Kỹ năng phân tích thơ dùng cho học sinh trung học phổ thông

Kỹ năng phân tích thơ dùng cho học sinh trung học phổ thông

CHƯƠNG I : DẪN NHẬP VỀ VIỆC PHÂN TÍCH THƠ

I. Định nghĩa về thơ:

Thơ ca là một hiện tượng độc đáo của văn học. Nó xuất hiện từ thời cổ đại và không ngừng vận động phát triển theo thời gian. Đã có rất nhiều nhà nghiên cứu, học giả từ đông sang tây, từ cổ đến kim bàn đến nhiều vấn đề khác nhau của nó, nhưng thiết nghĩ, việc tìm hiểu khái niệm thơ là một việc làm cần thiết cho việc cảm thụ và phân tích thơ.

Thơ là gì ? Để trả lời đầy đủ câu hỏi này ta phải xuất phát từ việc nắm vững những nét đặc trưng của thơ ca trong sự đối sánh với các thể loại văn học, các bộ môn nghệ thuật khác.

Trước hết, ai cũng biết thơ ca lấy ngôn ngữ làm chất liệu. Nói cách khác, thơ ca là một công trình nghệ thuật sáng tạo bằng ngôn từ. Những thể loại văn học khác cũng lấy ngôn từ làm chất liệu, song ngôn ngữ thơ được nhà nghệ sĩ tổ chức thành một hệ thống vừa tinh tế, ngắn gọn, súc tích, vừa tuân theo những quy luật ngữ âm nhất định. Hơn hẳn các thể loại văn học khác, ngữ âm đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và truyền đạt của thơ ca.

 

doc 63 trang Người đăng duyphuonghn Lượt xem 574Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Kỹ năng phân tích thơ dùng cho học sinh trung học phổ thông", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
NGUYỄN HỮU VĨNH
KỸ NĂNG 
PHÂN TÍCH THƠ
DÙNG CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
NĂM 2005
CHƯƠNG I : DẪN NHẬP VỀ VIỆC PHÂN TÍCH THƠ
I. Định nghĩa về thơ:
Thơ ca là một hiện tượng độc đáo của văn học. Nó xuất hiện từ thời cổ đại và không ngừng vận động phát triển theo thời gian. Đã có rất nhiều nhà nghiên cứu, học giả từ đông sang tây, từ cổ đến kim bàn đến nhiều vấn đề khác nhau của nó, nhưng thiết nghĩ, việc tìm hiểu khái niệm thơ là một việc làm cần thiết cho việc cảm thụ và phân tích thơ.
Thơ là gì ? Để trả lời đầy đủ câu hỏi này ta phải xuất phát từ việc nắm vững những nét đặc trưng của thơ ca trong sự đối sánh với các thể loại văn học, các bộ môn nghệ thuật khác. 
Trước hết, ai cũng biết thơ ca lấy ngôn ngữ làm chất liệu. Nói cách khác, thơ ca là một công trình nghệ thuật sáng tạo bằng ngôn từ. Những thể loại văn học khác cũng lấy ngôn từ làm chất liệu, song ngôn ngữ thơ được nhà nghệ sĩ tổ chức thành một hệ thống vừa tinh tế, ngắn gọn, súc tích, vừa tuân theo những quy luật ngữ âm nhất định. Hơn hẳn các thể loại văn học khác, ngữ âm đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và truyền đạt của thơ ca.
Cũng như các thể loại văn học khác, các bộ môn nghệ thuật khác, thơ ca luôn phản ánh đời sống con người , xã hội thông qua những hình tượng nghệ thuật. Nhưng nét đặc trưng về nội dung của thơ là bày tỏ tâm trạng, thái độ, tình cảm của người nghệ sĩ về cuộc đời qua những hình tượng thơ độc đáo - hình tượng là nơi kết tinh những giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ. Nội dung của bài thơ là những rung động từ con tim, là những thổn thức từ tấm lòng của nhà nghệ sĩ trước cuộc đời. Vì lẽ đó, các nhà nghiên cứu đã xếp thơ vào loại tác phẩm trữ tình.
Từ những luận điểm trên, ta có thể rút ra một cách hình dung về thơ : Thơ là một thể loại văn học được xây dựng bằng hình thức ngôn ngữ ngắn gọn súc tích, theo những quy luật ngữ âm nhất định, nhằm phản ánh tâm trạng, thái độ, tình cảm, ... của người nghệ sĩ về đời sống thông qua những hình tượng nghệ thuật.
Về mặt đại thể, ta đã hiểu thơ là gì. Nhưng để có những hiểu biết làm cơ sở lí luận để tiếp nhận tác phẩm thơ ta cần phải tìm hiểu những đặc điểm cơ bản của thể loại này.
II. Những đặc điểm cơ bản của thơ :
1. Tính trữ tình và chủ thể trữ tình ;
a- Tính trữ tình(* “ Trữ tinh”là từ Hán - Việt do hai từ ghép lại : Trữ (thổ lộ , biểu đạt), Tình (tình cảm, xúc cảm)
):Trữ tình là yếu tố quyết định tạo nên chất thơ. Tác phẩm thơ luôn thiên về diễn tả những cảm xúc, rung động, suy tư của chính nhà thơ về cuộc đời. Những rung động ấy xét đến cùng là những tiếng dội của những sự kiện, những hiện tượng đời sống vào tâm hồn nhà thơ. Đây là đặc điểm cơ bản nhất của tác phẩm thơ. Nắm vững đặc điểm này ta sẽ có một định hướng rõ ràng trong việc tiếp cận, phân tích đúng tác phẩm thơ. Nghĩa là, khi phân tích tác phẩm thơ, ta không phải đi sâu vào mổ xẻ, cắt nghĩa, lí giải về các chi tiết, sự kiện, sự việc được nhà thơ đề cập, mà điều cốt lõi là thấy và nói được những cảm xúc, tâm trạng, thái độ và suy tư của nhà thơ về các vấn đề trên. Trong tác phẩm tự sự, những sự kiện, vụ việc vụ việc mà nhà văn miêu tả, kể lại bao giờ cũng chứa đựng một giá trị nội dung tư tưởng , nó thể hiện cái nhìn sự nghiền ngẫm, cách đánh giá của nhà văn về cuộc đời. Song, trong thơ, các sự kiện được nhắc đến chỉ là cái cớ ( có thể hiểu là tứ thơ) để nhà thơ bày tỏ cảm xúc. Ví tác phẩm thơ như một cơ thể sống thì chữ nghĩa, chất liệu, sự kiện ,... chỉ là phần xác, phần hồn của nó chính là nội dung trữ tình. Nội dung trữ tình luôn là cái đích cuối cùng phải vươn tới của quá trình sáng tác cũng như cảm thụ, phân tích thơ.
b- Chủ thể trữ tình(* Chủ thể trữ tình : có lúc được gọi là nhân vật trữ tình, cái tôi trữ tình, chủ thể thẩm mỹ...
) : 
Trong tác phẩm thơ ta luôn bắt gặp bóng dáng con người đang nhìn, ngắm, đang rung động, suy tư về cuộc sống. Con người ấy được gọi là chủ thể trữ tình ( sẽ nói kỹ ở phần sau). Nói cách khác , chủ thể trữ tình là con người đang cảm xúc, suy tư trong tác phẩm thơ. Khác với nhân vật tự sự ( trong tác phẩm tự sự) là những con người bằng xương, bằng thịt, có tính cách, có số phận riêng ; nhân vật trữ tình trong tác phẩm thơ chỉ hiện diện, đối thoại với độc giả bằng những sắc thái tình cảm, thái độ tình cảm.Trong tác phẩm thơ, chủ thể trữ tình là yếu tố luôn có mặt để thể hiện nội dung trữ tình của tác phẩm. Bất kỳ thi phẩm nào cũng đều có chủ thể trữ tình. Thơ ca không phải là ghi chép hay kể lại những hiện tượng thuộc về đời sống bên ngoài mà là thể hiện tâm tư, suy cảm của nhà thơ. Cho nên, khi phân tích thơ, ta phải phân tích nội dung trữ tình . Muốn phân tích nội dung trữ tình thì nhất thiết, nắm bắt và phân tích được chủ thể trữ tình. Bởi lẽ, nội dung trữ tình luôn chứa trong chủ thể trữ tình.
2. Đặc điểm ngôn ngữ thơ:
P.Reveredy nói:” Chỉ một từ thôi cũng đủ tiêu diệt bài thơ hay nhất”. Không cần lý giải dài dòng vẫn thấy vai trò quan trọng của ngôn ngữ thơ. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về ngôn ngữ thơ, xin tóm gọn mấy ý chính về vai trò, đặc điển ngôn ngữ thơ đã được nhiều nhà nghiên cứu thống nhất :
- Không có ngôn ngữ thì không có thơ ca.
- Ngôn ngữ thơ ca cũng nằm trong vốn ngôn ngữ chung, nhưng đã được nhà thơ sử dụng sáng tạo theo những yêu cầu và mục đích sau:
+ Ngôn ngữ thơ phải có tính tạo hình: Tạo hình là khả năng trực tiếp miêu tả các hiện tượng của hiện thực. Nhờ có tính tạo hình mà ngôn ngữ thơ có thể vẽ nên bức tranh về cuộc sống, mở ra trước mắt người đọc, những hình ảnh, sự vật...giống với đối tượng trong thực tế, như đoạn thơ khuyết danh sau đây:
“Bủa vây lưới sắt bịt bùng 
Nguyên hình rắn phải đùng đùng hoá ngay
Chàng dùng dao báu chém rày 
Rõ ràng con rắn vừa tày một gian..”
(Thạch Sanh - khuyết danh)
+ Ngôn ngữ thơ phải có tính biểu hiện: Văn học nói chung, thơ ca nói riêng phản ánh hiện thực cuộc sống qua hình tượng nghệ thuật. Nghĩa là điều mà nhà nghệ sĩ nhận thức , suy tư về cuộc sống luôn được thể hiện một cách gián tiếp . Để làm được điều này người nghệ sĩ đi vào khai thác khả năng biểu hiện của ngôn ngữ. Đó là cách tổ chức sắp xếp ngôn ngữ sao cho từ một hình thức biểu đạt có thể có nhiều nội dung biểu đạt. Đó là quá trình chuyển nghĩa tạo nên lượng ngữ nghĩa kép trong thơ.Ví dụ :
	Người thương ơi cho em nhắn đôi điều 
	Dẫu cho mai quán chiều lều cũng ưng" 
	( Ca dao )
Hình thức biểu đạt của cụm từ " mai quán chiều lều " vừa có nghĩa trực tiếp chỉ "sáng thì ở quán chiều thì ở lều " vừa chuyển nghĩa để biểu hiện " cuộc sống nghèo khổ không ổn định". Nghĩa biểu hiện là nghĩa mang tính lâm thời trong văn bản thơ.
III. Hai giai đoạn trong quá trình tiếp nhận thơ :
Cái đích cuối cùng trong quá trình tiếp nhận thơ là độc giả đi tìm, lĩnh hội được đầy đủ cái hay, cái đẹp của thi phẩm. Thực tế cho thấy, đứng trước tác phẩm thơ, người đọc dễ dàng khen hay, chê dở. Nhưng nếu yêu cầu chỉ ra cái hay, cái dở thì nhiều người lúng túng khó trả lời. Bởi lẽ, họ chỉ mới cảm thơ mà chưa phân tích được. Từ thực tế ấy, ta nhận thấy quá trình tiếp nhận thơ phải trải qua hai bước từ cảm thơ đến phân tích thơ
1- Cảm thơ
Việc đánh giá, khen chê một tác phẩm thơ mà không có lý do (hay chưa tìm ra lý do) thì gọi là cảm thơ. Đây chính là bước khá quan trọng trong quá tình tiếp nhận thơ.
Mỗi tác phẩm thơ được xem như là một cơ thể sống. Nó có cảm xúc, tiếng nói, cái nhìn riêng về con người và đời sống. Như đã nói ở phần trên, thơ là tác phẩm trữ tình, do vậy mỗi bài thơ có một trường cảm xúc riêng (gọi là trường cảm xúc của bài thơ). Khi tiếp nhận tác phẩm thơ, người đọc chuẩn bị cho mình một tâm thế, một thái độ, một cảm xúc (gọi là trường cảm xúc của người đọc). Do vậy, cảm thơ thực chất là việc giao cảm giữa hai trường cảm xúc của độc giả và bài thơ. Từ đó, ta dễ nhận thấy cảm thơ có những đặc điểm sau:
- Nếu hai trường cảm xúc ấy đồng điệu thì việc cảm thơ diễn ra chính xác và đầy đủ; Nếu lệch pha thì chỉ cảm được một phần hoặc cảm nhận sai, hoặc không cảm nhận được.
- Mỗi độc giả có một tường cảm xúc riêng, do vậy việc cảm thơ diễn ra ở nhiều người trước một tác phẩm cũng có sự khác nhau. Một bài thơ, người khen hay, kẻ chê dở là chuyện thường tình, lắm khi có người không có cảm xúc hay chính kiến. Việc cảm thơ phụ thuộc rất lớn vào độ mẫn cảm của từng người
- Việc cảm thơ thường diễn ra theo sự mách bảo của con tim, chịu sự chi phối bởi tâm lý, thể trạng, hoàn cảnh của độc giả... Do vậy, nó mang tính chủ quan, cảm tính; nên việc cảm thơ không phải lúc nào cũng chính xác.
Từ thực tiễn và lý luận trên, ta có thể rút ra nhận xét: Cảm thơ là một quá trình giao cảm giữa độc giả và bài thơ. Cảm thơ không phải lúc nào cũng chính xác, nhưng dẫu sao nó cũng là một khâu quan trọng nhằm định hướng để phân tích tốt hơn. Không có cảm xúc định hướng do quá trình cảm thơ đưa lại thì việc phân tích thơ khó mà thành công.
2. Phân tích thơ 
Việc khám phá và chiếm lĩnh một cách có cơ sở những giá trị thẩm mỹ của tác phẩm thơ là phân tích thơ. Tất cả quá trình ấy phải được biểu hiện bằng ngôn ngữ của người đọc .
Khác với cảm thơ, phân tích thơ luôn tuân theo những nguyên tắc nhất định có tính khách quan, khoa học đối với nhiều người. Những nguyên tắc ấy là những công cụ đáng tin cậy để người làm văn có những nhận xét, đánh giá chuẩn xác về giá trị thẩm mỹ của tác phẩm thơ.
Năng lực phân tích thơ tuỳ thuộc rất lớn vào trình độ hiểu biết văn chương, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ diễn đạt cũng như các thao tác, phương pháp phân tích của độc giả.
Thành công bao giờ cũng dành cho người nào nắm phương pháp. Phân tích thơ mà không có phương pháp thì khó bề đặt chân đến bờ chân - thiện - mỹ của thi phẩm.
CHƯƠNG II: ĐƠN VỊ THƠ
Như đã trình bày, quá trình tiếp nhận tác phẩm thơ phải qua hai giai đoạn: Cảm thơ và phân tích thơ. Riêng giai đoạn phân tích thì phải trải qua hai bước theo nghĩa từ nguyên của phép chiết tự từ “ phân tích ”. “ Phân” là bước một, là việc chia nhỏ, lựa chọn tác phẩm ra thành nhiều phần (hoặc nhiều đoạn, nhiều câu, nhiều ý...) để tìm hiểu. “ Tích ” là bước thứ hai, là việc tổng hợp kết quả tìm hiểu, tiếp nhận ở bước một. Trong hai bước trên, bước một có một vai trò đáng kể trong việc phân tích thơ.
Mỗi tác phẩm thơ là một chỉnh thể nghệ thuật. Ở đó, ngôn ngữ được nhà nghệ sĩ tổ chức thành một hệ thống bởi những nguyên tắc và lôgic nhất định. Nghĩa là những từ ngữ, hình ảnh trong thi phẩm có mối quan hệ mật thiết, ràng buộc và chi phối nhau làm nên sự nhất quán trong nội dung biểu đạt của thi phẩm. Song khi phân tích thơ, người ta không phải làm việc một cách chung chung, bao quát trên chỉnh thể ấy, mà phải chia nhỏ tác phẩm ra thành nhiều đơn vị, khía cạnh ngôn ngữ để tiếp cận. Việc phân chia tác phẩm ra thành nhiều phần nhỏ sẽ tạo nên những đơn vị thơ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận tác phẩm thơ. Thường thấy, khi phân tích một bài thơ, người đọc thường hay chia nhỏ thành từng đoạn (g ... i đoạn và trào lưu văn học nào ?..., cuộc đời và quá trình sáng tác của tác giả ra sao ? ... để từ đó nhận xét và đánh giá các vấn đề về phương diện lịch sử cũng như nghệ thuật trong thi phẩm.
	Ví dụ bài Tình già ( Phan Khôi ) là bài thơ không có gì đặc sắc về mặt nghệ thuật ; nội dung bài thơ thì cũng chẳng mới lạ gì đối với chúng ta. Song nếu có kiến thức về văn học sử, mà cụ thể là thời điểm sáng tác của bài thơ, cũng như bức tranh chung về văn học Việt Nam lúc nó ra đời thì mới thấy hết giá trị của nó đối với văn học nói riêng và đời sống nói chung. Tình già ra đời năm 1925, đó là lúc thơ ca Việt Nam đang vận động thay đổi hệ thi pháp, đó là lúc xuất hiện những quan niệm mỹ học, đạo đức học khác biệt, thậm chí có mặt đối lập với thời trung đại. Vì thế bài thơ Tình già như một bước đột phá, một tiếng vang báo hiệu sự đổi mới trong tư duy thơ cũng như một số quan niệm sống của nước ta hồi đầu thế kỉ XX.
Kiến thức văn học sử được sử dụng trong bài phân tích thơ như những luận cứ đáng tin cậy. Vì thế nó có thể soi sáng được nhiều vấn đề trong thi phẩm. Thật vậy, nếu không biết gì về cuộc đời của Nguyễn Du làm sao ta đi đến bờ chân - thiện - mỹ của câu thơ " Phong vận kì oan ngã tự cư " ( Độc Tiểu Thanh kí - Nguyễn Du ). Nếu không có kiến thức về chủ nghĩa lãng mạn thì khó bề phân tích chất lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến ...
Thực tê, trong chương trình sách giáo khoa về văn học, những kiến thức về văn học sử vẫn còn ít, chưa có tính hệ thống . Người học nếu cầu tiến tất phải tự tìm tòi, nghiên cứu ở những sách vở khác .
2. Kiến thức lí luận văn học :
Lí luận văn học là một bộ môn công cụ, giúp độc giả có cơ sở thâm nhập vào thi phẩm. Loại kiến thức này khá nhiều và tương đối phức tạp. Việc vận dụng kiến thức này vào bài làm khá linh hoạt và tuỳ theo từng trường hợp mà có yêu cầu khác nhau.
Trước hết, trong bài làm văn, người viết thường xuyên sử dụng các thuật ngữ, khái niệm của lí luận văn học, như: hư cấu, điển hình, hình ảnh, hình tượng... Nếu không có sự hiểu biết đầy đủ, người viết sẽ dùng sai khái niệm.
Ở mức độ phức tạp hơn, khi làm bài người viết phải có kiến thức lí luận để lí giải một vấn đề nào đó trong tác phẩm thơ , ví như: cái tâm và cái tài của nhà thơ, , bản chất của thơ ca, cá tính sáng tạo của nhà thơ ... Để làm được những vấn đề đó, ta phải hiểu căn bản về các vấn đề lí luận như nguồn gốc thơ ca, đối tượng phản ánh, đặc trưng ngôn ngữ thơ .. .
Ví dụ như, để có sự phân tích và lời bình đặc sắc về bài thơ " Đi hát mất ô " ( Trần Tế Xương ), Nguyễn Tuân đã xuất phát từ những hiểu biết cơ bản về thơ và nhà thơ :
 	Đêm qua anh đến chơi đây 
	Giày dôn anh dận, ô Tây anh cầm
	Rạng ngày sang trống canh năm
	Anh dậy em hãy còn nằm trơ trơ
	Hỏi ô, ô mất bao giờ
	Hỏi em, em cứ ậm ờ không thưa
	Chỉn e rày gió mai mưa
	Lấy gì đi sớm về trưa với tình " 
" Ở tám câu lục bát này thì 42 tiếng trắc bằng của 6 câu đầu, tôi gạt sang cho phần hiện thực, với những tiếng choang choang lên chất tả thực: - giày dôn, - ô Tây, - nằm trơ trơ, - hỏi ô, ô mất, - hỏi em, ậm ờ không thưa. Sáu câu đầu, nói rành rọt về chuyện mất ô, mất ở đâu, mất trong trường hợp nào, và có thể đoán được người ăn cắp và thấy hiển hiện nỗi ấp úng lúng túng của kẻ gian đó. Câu chuyện kể lại bằng thơ ít lời nhưng đủ sự việc tình tiết không kém gì văn xuôi, có thể thoả mãn một ông quan toà dự thẩm, và có thể làm mẫu cho một cách giảng văn ở một lớp văn nào. Có thể ngừng ở đó. Nếu làm văn xuôi ( làm một cách xuôi xuôi ), được phép ách lại ở đó. nhưng đây làm thơ, chưa ngừng được, chưa thấy gì là mùi thơ tiếng thơ, chưa thấy ló ra thi sĩ. Cho nên phải đi bước nữa, nếu thực sự muốn làm thơ . Chỉ có thêm hai câu nữa mà cứu được đoạn văn xuôi xuôi dễ dàng đó và chuyển tất cả sang phạm vi thơ. Chuyển thể tài, chuyển đề tài và chuyển cả chủ đề. Bài thơ nổi gió lên từ hai câu cuối cùng. Từ một chuyện ăn cắp đồ vật, đang lí chỉ gây nổi một chút tiếc của, Tú Xương trang trọng nâng nó lên thành một nỗi niềm hồi hộp xót thương của những cặp tình nhân muôn thuở,- vẫn trên cái cơ sở thực tế đê hạ ấy mà nâng lên chứ không vu đàm khoát luận gì cả... Bên cái tục tằn, Tú Xương lồng vào một nét thanh, Tú Xương lấy một cái trong trắng mà gạn lọc cải vẩn đục và hút nó lên theo với thơ mình. Định nghĩa về chất thơ cho thật chính xác và toàn thập, tôi thấy nó cũng khó như định nghĩa chất uymua( humour ), nhưng cái cách cảm xúc và mở gỡ cho nhân sự thế tình như Tú Xương vừa cho thấy trong việc lạc ô lầu hát đó, tôi ngỡ rằng đó cũng là một cách đóng góp chí tình vào việc định nghĩa thế nào là thơ và nhà thơ .
Theo tôi nghĩ, thơ là ảnh, là nhân ảnh, thơ cũng ở loại cụ thể hữu hình. Nhưng nó khác với cái cụ thể của văn. Cũng mọc lên từ đống tài liệu thực tế, nhưng từ một cái hữu hình , nó thức dậy những cái vô hình bao la, từ một cái điểm nhất định mà nó mở ra được cái diện không gian thời gian trong đó nhịp mãi lên một tấm lòng sứ điệp ."
	( Thời và thơ Tú Xương - Nguyễn Tuân ) 
3. Kiến thức và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ :
 Ngôn ngữ là phương tiện để con người thể hiện những điều mình đã tư duy. Bài phân tích thơ đúng và hay tuỳ thuộc rất lớn vào kiến thức và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của người viết. Thật khó diễn đạt trọn vẹn cái điều mình nhìn thấy, cảm thấy, tư duy thấy. Thực tế, rất nhiều lúc ngôn ngữ diễn đạt không theo kịp tư duy. Để khắc phục những bất cập này, người làm văn phải có ý thức thường xuyên tích luỹ vốn ngôn ngữ, trau dồi kỹ năng sử dụng ngôn ngữ. Kiến thức về ngôn ngữ giúp người viết vừa xâm nhập vào tác phẩm, vừa diễn đạt những điều mình cảm nhận được từ tác phẩm. Riêng ở mặt sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt, yêu cầu người viết phải viết đúng và hay theo các cấp độ sau:
+ Dùng từ: 
Yêu cầu người viết phải biết dùng từ độc đáo. Sẽ rất chán nản cho người đọc khi một bài viết không dùng được một từ cho hay, cho độc đáo. Dùng từ hay thì mới có đoạn hay rồi bài hay.Từ hay là từ dùng đúng lúc, đúng chỗ, lột tả được cái thần thái của vấn đề nào đó trong bài thơ, làm cho câu văn có hồn, có sinh khí, làm cho người đọc sung sướng thán phục. Hạ được từ có " thần ", giá trị của bài viết được nâng lên đáng kể. Thử xem và học tập cách dùng chữ của các nhà phê bình:
" Khúc bạc mệnh đã gẩy xong rồi, mà oán hận vẫn còn dài mãi nên Nguyễn Du mới tự xưng cái tên thân mật của mình và đau đáu hỏi :
	Bất tri tam bách dư niên hậu 
	Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như "
	( Xuân Diệu )
" Loại từ " mảnh " trong " mảnh mặt trời " cũng mới lạ; người ta chỉ nói mảnh sành, mảnh giấy, thậm chí mảnh trăng vì trăng khi tròn khi khuyết, có khi bị xẻ làm đôi. Hình ảnh " mảnh mặt trời " gợi ra cái nhìn tàn bạo của con hổ muốn giẫm nát cả vũ trụ . " 
	( Nam Chi - Thế Lữ cuộc đời trong nghệ thuật )
" Tú Bà nói không đầy nửa phút mà nước bọt mép của mụ văng ra mà tới ngàn năm "
	( Xuân Diệu ) 
Cũng nên lưu ý rằng từ hay, từ có " thần " không phải là những từ " đao to búa lớn " , hoa mỹ, công thức, sáo rỗng... mà là những từ bình thường nhưng quan trọng là sử dụng đúng chỗ.
+ Viết câu : 
Phương tiện ngôn ngữ cơ bản để diễn ý là câu. Một câu luôn diễn đạt một nội dung nào đấy. Muốn cách diễn đạt khỏi đơn điệu nhàm chán người viết phải biết cách sử dụng nhiều kiểu câu. Tính linh hoạt trong việc sử dụng câu ở chỗ : tuỳ từng lúc, từng nơi, tuỳ giọng văn của từng đoạn mà có những loại câu tương ứng. Khi người viết muốn biểu đạt tình cảm của mình thì dùng câu cảm thán; lúc muốn gây sự chú ý cho người đọc ta có thể dùng câu nghi vấn để đặt vấn đề và tự trả lời để giải quyết vấn đề; khi muốn nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ theo nhiều mối quan hệ ta dùng câu có cặp quan hệ từ : tuy - nhưng, càng - thì càng, không những - mà còn, nếu - thì ..., khi muốn khái quát vấn tổng hợp đề ta dùng kiểu câu có tính chất quy nạp toàn thể với các từ mở đầu : nhìn chung, đại thể, về cơ bản, phần lớn ...
+ Ngôn ngữ làm văn phân tích thơ cũng phải có tính tạo hình và gợi cảm: 
Về mặt khoa học, bài phân tích thơ là loại văn của tư duy logic. Văn ý phải rõ ràng, sáng sủa, lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục lí trí. Tuy nhiên, không phải vì thế mà bài phân tích thơ chỉ trình bày một cách khô khan máy móc, chối bỏ cảm xúc và hình ảnh. ngôn ngữ phân tích thơ thiết nghĩ cũng phải có chất thơ, phải hấp dẫn lôi cuốn người đọc bằng từ ngữ có tính tạo hình và giàu sức biểu cảm. Ví dụ :
" Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời thi ca Việt Nam với cái đuôi chói loà rực rỡ của mình."
	( Chế Lan Viên )
" Nếu chúng ta liệt Tú Xương vào loại đỉnh thơ Nôm, thì " Sông lấp " chính là cái bóng cây hiên ngang trên sườn non đó vậy. Dẫn thơ Tú Xương mà vô tình hoặc cố ý đánh rớt bài " Sông lấp ", tức là bước lên lầu táp, mở của tầng này tầng kia mà quên mất cái chuông trên vọng lâu vậy "
	( Nguyễn Tuân - Thời và thơ Tú Xương )
Những lời bình luận, đánh giá trên phải chăng có sức sống riêng, ám ảnh độc giả là nhờ ngôn ngữ của nó giàu chất tạo hình và biểu cảm ?
4. Kiến thức về các bộ môn liên quan :
Sóng Hồng định nghĩa " Thơ là nhạc là hoạ là điêu khắc theo một phong cách riêng". Định nghĩa này cho thấy thơ ca liên quan đến các ngành nghệ thuật khác. Hơn thế, thơ ca luôn chứa đựng nhiều vấn đề, phạm trù xã hội khác nhau. Do vậy, để có thể xâm nhập trọn vẹn vào tác phẩm thơ, chúng ta cần phải có hiểu biết về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, như : Lịch sử, Địa lý, Triết học, Đạo đức học ... Những kiến thức này là những luận cứ ( vừa tiềm tàng vừa hiện thực ) góp phần soi sáng các hiện tượng thơ ca.
Để đi đến cái đích cuối cùng nội dung biểu đạt của từ " đế " trong bài " Nam quốc sơn hà " ( Lí Thường Kiệt ) tất phải đụng đến lịch sử mà cụ thể là vấn đề phong vương xưng đế của các vị vua Trung Quốc và Việt Nam lúc bấy giờ. Để thấy rõ nỗi đau khi phải sống trong cảnh đội trời chung với giặc và khát vọng hoà bình hạnh phúc của nhân dân vùng lục tỉnh thời năm 1862 thì phải nắm rõ các địa danh " Bến Nghé " , " Đồng Nai " trong câu văn sau:
" Binh tướng nó hãy đóng sông Bến Nghé, ai làm nên bốn phía mây đen;
Ông cha ta còn ở đất Đồng Nai, ai cứu đặng một phường con đỏ. " 
	( Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - Nguyễn Đình Chiểu ) 
Thơ ca là hình thái tự do trung thành nhất của tư tưởng. Cảm thụ thơ ca vì thế phải có những hiểu biết rất căn bản về các hệ tư tưởng, các trào lưu triết học để việc nhận xét đánh giá thêm sâu sắc.
Nếu không thông hiểu triết học đông tây kim cổ thì làm sao Hoài Thanh có được nhận xét sâu sắc sau :" Từ cánh cò lặng lẽ bay với nắng chiều trong thơ Vương Bột đến cánh cò trong thơ Xuân Diệu cách nhau ngàn năm và hai thời đại thi ca. "
Và như hai câu thơ sau :
	" Dạ thưa xứ Huế bây chừ 
	Vẫn là núi Ngự bên bờ sông Hương"
	( Bùi Giáng )
Nếu không biết được " thấy núi vẫn là núi, thấy sông vẫn là sông " trong tinh thần nhà Phật thì làm sao thấy được vẻ đẹp an nhiên tự tại của câu thơ . ..
---------------- Hết ----------------

Tài liệu đính kèm:

  • docky_nang_phan_tich_tho_dung_cho_hoc_sinh_trung_hoc_pho_thong.doc