Ngữ văn 9 - So sánh chuyện tình giữa Người và Hồn ma trong "Tiễn đăng tân thoại" và "Truyền kỳ mạn lục"

Ngữ văn 9 - So sánh chuyện tình giữa Người và Hồn ma trong "Tiễn đăng tân thoại" và "Truyền kỳ mạn lục"

So sánh chuyện tình giữa Người và Hồn ma trong "Tiễn đăng tân thoại" và "Truyền kỳ mạn lục"

Đinh Thị Khang

Nhiều năm trở lại đây, có nhiều công trình nghiên cứu Truyền kỳ mạn lục (TKML) trong so sánh với Tiễn đăng tân thoại (TĐTT). Mối quan hệ giữa hai tác phẩm được xác định là Nguyễn Dữ chịu ảnh hưởng nhiều từ sáng tác của Cù Hựu (do tiếp thu tình tiết, mô típ và bút pháp thể loại). Nhưng tập truyện truyền kỳ này vẫn thể hiện sức sáng tạo nghệ thuật của nhà văn tài năng họ Nguyễn. Với đề tài của mình, qua khảo sát những tác phẩm cụ thể, chúng tôi tìm hiểu thêm về những phương diện trên, mong muốn đi tới những nhận xét mới mẻ khác.

TKML của Nguyễn Dữ gồm 20 truyện ngắn. Tính chất và sự biến huyễn của thế giới lạ lùng tựa như không có thật ấy được thể hiện phong phú, đa dạng, sinh động qua từng thiên truyện. Nhóm tác phẩm viết về chuyện tình giữa người và hồn ma có một cốt truyện vừa lãng mạn vừa ly kỳ, quái đản.

I. Đặt trong so sánh với TĐTT, xét số lượng tác phẩm là đối tượng khảo sát, chúng tôi có kết quả sau đây: TĐTT có 5/20 truyện, chiếm tỉ lệ 25%; TKML có 3/20 truyện, chiếm tỉ lệ 15%. Tuy rằng số lượng có ít hơn so với TĐTT nhưng vẫn có thể thấy, đây là đề tài được Nguyễn Dữ quan tâm thể hiện(1).

Nội dung mỗi truyện viết về cuộc gặp gỡ, yêu đương giữa hai nhân vật chính. Trong cả 8 truyện (5 của TĐTT, 3 của TKML), các nhân vật nam đều là người, các nhân vật nữ đều là hồn ma hiện thành người. Viết về chuyện người gặp gỡ, yêu đương với ma; ăn ở, vui thú như vợ chồng với ma giữa cõi người, các tác giả đã đưa chuyện ảo, cảnh ảo xâm nhập thế giới người; đưa thế giới “phi hiện thực” hiện hữu trong thế giới hiện thực. Như vậy tính chất kỳ ảo của từng tác phẩm nằm ngay trong nội dung cốt truyện và hình thức “phi nhân” của một trong hai nhân vật chính.

 

doc 7 trang Người đăng honghoa45 Lượt xem 1130Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Ngữ văn 9 - So sánh chuyện tình giữa Người và Hồn ma trong "Tiễn đăng tân thoại" và "Truyền kỳ mạn lục"", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
So sánh chuyện tình giữa Người và Hồn ma trong "Tiễn đăng tân thoại" và "Truyền kỳ mạn lục"
Đinh Thị Khang
Nhiều năm trở lại đây, có nhiều công trình nghiên cứu Truyền kỳ mạn lục (TKML) trong so sánh với Tiễn đăng tân thoại (TĐTT). Mối quan hệ giữa hai tác phẩm được xác định là Nguyễn Dữ chịu ảnh hưởng nhiều từ sáng tác của Cù Hựu (do tiếp thu tình tiết, mô típ và bút pháp thể loại). Nhưng tập truyện truyền kỳ này vẫn thể hiện sức sáng tạo nghệ thuật của nhà văn tài năng họ Nguyễn. Với đề tài của mình, qua khảo sát những tác phẩm cụ thể, chúng tôi tìm hiểu thêm về những phương diện trên, mong muốn đi tới những nhận xét mới mẻ khác. 
TKML của Nguyễn Dữ gồm 20 truyện ngắn. Tính chất và sự biến huyễn của thế giới lạ lùng tựa như không có thật ấy được thể hiện phong phú, đa dạng, sinh động qua từng thiên truyện. Nhóm tác phẩm viết về chuyện tình giữa người và hồn ma có một cốt truyện vừa lãng mạn vừa ly kỳ, quái đản.
I. Đặt trong so sánh với TĐTT, xét số lượng tác phẩm là đối tượng khảo sát, chúng tôi có kết quả sau đây: TĐTT có 5/20 truyện, chiếm tỉ lệ 25%; TKML có 3/20 truyện, chiếm tỉ lệ 15%. Tuy rằng số lượng có ít hơn so với TĐTT nhưng vẫn có thể thấy, đây là đề tài được Nguyễn Dữ quan tâm thể hiện(1). 
Nội dung mỗi truyện viết về cuộc gặp gỡ, yêu đương giữa hai nhân vật chính. Trong cả 8 truyện (5 của TĐTT, 3 của TKML), các nhân vật nam đều là người, các nhân vật nữ đều là hồn ma hiện thành người. Viết về chuyện người gặp gỡ, yêu đương với ma; ăn ở, vui thú như vợ chồng với ma giữa cõi người, các tác giả đã đưa chuyện ảo, cảnh ảo xâm nhập thế giới người; đưa thế giới “phi hiện thực” hiện hữu trong thế giới hiện thực. Như vậy tính chất kỳ ảo của từng tác phẩm nằm ngay trong nội dung cốt truyện và hình thức “phi nhân” của một trong hai nhân vật chính.  
II. Khảo sát nội dung 5 truyện của TĐTT, chúng tôi nhận thấy có thể phân chia thành hai nhóm sau đây: 
-  Nhóm 1, gồm bốn truyện: Kim phượng thoa ký, Đằng Mục tuý du Tụ Cảnh viên ký, Ái Khanh truyện, Lục y nhân truyện. Nội dung các truyện có thể khái quát như sau: Một chàng trai gặp mỹ nhân. Anh ta biết đấy là người đã chết nhưng vẫn cùng hồn ma yêu đương ân ái. Cả hai thoả mãn ước nguyện hạnh phúc. Đến kỳ hạn, âm dương ly biệt, (chỉ trừ Kim phượng thoa ký, chàng Hưng Ca lấy em gái Hưng Nương theo ước nguyện của nàng) các chàng trai không lấy vợ nữa để giữ tình chung thuỷ.
-  Nhóm 2, chỉ có Mẫu đơn đăng ký, viết chuyện chàng trai gặp mỹ nhân, mời nàng về nhà ngủ. Từ đó, nàng tối đến sáng đi. Có người biết chuyện cảnh báo, chàng đi tìm tung tích người tình, phát hiện mình dan díu với hồn người chết. Chàng sợ hãi chạy trốn nhưng vẫn bị ma quyến rũ rồi bị chết theo, cũng biến thành ma lang thang. Các hồn ma quấy phá nhân gian đã bị đạo sĩ yểm bùa, tiễu trừ. Phải chăng đây không phải là cảm hứng chính của Cù Hựu?
Cả ba truyện ở TKML (Tây viên kỳ ngộ ký, Mộc miên thụ truyện, Xương Giang yêu quái lục) đều có nội dung thuộc nhóm 2. Các truyện đều kết thúc bằng sự trừng phạt. Đặt trong so sánh với nhiều chủ đề khác, có thể  thấy rõ đây là chủ đề Nguyễn Dữ quan tâm với thái độ phê phán.
Từ sự lựa chọn type truyện dẫn đến lựa chọn hệ thống nhân vật của hai tác giả có sự khác nhau. Chúng tôi có bảng thống kê so sánh như sau.
Tác giả
Tác phẩm
Nhân vật
Nam
Nữ
CÙ HỰU 
(1347 - 1433)
Kim phượng thoa ký
Người
có đính ước
Hồn ma
(vợ chưa cưới)
Đằng Mục tuý du
Tụ Cảnh viên ký
Nho sinh
Hồn ma
(duyên xưa)
Mẫu đơn đăng ký
Trai goá vợ
Hồn ma
(chết không có người nhận)
Ái Khanh truyện
Người
giàu có
Hồn ma (vợ)
Lục y nhân truyện
Nho sinh
Hồn ma
(người yêu)
NGUYỄN DỮ
( Thế kỷ XVI)
Tây viên kỳ ngộ ký
Nho sinh
Hồn cây, ma hoa
Mộc miên thụ truyện
Thương nhân
Hồn ma
lang thang
Xương Giang yêu quái lục
Quan lại
Hồn ma
lang thang
Như vậy, ở TĐTT chỉ riêng Kiều sinh (Mẫu đơn đăng ký), là trai goá vợ gặp hồn ma Lệ Khanh là người chết vô thừa nhận. Trong bốn truyện còn lại, các nhân vật nam dù là Nho sinh (Đằng Mục, Triệu nguyên) hay người giàu có (Hưng Ca, Triệu sinh) đều ít nhiều có ràng buộc tiền định với các hồn ma trong quan hệ hôn nhân (là chồng, chồng chưa cưới, ý trung nhân). Người và ma gặp lại nhau là để tiếp tục hoặc chính thức chung hưởng hạnh phúc lứa đôi cho thoả ước nguyện.
Nhân vật trong ba truyện của TKML lại có nét khác. Tất cả các hồn ma đều được xếp loại ma quái. Đào nương, Nhu nương là yêu hoa, ma cây thành tinh; Nhị Khanh, Thị Nghi là hồn người chết lang thang, đều không có ràng buộc với nam nhân trong truyện. Ba chàng trai thuộc ba hạng người cụ thể trong xã hội: Nho sinh, thương nhân, quan lại, là những đối tượng được quan tâm phản ánh trong nhiều truyện của TKML. Cả ba đều là kẻ ham nữ sắc bị yêu ma quyến rũ đắm chìm trong nhục dục.
Bước đầu, có thể nhận thấy sự lựa chọn nhân vật, xây dựng những mối quan hệ giữa các nhân vật là điểm hội tụ nội dung tác phẩm, là phương tiện nghệ thuật thể hiện quan niệm về con người, về xã hội của mỗi tác giả. Đây cũng là chỗ có nhiều điểm khác nhau trong cảm hứng nghệ thuật giữa Cù Hựu và Nguyễn Dữ(2).  
III. Trở lại với những truyện thuộc nhóm 1 trong TĐTT. Ban đầu các chàng trai đều bị sắc đẹp của các cô gái quyến rũ. Nhưng rồi, dù nhanh hay chậm họ đều biết mỹ nhân là hồn ma nhưng không ai kinh sợ, mà vẫn tự nguyện gắn bó. Thực ra, trong cuộc đời không có ma hay có ma còn là chuyện nghi hoặc nhưng người trần gian ai cũng sợ ma. Người biết mình đang quan hệ với ma mà vẫn không từ bỏ là chuyện không có thật, chuyện phi lý, chuyện chỉ có trong tưởng tượng. Nhưng trong TĐTT, chuyện về hai nhân vật, một người, một hồn ma là cả câu chuyện yêu đương, chuyện vợ chồng. Cả hai đến với nhau bằng tình yêu thực sự, gắn với sự giao cảm của hai tâm hồn. Lúc đầu họ chỉ gặp nhau vào ban đêm. Một thời gian, tình yêu tuổi trẻ, quan hệ ân ái đã truyền sức sống, đem dương khí cho người đã chết. Hồn ma có cuộc sống trên thế gian, sớm tối gắn bó chung hưởng hạnh phúc với người, cũng “vui thú như khi còn sống”. Ở đây, ranh giới thực ảo trở nên mờ nhoè. Sự hiện hình của hồn ma là để tiếp tục tình duyên, kiếp sống dang dở. Hồn ma Hưng Nương vì mối trần duyên chưa dứt, nhập vào thân xác em gái là Khánh Nương, trở lại sống với chồng chưa cưới một năm. Hồn ma Phương Hoa, hồn ma cô gái áo xanh hiện thành người sống với người yêu ba năm Cho dù thời gian ở nơi dương thế không giống nhau, cũng không quá nhiều ngày tháng, nhưng đó là thời gian của một cuộc hôn nhân, thời gian của số mệnh con người. Khi duyên số hết, tình vợ chồng hết, họ lại phải ly biệt. Nhưng nhân vật người – chàng trai trong truyện, đã thật sự thoả mãn với hạnh phúc, đã quên mọi khát vọng, mọi vấn đề khác trong cuộc đời. Vì vậy, sau phút chia ly, các chàng trai đều tự nguyện sống chung thuỷ, ước hẹn tái ngộ. Triệu sinh (Ái Khanh truyện) tìm đến nhà người họ Tống xin được coi như chỗ họ hàng để được gặp mặt, thăm hỏi người vợ đã đầu thai kiếp khác. Đằng Mục (Đằng Mục tuý du Tụ Cảnh viên ký) “suốt đời không lấy ai, vào núi Nhạn Đãng hái thuốc rồi không về nữa”. Triệu Nguyên (Lục y nhân truyện) không lấy vợ nữa mà tới chùa Linh Ẩn xin xuất gia làm sư đến trọn đời.
Như thế, các nhân vật nam trong mỗi tác phẩm ở TĐTT, trước khi đến với cuộc kỳ ngộ là người có nỗi đau khổ hoặc dở dang tình yêu, hạnh phúc nên khát vọng ái ân còn chưa thoả. Gặp lại người có duyên tiền định với mình, tất cả đều thoả nguyện. Tình yêu của họ không phụ thuộc tiền bạc, địa vị xã hội. Hạnh phúc của họ vượt trên bất hạnh của số phận, của cái chết; vượt qua tai hoạ bởi thế lực thống trị bạo tàn. Các truyện viết về các mối tình người và hồn ma đã đưa người cõi âm xâm nhập thế giới thực tại, đã hiện thực hoá thế giới kỳ ảo. Chính vì thế, lại khiến cho cái hiện thực trở thành chuyện không thể có. Tình yêu và hạnh phúc ân ái giữa người và hồn ma vừa là chuyện tưởng tượng nhằm thoả mãn khát vọng hạnh phúc (dù thật mong manh!), hoặc giải toả nỗi uất ức của cuộc đời bất đắc chí nhưng lại vừa là sự phủ định chính giải pháp này.
Trong mỗi câu chuyện về “sự hoà hợp bí ẩn” hoang đường ấy, dường như con người đã đạt đến sự tự do tâm linh trong việc đi tìm hạnh phúc. Nhưng ngay cả lối thoát này cũng dẫn đến ngõ cụt, bởi không có hạnh phúc trọn vẹn, mãi mãi. Đó chỉ là mộng tưởng - dù tác phẩm không viết về giấc mơ. Khi hồn ma không thể tiếp tục ở chốn dương gian, người đọc bừng tỉnh, cắt đứt dòng tưởng tượng gắn với quan niệm “văn hoá thần bí” của người Trung Hoa. Nhưng dù muốn hay không, các chàng trai trong truyện đã không thể trở về với đời sống thực tại của mình mà lại gửi tình sơn thuỷ, chùa chiền... Kết thúc câu chuyện là kết quả của sự đan xen nhiều giải pháp, nhiều tư tưởng và tôn giáo nhằm bù đắp sức mạnh tinh thần trong việc phủ định cuộc sống thực tại.
Chàng trai
Mỹ nhân
Sắc đẹp quyến rũ
Sợ hãi chạy trốn
Hậu
quả xấu
Đam mê nhục dục
Biết là ma
Ba truyện trong TKML cũng viết về tình yêu của các chàng trai với các hồn ma, cũng là chuyện tưởng tượng nhưng tình tiết diễn ra hợp với logic tâm lý con người. Tình yêu nam nữ là chuyện bình thường của người đời. Nhưng tình yêu của nam nhân với hồn ma là chuyện không bình thường, chuyện quái đản. Không biết là ma bởi bị mê hoặc; còn đã biết thì không thể không sợ "sởn gai dựng tóc", không trốn chạy và đã bị ma làm thì khó tránh được tai hoạ. Cả ba truyện của Nguyễn Dữ có thể khái quát theo mô hình sau:
Đó cũng là mô hình của truyện thuộc nhóm 2 trong TĐTT. Nhưng ở những truyện của Nguyễn Dữ, các chàng trai đều là nhưng người tuổi trẻ, đang ở trong cơ hội thành đạt. Cuộc đời mỗi người chưa rơi vào sự mâu thuẫn giữa hiện thực và ước nguyện, cũng không gặp những bế tắc cần tìm phương cách giải toả. Hà Nhân (Tây viên kỳ ngộ ký) là học trò lên kinh sư tìm thầy học để chuẩn bị ứng thí. Trình Trung Ngộ (Mộc miên thụ truyện) là “một chàng trai đẹp, nhà rất giàu, thuê thuyền xuống vùng Nam buôn bán”. Viên quan họ Hoàng (Xương Giang yêu quái lục) người Bắc Giang, xuống kinh đô nhận chức. Gặp mỹ nhân, sự đam mê nữ sắc biến thành sức lôi cuốn mạnh mẽ, khó cưỡng lại. 
Hà Nhân bèn rủ hai cô gái về nhà trọ; Trình Trung Ngộ đưa cô gái xuống thuyền của mình; viên quan họ Hoàng đưa cô gái đi theo Ở đây, đến với tình yêu trai gái, nhân vật nam không phải phấn đấu trên con đường đi tìm hạnh phúc; cũng không tự giác nhận thấy mình đã tìm được giá trị đích thực, nguyện đem đánh đổi tất cả để giữ lấy nó. Với họ, chỉ đơn giản là chạy theo sự cám dỗ, đắm đuối trong hành lạc mà quên đi, đánh mất đi mục đích của mình, thậm chí đánh mất cả mạng sống.
Cuộc kỳ ngộ giữa các chàng trai và hồn ma trong TKML phần lớn chỉ diễn ra vào ban đêm trong thời gian ngắn ngủi. Hàng đêm, Hà Nhân dan díu với hai hồn ma (Đào nương, Nhu nương) trong gần một năm. Đêm đêm Trình Trung Ngộ qua lại với hồn ma Nhị Khanh hơn một tháng. Riêng Xương Giang yêu quái lục viết: một đêm, Hoàng thấy người con gái ngồi bãi cát phía đông nam khóc ai oán, kể về cảnh ngộ. Thương cô gái bơ vơ chịu nhiều đau khổ, anh ta giúp nàng thu nhặt hài cốt cha mẹ đưa về quê nàng. Tuy chưa ân ái để truyền sức sống cho người đã chết, nhưng vì Hoàng đã không quản công sức, tiền của làm ơn nhục cốt sinh tử, khiến cho “xương khô sinh thịt, người chết sống lại”. Thị Nghi thành vợ Hoàng, cuộc sống vợ chồng gắn bó. Như vậy, ở truyện này có trùng lặp một chi tiết của truyện nhóm 1 trong TĐTT. Nếu như các đôi "chồng người vợ ma" trong TĐTT, người chồng thoả nguyện với hạnh phúc và không bị nhiễm khí yêu ma thì truyện của Nguyễn Dữ viết, Hoàng mới sống chung được một tháng, mắc bệnh điên cuồng hoảng hốt. Đạo sĩ yểm bùa, chữa được bệnh cho Hoàng, Thị Nghi thành ra đống xương trắng. Sau đó hơn một tuần, anh ta bị bắt xuống điện Diêm vương tra xét. Án phê rằng “bỏ nết cương thường, theo đường tà dục, giảm thọ một kỷ”. Hoàng đã bị trừng phạt.
Nhiều người nói về Mộc miên thụ truyện trong TKML mô phỏng theo Mẫu đơn đăng ký trong TĐTT. So về cốt truyện thì dường như truyện của Nguyễn Dữ “là sự tái hiện nguyên bản” (Trần Ích Nguyên) truyện của Cù Hựu. Nhưng phân tích cụ thể sẽ thấy thay đổi thể hiện sự tinh tế của nhà văn họ Nguyễn. Xin được trình bày bảng đối chiếu sau đây:
Đối tượng so sánh
Mẫu đơn đăng ký
Mộc miên thụ truyện
Nhân vật
Trai goá vợ
Thương nhân
Vật dụng
Đèn lồng hình 2 bông mẫu đơn
Một cây hồ cầm
Nơi giao hoan
Nhà Kiều Sinh
Thuyền củaTrình Trung Ngộ
Nơi có bài vị
Chùa mé Tây nguyệt hồ
Túp nhà gianh nhỏ ngoài đồng
Cách phát hiện
Ông già nhìn thấy bộ xương ngồi với Kiều sinh, cảnh báo. Kiều sinh đến chùa thấy quan tài
Bạn buôn nhắc nhở cẩn thận, Trình được dẫn đến túp nhà gianh thấy quan tài
Lý do tiếp tục gặp gỡ
Say rượu rẽ nhầm vào chùa giữa hồ
Hồn ma gọi, đi theo
Kiểu chết
Quan tài tự mở nắp, hồn ma kéo vào, Kiều Sinh chết úp vào xác cô gái, nắp liền đậy lại ngay
Trình ôm quan tài mà chết
Nơi trú ngụ
Hiện hình trong làng
Chùa có cây gạo bên sông
Trừng phạt
Bị đánh máu túa dầm dề, giải tới ngục âm cung
Trên không có tiếng roi vọt, lính đầu trâu mặt ngựa gông trói dẫn đi
Như vậy, trong Mộc miên thụ truyện chỉ trừ chi tiết Nhị Khanh chết đã nửa năm mà quan tài vẫn quàn ngoài đồng ngay bên cạnh làng là chuyện không từng có ở ta. Còn các chi tiết khác so với Mẫu đơn đăng ký đều đã đổi khác để phù hợp với hiện thực đời sống, quan niệm, tâm lý người Việt. Có thể nói, trong TKML Nguyễn Dữ có thể đã tiếp thu truyền thống truyện truyền kỳ Trung Hoa từ Đường, Tống, Nguyên, Minh Nhưng sáng tác dân gian, văn học nhiều thế kỷ của dân tộc cũng là suối nguồn cung cấp cho Nguyễn Dữ rất phong phú những cốt truyện, môtip, chi tiết ly kỳ (lấy vợ kỳ dị, hồn ma hiện hình, người bị ma làm, loài vật thành tinh, thần cây đa ma cây gạo. sự trừng phạt của Diêm vương...).
IV. Trong Mẫu đơn đăng ký chưa kể đến ba trang miêu tả việc đạo nhân trừ ma tà thì hệ thống chi tiết trong truyện cho thấy Cù Hựu đã dụng công tạo nên sự ly kỳ, rùng rợn gây cảm giác ghê sợ hãi hùng cho người đọc. Thái độ tác giả TĐTT phê phán, trừng phạt thói tham nữ sắc của gã đàn ông mới goá vợ, cũng là cảm hứng của nhà Nho, nhà đạo đức Nguyễn Dữ đã thể hiện trong Mộc miên thụ truyện và Xương Giang yêu quái lục. Thái độ phê phán, răn đe của tác giả họ Nguyễn không chỉ được thể hiện qua hình tượng nghệ thuật, qua bài học mà độc giả tự ngẫm thấy trước kết cục số phận của nhân vật, sau mỗi truyện của TKML đều có lời bình, ví dụ: 
"Xem thấy yêu nữ mê người, sẽ biết răn sợ trước sắc đẹp" (Xương Giang yêu quái lục). Đây là lời phát ngôn trực tiếp, mang tính chất thuyết lý định hướng giáo dục, cảnh giới con người trước bờ vực của sự sa đoạ. 
Tuy nhiên, trong sáng tác của nhà văn họ Nguyễn không phải chỉ có phê phán mà còn có sự đồng cảm, chia sẻ. Thái độ đó thể hiện tập trung trong Tây viên kỳ ngộ ký. Nguyễn Dữ đã dành 11/16 trang viết miêu tả những cuộc gặp gỡ hoan lạc giữa các nhân vật bằng những lời văn dạt dào cảm xúc yêu đương. Từ sự e lệ, thẹn thò của Nhu nương, Hồng nương trong buổi đầu gặp gỡ đã bị Hà Nhân lả lơi cợt ghẹo, đến những lời hoa ý gấm tả chuyện chốn buồng xuân khi cả ba trải cuộc mây mưa thoả nguyện. Yêu đương, hờn dỗi, ghen tị là những cảm xúc thường có trong một cuộc tình tay ba cũng được viết rất hấp dẫn, ý nhị. Khi Hà Nhân phải về quê, nâng chén tiễn biệt, hai nàng đã viết bài ca tha thiết mang nỗi đau buồn, nhớ nhung không dứt, khiến chàng rưng rưng đôi hàng nước mắt. Hoãn việc hôn nhân do cha mẹ định sẵn, chàng Nho sinh họ Hà lại lên đường tới kinh, gặp lại giai nhân. Tình son phấn nồng nàn khiến chí bút nghiên chán nản. Mọi trạng thái tâm tư yêu đương của lứa đôi tuổi trẻ đã được Nguyễn Dữ viết một cách say sưa bằng những lời đẹp đẽ. Không thể không nói rằng: nhà văn họ Nguyễn đã thể hiện trong sáng tác của mình một sự đồng cảm, ngợi ca tình yêu – hạnh phúc trần thế, tự nhiên của con người, của tuổi trẻ vượt qua khỏi sự ràng buộc của quan niệm, tập tục, đạo đức, lễ nghi phong kiến, phản ánh một góc nhìn mang tư tưởng nhân văn.
Tiết đông lạnh, Đào nương, Nhu nương khóc chia tay rồi không đến nữa. Sinh mới biết lâu nay mình đánh bạn với hồn hoa. Sự thác hoá của hồn cây, ma hoa là trở lại sự phân biệt hai thế giới âm và dương, hai cõi sống và chết. Trong truyện Tây viên kỳ ngộ ký, người vẫn là người, hồn ma vẫn là ma. Người bị hồn ma quyến rũ trở nên u mê, kẻ lòng nhiều vật dục nên chạy theo lối sống buông thả. Đó là chuyện quái đản. Kết thúc tác phẩm không thấy tác giả viết về việc Hà Nhân bị nhiễm khí yêu ma nhưng chàng đã dở dang công danh và lỡ làng hôn sự. Dễ dàng nhận thấy thái độ nương nhẹ của Nguyễn Dữ trước sự tha hoá của tầng lớp nho sinh trong trào lưu suy đồi lối sống, đạo đức của nhiều tầng lớp trong xã hội. Bài học rút ra là: người quân tử phải tránh con đường nhỏ, quá ham mê với điều nhỏ sa lầy với nó, sẽ mất đi những điều lớn trong cuộc đời.
Trong quan niệm của Nguyễn Dữ, lối sống phóng đãng, mải mê hành lạc của con người là hành vi sai lạc. Đắm chìm trong ham muốn sắc dục, con người sẽ rơi vào sự lệch chuẩn với đạo lý, cương thường; dần bỏ đạo đức tốt đẹp mà đến với cái xấu xa, đáng ghê sợ; có khi dần xa sự sống mà gần cái chết. Đó là tai hoạ do sự tha hoá nhân cách.
Từ những nội dung trên, xin được rút ra một số điểm như sau:
1. Với văn học trung đại, thể loại là một phạm trù quan trọng, thường được xác định ngay ở tên gọi tác phẩm. Ba tác phẩm viết về chuyện tình giữa người và hồn ma trong TKML cũng đã được ghi rõ: Tây viên kỳ ngộ ký, Mộc miên thụ truyện, Xương Giang yêu quái lục. Nhưng văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại có đặc điểm: “ranh giới giữa truyện và ký hết sức mờ mỏng”(3). Khảo sát nội dung và nghệ thuật của ba tác phẩm trên cho thấy, mặc dù được xếp ở ba loại hình khác nhau (ký, truyện, lục), nhưng trong TKML ký và lục đều thuộc thể loại truyện. Ba thiên này thực chất đều là những truyện ngắn nghệ thuật đặc sắc – tác phẩm văn học kỳ ảo.
2. Văn học kỳ ảo phản ánh sự phong phú, kỳ diệu, không giới hạn của trí tưởng tượng, của ảo giác con người. Nội dung những truyện trên đều rất ly kỳ. Nhưng lại là những điều nghi suy nảy sinh từ cuộc sống hiện thực, được trình bày với muôn hình vạn trạng, biến huyễn lạ lùng, thực hư khó phân biệt. Đó không chỉ là sự thích thú thêu dệt của người sáng tạo mà còn là nhu cầu tiếp nhận của độc giả. Bởi con người không chỉ sống với thực tại mà còn cần sống với tưởng tượng, mộng ảo nhằm thoả mãn khát vọng của mình bằng những việc không có thực, bù đắp cho sự cân bằng tất yếu trong cuộc sống.
3. Văn học kỳ ảo phản ánh sự phức tạp trong tư tưởng con người. Chuyện tình giữa người và hồn ma chỉ là chuyện có trong trí tưởng tượng. Viết về chuyện ma để đạt đến sự thoả mãn hiện thực bằng những việc không có thực. Đó là hoạt động, là trạng thái tư tưởng ở dạng thay thế.
Còn nghi hoặc về chuyện có ma mà vẫn tin là có ma quyến rũ, mê hoặc.  Sợ ma mà lại thấy ma đẹp và có thể đem lại hạnh phúc cho con người. Tin rằng bị ma làm là tai hoạ nhưng vẫn được coi là cách để con người vượt qua nhiều đau khổ trong cuộc sống thực tại. Ở những câu chuyện này, ma vừa là người đã chết, là yêu quái nhưng cũng chính là hình tượng phúng dụ để nói đến sức lôi kéo và sự nguy hiểm của lối sông buông thả, phóng đãng trong hưởng lạc của con người trước những cám dỗ vật chất của cuộc đời. Đó là hình tượng thực hiện chức năng giáo huấn của văn học.
Viết về chuyện tình giữa người và hồn ma, các tác giả (cả Cù Hựu, cả Nguyễn Dữ) đều thể hiện nhiều quan niệm, vừa khẳng định vừa phủ định; vừa phỉ báng vừa ngợi ca. Bởi mỗi người đều đồng thời xuất phát từ nhiều điểm nhìn trước những vấn đề của cuộc sống hiện thực. Đặc biệt, ở TKML nhóm tác phẩm này đã thể hiện sự mâu thuẫn, rạn vỡ trong tư tưởng của Nguyễn Dữ, giữa nhà đạo đức, nhà Nho họ Nguyễn với nhà văn có tư tưởng tiến bộ của thế kỷ XVI. Trong sáng tác, cả hai tư tưởng đều mạnh mẽ, sâu sắc và quyết liệt.
4. Khảo sát về các truyện của Cù Hựu và của Nguyễn Dữ, cần phải lý giải “cảm giác quen quen nhưng nếu muốn chỉ ra xem nó giống truyện nào của TĐTT thì không thật dễ” (Trần Ích Nguyên). Không phải chỉ cho rằng Nguyễn Dữ đã chịu ảnh hưởng nhiều từ sáng tác của Cù Hựu (do tiếp thu tình tiết, mô típ và bút pháp thể loại), nhưng vẫn thể hiện sức sáng tạo khéo léo và tài năng nghệ thuật của mình. Mà còn phải quan tâm đến một hiện tượng có tính quy luật của văn học trung đại. Đó là nhiều mô típ folklore, các type truyện dân gian của Việt Nam, Trung Quốc khá gần gũi nhau. Đó cũng là hiện tượng tồn tại trong nhiều nền văn học thế giới. Nhưng từ hiện thực mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa với sự lựa chọn và sáng tạo lại của những tài năng tuyệt vời, sự hiện diện của những mô típ đó rất phong phú, linh hoạt, mới mẻ. Từ những nét chung và riêng của các chuyện tình giữa người và hồn ma trong TĐTT và TKML, có thể khẳng định những đóng góp về nội dung và nghệ thuật tạo nên sự đa dạng của hệ thống truyện ngắn truyền kỳ viết về đề tài này trong khu vực.
TĐTT là thành tựu của truyện truyền kỳ Trung Hoa thế kỷ XIV và TKML là thành tựu đặc sắc của truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại./.
______________
(1) Xin xem Phạm Tú Châu: Về mối quan hệ giữa Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục. Tạp chí Văn học, số 3-1987, tr.71-78.
(2) Tham khảo Toàn Huệ Khanh: Nghiên cứu so sánh tiểu thuyết truyền kỳ Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam. Nxb. ĐHQG Hà Nội, 2004, 204 trang.
(3) Nguyễn Đăng Na: Văn xuôi tự sự Việt Nam thời Trung đại, Tập II. Nxb. Giáo dục, H, 2001.
- Trần Ích Nguyên: Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2000.

Tài liệu đính kèm:

  • docSo sanh chuyen tinh giua Nguoi va Hon ma trong Tiendang tan thoai va Truyen ky man luc.doc