Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện trong truyện ngắn Jack London

Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện trong truyện ngắn Jack London

Tóm tắt: Bài báo này đã chỉ ra sự phong phú đa dạng và hiệu quả nghệ thuật của tình huống truyện được Jack London sử dụng trong kho tàng truyện ngắn của mình. Bao gồm: tình huống xung đột, tình huống thử thách, và tình huống ngẫu nhiên. Trên cơ sở đó tác giả bài báo đi đến sự khẳng định: nghệ thuật xây dựng tình huống truyện là một đặc điểm nổi bật trong thi pháp nghệ thuật truyện ngắn của Jack London.

 Tình huống là một yếu tố hết sức quan trọng trong mọi tác phẩm tự sự. Trong truyện ngắn, tình huống là bối cảnh mà tác giả tạo ra để triển khai cốt truyện, để nhân vật hành động, suy nghĩ. Chính tình huống truyện đã gây nên tác động mạnh mẽ đến đời sống và tính cách của nhân vật. Bởi vậy, vai trò của tình huống truyện luôn được các nhà văn cũng như các nhà nghiên cưú đánh giá cao. Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng viết: “Đôi khi người ta nghĩ ra được một cái tình thế xảy ra câu chuyện thật hay và thế là coi như xong một nửa”[4.tr120]. Tình huống truyện “là cái cớ vững chắc, hết sức cụ thể và mang tính riêng, ở đó cốt truyện và nhân vật nương tựa vào nhau để thực hiện đắc lực tất cả ý định của tác giả”[4.tr120]. Từ vai trò quan trọng đó mà việc tìm hiểu các dạng thức tình huống truyện trong tác phẩm văn học trở nên cần thiết trong quá trình tìm hiểu thế giới nghệ thuật của một nhà văn.

 Đối với J. London, tình huống truyện là một trong những thủ pháp nghệ thuật cơ bản giúp nhà văn thể hiện thành công thế giới nhân vật. Trên con đường chiếm lĩnh hiện thực đời sống, J. London đã nổ lực tìm tòi để tạo nên nhiều dạng tình huống truyện khác nhau, mỗi dạng tình huống lại được nhà văn khai thác ở nhiều cấp độ khác nhau.

 

doc 6 trang Người đăng duyphuonghn Lượt xem 1259Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện trong truyện ngắn Jack London", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện
trong truyện ngắn Jack London
 Nguyễn Trọng Đức
Tóm tắt: Bài báo này đã chỉ ra sự phong phú đa dạng và hiệu quả nghệ thuật của tình huống truyện được Jack London sử dụng trong kho tàng truyện ngắn của mình. Bao gồm: tình huống xung đột, tình huống thử thách, và tình huống ngẫu nhiên. Trên cơ sở đó tác giả bài báo đi đến sự khẳng định: nghệ thuật xây dựng tình huống truyện là một đặc điểm nổi bật trong thi pháp nghệ thuật truyện ngắn của Jack London.
	Tình huống là một yếu tố hết sức quan trọng trong mọi tác phẩm tự sự. Trong truyện ngắn, tình huống là bối cảnh mà tác giả tạo ra để triển khai cốt truyện, để nhân vật hành động, suy nghĩ. Chính tình huống truyện đã gây nên tác động mạnh mẽ đến đời sống và tính cách của nhân vật. Bởi vậy, vai trò của tình huống truyện luôn được các nhà văn cũng như các nhà nghiên cưú đánh giá cao. Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng viết: “Đôi khi người ta nghĩ ra được một cái tình thế xảy ra câu chuyện thật hay và thế là coi như xong một nửa”[4.tr120]. Tình huống truyện “là cái cớ vững chắc, hết sức cụ thể và mang tính riêng, ở đó cốt truyện và nhân vật nương tựa vào nhau để thực hiện đắc lực tất cả ý định của tác giả”[4.tr120]. Từ vai trò quan trọng đó mà việc tìm hiểu các dạng thức tình huống truyện trong tác phẩm văn học trở nên cần thiết trong quá trình tìm hiểu thế giới nghệ thuật của một nhà văn.
	Đối với J. London, tình huống truyện là một trong những thủ pháp nghệ thuật cơ bản giúp nhà văn thể hiện thành công thế giới nhân vật. Trên con đường chiếm lĩnh hiện thực đời sống, J. London đã nổ lực tìm tòi để tạo nên nhiều dạng tình huống truyện khác nhau, mỗi dạng tình huống lại được nhà văn khai thác ở nhiều cấp độ khác nhau. 
Tình huống xung đột
Xung đột là sự đối lập, sự mâu thuẫn được dùng như một nguyên tắc để xây dựng các mối quan hệ giữa các hình tượng trong tác phẩm, là cơ sở để thúc đẩy hành động của nhân vật và diễn tiến của cốt truyện. Các xung đột thường xuất hiện dưới dạng những va chạm, những sự đụng độ trực tiếp, sự đối chọi giữa các thế lực được mô tả trong tác phẩm như giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với xã hội, giữa con người với con người, giữa những phương diện khác nhau trong bản thân một con người. 
Khảo sát truyện ngắn của J. London chúng ta sẽ thấy tình huống xung đột được nhà văn khai thác một cách triệt để dưới nhiều dạng thức và cấp độ khác nhau. Bao gồm các tình huống xung đột giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với xã hội, giữa con người với con người, và đặc biệt là các tình huống xung đột giữa các phương diện ngay trong bản thân một con người.
Trong tình huống xung đột tay đôi giữa con người với thiên nhiên, J. London luôn đặt con người vào môi trường thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Đó là khung cảnh miền Bắc cực hoang vu mịt mù tuyết rơi và gió hú, đó là miền biển phương Nam với sóng lớn dữ dội và bão tố hoành hành, đó là những quần đảo khủng khiếp và những thung lũng hoang sơ như thủa hồng hoang nguyên thuỷ... Trong môi trường thiên nhiên mênh mông, giá lạnh và đầy nguy hiểm ấy, con người thường xuất hiện trong tư thế đơn độc, một số nhân vật thậm chí không có nổi một cái tên. Điều đó khiến cho hình ảnh con người trở nên mờ nhạt, và thiên nhiên vì thế càng trở nên khốc liệt và nguy hiểm hơn. Thiên nhiên được J. London thể hiện như một sinh thể vô cảm, thù địch, luôn gia tăng sự đe dọa đối với tính mạng con người. Trước khung cảnh thiên nhiên như thế, con người trong truyện của J. London bao giờ cũng là con người hành động, vượt lên tất cả sự đe dọa của thiên nhiên để bảo toàn sự sống của mình. Trong cuộc vật lộn chống lại sức mạnh tàn hại của thiên nhiên, con người đã tự bộc lộ rõ những phẩm chất tính cách và tâm hồn của mình. Thiên nhiên hoang vắng, khốc liệt, đầy bất trắc khiến cho tính cách của nhân vật bộc lộ rõ nét hơn trong cuộc tồn sinh dữ dội và quyết liệt. Quá trình gia tăng sức mạnh của thiên nhiên đồng hành với quá trình bộc lộ tính cách của nhân vật. Chẳng hạn như, nhân vật người đàn ông trong truyện Nhóm lửa (To Biul a Fia) một mình đối mặt với băng tuyết giá lạnh đến khủng khiếp. Thiên nhiên càng vận động gia tăng sự nguy hiểm thì hành động của người đàn ông càng mạnh mẽ và kiên quyết. Quá trình tranh đấu chống lại thiên nhiên khắc nghiệt cũng chính là quá trình nhân vật người đàn ông tự bộc lộ tính cách anh hùng của mình. Đó là một con người có ý chí nghị lực mạnh mẽ phi thường, bất chấp mọi nguy hiểm để vươn tới mục đích của mình. Truyện Tình yêu cuộc sống (tên tiếng anh)cũng xuất hiện kiểu tình huống xung đột tay đôi giữa con người với thiên nhiên. ở truyện ngắn này, nhà văn đã đặt nhân vật người đàn ông trong một hoàn cảnh hết sức khốc liệt: Thiên nhiên vùng Bắc cực hoang sơ giá lạnh đã khiến cho hai người đàn ông hết sức mệt mỏi. Tình cờ một trong hai người bị trượt chân ngã xuống và bị trẹo mắt cá chân. Người bạn đồng hành đã bỏ rơi anh ta để tiếp tục cuộc hành trình. Từ đó anh một mình đối diện với thiên nhiên khốc liệt, và sự đau đớn, đói khát. Trong khi đó một con sói ốm xuất hiện và nó bám theo dấu vết của anh, từ đó hai sinh vật ốm đau lê lết rình rập sự sống của nhau. Để bảo toàn sự sống, người đàn ông đã không ngừng hành động. Không quản đói, rét và đau đớn, người đàn ông vẫn cố vươn lên để giành giật sự sống. Cuối cùng, anh ta đã chiến thắng. Đó là sự chiến thắng của ý chí nghị lực phi thường và tình yêu cuộc sống mãnh liệt. Qua cuộc đấu tranh chống lại môi trường tự nhiên hoang dã mà người đàn ông trong truyện đã tự bộc lộ hết những phẩm chất tốt đẹp của một người hùng: dũng cảm gan dạ, ý chí nghị lực phi thường và tình yêu cuộc sống mãnh liệt. 
Truyện ngắn Ngôi nhà của Mapuhi (tên tiếng anh) cũng có sự xuất hiện của tình huống xung đột giữa con người với thiên nhiên, nhưng lần này đối diện với thiên nhiên hoang sơ, khắc nghiệt không phải là một người đàn ông mạnh mẽ, mà là một bà lão. Bà lão Nauri là một thổ dân vùng biển có sức sống mạnh mẽ đến kỳ diệu được J. London thể hiện như một người hùng trong truyện ngắn này. Gia đình bà lão sống sống trên đảo san hô Hikuơru, nơi bão tố hoành hành dữ dội. Họ mơ uớc có được một ngôi nhà vững chắc để tránh sự đe dọa của phong ba bão táp. ước mơ của họ sắp trở thành hiện thực khi Mapuhi con trai bà lão mò được viên ngọc trai đáng giá hàng ngàn phơrăng Pháp. Họ muốn đổi viên ngọc quý lấy ngôi nhà mà lâu nay họ từng mơ ước. Thế nhưng ước mơ của họ bị dập tắt khi gã lái buôn Toriki cướp mất viên ngọc rồi bán cho kẻ khác. Thật bất ngờ là ngay sau đó bão tố nổi lên, biển dậy sóng cuốn trôi hàng ngàn người xuống biển. Bà lão Nauri cũng bị bão biển ném ra biển. Mặc dù đã ngót sáu mươi tuổi nhưng bà lão vẫn ra sức chống chọi với bão biển. Trong khi trôi dạt trên biển, bà lão tình cờ lấy lại được viên ngọc từ xác chết của Lêvi, người đã mua lại viên ngọc từ tay Toriki. Từ cõi chết, bà lão đã vượt qua mọi gian truân để trở về, mang theo viên ngọc quý. Gia đình bà lão được đoàn tụ và họ lại mơ uớc về ngôi nhà. Không ai có thể hình dung nổi là bà lão Nauri lại có thể sống sót trở về sau ngần ấy thử thách gian khổ. Chỉ có một người luôn mang trong mình một tình yêu cuộc sống mãnh liệt, một niềm tin vào sức sống kỳ diệu của con người thì mới có thể tưởng tượng ra điều đó, người ấy chính là J. London. 
Thiên nhiên hoang dã đầy bất trắc và nguy hiểm là môi trường để thanh lọc con người, để cho con người tự bộc lộ hết mọi phẩm chất tính cách của mình. Mặt khác, qua tình huống xung đột giữa con người với thiên nhiên, J. London đã thể hiện tư tưởng mang tính triết lí của mình: trước thế giới tự nhiên mênh mông và đầy sự bí hiểm, thì con người hết sức bé nhỏ. Muốn chiến thắng trong cuộc tranh đấu với tự nhiên thì con người cần phải đoàn kết xích lại gần nhau, nếu tồn tại trong tư thế cô độc thì thất bại là lẽ thường tình và số phận con người sẽ trở nên hết sức mỏng manh. Xung đột giữa con người với thiên nhiên hoang dã cũng có thể xem là một ẩn dụ cho mối xung đột giữa con người với môi trường xã hội. 
Xung đột tay đôi giữa con người với xã hội cũng được J. London thể hiện khá phổ biến trong nhiều tác phẩm. Điển hình cho kiểu xung đột này là một con người xuất thân từ tầng lớp cơ hàn của xã hội nhưng có đầy ý chí nghị lực, trí tuệ và khát vọng vươn lên giải thoát bản thân và tầng lớp của mình khỏi cảnh nghèo khổ và mất quyền tự do. Khi tình huống xung đột giữa con người với xã hội được giải quyết, chiến thắng thường thuộc về những nhân vật người hùng. Đó là sự chiến thắng của ý chí nghị lực, của chân lí cao cả. Tiêu biểu cho kiểu tình huống này là các truyện ngắn Người Mêhicô, Hội những người già, Kẻ bỏ đạo, Người đà bà sinh ban đêmTrong truyện Người Mêhicô (tên tiêng anh), nhân vật Rivêra xuất thân từ lớp người dưới đáy xã hội, thế nhưng anh ta một lòng trung thành với cách mạng, không quản mọi gian khổ để làm việc, hy sinh vì cách mạng. Cuối cùng, với sức mạnh của ý chí nghị lực và lòng tin tưởng vào cách mạng, Rivêra đã chiến thắng. Lão già Imbơ trong truyện Hội những người già (tên tiếng anh) cũng vậy. Lão là một thổ dân da đỏ có tình yêu tha thiết đối với bộ tộc. Trước sự áp bức bóc lột của người da trắng, Lão đã hành động hết sức dũng cảm để bảo vệ bộ tộc của mình. Giôn trong truyện Kẻ bỏ đạo (tên tiếng anh)là một cậu bé sớm trở thành nạn nhân của xã hội, ngay từ nhỏ cậu đã trở thành một cái máy làm việc không biết mệt mỏi trong các nhà máy. Khi ý thức được thân phận của mình, cậu bé đã bỏ việc để ra đi. Hành động đó là biểu hiện cho sự đấu tranh chống lại hiện thực xã hội tàn khốcViết về mối xung đột này J. London đã thể hiện rõ lập trường của một nhà văn vô sản, luôn lạc quan tin tưởng vào sự chiến thắng của những người thuộc tầng lớp dưới, những người đấu tranh vì chính nghĩa. Nhân vật chính trong những truyện ngắn xuất hiện kiểu xung đột này đã thể hiện rõ nhất con người và tư tưởng nghệ thuật tiến bộ của J. London.
Xung đột tay ba là kiểu tình huống đặc biệt hấp dẫn được J. London thể hiện trong nhiều tác phẩm. Kiểu tình huống này được nhà văn dùng để chỉ những quan hệ mang tính chất đời tư giữa con người với con người. Điển hình cho kiểu tình huống này là các truyện Sóng lớn Canaca, Một trạm nghỉ, Đoạn kết của câu chuyện cổ tích, Con trai của chó Sói, Odysses của phương bắc Đây cũng là những tác phẩm hay nhất trong kho tàng truyện ngắn của J. London. Kiểu tình huống xung đột tay ba xét cho cùng thì không có gì mới mẻ, từ xa xưa kiểu xung đột này cũng đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học dân gian. Điều đáng nói là J. London đã vận dụng kiểu xung đột này một cách đầy sáng tạo. Xung đột giữa bộ ba nhân vật Iđa, Li Bactơn và Xani trong truyện Sóng lớn Canaca (tên tiếng anh)làm cho câu chuyện tình yêu tam giác trở nên hết sức hấp dẫn, qua đó nhà văn đã ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn của con người và đề xuất triết lí sâu sắc về tình yêu: tình yêu vượt qua thử thách mới là tình yêu đích thực, bền vững. Cội rễ của tình yêu cao đẹp ấy chính là sự chân thành, thuỷ chung và lòng hy sinh. ở Đoạn kết của câu chuyện cổ tích (tên tiếng anh), J. London cũng sáng tạo ra tình huống xung đột tay ba giữa Linđê, Xtơreng và Metgiơ. Khi mối xung đột được giải quyết thì tư tưởng nghệ thuật của nhà văn cũng được thể hiện. Đó là sự ngợi ca vẻ đẹp tình yêu và sự hy sinh cao thượng của con người. Đó cũng chính là nền tảng cho một cuộc sống tốt đẹp. Cũng là tình huống xung đột tay ba, nhưng truyện ngắn Một trạm nghỉ lại mang ý nghĩa khác. Sáng tạo nên tình huống xung đột tay ba ở truyện ngắn này, J. London muốn phản ánh một phương diện xấu xa thấp hèn trong đời sống con người, đó là sự đồi bại của phụ nữ. Nhân phẩm của con người trở thành món hàng rẻ mạt được mang ra đổi chác. Đây cũng chính là một phương diện trong hiện thực đời sống xã hội nước Mỹ thời đại J. London. Ngoài những xung đột trong quan hệ tình cảm vợ chồng ở các truyện ngắn trên đây, Con trai của chó sói (tên tiếng anh) là truyện ngắn tiêu biểu cho mối xung đột sắc tộc. ở truyện ngắn này, J. London đề cập đến xung đột giữa một thanh niên da trắng với một thanh niên da đỏ trong việc tranh giành một cô gái để lấy làm vợ. Măckênzi thuộc dòng giống người da trắng, là thủ lĩnh trong cuộc khai hoá văn minh, được người da đỏ gọi là Sói hay “con trai của chó sói”, còn người thanh niên da đỏ thường được mọi người gọi là Gấu. Hai gã đàn ông cùng tranh nhau một cô gái con của bộ tộc Quạ. Trận chiến đấu diễn ra quyết liệt, cuối cùng phần thắng thuộc về Sói. Tình huống xung đột được giải quyết theo hướng đề cao sức mạnh của người da trắng. Nhưng xét cho cùng, tư tưởng nghệ thuật của J. London không dừng lại ở việc ngợi ca sức mạnh của những người da trắng, những người đi khai hoá văn minh. Đây là lời của Zarinka, một chàng trai của bộ tộc Quạ: “Bọn Sói cướp đàn bà của ta, ta sẽ chẳng có ai sinh con đẻ cái cho nữa. Bọn ta chỉ còn một dúm người. Bọn Sói tước đoạt của ta lông thú ấm, trả cho ta toàn quỷ dữ sống trong chai và áo quần không phải làm bằng da hải li và linh miêu, mà bằng cỏ cây. áo quần này không ấm, khiến bà con lũ làng ta chết dần vì những căn bệnh khó hiểu”[8.tr214]. Vậy là đã rõ, J. London không phủ nhận sức mạnh của người da trắng, nhưng nhà văn không đồng tình với con đường khai hoá của họ. Sói chiến thắng chủ yếu là nhờ vào súng đạn, rượu và thuốc lá. Con đường đi đến chiến thắng của Sói là trái với quy luật tự nhiên, đó không phải là sự văn minh hoá mà chính là sự man dã hoá văn minh. Quả đúng như nhận định: “Jack London đã mạnh dạn phanh phui mổ xẻ đời sống và xã hội nước Mỹ ghê tởm mà ông đang sống. Cái xã hội mà bọn con buôn tư sản rêu rao là văn minh ấy đối với ông chỉ là một xã hội dã man tàn bạo không hơn không kém”[2.tr420]. 
Xung đột tay ba được J. London khai thác một cách đa dạng, nhưng chung quy lại, đa số các xung đột đó thường chuyển vào nội tâm. Nét riêng của J. London là ở chỗ ông ít tập trung mô tả nội tâm mà chủ yếu là tạo ra một khoảng lặng giữa nhận thức và hành động của nhân vật. Bác sĩ Linđê trong Đoạn kết của câu chuyện cổ tích khi tình cờ gặp người chồng hiện tại của cô vợ cũ, lẽ ra anh ta phải suy tính trả thù. Nhưng J. London không trực tiếp miêu tả quá trình tâm lí ấy. Hành động của nhân vật là kết quả của quá trình tâm lí của nhân vật, nhưng J. London đã phớt lờ đi quá trình tâm lí. Thay vào đó là hành động của nhân vật. Trong truyện Một trạm nghỉ, Menxơ là người bị vợ phụ bạc. Tình cờ anh ta chạm trán với cô vợ đang đi cùng tình nhân. Theo lôgic thông thường, chắc chắn lúc đó anh ta phải có sự giận giữ, ghen tức và suy tính trả thù. Nhưng J. London không miêu tả “quá trình tâm lí” của nhân vật. Ông để cho nhân vật tiếp tục hành động một cách bình thường, không quan tâm đến vấn đề chính. Với cách làm này tư tưởng nghệ thuật của nhà văn được dấu kín cho đến khi kết thúc tác phẩm mới được bộc lộ. Bởi vậy, truyện ngắn của J. London thường có kết thúc bất ngờ, tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt đối với người đọc.
Tình huống thử thách
Trong một số truyện ngắn của J. London còn xuất hiện kiểu tình huống thử thách. Sóng lớn Canaca là câu chuyện tình có sức hấp dẫn đến kỳ diệu. Li Báctơn hết sức đau khổ vì nghi ngờ sự chung thuỷ của vợ là Iđa. Anh ta đã giả vờ bị chuột rút để thử thách tình yêu của vợ khi hai vợ chồng đang ở giữa sóng nước Canaca giữ dội. Người Mỹ thường thực dụng, họ không coi trọng lời nói mà chỉ đánh giá cao giá trị của việc làm. Iđa đã chứng tỏ tình yêu đích thực và sự chung thuỷ của mình bằng hành động dũng cảm, bất chấp sự nguy hiểm để cứu chồng. Trong Đoạn kết câu chuyện cổ tích, tác giả đã tạo ra một tình huống hết sức thú vị. Một bên là Xtơreng phải chết, một bên là Métgiơ vợ của Xtơreng chấp nhận trở về với người chồng cũ là bác sĩ Linđê để Xtơreng được cứu sống. Trong tình huống đó Métgiơ phải lựa chọn một trong hai con đường: hoặc theo chồng cũ để chồng mới được cứu sống, hoặc không theo chồng cũ mà chấp nhận để chồng mới chết. Cuối cùng Métgiơ đã chọn con đường hy sinh vì chồng bằng cách chấp nhận trở về với chồng cũ. Vậy là với tình huống này, tình yêu và sự chung thuỷ của Métgiơ đã được khẳng định qua thử thách. Bác sĩ Linđê vì thế đã cảm động và trả Métgiơ về với người chồng hiện tại của cô ta.
Tình huống ngẫu nhiên
Cùng với tình huống xung đột và tình huống thử thách, thì tình huống ngẫu nhiên cũng góp phần không nhỏ trong việc thể hiện nhân vật. Người đàn ông trong truyện Nhóm lửa đang cố sức vật lộn với băng tuyết giá lạnh để bảo toàn sự sống, ngẫu nhiên anh ta bị trượt chân ngã xuống để rồi vĩnh viễn nằm lại trong băng tuyết. ở truyện Sự im lặng màu trắng (tên tiếng anh), cây thông khổng lồ mang trên mình gánh nặng năm tháng và tuyết trắng bỗng nhiên đổ xuống và cướp đi tính mạng của Mason. Sự nguy hiểm đến với Mason một cách hết sức ngẫu nhiên, bất ngờ. Nhân vật Bil trong truyện Tình yêu cuộc sống bất ngờ bị trượt chân trên một phiến đá, để rồi sau đó bị người bạn đồng hành bỏ rơi trong suốt cuộc hành trình đầy gian khổ và nguy hiểm. Trong truyện Đoạn kết câu chuyện cổ tích, bác sĩ Linđê đi cứu giúp người bệnh. Thật bất ngờ bệnh nhân lại là chồng của cô vợ cũ. Tình huống này đã giúp J. London thể hiện rõ bản chất cao thượng của chính bác sĩ Linđê. Sử dụng kiểu tình huống này nhà văn đã thể hiện được quan niệm của mình về cuộc đời và số phận con người: trước hiện thực xã hội đầy sự bất công ngang trái, đầy những mối hiểm họa, thì sự sống và cái chết của con người chỉ cách nhau trong gang tấc, và số phận con người là hết sức mỏng manh. Con người dù có mạnh mẽ và quyết tâm bao nhiêu thì khi hành động cũng phải có sự cẩn trọng. Ngoài ra, những tình huống bất ngờ, ngẫu nhiên còn có tác dụng tạo nên kịch tính, lôi cuốn người đọc tập trung sự chú ý vào hành trình tính cách và số phận của nhân vật.
Thay lời kết
Tình huống truyện là yếu tố then chốt, là điểm nhấn nghệ thuật mà người đọc có thể thấy rõ trong bất kỳ truyện ngắn nào của J. London. Mỗi truyện ngắn của ông bao giờ cũng có ít nhất là một tình huống truyện. Thậm chí có những truyện có hai hoặc ba tình huống đan xen với nhau. Chẳng hạn, Đoạn kết của câu chuyện cổ tích là truyện ngắn có ba tình huống đan xen nhau: tình huống xung đột tay ba (giữa Linđê, Métgiơ và Xtơreng), tình huống ngẫu nhiên (Linđê đi cứu giúp người bị nạn, thật ngẫu nhiên người bị nạn lại là người chồng của cô vợ cũ), tình huống thử thách (Nếu Métgiơ đi theo chồng cũ thì chồng mới được cứu sồng và, ngược lại thì người chồng mới của cô sẽ không được chồng cũ cứu sống). Truyện ngắn Sóng lớn Canaca có hai tình huống: tình huống xung đột tay ba (giữa Iđa, Li Bactơn và Xani), tình huống thử thách (Li Bactơn giả vờ bị chuột rút để thử thách tình yêu của vợ). Việc tạo ra những tình huống khác nhau, dù có khi ngay trong một tác phẩm, điều đó càng khẳng định sự tìm tòi sáng tạo của J. London trên lộ trình nghệ thuật. Với hệ thống tình huống truyện phong phú, đa dạng, J. London đã thể hiện thành công thế giới nhân vật. Đồng thời cũng qua các tình huống truyện mà nhà văn đã thể hiện được cái nhìn sâu sắc trước hiện thực cũng như những trăn trở, khát vọng của mình đối với con người và xã hội. Đến đây, chúng ta có thể khẳng định rằng, tình huống truyện không chỉ là một thủ pháp xây dựng nhân vật, mà còn là một đặc điểm nổi bật trong thi pháp nghệ thuật truyện ngắn của J. London./.
Tài liệu tham khảo
1. Lê Huy Bắc, Văn học Mỹ, NXB Đại học sư phạm, Hà Nội, 2003
2. Lê Đình Cúc, Tác gia văn học Mỹ thế kỷ XVIII - XX, NXB KHXH, Hà Nội, 2004
3. Nguyễn Đức Đàn, Hành trình văn học Mỹ, NXB Văn học, 1996
4. Tôn Phương Lan, Phong cách nghệ thuật Nguyễn Minh Châu, NXB KHXH, 2002
5. Hữu Ngọc, Hồ sơ văn hoá Mỹ, NXB Thế giới, Hà Nội, 2006
6. Robert H.Bellah (Chủ biên), Văn hoá và tính cách người Mỹ, NXB Khoa học xã hội và Viện thông tin khoa học xã hội, 1990
7. Jack London, Jack London tác phẩm chọn lọc, NXB Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2001
8. Jack London, Tuyển tập Jack London, NXB Hội nhà văn, 1999

Tài liệu đính kèm:

  • docnghe_thuat_xay_dung_tinh_huong_truyen_trong_truyen_ngan_jack.doc