những kẻ gây tội, bất nhân, đồng thời với chúng ta họ kêu gọi điều gì ?
 ( Phải cảm thông, ủng hộ, ước mơ cùng với những ước mơ của người bị nạn.)
- Qua các bài tập 1, 2, ta thấy những biểu hiện trong cách đặt vấn đề và triển khai nội dung các tác phẩm dân gian đều xoay quanh một giá trị cơ bản đó là gì ? ( tình cảm nhân ái đối với con người và sự phẫn nộ đối với kẻ vô nhân )
Bài tập 3 : GV có thể chọn cho HS đọc lại một trong số các tác phẩm trung đại sau : Nam Quốc sơn hà, Hịch tứng sĩ, Phò giá về kinh, Bình Ngô đại cáo...
 Mẫu : Đọc đoạn trích sau :
	Thay trời hành hoá, hoàng thượng truyền rằng :
 Từng nghe : Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
	 Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
	 Như nước Đại Việt ta từ trước 
	 Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
	 Núi sông bờ cõi đã chia
	 Phong tục Bắc Nam cũng khác.
	 Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập’
	 Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương 
	 Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
	 Song hào kiệt đời nào cũng có.
 Vậy nên :
	 Lưu Cung tham công nên thất bại
	 Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong
	 Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
	 Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
	 Việc xưa xem xét
	 Chứng cớ còn ghi
	 ( Nguyễn Trãi- Cáo Bình Ngô) 
- Ở bài tập này, chủ đề mà ta đang tìm hiểu được thể hiện rõ nét ở chi tiết nào?
( việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo)
-Hãy giải thích rõ hơn và chứng minh qua các tác phẩm đã nêu ?
 ( Nhân nghĩa : vốn là khái niệm đạo đức của Nho giáo, nói về đạo lý, cách ứng xử và tình thương giữa con người với nhau. Ở đây tác giả đã tiếp thu tư tưởng nhân nghĩa của Nho giáo theo hướng lấy lợi ích của nhân dân, đân tộc làm gốc- Điếu phạt : rút ý từ câu điếu dân phạt tội ( thương dân đánh kẻ có tội ). Trách nhiệm của người có lòng nhân đạo là phải làm sao để dân sống trong cảnh thái bình . Muốn thế, phải trừng trị, đánh tan mộng xâm lược của kẻ thù.)
- Từ việc phân tích trên, em có thể bổ sung thêm vào cách hiểu nhân đạo một nội dung nữa, đó là gì ? 
( Nhân đạo không chỉ dừng lại ở tình thương người, tố cáo kẻ vô nhân mà còn trừng trị kẻ có tội )
- Quả vậy, thông qua các đoạn trích ở các tác phẩm : Lão Hạc, Gió lạnh đầu mùa, Tắt đèn, Sống chết mặc bay...,ta đã thấy tính nhân đạo sâu sắc. Trong các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc, Hồ chí Minh, Tố Hữu, Trường Chinh, Phạm văn Đồng...,cảm hứng nhân đạo gắn liền với tình cảm yêu nước, tình yêu giai cấp, tình yêu thương dân tộc.
- Hãy đọc đoạn văn sau :
 TÌNH CẢM NHÂN ĐẠO ĐƯỢC BIỂU HIỆN 
TRONG NHẬT KÝ TRONG TÙ CỦA HỒ CHÍ MINH
	...“ Không thể có một bậc vĩ nhân nào lại không có lòng nhân ái. Đọc tập thơ Nhật ký trong tù của Bác, tất cả những người có hiểu biết đều nhận định thống nhất Bác là bậc Đại nhân, là người có lòng thương yêu con người mênh mông. Lòng thương yêu con người của Bác là tinh thần nhân đạo cộng sản, đó là tinh thần nhân ái mới mẻ mà Bác mang lại cho đân tộc và nhân loại. Ông Trường Chinh cũng cho rằng : “ Một điểm nổi bật nhất trong đạo đức Hồ Chí Minh là lòng thương người.”
	Tình thương người của Hồ Chí Minh không phải là lòng thương người siêu giai cấp mà có quan điểm và nội dung giai cấp cụ thể, đó là tình thương người của giai cấp vô sản, nó rất khác với tinh thần bác ái của tôn giáo, yêu thương an ủi con người và khuyên con người hãy thụ động chờ đợi hạnh phúc ở thế giới xa xôi hoặc kiếp sau. Đó cũng không phải là tình thương có ý ban phát của giai cấp quý tộc, của những người sống trên tiền của ”	(Nguyễn Đức Quyền-Bình giảng văn học- Nxb Giáo dục2003)
- Sau khi đọc đoạn văn trên và so sánh với những tìm hiểu của chúng ta về tình cảm nhân đạo em thấy trong quan niệm nhân đạo của các nhà cách mạng vô sản có gì giống và khác nhau trước đó không ?
 (Đó là tình thương chủ yếu của những người cùng giai cấp, khác với quan điểm của nhà thờ phương Tây hay tình thương siêu giai cấp của Phật tổ. Ở Hồ Chí Minh đó là sự tiếp nối và phát triển quan niệm nhân đạo truyền thống của dân tộc để trở thành chủ nghĩa nhân đạo cộng sản .)
-GV cho các em tham khảo một số giải thích, nhận định, khái niệm về nhân đạo sau :
 * Nhân đạo : + Đạo đức thể hiện ở sự tôn trọng quyền lợi, giá trị ,phẩm chất của con người ( Từ điển Tiếng Việt- Nhà xb KHXH-1997 )
	 + Cái đạo lý làm người phải thế mới gọi là yêu. Yêu người không lợi riêng mình, gọi là nhân ( Thiều Chửu- Hán Việt từ điển- Nxb Tp Hồ Chí Minh-1993 )
	 + Đạo người, phẩm tính và cảm tình riêng có của loài người như thương xót kẻ bất hạnh ( Nguyễn văn Khôn- Hán Việt từ điển- Nhà xb Khai trí-Sài gòn 1960)
	 + Tôn trọng mạng sống của người của vật, biết thương kẻ nghèo yếu, chịu chia sớt sự đau đớn với kẻ khốn cùng ( Lê văn Đức chủ biên, Việt Nam từ điển- Nhà xb Khai trí- Sài gòn 1970)
 * Chủ nghĩa nhân đạo : Quan niệm nhân sinh chủ trương phải yêu thương tất cả mọi người trong xã hội (Từ điển Tiếng việt – Nhà xb KHXH-1997 )
 * Chủ nghĩa nhân đạo cộng sản : Chủ nghĩa nhân đạo của giai cấp công nhân, không những thừa nhận và nâng cao giá trị của con người, mà còn chủ trương chiến đấu để giải phóng cho con người khỏi mọi áp bức, đưa con người đến chỗ thắng được tự nhiên, làm chủ vận mệnh của mình.
	(Từ điển Tiếng Việt- sđd)
 II- Từ chủ nghĩa nhân đạo phương Tây, phương Đông đến chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam :
a/ “Chủ nghĩa nhân đạo phương Tây nghiêng về quyền lợi con người, chữ nhân phương Đông nghiêng về trách nhiệm con người ”.( Lương Duy Thứ- Giáo trình Đại cương về văn hoá phương Đông- Nhà xb Thuận Hoá 1999)
b/ “ Nền văn học của nước ta phản ánh tinh thần yêu nước bất khuất của nhân dân ta từ xưa tới nay, từ thế kỷ thứ X đến giữa thế kỷ thứ XVIII là hiển nhiên , không có gì phải bàn cãi, có bàn cãi là bàn cãi về hệ thống giá trị của nó mà thôi.
 Riêng chủ nghĩa nhân đạo thì phức tạp hơn vì khái niệm về nội dung của nó thay đổi từ thời kỳ này qua thời kỳ khác, từ phương Đông sang Phương Tây, nên hiện chưa được nhất trí và có thể gây tranh luận. Quả vậy, nói nhân đạo, không có nghĩa chỉ nói ân trên của vua chúa ban xuống cho trăm họ, cho dân đen con đỏ, mà nhân đạo thực chất phải là quyền sống, quyền tự do, xây dựng cuộc sống của mỗi người dân trong cộng đồng chung dân tộc.”
	(Bùi văn Nguyên- Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XVIII )
c/ “ Cảm hứng nhân đạo có khi chịu ảnh hưởng của tinh thần từ bi bác ái của nhà Phật, nhiều khi chịu ảnh hưởng tinh thần nhân nghĩa của đạo Nho. Nhưng các tác giả ngày xưa đã thanh lọc, phát huy những thứ ấy, trên cơ sở tinh thần nhân ái Việt Nam, làm cho nó đậm đà sắc thái trữ tình, giàu tính dân tộc, nhân dân.” ( Tư liệu văn học lớp 10, tập I- Nhà xb Giáo dục 2001 )
d/ “ Lục vân Tiên không chỉ nhằm biểu dương đạo đức phong kiến, nêu bài học trung hiếu tiết hạnh, mà nó còn bao hàm một ý nghĩa rộng raĩ hơn. Có thể tạm gọi đó là “ tư tưởng nhân nghĩa nhân dân”. Gọi như thế là để phân biệt với khái niệm nhân nghĩa Nho giáo đã được khoanh vùng dành riêng cho người quân tử. Câu nói “ ngõ cho nhân nghĩa vẹn tuyền” được phát ngôn qua lời Nguyệt Nga là một tư tưởng lớn, không chỉ xuyên suốt Lục vân Tiên mà còn có ở các tác phẩm khác. Điều bao trùm toàn bộ thiên truyện là lòng yêu mến con người và hành động vì nghĩa. Toàn bộ hành trạng của Vân Tiên, cơn giận của Hớn Minh, nghĩa cử của Tiểu đồng, lòng hào hiệp của ông Quán, nét cư xử của Nguyệt Nga ...,tất cả đều nhằm làm việc nghĩa để cứu giúp con người. Điều khác lạ so với chữ nhân nghĩa trong hệ thống khái niệm đạo đức Nho giáo chỉ là ở chỗ bất kỳ ai cũng có thể làm việc nghĩa được, miễn là họ có lòng thương người. Ở đây không có sự phân chia thứ bậc khi làm việc nghĩa. Kẻ sĩ làm việc nghĩa đã đành mà ngay cả đến những kẻ hèn khó nhất cũng có những hành vi nghĩa hiệp rất cao đẹp. Dường như Nguyễn Đình Chiểu có một sự dụng tâm nào đó trong việc đặt tên nhân vật. Ông đã “ vô danh hoá” những con người thấp kém nhất về phẩm trật, địa vị xã hội để ngầm chỉ rằng họ là tầng lớp đông đảo nhất, thường xuyên nhất, vô tư nhất khi làm việc nghĩa, đến mức không thể kể hết, đếm hết, nhớ hết họ tên. Nhân vật chính diện trong Lục Vân Tiên đáng quý, đáng yêu ở chỗ tấm lòng trong sáng, hào hiệp hiếm thấy. Trong những trường hợp cụ thể, họ ra tay tương trợ như một phản ứng tự nhiên, một lẽ tất yếu trong ứng xử. Vân Tiên trên đường đi thi, gặp cảnh ngang trái là lập tức ra tay can thiệp, Hành động rõ ràng được “ tính toán” thận trọng, hay cũng có thể nói đã được “ tính toán” theo cách riêng của chàng, nghĩa là đã được nhập tâm. Bởi vì đám cướp hương thôn này rất ít can hệ đến chàng, mà không khéo thì còn lãnh đủ tai hoạ cho sự “dại dột” ấy. Cái động cơ chi phối Vân Tiên lúc này là vì nghĩa :
	Nhớ câu kiến nghĩa bất vi
	Làm người thế ấy cũng phi anh hùng
	Ông Quán của Nguyễn Đình Chiểu cũng thật khác thường . Con người này thật quá dị biệt so với đồng nghiệp. Làm chủ quán mà không màng lợi lộc, tính tình hào phóng, khí khái, sẵn sàng giúp kẻ hoạn nạn không hề nghĩ đến sự đền đáp. Đây là một trang nghĩa hiệp trá hình.
	Tiểu đồng là nhân vật có địa vị xã hội thấp kém nhất ( những ông Ngư, ông Tiều, ông Quán... dù sao cũng là người tự do), song ở chú lại có những biểu hiện vì nghĩa rất độc đáo. Tình cảm của Tiểu đồng vượt ra ngoài quan hệ chủ tớ. Đó là quan hệ bạn bè đồng thanh đồng khí. Tiểu đồng gắn bó với Vân Tiên bằng tình cảm chân thành, ngay cả khi biết tin Vân Tiên đã chết, vẫn tuyệt đối trung thành và tận tuỵ. Đáp lại, tình cảm của Vân Tiên đối với Tiểu đồng cũng thật cảm động. Đấy là vẻ đẹp của con người biết sống với nhau bằng tình nghĩa.
	Trong Lục Vân Tiên các nhân vật phản diện được xây dựng như là một phép tương phản để tô đậm thêm khái niệm nhân nghĩa. Các nhân vật này dưới những biểu hiện khác nhau( Trịnh Hâm: nhỏ nhen, hay thù vặt, tiểu tâm; Bùi Kiệm: dâm dục, tầm thường, đê tiện; nhà Thể Loan: lọc lừa phản trắc; Thái sư: nham hiểm...) được tập trung dưới một cái vỏ: bất nghĩa, bất nhân”
 	(Nguyễn phong Nam- giáo trình văn học Việt Nam)
- Qua những dẫn chứng trên, đặc biệt là với đoạn trích về tác phẩm Lục Vân Tiên , chủ nghĩa nhân đạo được mọi người tiếp thu và vận dụng như thế nào ?, hãy phân tích để làm sáng tỏ .
 III/ Chủ nghĩa nhân đạo hay chủ nghĩa nhân văn ?
	Chúng ta thường nghe hoặc diễn đạt một cách chung chung, lẫn lộn giữa hai cụm từ này, có khi nhập hai khái niệm này làm một. Thật ra các từ ngữ này có phần chung nhưng cũng có phần riêng của nó, xuất phát từ quan niệm của phương Tây và phương Đông :
- Chủ nghĩa nhân đạo phương Tây ( chủ nghĩa nhân văn ), theo từ điển Tiếng Việt :
a/ Chủ trương phục hưng văn học và nghệ thuật của cổ đại Hy Lạp và La Mã, phát triển đầu tiên ở Ý sau lan ra khắp châu Âu.
b/ Vũ trụ quan của giai cấp tư sản đang lên hồi thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI nhằm phá tan những trói buộc kinh tế phong kiến, mưu giải phóng cho cá nhân, trên cơ sở thừa nhận giá trị của con người, tin tưởng vào sức sáng tạo của con người.
c/ Nhân văn : Văn hoá của loài người.
+ Chủ nghĩa nhân đạo phương Đông : ( như chủ nghĩa nhân đạo-sđd )
+ Chủ nghĩa nhân văn cộng sản : ( như chủ nghĩa nhân đạo cộng sản- sđd)
- Từ những cảm nhận trên ta hãy đọc và suy ngẫm đoạn văn sau :
	VẤN ĐỀ CON NGƯỜI TRONG VĂN HỌC
 ...“ Nhờ lẽ sống lớn của dân tộc, nhờ niềm tin tuyệt đối của người sáng tác, văn học cách mạng của chúng ta đã có được những tác phẩm hay mà giá trị của chúng trước hết là ở tính lý tưởng, cảm hứng anh hùng và sự chân thành của nghệ sĩ. Trong hoàn cảnh ấy, các nhà văn chỉ mới có điều kiện quan tâm chủ yếu đến cái chung chứ chưa phải cái riêng và do đó vấn đề số phận con người chưa có được vị trí xứng đáng của nó trong văn học(...)
Chúng ta vẫn bắt gặp con người nhưng phần lớn đó là con người-tập thể, con người-quần chúng, con người-nhân dân, chứ chưa phải là những cá nhân, những số phận. Các nhà văn thường tập trung nói lên quyết tâm, ý chí, sức mạnh của con người chứ chưa diễn tả được hết sự phong phú, kể cả nỗi cô đơn và sự yếu ớt của nó. Cái cô đơn trong vinh quang và quyền lực, trong cả phút giây hạnh phúc, cái cô đơn của mọi tìm tòi, của những ai dám nghĩ, dám sáng tạo, dám nói điều ngay thẳng, và sự yếu ớt không phải lúc nào cũng là sự biểu hiện của hèn nhát mà còn là dấu hiệu của cái đẹp, của một tâm hồn dịu dàng, phong phú(...)
 Thực tế cho thấy hiện nay công chúng không những chỉ đọc các tác phẩm với chủ đề chính trị, đấu tranh giai cấp, cách mạng mà người đọc đang có nhu cầu rất lớn về những tác phẩm nói lên hạnh phúc hay thân phận con người, lòng trắc ẩn, sự vị tha, tình nghĩa thuỷ chung hay thói đời tham lam ích kỷ”...
(Lê ngọc Trà- Lý luận văn học- Nhà xb Trẻ-2005)
- Như vậy, có thể hiểu rằng trong xu thế hội nhập với thế giới, đặc biệt tiếp cận với chủ nghĩa nhân đạo phương Tây chúng ta đã dung hoà và tiếp thu có chọn lọc những nội dung mới về nhân đạo, nói cho sát hơn là những nhu cầu “rất người” trong thế giới con người. “ Nói nhân đạo là nói con người, ý thức về con người. Nhân đạo hiểu một cách thông thường là tôn trọng, tin tưởng, ca ngợi, đề cao, thương yêu, bảo vệ, phát huy, phát triển con người. Ngược lại là vô nhân đạo. Như vậy, nhân đạo có mặt khẳng định và mặt phủ định. Nhân văn là những gì thuộc về mặt tốt của con người, là phẩm chất làm người” 
	( Lê trí Viễn - Tổng quan văn chương Việt Nam )
- Chất nhân văn , hiểu là nhân đạo, trước đây đã được thể hiện rõ nét với các tác phẩm “ Chuyện người con gái Nam Xương, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Kiều, thơ Hồ xuân Hương ...”, ngày nay tinh thần ấy càng sâu sắc và gần gũi hơn không những vấn đề tư tưởng bên ngoài mà còn là sự đấu tranh trong tâm hồn con người, những ngóc ngách đời thường nhưng vô cùng nhân bản : Bức tranh của em gái tôi, Cuộc chia tay của những con búp bê, Cổng trường mở ra, Trong lòng mẹ, Chiếc lá cuối cùng, Cô bé bán diêm, Ông đồ, Bố của Xi-mông ...Một hai tác phẩm làm ví dụ, với Bức tranh, Bến quê em thấy Nguyễn minh Châu đã gởi thông điệp gì đến chúng ta ?
- Sau khi HS trả lời, GV có thể sơ kết phần này :
 + CN nhân đạo hay CN nhân văn ngày nay có thể thay thế cho nhau về tên gọi nhưng hiện người ta thường hay dùng “chất nhân văn” hay “tính nhân văn” để diễn đạt một hành vi, một việc làm, một cử chỉ, một nội dung nào đó vì mọi vấn đề đều xuất phát từ nguyện vọng con người dù là những việc tế vi nhất.
 IV- Những vấn đề nhân đạo nóng bỏng, thẳm sâu đã và đang được đưa vào tác phẩm văn học hôm nay : 
Ước mơ để thế giới hoàn toàn là một thế giới đẹp đẽ, vĩnh viễn không còn sự đau khổ là điều không tưởng. Khi nào trên trái đất vẫn còn nghèo đói, còn áp bức, bất công, còn phấp phỏng lo âu vì đe doạ của chiến tranh, của vũ khí giết người hàng loạt, vì sự khủng bố kinh hoàng, vì đại dịch AIDS... Khi đó con người vẫn cần biết bao những vòng tay nhân ái, đến với nhau bằng những tấm lòng độ lượng . Bằng những hiểu biết của mình, hãy nêu một số tác phẩm đề cập đến vấn đề trên ?
(Đấu tranh cho một thế giới hoà bình, Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em, Bức thư của thủ lĩnh da đỏ, hay Bức thư đạt giải nhất toàn quốc lần thứ 37/2008 gửi Bin Lađen nói về sự khoan dung...)
- Vòng tay nhân ái đó còn là lời tri ân, sự sẻ chia những đau thương mất mát với các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người lính, những cô thanh niên xung phong đã bỏ lại tuổi xuân trên đường Trường Sơn, và hơn nữa nỗi đau thể xác vẫn thường trực từ chất độc điôxin ...,tính nhân văn đã thể hiện rất rõ qua : Tiếng gà trưa (Xuân Quỳnh), Bếp lửa (Bằng Việt),Ánh trăng (Nguyễn Duy), Khoảng trời hố bom (Lâm thị Mỹ Dạ), Những ngôi sao xa xôi (Lê minh Khuê)...
Lương tâm con người không cho phép ta phản bội lại quá khứ vì như một nhà văn Trung Á nói : “ Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ trả lời anh bằng đại bác”, song song với những yêu cầu đó, tác phẩm văn học hôm nay có thể phản ánh một cách trân trọng những hành động “lộ kiến bất bình, bạt đao tương trợ” của những Lục vân Tiên trên đường phố ngày nay, hay cảm thương cho thân phận một số nàng Kiều thời hiện đại,và xúc động ngợi ca những hoạt động đồng đẳng ở những người nhiễm HIV...,nhưng hơn thế, chủ nghĩa nhân văn còn đòi hỏi : “ Tác phẩm có thể không có nhân vật người, nhưng nó phải là câu chuyện về cõi nhân sinh. Nhà văn có thể viết về nhà máy, hợp tác xã, công trường nhưng mối quan tâm chính của anh ta ở đây không phải là năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, cơ chế quản lý mà là quan hệ con người, là hạnh phúc, tình yêu, nỗi cay đắng hay sự hèn hạ của con người, là những giá trị nhân văn của cuộc sống. Không nên tiếp tục mãi tình trạng”quá tải” của văn học do nó phải chuyên chở quá nhiều các nội dung khác gây ra. Trong một ý nghĩa giản dị, văn học là buồn vui đời người, là sự chiêm nghiệm những gì được, mất, là hồi ức về quá khứ, sự không thoã mãn với hiện tại và dự cảm về tương lai, là trầm tư về lẽ tồn vong của con người trong mối quan hệ với xã hội, tự nhiên và vũ trụ” (Lê ngọc Trà- Sđd)
 Con người không những hành động nhân đạo từ việc lớn đến việc nhỏ như :
Vì phụ nữ nghèo, hiến máu nhân đạo, dạy học cho trẻ em miền núi, chăm sóc người cao tuổi neo đơn, chương trình phẫu thuật nụ cười..., mà còn có suy nghĩ nhân văn: Phê phán thói vị kỷ, trăn trở vì một lời buột miệng vô tình chạm đến nỗi đau người khác, lòng tự trọng, lương tâm, sự rộng lượng, vị đắng của hạnh phúc cũng như giọt nước mắt sau hai chữ thành công..v.v...Tất cả những điều đó đều đề cao sức mạnh bên trong, nhân phẩm con người. Những yêu cầu nhân văn ấy thuộc phạm trù văn hoá mà văn hoá thì vô cùng phong phú. Phải chăng văn hoá giúp con người thêm khả năng tiếp cận sát hơn những giá trị nhân văn để từ đó góp phần thay đổi cuộc sống như câu nói của nhà văn Nga : “ Cái đẹp đã cứu rỗi thế giới ”.
E- Tài liệu hỗ trợ lên lớp :
- Truyện cổ dân gian Việt Nam ( Nguyễn Đổng Chi )
- Các tác phẩm thơ văn liên quan
- Một số câu trích dẫn chứng :
	+ Văn học là nhân học (Maxim Gorki)
 + Lý tưởng nhân văn là gì ? Đó là ham muốn tột bậc, là ước vọng cao nhất cho con người, là yêu cầu cao nhất đối với con người ( Hoàng ngọc Hiến-Văn học và hiện thực,Phong Lê chủ biên- Nhà xb KHXH- 1990) 
 + Quyền tự do cao nhất của con người chính là quyền tự do phát triển các năng lực ( Hoàng ngọc Hiến- Sđd)
 + Con người là một điều bí ẩn, cần khám phá con người. Tôi tìm hiểu điều bí ẩn ấy vì tôi muốn trở thành con người (Dostoievxki)
G- Lời người viết khi chọn đề tài :
	Soạn tự chọn theo chủ đề này, chúng tôi biết là mình đã làm một công việc quá sức và gai góc, nhưng thực tế giảng dạy và học tập đòi hỏi chúng ta không thể tránh né hay làm một cách qua quýt, chiếu lệ, đặc biệt là đối với HS khá giỏi. Tuổi các em luôn đặt hai chữ “vì sao”, Vì sao lại có chất nhân văn ? Nếu không có lý luận sẽ lúng túng vô cùng. Vì vậy, mạo muội soạn chủ đề này mong được mọi người góp ý, hiệu chỉnh. Xin cảm ơn.
	**************//**************

Tài liệu đính kèm:

  • docTu chon Thcs.doc