Tìm hiểu cách hiểu bài thơ Độc tiểu thanh kí

Tìm hiểu cách hiểu bài thơ Độc tiểu thanh kí

Không chỉ Truyện Kiều, tác phẩm chủ yếu của Nguyễn Du, mà có khi chỉ một bài thơ nhỏ của ông cũng có một hoàn cảnh sáng tác riêng, một lịch sử lưu truyền riêng, liên quan đến một khía cạnh tâm sự của nhà thơ ở một thời điểm nhất định, việc hiểu rõ các nhân tố này sẽ là căn cứ cần thiết để hiểu đúng ý nghĩa và giá trị của bài thơ. Tất nhiên người đọc cũng có thể hiểu một tác phẩm theo cách của bà cụ trong thơ Tế Hanh:

Tôi về Nghi Xuân

Hỏi quê nhà thi sĩ

Một bà cụ trả lời tôi giản dị:

Nguyễn Du nào tôi chẳng nhớ tên!(1)

Bà cụ không nhớ tên tác giả nhưng vẫn có thể thuộc lòng tác phẩm và có cách hiểu riêng về tác phẩm, dựa trên những kinh nghiệm "bể dâu" của cuộc đời mình. Người ta cũng nói đến cách đọc ngữ văn thuần tuý, chỉ căn cứ vào câu, chữ và cấu trúc văn bản để tìm hiểu tác phẩm. Nhưng một phương pháp nghiên cứu văn học hoàn chỉnh vẫn đòi hỏi phải tìm hiểu tác phẩm theo một quy trình khép kín, từ tác giả, thời đại đến tác phẩm và từ tác phẩm đến người đọc, kể cả các thế hệ người đọc của các thời đại nối tiếp nhau.

Bài thơ Độc Tiểu Thanh ký nếu kể cả đầu đề chỉ có 60 chữ nhưng từ xưa đến nay đã làm tốn khá nhiều giấy mực. Gần đây Nguyễn Đăng Na lại viết một bài dài trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học (số 6-2006), trích dẫn tư liệu từ sách cổ Trung Hoa đến tài liệu trên mạng Internet(2). Bài viết của bạn đồng nghiệp đã thôi thúc tôi hoàn thành bài này - vốn đã được khởi thảo từ lâu - nhằm góp thêm một ít tư liệu, từ cơ sở đó gợi lên một cách hiểu bài Độc Tiểu Thanh ký của Nguyễn Du.

 

doc 9 trang Người đăng minhquan88 Lượt xem 1121Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Tìm hiểu cách hiểu bài thơ Độc tiểu thanh kí", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Thêm một cách hiểu bài thơ Độc tiểu thanh kí
PGS Nguyễn Văn Hoàn
Viện văn học 
Không chỉ Truyện Kiều, tác phẩm chủ yếu của Nguyễn Du, mà có khi chỉ một bài thơ nhỏ của ông cũng có một hoàn cảnh sáng tác riêng, một lịch sử lưu truyền riêng, liên quan đến một khía cạnh tâm sự của nhà thơ ở một thời điểm nhất định, việc hiểu rõ các nhân tố này sẽ là căn cứ cần thiết để hiểu đúng ý nghĩa và giá trị của bài thơ. Tất nhiên người đọc cũng có thể hiểu một tác phẩm theo cách của bà cụ trong thơ Tế Hanh:
Tôi về Nghi Xuân
Hỏi quê nhà thi sĩ
Một bà cụ trả lời tôi giản dị:
Nguyễn Du nào tôi chẳng nhớ tên!(1)
Bà cụ không nhớ tên tác giả nhưng vẫn có thể thuộc lòng tác phẩm và có cách hiểu riêng về tác phẩm, dựa trên những kinh nghiệm "bể dâu" của cuộc đời mình. Người ta cũng nói đến cách đọc ngữ văn thuần tuý, chỉ căn cứ vào câu, chữ và cấu trúc văn bản để tìm hiểu tác phẩm. Nhưng một phương pháp nghiên cứu văn học hoàn chỉnh vẫn đòi hỏi phải tìm hiểu tác phẩm theo một quy trình khép kín, từ tác giả, thời đại đến tác phẩm và từ tác phẩm đến người đọc, kể cả các thế hệ người đọc của các thời đại nối tiếp nhau.
Bài thơ Độc Tiểu Thanh ký nếu kể cả đầu đề chỉ có 60 chữ nhưng từ xưa đến nay đã làm tốn khá nhiều giấy mực. Gần đây Nguyễn Đăng Na lại viết một bài dài trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học (số 6-2006), trích dẫn tư liệu từ sách cổ Trung Hoa đến tài liệu trên mạng Internet(2). Bài viết của bạn đồng nghiệp đã thôi thúc tôi hoàn thành bài này - vốn đã được khởi thảo từ lâu - nhằm góp thêm một ít tư liệu, từ cơ sở đó gợi lên một cách hiểu bài Độc Tiểu Thanh ký của Nguyễn Du.
I. Hành trình Độc tiểu thanh ký đi đến với công chúng
Không phải là chỉ từ năm 1993, khi có ý kiến phê bình việc dịch nghĩa, dịch thơ bài Độc Tiểu Thanh ký trong sách giáo khoa Văn 10(3), thì giới nghiên cứu mới thực sự chú ý đến bài thơ này và đã tạo ra một cuộc tranh luận khá sôi nổi như Nguyễn Đăng Na đã viết. Sự thực một sự việc tương tự đã xẩy ra từ hơn nửa thế kỷ trước.
Năm 1924 trong cuốn Truyện cụ Nguyễn Du, hai tác giả là Phó bảng Phan Sĩ Bàng và Giải nguyên Lê Thước, dựa theo ý kiến của ông Nghè Nguyễn Mai, thuộc thế hệ thứ mười của dòng họ Nguyễn Tiên Điền, lần đầu tiên công bố hai câu cuối của bài này và giới thiệu là lời khẩu chiếm của Nguyễn Du trước khi mất. 
Bàn về tâm sự Nguyễn Du hai ông đã viết: "Ngài là một người vẫn có tính hay sầu mà lại sinh vào buổi loạn lạc, gặp nhiều những cảnh sầu, phải làm những điều bất đắc dĩ, cho nên cái tình sầu của ngài cứ đeo đẳng mãi với cái thân thế của ngài, cho đến lúc lâm chung cũng còn chưa hết, xem như lúc ngài mất có câu khẩu chiếm như thế này thời đủ biết:
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.
(Ba trăm năm lẻ qua rồi.
Trên trần biết có còn ai khóc mình?"(4)).
Năm 1925 Phó bảng Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim "hiệu khảo" Truyện Kiều. Lời tựa do Trần Trọng Kim viết, cũng theo chiều hướng nhận định đó: "Vì thời thế bắt buộc, khiến tiên sinh không giữ được cái nghĩa trung thần bất sự nhị quân Bởi thế nên khi tiên sinh sắp mất có khẩu chiếm hai câu rằng:
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?"(5).
Nhà học giả Phan Văn Hùm ở miền Nam cũng tán đồng ý kiến đó: "Tính ra từ năm Gia tĩnh triều Minh (1522) đến năm Canh thìn (1820) thì sẽ sít số 300 năm. Vậy đến ngày chết Nguyễn Du vẫn mang canh cánh bên lòng Truyện Thuý Kiều mà nhớ rằng, mình khéo dư nước mắt khóc người ở 300 năm trước mình, rồi nhân đó mà liên tưởng nghĩ đến sau mình 300 năm không biết có ai khóc giùm mình như mình đã khóc Thuý Kiều chăng"(6).
Như vậy là cho đến khoảng 1924-1925 người đọc vẫn chưa tiếp cận được với toàn bộ bài Độc Tiểu Thanh ký, gồm 8 câu, mà chỉ mới biết có hai câu cuối cùng, được xem là hai câu khẩu chiếm của nhà thơ trước lúc lâm chung. Tình tiết này có vẻ cũng phù hợp với những điều mà sử sách triều Nguyễn - Đại Nam chính biên liệt truyện - ghi chép về nhà thơ: "Nguyễn Du là người ngạo nghễ tự phụ, song bề ngoài tỏ vẻ giữ gìn cung kính, mỗi lần vào chầu vua thì ra dáng sợ sệt như không biết nói năng gì Kịp khi mắc bệnh nặng, ông không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân, họ nói với ông là đã lạnh cả rồi, ông bảo "tốt", nói xong thì mất, không trối lại một lời"(7).
Mãi đến năm 1941, dưới một bài báo nghiên cứu về lai lịch Truyện Kiều đăng trên tạp chí Tri tân, Đào Duy Anh đã có lời ghi chú: "Tôi vừa được xem Thanh Hiên thi tập của Nguyễn Du thì mới biết rằng hai câu ấy không phải là khẩu chiếm mà là hai câu trong bài thơ làm sau khi đọc chuyện Tiểu Thanh là một người con gái cùng ở đời Minh như Thuý Kiều, giỏi thi từ, rành âm luật, nhưng phải lấy lẽ, vì vợ cả quá ghen mà phải ở riêng, người ta xui đi lấy chồng khác không chịu, buồn rầu oán hận sinh bệnh mà chết"(8).
Tuy vậy nhà nghiên cứu văn học Kiều Thanh Quế hình như vẫn còn tiếc rẻ cái huyền thoại đẹp về thi nhân mà mình tôn sùng, nên vẫn biện bác: "Đành rằng hai câu ấy có trong Thanh Hiên thi tập nhưng biết đâu trước giờ lâm chung, Tố Như chẳng ngâm lại để than thở nỗi lòng"(9).
Đào Duy Anh lại viết bài Tam bách dư niên hậu đăng tạp chí Thanh Nghị số 22, tháng 10-1942, giới thiệu toàn bộ bài Độc Tiếu Thanh ký và nêu vấn đề "vì sao đọc chuyện Tiểu Thanh Nguyễn Du lại cảm khái đến thân mình?" và ông đã biện giải như sau: "Ta thấy đầu sách Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân, nói về những giai nhân bạc mệnh, sau khi kể Tây Thi, Điêu Thuyền, Dương Quý Phi, thì nói về số phận bi thảm của Tiểu Thanh rất nhiều Nguyễn Du đọc truyện Tiểu Thanh mà thương xót cho người thiếu phụ tài hoa đã hy sinh đời mình để giữ trọn trinh tiết với chồng, chứ không chịu theo lời người ta xúi dục để đi lấy chồng khác Con đường nàng đi là theo đạo kinh thường: liệt nữ không lấy hai chồng Nguyễn Du thương xót nàng mà lại đau đớn cho mình không làm được như nàng. Là trung thần của nhà Lê, thời thế bắt ông phải làm tôi triều đình mới, khiến ông không hy sinh được thân mình cho trọn tiết. Làm việc quyền biến, tâm sự ông có nhiều uỷ khúc không thể thổ lộ ra hết được. Bởi thế ông mới đem mình mà so với Tiểu Thanh, mình là người ở sau ba trăm năm mà hiểu được để khóc nàng, nhưng không biết tâm sự của mình ở ba trăm năm về sau có ai hiểu được mà khóc mình không?"(10).
Tóm lại, nếu như Truyện Kiều nhờ viết bằng tiếng Việt nên sớm được lưu truyền rộng rãi trong công chúng đông đảo thì trái lại thơ chữ Hán của Nguyễn Du nói chung, bài Độc Tiểu Thanh ký nói riêng, đã phải trải qua một chặng đường dài, có khi quanh co khúc khuỷu, để đến được với giới nghiên cứu và công chúng đông đảo. Trong hoàn cảnh như vậy sự cảm nhận của người đọc về bài thơ tất nhiên sẽ có nhiều ấn tượng khác nhau.
II. Truyện Tiểu Thanh
Trong các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam thì có lẽ Liên Giang là người đầu tiên đã dịch và giới thiệu truyện Tiểu Thanh. Trong bài Vì sao Nguyễn Du lại cảm truyện Tiểu Thanh đăng trên tạp chí Tri Tân số 72 ngày 11- 1-1942, ông đã dịch toàn văn Tiểu Thanh truyện chép trong bộ Nữ Liêu Trai chí dị của Quảng ích thư cục và 12 bài thơ Phần dư (Số thơ còn lại). Cuối truyện có dẫn lời bàn của Trương Sơn Lai: "Truyện Tiểu Thanh có kẻ bảo là truyện không có vì ghép hai chữ tiểu và thanh lại làm một, thành ra chữ tình nhưng kịp khi đọc đến bài ca Tử Vân của Ngô Khẩu, thấy đoạn tiểu dẫn có câu rằng: Phùng Tử Vân là em gái Tiểu Thanh, gả về Mã Mao Bá ở Cối Kê. Như thế thì ra truyện tựa hồ như có thực". 
Tháng 6 năm 1963, nhằm mục đích chuẩn bị việc kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du vào năm 1965, Viện Văn học đã cử một đoàn cán bộ sang Trung Quốc sưu tầm tư liệu. Tại Thư viện Quốc gia Bắc Kinh, ông Trương Tú Dân, chuyên viên thư tịch cổ của Thư viện, cho biết: Tài liệu về Tiểu Thanh gồm có ba loại:
1. Tiểu truyện Tiểu Thanh, chép theo lối truyện thực, hoặc có thêm thắt sáng tạo, do đó giữa các sách ít nhiều có "tiểu dị".
2. Phần dư: Số thơ từ của Tiểu Thanh còn lưu lại.
3. Các sáng tác về Tiểu Thanh sau khi nàng đã qua đời, gồm có thi, từ, hý khúc, truyện ký
Đoàn Viện Văn học đã đề nghị được cung cấp một văn bản truyện Tiểu Thanh tương đối đáng lưu ý nhất và Thư viện Bắc Kinh đã chép cho Đoàn bản Phùng Tiểu Thanh sự tích trong Tây Hồ thập di, quyển thứ 19, do Tiền đường Mai Khê thị sưu tập.
Văn bản này chép truyện khá tỉ mỉ nhưng về đại thể cũng giống văn bản mà các nhà nghiên cứu ở ta đã công bố(11). Dưới đây chúng tôi sẽ lược thuật lại một số tình tiết chính được chép trong Phùng Tiểu Thanh sự tích, dựa vào lời dịch của Nguyễn Đức Vân, chuyên viên Hán học của Viện Văn học.
- Tiểu Thanh quê ở Quảng Lăng, tên là Nguyên Nguyên, họ Phùng. Mẹ là giáo viên trường nữ học, nên từ nhỏ Tiểu Thanh được học tập thơ văn, luyện tập văn nghệ và nổi tiếng thông tuệ khác thường.
16 tuổi lấy lẽ Phùng Tử Hư, con nhà hào phú ở vùng Tây hồ, vì trùng họ với chồng nên kiêng gọi họ mà chỉ gọi tên là Tiểu Thanh.
- Vợ Phùng sinh cực kỳ ghen tuông, giam giữ Tiểu Thanh ở phòng trong, cấm giao tiếp với mọi người, son phấn của Tiểu Thanh, mụ bắt vứt hết; sách vở của Tiểu Thanh, mụ bắt đốt sạch. Từng giờ từng phút, mụ bắt Tiểu Thanh đi theo sát bên mình, dù một nụ cười, một lời nói cũng không được trao đổi riêng tư với chồng. Thực như người xưa nói: Dù có muốn làm Ngưu lang, Chức nữ, mỗi năm gặp nhau một lần, cũng không được!
- Phùng sinh cầu cứu bà cô là Dương phu nhân. Bà này xin cho Tiểu Thanh được ra ở Gò Mai, Cô sơn. Mụ vợ Phùng sinh đồng ý nhưng đặt điều kiện: Không có lệnh ta mà chàng đến, không được tiếp; không có lệnh ta mà chàng gửi thư, không được mở xem; viết thư cho ai phải đưa ta xem trước. Nếu phạm một điều nào quyết không dung thứ.
Dương phu nhân lại tổ chức một cuộc chơi thuyền trên Tây hồ, dùng chén lớn phục cho vợ Phùng sinh say rượu rồi nói riêng với Tiểu Thanh: - "Xin cháu nghĩ cho kỹ, nếu không cho việc làm của Liễu Chương Đài là đa sự thì trên hồ này thiếu gì Hàn Quân Bình!". Nhưng Tiểu Thanh dứt khoát chối từ: "Số mệnh của cháu chỉ có thế thôi, nợ trước trả chưa xong, không dám có ý khác".
Tiểu Thanh chỉ đến nhà Dương phu nhân mượn sách về đọc. Một đêm đọc vở kịch Mẫu đơn đình (Tức Tây sương ký) nàng làm một thiên tuyệt cú và từ đó mọi nỗi niềm buồn tủi đều gửi gắm vào thơ nhưng rồi người đồng điệu thưởng thức thơ nàng là Dương phu nhân phải theo chồng đi làm quan ở xa, Tiểu Thanh trở thành cô độc, rồi lâm bệnh nặng.
- Vợ Phùng sinh được tin, khôn xiết mừng rỡ, sai hầu gái đem thuốc đến. Tiểu Thanh cười nói: - "Ta vốn không thiết sống nữa, nhưng cần giữ cho thân thể thanh tịnh để về với Thần, Phật, đâu phải một gói thuốc của nhà ngươi mà có thể kết liễu được đời ta!". Rồi nàng cho mời một hoạ sĩ giỏi đến vẽ chân dung. Vẽ đến bức thứ ba thì nàng mới hài lòng vì cho là đã vẽ được thần sắc và phong thái của mình.
Nàng đem bức hoạ để ở đầu giường, thắp hương, rót rượu, tự khấn vái mình, rồi khóc đến lịm đi làm chết. Năm đó mới 18 tuổi.
- Phùng sinh tất tả chạy đến, thấy Tiểu Thanh phục trang vẫn chăm chút, dung nhan vẫn xinh đẹp như lúc còn sống thì khóc rống lên: "Ta phụ nàng rồi!".
Vợ Phùng sinh cũng chạy đến, tìm được một bức ảnh và một ít thơ văn, liền đem đốt ngay!
- Người chép truyện bình luận: "Giả sử Phùng sinh không sợ vợ, hoặc vợ hắn không ghen thì Tiểu Thanh cũng chỉ trộm nhờ ân ái trong phận lẽ mọn mà hưởng chút phúc lộc tầm thường!
Than ôi, điều mà Trời không thành tựu cho Tiểu Thanh trong nhất thời chính là để thành tựu cho Tiểu Thanh trong ngàn đời vậy!".
Từ bình luận này gợi lại đoạn nói về Tiểu Thanh trong chương mở đầu Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân và giống hệt lời bình trong Tây hồ giai thoại của Cổ Ngô Mặc lãng tử mà Nguyễn Đăng Na đã dẫn. Điều này cho phép người đọc nghĩ rằng các nhà chép truyện Tiểu Thanh đều dựa vào một cốt truyện cổ nào đó rồi tự ý thêm thắt các chi tiết(12).
Tháng 7 năm 1964 trong chuyến đi sưu tầm bổ sung tư liệu về Nguyễn Du ở Trung Quốc nhà thơ Nam Trân và chúng tôi đã đến thăm và chụp ảnh kỷ niệm trước mộ Tiểu Thanh ở dưới chân Cô Sơn, Hàng Châu. Trước mộ có một cột bia đá ghi rõ "Phùng Tiểu Thanh chi mộ".
III. Nguyễn Du đã sáng tác Độc Tiểu Thanh ký trước hay sau khi đi sứ Trung Quốc?
Trong chuyến đi sưu tầm tài liệu về Nguyễn Du tháng 6 năm 1963 Đoàn cán bộ Viện Văn học đã đến tàng thư quán Hoàng sử thành, cạnh Cố cung, để tìm Hồ sơ về sứ trình của Nguyễn Du. Đây là kho lưu trữ văn thư bang giao của hai triều Minh, Thanh, được xây dựng từ năm 1534 đời Minh.
Ông quán trưởng cho biết: Quy chế văn thư của triều Thanh như sau: Khi có văn thư của các nước "phiên thuộc" gửi đến thì Nội vụ phủ giữ lại bản chính rồi sao một bản chân phương để dâng lên vua xem gọi là bản lục phó. Bản nào vua có phê chữ son vào thì gọi là bản châu phê. Tất cả sẽ được lưu ở Quan cơ xứ tức phòng văn thư của nhà vua một thời gian, sau đó chuyển sang Hoàng sử thành để tàng trữ lâu dài.
Hồ sơ về chuyến đi sứ của Nguyễn Du được lưu giữ ở đây có cả bản lục phó lẫn châu phê. Loại châu phê nhiều hơn, thường chỉ có lời phê ngắn gọn: "Tri đạo liễu. Khâm thử", nhưng cá biệt cũng có vài bản có lời phê dài, chẳng hạn dưới tờ tâu ngày 18 tháng 11 năm Gia Khánh thứ 17 của Thành Lâm, Tuần phủ tỉnh Quảng Tây, thỉnh thị về ngày sứ thần Việt Nam được phép tới Kinh, để tiện quyết định ngày mở cửa Nam Quan, đã có lời châu phê như sau: "Khoảng ngày 25 hoặc 26 tháng 9 năm sau thì đến Kinh, bất tất phải sớm hơn! Khâm thử"(13).
Qua tập hồ sơ này có thể thấy việc tiếp đón, hộ tống, cung đốn của triều Thanh đối với sứ đoàn Nguyễn Du vừa cẩn mật lại vừa chu đáo. Các tỉnh mà sứ đoàn đi qua đều có bản tấu gửi lên nhà vua, khải trình ngày vào và ngày ra khỏi địa giới tỉnh mình, tên tuổi các thuộc quan hộ tống và tình hình của sứ đoàn. Căn cứ vào bản tâu của các Tuần phủ, Tổng đốc Trung Quốc và hai "bẩm văn"(14) của Nguyễn Du gửi về cho vua nhà Nguyễn, chúng ta có thể biết lịch trình đi và về của sứ đoàn như sau:
6 - 4 Quý dậu              : Vào cửa Nam Quan (tức ngày 6 - 5 - 1813)
5 - 6                              : Đến Quế Lâm, tỉnh lỵ Quảng Tây.
Nghỉ lại chờ may quần áo rét, các loại mãng bào(15), quần bông, quần da do triều Thanh cấp tặng theo phẩm trật quan tước.
18 - 7                           : Đến Trường Sa, tỉnh ly Hồ Nam. 
30 - 7                           : Đến Vũ Xương, tỉnh ly Hồ Bắc.
Nghỉ lại, ngày 9 - 8: đi tiếp từ Hán Khẩu.
21 - 9                            : Đến Từ Châu, trạm đón tiếp đầu của tỉnh Trực Lệ, sau đó qua Bảo Định mà lên Bắc Kinh.
4 - 10                            : Đến Bắc Kinh.
Đường về thì do có lụt nên phải đi vòng qua phía đông, theo một dãy các tỉnh Trực Lệ, Sơn Đông, An Huy, Hồ Bắc mà về Lưỡng Quảng.
24 - 10 Quý dậu         : Rời Bắc Kinh, trở về nước.
 2 - 11                             : Về đến thành Cảnh Châu, thuộc tỉnh Trực Lệ, nghỉ đêm ở đấy, ngày 3 - 11 đến Đức Châu, tỉnh Sơn Đông, đi qua tỉnh An Huy, rồi theo đường bộ vào tỉnh Hồ Bắc ngày 5 - 12.
11 - 12                         : Đến Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc, nghỉ lại ở công quán
16 - 12 xuống thuyền ra đi theo đường thuỷ.
25 - 12                         : Từ huyện Gia Ngư, tỉnh Hồ Bắc, đi đến huyện Lâm Tương, tỉnh Hồ Nam.
31 - 1 Giáp tuất           : Đến huyện Kỳ Dương, tỉnh Hồ Nam.
12 - 2                           : Đến Toàn Châu, tỉnh Quảng Tây.
4 - 2 Nhuận : Đến Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây.
29 - 3 Giáp tuất           : Ra khỏi Nam Quan (tức ngày 18 - 5 - 1814).
Chúng tôi trình bày cụ thể sứ trình đi và về của Nguyễn Du nhằm đi đến hai kết luận sau đây.
1. Nguyễn Du không đến Hàng Châu
- Quan sát hướng đi về của sứ đoàn Nguyễn Du thì thấy đi chếch về phía Đông - Tây tức là hướng đến Vũ Xương chứ không phải Đông - Nam, nghĩa là hướng đến Hàng Châu.
- Từ Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc đến Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, sứ đoàn đi theo đường thuỷ (sông tự nhiên và kênh đào). Theo các bạn Trung Quốc cho biết thì đây là con đường ngắn nhất và tiện lợi nhất. Sĩ tử Giang Nam ngày xưa lên Bắc Kinh dự thi và về cũng đi theo đường này, nhưng sứ đoàn Nguyễn Du lại gặp lúc thời tiết không thuận "Nước sông khô khan, đường kênh cạn hẹp, đi rất chậm chạp" (theo “bẩm văn” thứ hai của Nguyễn Du). Đã thế đến huyện Kỳ Dương, tỉnh Hồ Nam lại gặp sự cố không may "một người tuỳ tòng là Phan Văn Đằng bị bệnh chết, bèn cho khâm liệm vào quan tài, chở riêng trong một chiếc thuyền, giao cho sứ thần nước ấy đưa về" (theo tờ tâu ngày 3 tháng 2 năm Gia Khánh thứ 19 của Thành Lâm, Tuần phủ Quảng Tây).
Trong hoàn cảnh cụ thể như trên, chúng tôi nghĩ rằng Nguyễn Du không có điều kiện đi đến Hàng Châu. Ở đây cũng còn một chi tiết cần chú ý là tờ tâu của tỉnh An Huy bị mất, nhưng An Huy thì lại càng cách xa Hàng Châu!
2. Bài Độc Tiểu Thanh ký được Nguyễn Du sáng tác trước khi đi sứ Trung Quốc.
Năm 1941, Đào Duy Anh được một người bạn ở Vinh cho mượn một bản Thanh Hiên thi tập, thì thấy bài Độc Tiểu Thanh ký được chép trong tập này.
Năm 1965 nhóm Lê Thước, Trương Chính lần đầu tiên sưu tập được một số lượng lớn thơ chữ Hán Nguyễn Du thuộc cả ba tập Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục thì bài Độc Tiểu Thanh ký cũng được chép trong Thanh Hiên thi tập. Kết hợp với tài liệu về sứ trình Nguyễn Du công bố trên Tạp chí Văn học số 4-1964 nhóm nghiên cứu này đã đi đến kết luận "Bài này không phải làm khi nhà thơ đi qua mộ Tiểu Thanh ở Tây Hồ mà làm khi còn ở nhà, nên không ở trong Bắc hành tạp lục"(16).
 IV. Đề nghị một cách hiểu bài Độc tiểu thanh ký
      Chúng tôi tán đồng ý kiến của Lê Thước, Trương Chính là Nguyễn Du đã sáng tác bài Độc Tiểu Thanh ký trước khi đi sứ Trung Quốc. Vậy thì nên hiểu hai câu đầu của bài thơ: Tây hồ mai uyển tẫn thành khư, Độc điếu song tiền nhất chỉ thư như thế nào?
Như trên đã nói trong chuyến đi sưu tầm bổ sung tư liệu về Nguyễn Du ở Trung Quốc tháng 6 năm 1964 nhà thơ Nam Trân và chúng tôi đã đến Thư viện Chiết giang ở trên Cô Sơn, Hàng Châu. Cùng đi với chúng tôi từ Bắc Kinh tới có Giáo sư Phạm Ninh và Phó giáo sư Lý Tu Chương, nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu Văn học Trung Quốc. Đón tiếp và làm việc với chúng tôi ở Hàng Châu là Giáo sư Hạ Thừa Đảo, Chủ nhiệm Hệ Trung Văn trường Đại học Hàng Châu. Ở cuộc toạ đàm về Độc Tiểu Thanh ký tổ chức tại một "Nghinh phong đình" trên bờ Tây hồ, Giáo sư Hạ đã phát biểu: "Mấy năm trước Bùi Kỷ tiên sinh, quý Hội trưởng Hội Việt - Trung hữu nghị, sang thăm Trung Quốc, có đến Hàng Châu. Tiên sinh đã chép cho chúng tôi bài Độc Tiểu Thanh ký . Đến nay tôi lại được biết toàn bộ các tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Theo tôi, một người sinh sống lâu năm ở Tây hồ, bài này không có chi tiết nào buộc chúng ta phải hiểu là tác giả đã đến Tây hồ, đối cảnh sinh tình mà làm ra. Đây chỉ là từ xa mà ngưỡng vọng Tây hồ. Các bài khác có nhan đề liên quan đến địa danh Hàng Châu cũng cần được khảo sát một cách thực sự cầu thị".
Việc hiểu hai cầu đầu bài Độc Tiểu Thanh ký thường khác nhau ở các từ khư và độc điếu. Đào Duy Anh, người đầu tiên công bố toàn bộ bài thơ này, đã dịch (1942):
Vườn mai Tây hồ đã thành cồn mả cả,
Nay trước cửa sổ chỉ viếng trên mảnh giấy thôi.
Nhóm Bùi Kỷ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh (1959) dịch:
Vườn hoa bên hồ Tây đã thành bãi hoang rồi,
Trước song một mình viếng một tập giấy.
Chú ý là nguyên bản chữ Hán ở sách này chép là Tây hồ hoa uyển, chứ không phải là mai uyển như bản Đào Duy Anh, nên đã được dịch là Vườn hoa bên hồ Tây.
Sách Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỷ X VIII - giữa thế kỷ XIX (1963) cũng dịch như trên. Thơ chữ Hán Nguyễn Du của Lê Thước, Trương Chính chủ biên (1965) dịch:   
Vườn hoa bên Tây hồ đã thành bãi hoang rồi,
Chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ.
Chúng tôi tán thành với cách hiểu thiên về phía cho hai câu thơ này chủ yếu không có ý nghĩa nặng về mô tả cảnh thực mà chỉ để diễn ý biến cải tang thương, tuy vậy hai câu cuối của bài lại gợi đến ý trường tồn, đến việc lưu danh thiên cổ, tất nhiên là chỉ gợi đến qua một câu nghi vấn và như một khả năng mà thôi!
Hai câu kết này nằm trong bài Độc Tiểu Thanh ký tất nhiên là trực tiếp nói về sự đồng cảm giữa nhà thơ Nguyễn Du và Tiểu Thanh, nhưng chúng ta cũng có thể đồng tình với soạn giả sách giáo khoa Văn 10: "Có thể nói Tiểu Thanh là hình tượng kết tinh cho "những người ca nữ đất La thành"(17) và từ đó người đọc có quyền nghĩ rằng khóc Tiểu Thanh nhà thơ Nguyễn Du đồng thời cũng đã liên tưởng đến Thuý Kiều, cùng Tiểu Thanh sống ở đời Minh, cùng số phận hồng nhan bạc mệnh, vì vậy từ trước đến nay các nhà nghiên cứu vẫn luôn liên hệ Độc Tiểu Thanh ký với Đoạn trường tân thanh và việc làm sáng tỏ ý nghĩa bài thơ nhỏ này cũng góp phần vào việc hiểu sâu thêm kiệt tác chính của Nguyễn Du”./

Tài liệu đính kèm:

  • docTim cach hieu bai tho Doc Tieu Thanh ki.doc