Bài soạn môn Ngữ văn khối 9 - Bài: Vội vàng - Xuân Diệu

Bài soạn môn Ngữ văn khối 9 - Bài: Vội vàng - Xuân Diệu

I/ Kiến thức cơ bản

1. Phân tích được quan niệm nhân sinh mới, quan niệm thẩm mĩ mới của Xuân Diệu

a) Quan niệm nhân sinh mới

- Hạnh phúc là ở giữa trần gian, ở ngay trong hiện tại (So sánh với quan niệm nhân sinh của người xưa để thấy được quan niệm mới của Xuân Diệu)

- Con người hạnh phúc nhất là ở tuổi trẻ với tình yêu.

- Ý nghĩa của “Vội vàng” là tận hưởng hạnh phúc và tăng nhịp độ sống.

b) Quan niệm thẩm mĩ mới

- Con người là chuẩn mực của cái đẹp (so sánh với người xưa để thấy cái mới của Xuân Diệu)

2. Thấy được phong cách thơ Xuân Diệu

- Niềm say mê cuồng nhiệt

- Những sáng tạo mới mẻ, táo bạo

 

doc 10 trang Người đăng minhquan88 Lượt xem 1680Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Bài soạn môn Ngữ văn khối 9 - Bài: Vội vàng - Xuân Diệu", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Vội vàng
 Xuân Diệu 
I/ Kiến thức cơ bản 
Phân tích được quan niệm nhân sinh mới, quan niệm thẩm mĩ mới của Xuân Diệu 
Quan niệm nhân sinh mới
Hạnh phúc là ở giữa trần gian, ở ngay trong hiện tại (So sánh với quan niệm nhân sinh của người xưa để thấy được quan niệm mới của Xuân Diệu)
Con người hạnh phúc nhất là ở tuổi trẻ với tình yêu. 
ý nghĩa của “Vội vàng” là tận hưởng hạnh phúc và tăng nhịp độ sống.
Quan niệm thẩm mĩ mới
Con người là chuẩn mực của cái đẹp (so sánh với người xưa để thấy cái mới của Xuân Diệu)
Thấy được phong cách thơ Xuân Diệu 
Niềm say mê cuồng nhiệt
Những sáng tạo mới mẻ, táo bạo
II Một số nhận định về thơ XD và về bài Vội vàng
- “Thơ XD còn là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn non nước lặng lẽ này. XD say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn, tha thiết” (Thi nhân VN – Hthanh – HChân)
- “Không phải đến XD, thơ VN mới đụng đến thời gian. Xưa, Nguyễn Du từng than: Ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Gần chúng ta hơ, Tản Đà tặc lưỡi: “Trăm năm là ngắn , một ngày dài ghê”. Nhưng chỉ với XD thời gian mới trở thành nỗi ám ảnh. Thời gian trong thơ ông không chỉ là cảm xúc, là thi hứng, mà còn là nhân tố cấu trúc của tác phẩm nghệ thuật” (XD nỗi ám ảnh thời gian - Đỗ Lai Thuý)
II/ Phân tích bài "Vội vàng" 
“Vội vàng” in trong tập “Thơ thơ” (1938), là bài thơ thể hiện niềm yêu đời, yêu cuộc sống. Đây không phải là bài thơ tình đơn thuần, mà ẩn chứa trong những lời lẽ tình tứ ấy là một quan niệm nhân sinh mới, quan niệm thẩm mĩ mới. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì “Vội vàng” là một trong những bài thơ mà Xuân Diệu tâm đắc nhất. Chính vì vậy, được hỏi nếu sau này (vì thơ tình của Xuân Diệu lúc đó bị coi như “trái cấm”) thơ tình của ông được chọn đưa vào SGK ông sẽ chọn bài nào, Xuân Diệu trả lời ngay: bài “Vội vàng”. Điều đó chứng tỏ “Vội vàng” là tác phẩm gói gém nhiều ý tưởng của Xuân Diệu.
Mở bài 
Mỗi nhà thơ có cách cảm nhận và miêu tả cuộc sống riêng. Nếu trong thơ Huy Cận, chúng ta thấy ngổn ngang những không gian: sầu không gian, nhớ không gian, buồn không gian, chót vót không gian... thì trong thơ Xuân Diệu chúng ta lại thấy bộn bề những thời gian. : vội vàng thời gian, giục giã thời gian, gấp gáp thời gian và sầu muộn cũng thời gian. Không phải đến XD, thơ VN mới đụng đến thời gian. Xưa, Nguyễn Du từng than: Ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Gần chúng ta hơn, Tản Đà tặc lưỡi: “Trăm năm là ngắn , một ngày dài ghê”. Nhưng chỉ với XD thời gian mới trở thành nỗi ám ảnh, trở thành cảm xúc, thành thi hứng và hơn thế thành nhân tố cấu trúc tác phẩm nghệ thuật. Bài “Vội vàng” in trong tập “Thơ thơ” của XD là minh chứng rõ ràng cho quan niệm về thời gian và quan niệm nhân sinh mới mẻ của tác giả.
Thân bài: 
“Thơ thơ” là tập thơ đầu tay của Xuân Diệu, trong đó bài thơ “Vội vàng” được viết theo đề tài truyền thống là đề tài mùa xuân, nhưng cách cảm nhận và thể hiện của tác giả lại hết sức mới mẻ, tinh tế, hiện đại. Qua bài thơ Xuân Diệu đã bộc lộ quan niệm nhân sinh mới, quan niệm thẩm mĩ độc đáo và cách ứng xử với cuộc sống cũng hết sức độc đáo. Bài thơ là tiếng nói của một cái tôi trữ tình, nhạy cảm, luôn khát khao giao cảm với đời, muốn tận hưởng cuộc sống trần thế một cách sôi nổi, mãnh liệt.
Ngay nhan đề bài thơ đã thể hiện rất rõ quan niệm sống tích cực của Xuân Diệu. Hãy tiết kiệm thời gian, yêu sự sống trong từng khoảnh khắc nhỏ nhất để cuộc sống thực sự có ý nghĩa. 
Phần 1(Từ “Tôi muốn tắt nắng đến.. Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”: 
 “Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại 
Cho hương đừng bay đi”
Bài thơ mở ra một khát vọng phi thường bằng tư thế hăm hở. Hai từ “Tôi muốn” được lặp lại như để tô đậm khát vọng cháy bỏng, da diết của một con người muốn níu kéo thời gian. Xuân Diệu là người yêu cuộc sống đến mê say, thế nhưng thời gian cứ êm đềm lặng lẽ trôi, lạnh lùng, tàn nhẫn, như nuốt chửng cuộc sống của con người, vì vậy Xuân Diệu luôn tìm cách níu giữ thời gian lại. Nhưng thời gian thì có ai giữ nổi bao giờ, chính vì vậy, Xuân Diệu sinh ra thù ghét thời gian, đầu hàng thời gian để rồi cuối cùng chỉ còn một cách là phải vội vàng đuổi theo nó. Với Xuân Diệu cuộc sống trần thế là một thiên đường. Mỗi con người sống trên thiên đường ấy là được hưởng niềm vui bất tận, bởi vậy hãy sống hết mình để cuộc sống thực sự có ý nghĩa. 
Hành động “tắt nắng”, “buộc gió” tuy là khát vọng có vẻ phi lý nhưng rất táo bạo, mãnh liệt. Đó là sự táo bạo mãnh liệt của một cái tôi đầy kiêu hãnh, luôn ý thức được sức mạnh của mình. Nó muốn thay đổi tất cả mọi quy luật của thiên nhiên để chống lại sự trôi chảy của thời gian. Những hình tượng như “nắng”, “gió”, “màu”, “hương”... là hiện thân của sự sống tươi đẹp trên trần gian mà nhà thơ muốn giữ lại như giữ lại chính sự sống của mình. 
Một câu hỏi được đặt ra, tại sao Xuân Diệu lại muốn thực hiện khát vọng lớn lao ấy? 
Có lẽ vì Xuân Diệu đã phát hiện thấy một thiên đường trên mặt đất, một thiên đường rộn rã âm thanh, tưng bừng hương sắc. Bài thơ đang từ thể ngũ ngôn với nhịp điệu gấp gáp, vội vã bỗng đột ngột chuyển sang câu thơ 8 chữ dàn trải mênh mang:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật:
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
Đây là những câu thơ có hình giống nhau, có khác chăng là ở sự đảo vị trí của mấy từ “của”, “này đây”. Nhờ sự đảo từ đảo ý này mà tạo nên một giọng điệu liên hoàn, trùng điệp nhằm diễn tả sự sống đang dâng trào mãi không thôi. Đặc biệt từ “này đây” được lặp lại nhiều lần tạo cảm giác phô bày, mời trào tất mọi người hãy đến với những vẻ đẹp tươi thắm nhất của cuộc đời. 
“Tuần tháng mật” là thời điểm no nê mãn nguyện nhất của ong bướm
“Hoa” là trang sức đẹp nhất của đồng nội xanh rì
“Cành tơ” và “lá non” là thời kỳ đẹp nhất giàu sức sống nhất của cây cối
“khúc tình si” của “yến anh” là đỉnh cao rực rỡ của hạnh phúc lứa đôi
“ánh sáng chớp hàng mi” là vẻ đẹp rạng rỡ trên mắt huyền thiếu nữ. Đây chính là quan niệm thẩm mĩ của Xuân Diệu. Lấy con người làm chuẩn mực cho cái đẹp là một cách tân mới trong quan niệm thẩm mĩ của ông. Thơ xưa thường lấy thiên nhiên làm chuẩn mực để con người soi bóng “Phù dung như diện, liễu như mi” (Mặt đẹp như hoa phù dung, lông mày như lá liễu), (Hoặc cách tả Kiều, Vân, của Nguyễn Du) Xuân Diệu thì ngược lại lấy vẻ đẹp con người làm kiểu mẫu của muôn loài – Con người là sản phẩm kỳ diệu của tạo hoá. 
“cặp môi gần” là tượng trưng cho hạnh phúc gần kề đang đi tới tuyệt đích. Đây là một sự so sánh đầy sáng tạo về nghệ thuật, thể hiện quan điểm mĩ học nhân bản của nhà thơ. Đặc biệt để nói về vẻ đẹp của tháng giêng tác giả lại không dùng đẹp, mà dùng “ngon” nghĩa là ông đã chuyển đổi cảm giác tạo nên một kiểu ẩn dụ. ẩn dụ ấy khiến mùa Xuân được hình dung tựa hồ như cô gái kiều diễm, hồng hào, tình tứ đầy hấp dẫn. Nhờ cách dùng từ này mà vẻ đẹp bên ngoài được đẩy lên trở thành niềm rạo rực niềm khát khao từ bên trong. 
Nghĩa là Xuân Diệu đã dọn một bữa tiệc Mùa xuân để mời chào với thực đơn đầy quyến rũ. Ông muốn chứng tỏ hạnh phúc là có thực, là đang hiện hữu ở trước mắt.
Phần 2 “Tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa. Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm”. 
	5 câu thơ đầu:
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua:
Xuân còn non, nghĩa là xuân đã già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Cuộc đời trần thế đẹp đẽ và hấp dẫn như thế nhưng không ai có thể sống mãi mãi để hưởng trọn vẹn. XD cảm nhận điều này rất rõ nên ngay giữa lúc hạnh phúc gần kề Xuân Diệu vẫn nhận thấy: “Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa”. Dấu chấm giữa dòng của câu thơ thứ nhất làm cho người đọc phải chững lại trong giây phút. Có một cái gì đó không chọn vẹn. Người đọc có cảm giác như thời gian đang len lỏi vào giữa dòng hạnh phúc để làm cho niềm vui bị rạn vỡ. Đây là một dấu chấm đầy ẩn ý – một dấu chấm khiến niềm vui trở nên mang đầy tâm trạng.
4 câu tiếp theo “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài Xuân - Xuân đương tới, nghĩa là Xuân đương qua – Xuân còn non nghĩa là xuân đã già - Mà Xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất” diễn tả tài tình sự nhậy cảm của XD đối với sự lưu trôi của thời gian. Trước đó XD đã có hẳn một bài thơ trực tiếp trình bày quan niệm của mình về thời gian. ở bài đó ông ví thời gian như dòng nước chảy, đời người như con thuyền trôi: “Thời gian cũng như đời người một đi không trở lại”. ở bài này ông muốn nhấn mạnh thêm rằng thời gian không phải bao giờ cũng chỉ có thể đo đếm được bằng máy móc mà nó còn đo đếm được bằng cảm giác, bằng tâm trạng. Thông thường khi người ta chán nản, cô đơn, muốn thoát ly hiện thực người ta không quan tâm tới thời gian. Hiện tại, quá khứ tương lai đều là một con số không tròn trĩnh. XD cũng buồn, cũng cô đơn nhưng không quay lưng với thực tại, không thoát ly cuộc sống. Ông yêu cuộc sống nên chi chút từng phút giây thực tại. Hiện tại, khá khứ, tương lai được ông nhận thức có gianh giới rõ ràng. Thậm chí ông nhìn thấy tương lai khi nó chưa kịp đến. Có nghĩa là ông đã đi trước thời gian, tiên đoán trước sự việc để không thờ ơ, vô tâm cho thời gian trôi chảy một cách vô nghĩa. Với ông thời gian được sử dụng trọn vẹn nên không hề phải nuối tiếc.
4 câu thơ có 4 chữ xuân mà mỗi chữ xuân mang một nét nghĩa khác nhau. 
Mặt khác ông cũng ý thức được tuổi trẻ của con người không thể lặp lại cho nên không thể hoài phí tuổi trẻ: 
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật. 
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn, 
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại! 
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Cảm nhận con người đẹp nhất là tuổi trẻ và tình yêu, thơ Xuân Diệu lại thoảng một chút buồn, điều này cũng xuất phát từ lòng yêu đời, yêu cuộc sống. 
2 câu thơ băn khoăn day dứt vì: “Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật - Không cho dài thời trẻ của nhân gian” đã nói lên sự mâu thuẫn giữa ham muốn sống, khát vọng không giới hạn của con người với thời gian hữu hạn của đời người. Đây cũng chính là sự khác biệt giữa mùa xuân của tuổi trẻ với mùa xuân của đất trời. 
Còn 4 câu: Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn - Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại! Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi - Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời” lại đem đến một quan niệm nhân sinh mới của tác giả. Nhiều người cho quan niệm này hoàn toàn mới và khác hẳn với người xưa. Thực ra, thơ xưa không ít bài than thở về sự hữu hạn của kiếp người. Cổ nhân từng coi đời người trôi qua nhanh như bóng ngựa qua cửa sổ. Cho nên không phải họ không biết nghịch lí này, nhưng họ thản nhiên đón nhận vì họ quan niệm hạnh phúc là ở thiên đường, còn cuộc sống ở trần gian chỉ là bể khổ. Hạnh phúc là ở kiếp sau, còn hiện tại là sự chịu đựng. Mặt khác họ chưa ý thức được sâu sắc về cái tôi cá nhân (trường hợp Hồ Xuân Hương: “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại – Thân này đâu đã chịu già tom” có mạnh mẽ một chút nhưng là chống lại số phận chứ không chống lại sự trôi chảy của thời gian). Với họ con người vốn chưa tách khỏi thế giới tự nhiên, đời sống cộng đồng, nên nếu đất trời có mùa xuân đi mùa xuân trở lại, thì con người cũng sẽ tuần hoàn kiếp này sang kiếp khác. 
Với Xuân Diệu và các nhà thơ Mới quan niệm siêu hình này không còn tồn tại nữa, bởi với đất trời mùa xuân đi rồi mùa xuân trở lại, còn thời gian thì ăn mòn đời người. Người ta có thể động viên nhau “Xuân khứ xuân lai xuân bất tận” nhưng người ta biết chắc chắn rằng mùa xuân đất trời càng nhanh trở lại thì tuổi trẻ càng chóng xa cách bờ của nó để đến bến già nua. 
- 8 câu tiếp theo:
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt...
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng dứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
Chẳng bao giờ, ôi! chẳng bao giờ nữa...
Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm,
Với 8 câu thơ liền, Xuân Diệu diễn tả những trạng huống khác nhau của sự vật. Sự sâu sắc của những câu thơ này là ở chỗ: không dừng ở nhận thức cuộc sống bằng quy luật. Tiến lên thêm một bước, nhà thơ đi sâu vào đời sống để khám phá những biến thái vi diệu, sự giằng xé bên trong không kém phần quyết liệt giữa sự sống và cái chết. Mỗi câu thơ là một trạng huống, mà phần lớn là dự cảm – là nỗi lo sợ phấp phỏng mong manh. Cảm nhận này đã chi phối cách dùng từ của nhà thơ, nên đọc các từ : “rớm” “than thầm”, “thì thào”, “hờn”, “dứt tiếng”, “sợ” chúng ta như nghe thấy một cái gì đó rất khẽ, rất êm, như hơ thở của cuộc sống vậy.
2 câu cuối cùng buông ra một lời than đến não lòng: “Chẳng bao giờ, ôi! chẳng bao giờ nữa - Mau đi thôi mùa đang ngả chiều hôm” . Phải hiểu đúng “mùa” ở đây là mùa xuân (chính xác là mùa xuân của cuộc đời). Khi mùa xuân chưa khép lại, còn vớt vát được chút nào thì nên vớt vát. 
Rồi khát vọng sống nhanh, sống gấp đến đây như không gìm nén được nữa, bật lên thành lời như một mệnh lệnh thức.
Phần kết: 9 câu cuối:
 Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu non mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng.
Cho chếnh choáng mùi thơm cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của trời tươi;
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Điệp từ “muốn” một lần nữa lại xuất hiện và lặp lại nhiều lần càng chứng tỏ tác giả đang ham sống, khát sống đến cháy bỏng. Ham muốn này xuất hiện ngay từ đầu bài thơ, chỉ khác là đến đây tác giả không dùng tôi nữa mà dùng ta. “Ta” ở đây không phải cái ta rộng lớn như trong thơ trữ tình chính trị sau này, mà là cái tôi của những cái tôi đầy khát vọng, đầy kiêu hãnh.
ở trên chúng ta đã nói đến nghịch lý giữa ham muốn sống, khát vọng không giới hạn của con người với thời gian hữu hạn của đời người. Đến phần kết chúng ta mới thấy nhà thơ tìm cách hoá giải nghịch lý đó. Với một loạt những động thái, gắn liền với những ham muốn cụ thể, ông đã khéo léo trình bày tư tưởng của mình về phương châm sống rằng: đã không thể tăng trường độ sống thì phải tăng cường độ sống, phải sống nhanh, sống nhiều mỗi giây phút của cuộc đời, để mỗi giây phút đều trở nên có ý nghĩa, đều được tận hưởng niềm hạnh phúc.
Động thái đầu tiên của ông là “ôm” tuy đã phần nào thể hiện niềm khát khao giao cảm với đời đến cuồng nhiệt, nhưng dường như với Xuân Diệu vẫn còn là chưa đủ, cho nên ông đã mỗi lần mỗi tăng cấp “ta muốn riết”, “ta muốn say”, rồi “ta muốn thâu”... Ông đã chuyển con người từ thế bị động (bị thời gian bào mòn) sang thế chủ động, chạy đua với thời gian.
Đúng là nhà thơ tình này đã sử dụng nhiều từ ngữ mạnh “ôm”, “riết”, “bấu”, “cắn” – những động từ như muốn bao vây xâm chiếm đối tượng được yêu. Nhưng xét kỹ thì đối tượng mà ông muốn “ôm”, “riết”, “bấu”, “cắn” ấy chỉ là mây gió hương, hoa, thanh sắc, những biểu hiện của sự sống và sức sống trong thiên nhiên tạo vật không có gì là bản năng, tục luỵ cả. 
Điều đó được giải thích bởi câu cuối, khi ông viết: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”. ở đây lại một lần nữa Xuân Diệu vận dụng sự chuyển đổi cảm giác để diễn tả sự tuyệt đích vô biên của hạnh phúc. Nếu ở trên tháng giêng đã được ông miêu tả là “ngon” như “một cặp môi gần”, thì với mùa xuân có lí gì mà ông lại không “cắn” nó trong khi khát vọng tận hưởng hạnh phúc, khát vọng xoá nhoà mọi khoảng cách với ông đang được đẩy lên tới không cùng. 
Có nhiều người khi đọc đến khổ kết của bài này đã băn khoăn tự hỏi, việc Xuân Diệu miêu tả cuộc sống bằng tất cả những ham muốn hưởng thụ phải chăng là quan niệm sống gấp của tư tưởng cá nhân ích kỉ của rất nhiều thanh niên tiểu tư sản lúc đó? đây là thời kỳ thơ ca trong một số trường hợp đã rơi vào khuynh hướng bản năng, tìm lạc thú trong rượu mạnh, thuốc phiện, sắc đẹp phù hoa Thơ Đinh Hùng, Bích Khê, Vũ Hoàng Chương là những trường hợp cụ thể. 
Xuân Diệu là nhà thơ tình bậc nhất đầu thế kỷ - được xem là đệ nhất tình nhân của thời đại chúng ta. Trong nhiều bài người ta thấy ông vồ vập ham muốn hưởng thụ. Ông yêu ngược thời gian, thắng cả cái chết, choán cả không gian. Nhưng cũng có một điều mà nhiều người nhận thấy đó là XD không rơi vào ý thức hưởng thụ, hưởng lạc. Tha thiết, say đắm đến đam mê, song XD vẫn trân trọng tôn thờ những tình yêu đẹp. Cho nên thực ra ông chỉ muốn diễn tả nỗi khát khao cháy bỏng của mình trước cuộc sống đang căng tràn sức sống chứ không khêu gợi hoặc kêu gọi hưởng lạc. Chỉ có điều cách biểu hiện của ông chân tình, da diết và cuồng nhiệt quá nên đôi khi gây hiểu lầm cho người đọc. Chẳng hạn những câu như: “Ta uống mê vào hơi thở của người – Ta bấu răng vào da thịt của đời – Ngoàm sự sống để làm êm đói khát” 
Kết luận
Bài thơ Vội vàng là một bức tranh nhân sinh của Xuân Diệu thể hiện quan điểm sống mới, tiến bộ. Giữa lúc những cái tôi lãng mạn đang tìm cách thoát ly khỏi cuộc sống, trốn tránh trách nhiệm, mũ ni che tai, tìm vào cõi hư vô, mộng mị... thì Xuân Diệu bày tỏ niềm nhiệt thành, gắn bó và khao khát sống cuộc sống hiện tại. Bài thơ cũng là một lời khuyên mỗi chúng ta: hãy biết quý thời gian của cuộc đời mình, bởi cuộc sống của con người chỉ là những giây phút ngắn ngủi. Sống mờ nhạt, sống vô nghĩa là biểu hiện chết dần của thanh niên mọi thời đại. 

Tài liệu đính kèm:

  • docVoi vang.doc