Đề tài Cách làm văn miêu tả trong chương trình ngữ văn lớp 6

Đề tài Cách làm văn miêu tả trong chương trình ngữ văn lớp 6

Văn miêu tả là một trong những kiểu văn rất quen thuộc và phổ biến trong cuộc sống cũng như trong sáng tác văn chương. Đây là loại văn có tác dụng rất lớn trong việc tái hiện đời sống, hình thành và phát triển trí tưởng tượng, óc quan sát và khả năng nhận xét đánh giá của con người. Với đặc trưng của mình, những trang văn miêu tả làm cho tâm hồn và trí tuệ người đọc thêm phong phú, giúp cho ta có thể cảm nhận văn học và cuộc sống một cách tinh tế hơn, sâu sắc hơn. Chính vì thế mà văn miêu tả được đưa vào nhà trường từ rất lâu. Ngay từ bậc Tiểu học, học sinh đã được học về văn miêu tả và các em lại được tiếp tục học trong chương trình Ngữ văn THCS.

 

doc 10 trang Người đăng HoangHaoMinh Lượt xem 8968Lượt tải 2 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề tài Cách làm văn miêu tả trong chương trình ngữ văn lớp 6", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
đề tài
 “Cách làm văN miêu tả trong chương trình ngữ văn lớp 6”
A. Lí do chọn đề tài
1/ Cơ sở lí luận
Văn miêu tả là một trong những kiểu văn rất quen thuộc và phổ biến trong cuộc sống cũng như trong sáng tác văn chương. Đây là loại văn có tác dụng rất lớn trong việc tái hiện đời sống, hình thành và phát triển trí tưởng tượng, óc quan sát và khả năng nhận xét đánh giá của con người. Với đặc trưng của mình, những trang văn miêu tả làm cho tâm hồn và trí tuệ người đọc thêm phong phú, giúp cho ta có thể cảm nhận văn học và cuộc sống một cách tinh tế hơn, sâu sắc hơn. Chính vì thế mà văn miêu tả được đưa vào nhà trường từ rất lâu. Ngay từ bậc Tiểu học, học sinh đã được học về văn miêu tả và các em lại được tiếp tục học trong chương trình Ngữ văn THCS.
2. Cơ sở thực tiễn:
	Trong thực tế giảng dạy, tôi thấy nhiều học sinh chưa biết cách làm một bài văn miêu tả từ việc tìm hiểu đề, tìm ý, lập dàn ý đến viết thành một bài văn hoàn chỉnh. Trong khi làm một bài văn miêu tả các em mới chỉ là kể lể và liệt kê chứ chưa biết cách tái hiện lại đối tượng cần tả theo yêu cầu của đề bài. Đặc biệt là phần lớn các em học sinh không biết cách lập dàn bài cho một bài văn miêu tả cụ thể nên khi làm bài các em nghĩ đến đâu, nghĩ đến cái gì là các em miêu tả đến đó mà không theo một trình tự nào cả. Ngôn ngữ trong bài viết thường thiếu hình ảnh, câu văn viết không rõ ràng, diễn đạt lủng củngChính vì thế mà điểm làm bài văn miêu tả của các em thường không cao.
	Từ cơ sở lí luận và thực tiễn đã nêu trên, tôi chọn đề tài “Cách làm văn miêu tả trong chương trình Ngữ văn 6”.
B. nội dung
I/ Cách làm
1/ Chuẩn bị:
	-Giáo viên nghiên cứu kỹ bài, tìm tài liệu tham khảo, soạn bài chi tiết để hướng dẫn học sinh.
	-Học sinh: Giáo viên yêu cầu học sinh học kỹ những phần lý thuyết đã học về văn miêu tả để vận dụng vào việc làm bài tập.
2/ Các bước tiến hành: 
*Một số kiến thức cơ bản cần nắm.
a/ Khái niệm về văn miêu tả: 
Những tri thức cơ bản về văn miêu tả đã từng bước đưa vào trong hệ thống câu hỏi, bài tập và đặc biệt đã được nhấn mạnh trong các phần ghi nhớ trong cuối mỗi bài học. Song giáo viên cũng cần yêu cầu học sinh nhắc lại khái niệm về văn miêu tả để học sinh nhớ và khắc sâu kiến thức hơn: “Văn miêu tả là loại văn nhằm giúp người đọc hình dung ra được những đặc điểm, tính chất nổi bật của một sự vật, sự việc, con người, phong cảnh” làm cho những cái đó như hiện ra trước mắt người đọc. Qua văn miêu tả, người đọc không chỉ cảm nhận được vẻ bề ngoài (màu sắc, hình dáng, kích thước, trạng thái) mà còn hiểu rõ được bản chất bên trong của đối tượng, sự vật.
b/ Các dạng văn miêu tả thường gặp:
Giáo viên cung cấp cho học sinh một số dạng văn miêu tả thường gặp đó là:
-Văn tả đồ vật, loài vật, cây cối.
-Văn tả người.
 -Văn tả cảnh.	
Với mỗi dạng văn miêu tả đó giáo viên nêu ví dụ cụ thể để học sinh hiểu rõ bài.
c/ Trình tự trong văn miêu tả:
Văn miêu tả ở lớp 6 có yêu cầu cao hơn ở các lớp bậc tiểu học ở chỗ là bài viết phải thể hiện được tính phương pháp, nghĩa là phải chứng tỏ được rằng học sinh biết cách viết bài theo một trình tự nhất định. 
Việc lựa chọn trình tự nào là tuỳ thuộc vào đối tượng được miêu tả hoặc điểm nhìn của người tả. Vì vậy giáo viên nêu một số trình tự thường được dùng cho học sinh nắm được để mà vận dụng:
-Miêu tả theo trình tự thời gian: Dùng trong các dạng văn tả cây cối, tả cảnh thiên nhiên, tả cảnh sinh hoạt.
-Miêu tả theo trình tự không gian: Dùng trong dạng văn miêu tả cảnh thiên nhiên và cảnh sinh hoạt: từ xa đến gần, từ bao quát đến cụ thể, từ phải qua trái, từ trên xuống dưới, từ trước ra sau, từ ngoài vào trong.
-Ngoài hai trình tự trên có thể sắp xếp ý theo một số trình tự khác nữa. Chẳng hạn như sắp xếp theo đặc điểm, tính chất của đối tượng miêu tả (khi làm văn tả người có thể tả từ hình dáng đến tính tình, trong quá trình miêu tả tính tình có thể lần lượt đi từng đặc điểm để miêu tả). Hay cũng có thể kết hợp đan xen cả trình tự không gian và trình tự thời gian. Hoặc có thể tả theo cảm nhận tự do của người quan sát, vừa tả vừa lồng vào những câu văn nêu suy nghĩ cảm xúc.
Ví dụ: Tả cảnh sân trường giờ ra chơi.
-Tả theo trình tự thời gian:
	+Trống hết tiết, báo hiệu giờ ra chơi đã đến
	+Học sinh từ các lớp ùa ra sân trường
	+Cảnh học sinh chơi đùa
	+Các trò chơi quen thuộc
	+Góc sân phía đông, phía tâygiữa sân
	+Trống vào lớp, tất cả học sinh ngừng chơi vào lớp.
	+Cảm xúc của người viết
-Tả theo trình tự không gian:
	+Các trò chơi ở giữa sân, góc sân
	+Một số trò chơi đặc sắc, mới lạ, sôi động
d/ Ngôn ngữ trong văn miêu tả:
	-Ngôn ngữ phải phong phú, giàu hình ảnh, đường nét, âm thanh, màu sắc nhạc điệu và có sức biểu cảm lớn, thông thường các từ láy đáp ứng được yêu cầu này.
	-Ngôn ngữ phải thật chính xác: Người tả phải chọn đúng từ ngữ diễn tả chính xác nhất cái thần, cái hồn của đối tượng miêu tả.
	Ví dụ: Đoạn văn tả cảnh biển đẹp của nhà văn Vũ Tú Nam được trích trong sách Ngữ văn 6 tập hai – Nhà văn đã lựa chọn từ ngữ miêu tả màu nước biển thay đổi theo những trạng thái khác nhau của tiết trời: Khi gió mùa đông bắc vừa dừng thì “biển lặng đỏ đục”; khi trời nắng thì biển óng ánh đủ màu “xanh lá mạ, tím phớt hồng, xanh biếc”; khi mưa rào thì biển “thâm xì, nặng trịch”. Buổi sớm “nắng mờ” thì biển bốc hơi nước “chỉ một màu trắng đục”. Vào buổi chiều lạnh thì biển “quánh đặc một màu bạc trắng”
-Ngôn ngữ trong văn miêu tả phải là thứ ngôn ngữ có sức liên tưởng, tức là có khả năng khơi gợi trí tưởng tượng cho người đọc. Các nhà văn khi viết những trang miêu tả không bao giờ dừng lại ở tả thực, không bao giờ sao chép một cách máy móc, y nguyên như nó đã từng tồn tại trong cuộc sống. Tất cả đều đã được sáng tạo. Vì thế từ ngữ trong văn miêu tả không chỉ được dùng theo nghĩa đen mà còn được hiểu theo lớp nghĩa ẩn, nghĩa bóng. Đó là lý do vì sao trong văn miêu tả các nhà văn rất hay dùng các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, nói quá, nhân hoá.
	Ví dụ: Nguyễn Tuân đã miêu tả cảnh mặt trời mọc trên biển với những hình ảnh so sánh độc đáo :“Mặt trời nhú dần dần rồi lên cho kì hết. Tròn trĩnh, phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào thăm thẳm và đường bệ đặt lên một mâm bạc, đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng. Y như mật mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông’’.
	-Việc sắp xếp ngôn ngữ trong câu văn tả, đoạn văn tả cũng là một nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo của người viết. Câu văn tả không chỉ đúng mà còn phải hay, phải độc đáo, phải có sự biến hoá linh hoạt. Dù là văn xuôi cũng phải có nhạc điệu. Có thể đan xen giữa câu bình thường với câu đặc biệt, câu đơn với câu phức, câu dài với câu ngắn...Việc lựa chọn các kiểu câu hoàn toàn phụ thuộc vào nội dung cần biểu đạt.
	Ví dụ: 
+Tả ánh trăng khuya: Trời đã về khuya, ánh trăng dường như càng sáng hơn, vằng vặc giữa vòm cao mênh mông, lặng lẽ toả ánh sáng dịu dàng và tinh khiết xuống mặt đất, huyền ảo và đẹp lạ kỳ. (câu dài)
	+Tả một em bé đang tập đi: Cu Tí đang chập chững tập đi. Hai bàn chân bấm xuống. Hai tay dang ra để giữ thăng bằng. Một bước. Hai bước. Uỵch. Cu Tí khóc oà lên vì bị ngã. Mẹ vội đỡ dậy, thơm một cái vào đôi má trắng hồng. Tí ta nhoẻn cười nước mắt vẫn đọng trên mí. (một loạt câu ngắn)
	e/ Yếu tố trữ tình trong văn miêu tả.
	Hình ảnh thiên nhiên và con người được phản ánh trong văn miêu tả thông qua cảm nhận của nhà văn. Điều đó cũng có nghĩa là nhà văn không bao giờ sao chép dựng lại những bức tranh cuộc sống một cách khô khan, máy móc. Đằng sau mỗi bức tranh tả cảnh là những thái độ rõ ràng, những tấm lòng, những tâm hồn nhạy cảm biết rung động trước cái đẹp. Đó chính là chất trữ tình trong văn miêu tả. Cách thể hiện chất trữ tình ở thể loại văn này không theo một mẫu quy định cứng nhắc nào. Người viết có thể biểu lộ thái độ tình cảm của mình đối với đối tượng miêu tả theo hướng trực tiếp hoặc gián tiếp, cũng có khi người viết đan xen giữa lời bình trực tiếp của người miêu tả với những hình tượng nghệ thuật giầu sức gợi, qua đó làm nổi bật chất trữ tình ý nhị, kín đáo mà đầy sức thuyết phục của đoạn văn, bài văn tả.
	*Phương pháp làm bài văn miêu tả.
	a/ Dù tả cảnh, tả người hay tả sáng tạo thì trước một đề văn, người viết cũng cần xác định rõ 3 điểm sau đây:
	-Xác định được đối tượng cần miêu tả (tả cảnh gì?, tả ai? ...)
	-Lựa chọn được những hình ảnh tiêu biểu, đặc sắc của đối tượng được tả.	-Biết trình bày các hình ảnh đó theo một thứ tự hợp lý.
 Giáo viên cần làm cho học sinh hiểu và thấy rõ: Cho dù quan sát, tưởng tượng được nhiều hình ảnh độc đáo và tiêu biểu cho đối tượng được tả, nhưng nếu không biết cách trình bày, sắp xếp theo một thứ tự hợp lý thì cũng không thể có một bài văn miêu tả hay. Nói cách khác bài văn miêu tả hay không chỉ là một mớ các chi tiết và hình ảnh được xếp một cách lộn xộn, cho dù đó là các hình ảnh tiêu biểu.
b/ Những kĩ năng cần rèn luyện khi học viết văn miêu tả.
b1/ Tìm hiểu đề:
Cũng như với các thể văn khác, khi học văn miêu tả cần tìm hiểu yêu cầu của đề. Đề bao giờ cũng có yêu cầu về thể loại ( miêu tả), nội dung ( miêu tả cái gì?) và phạm vi ( bao giờ?, ở đâu?). Với văn miêu tả đề thường cho biết rõ đối tượng miêu tả (tả cảnh, tả vật hay con người cụ thể nào?) trong phạm vi thời gian và không gian cụ thể (ở đâu? và vào lúc nào?)
b2/Quan sát - tìm ý, chọn ý.
Quan sát là hành động thường xuyên, thường trực của con người. Không phải chỉ học văn miêu tả các em mới quan sát. Quan sát là một hoạt động tổng hoà và phức tạp, nó không chỉ thực hiện bằng mắt, mà còn được thực hiện bằng tất cả các giác quan khác như tai, mũi, da thịt... và bằng cả tâm hồn, không chỉ quan sát bề mặt mà còn quan sát cả “bên trong” tức ý nghĩ tinh thần của sự vật, không phải chỉ là cảm giác, tri giác đơn thuần mà còn gắn liền với suy nghĩ, cảm xúc. Chính vì vậy quan sát luôn có quan hệ mật thiết với tìm ý và chọn ý.
Tìm ý và chọn ý là một khâu hết sức quan trọng, nhờ có nó mà văn miêu tả không sa vào kể lể, thống kê....; nhờ có nó mà miêu tả định hướng được tới những giá trị thẩm mĩ của đối tượng. Điều quan trọng nhất của quá trình này là phải xây dựng được ý tưởng cho bài văn. Như đã phân tích miêu tả là đi tìm kiếm, là khám phá, là phát hiện...chứ không phải là sự mô tả tản mạn, lang thang. Tìm ý, chọn ý phải vừa là sự lựa chọn các chi tiết lại vừa phải là sự tìm kiếm ý tưởng nghệ thuật chung, thống nhất cho toàn bài.
Ví dụ: Khi gặp đề văn yêu cầu miêu tả ngôi nhà của em, em sẽ định hướng miêu tả như thể nào? Tất nhiên không phải cứ “thấy gì tả nấy” chắc chúng ta sẽ phải suy nghĩ để tìm một cái “mạch” cho bài văn: Một ngôi nhà xinh xắn? Một ngôi nhà nghèo nàn? Một ngôi nhà hạnh phúc? Một ngôi nhà của những kỉ niệm không quên? . Chính những hướng miêu tả ấy sẽ dẫn các em tới những phát hiện mới mẻ, riêng biệt về ngôi nhà của mình. Đó chính là ý tưởng của bài viết.
b3/ Sắp xếp, tổ chức các ý.
Đây là bước xây dựng dàn bài, các ý có thể được sắp xếp theo trình tự thời gian: thấy trước tả trước, thấy sau tả sau, thường dựa theo hành trình của một nhân vật ( hoặc của chính người viết). Các ý cũng có thể sắp xếp theo trình tự không gian: tả từ xa đến gần, từ ngoài vào trong, từ bộ phận này đến bộ phận khác.
Dàn bài chung của bài văn miêu tả.
-Mở bài: Giới thiệu đối tượng miêu tả
-Thân bài: +Miêu tả bao quát đối tượng
 +Miêu tả chi tiết, bộ phận (chú ý chi tiết chính)
(trong quá trình miêu tả cần đan xen cảm xúc, suy nghĩ của người viết)
-Kết bài: Nêu suy nghĩ, cảm xúc hay đánh giá ý nghĩa của đối tượng miêu tả.
Khi nêu dàn bài chung giáo viên cần lưu ý cho học sinh nắm chắc từng kiểu bài cụ thể:
	-Kiểu văn tả đồ vật, loài vật, cây cối: 
+Khi làm kiểu bài này có thể chọn trình tự miêu tả từ bao quát đến cụ thể. Riêng tả loài vật cây cối có thể theo quá trình trưởng thành của đối tượng với các giai đoạn cụ thể.
	+Đối tượng miêu tả ở kiểu bài này là những đồ dùng, vật dùng, những hình ảnh quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Do đó khi miêu tả phải chú ý tới công dụng ý nghĩa của chúng cũng như mối quan hệ giữa chúng với con người. Đặc biệt thỉnh thoảng trong quá trình tả có thể đan xen vào một vài kỉ niệm thể hiện sự gắn bó giữa người tả với đối tượng được tả.
	+Cần biết điều chỉnh hợp lý giữa tả thực và các hình ảnh liên tưởng . Nếu tả thực nhiều quá thì hình ảnh miêu tả trở nên trần trụi. Nếu liên tưởng nhiều quá thì tính chân thực sẽ giảm đi. Riêng đối với đồ dùng vật dụng không phải lúc nào cũng tả cái mới. Có thể tả những đồ dùng đã cũ (xen vào các kỉ niệm thể hiện sự gắn bó giữa vật dùng với người tả) thì ý nghĩa của việc miêu tả sẽ trở nên sâu sắc hơn, bài văn trở nên sinh động và hấp dẫn người đọc, người nghe.
	-Kiểu văn tả cảnh:
	+Đối với văn tả cảnh thiên nhiên, người viết có thể chọn một trong số các trình tự tả: theo trình tự thời gian, không gian, số lượng cảnh...Bức tranh thiên nhiên không bao giờ ở dạng tĩnh mà luôn có sự thay đổi, vì vậy khi tả phải làm nổi bật được sự thay đổi này ( mùa này khác mùa kia, buổi này khác buổi kia, thời điểm này khác thời điểm kia...).
	Ngoài việc tả bao quát toàn cảnh, người tả cần tìm được một số hình ảnh tiêu biểu để tập trung tả chi tiết, cụ thể. Đặc biệt là khi tả cảnh thiên nhiên cần chú trọng dùng nhiều từ láy tượng hình, tượng thanh. Dù cảnh thiên nhiên nào thì cũng phải đặt nó trong một không gian, thời gian cụ thể và phải có mối quan hệ mật thiết với các hiện tượng tự nhiên như gió, mưa, nắng, . Các biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hoá nên được vận dụng nhiều để góp phần làm cho bài văn miêu tả sinh động hơn.
	+Đối với tả cảnh sinh hoạt thì cần chú trọng chọn tả theo trình tự thời gian và trình tự hoạt động của các đối tượng. Ngoài việc tả chung, nhìn bao quát toàn cảnh và liệt kê các hoạt động, người viết phải tập trung vào một số cảnh chính, tiêu biểu. Ưu tiên dùng nhiều từ láy, tượng hình, tượng thanh, nghệ thuật so sánh. Về câu văn tuỳ theo nội dung miêu tả mà lựa chọn kiểu câu ngắn hay câu dài, câu đặc biệt hay câu bình thường......đặc biệt cần chú ý làm nổi bật mối quan hệ tình cảm giữa các đối tượng xuất hiện trong các bức tranh cảnh này. Nếu cần thiết vẫn có thể đưa một số mẩu đối thoại, một số câu văn tự sự, một số câu văn nêu nhận xét cảm nghĩ vào văn tả cảnh sinh hoạt.
	-Kiểu văn tả người: Kiểu bài này khá thông dụng được dùng phổ biến trong đời sống hàng ngày.
Khi làm bài kiểu này phải:
+Xác định rõ đối tượng được miêu tả (tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính) để trên cơ sở đó chọn hình ảnh tả cho phù hợp. Chẳng hạn người phụ nữ làm nghề dạy học sẽ có trang phục, diện mạo, cử chỉ khác hẳn người phụ nữ là công nhân làm đường.
+Xác định rõ yêu cầu của từng đề. Nếu tả người nói chung thì phải làm nổi bật đặc điểm ngoại hình và tính cách. Nếu tả người trong trạng thái hoạt động thì phải tập trung vào cử chỉ, động tác. Ngay cả việc tìm nét ngoại hình, tính cách của nhân vật để miêu tả cũng phải gắn kết với hoạt động đang diễn ra (chẳng hạn tả người công nhân đang xây nhà thì phải tập trung vào cử động , các thao tác của đôi bàn tay, gương mặt, đôi mắt; tả cầu thủ bóng đá thì phải chú ý vào động tác của đôi chân; tả cô giáo đang giảng bài thì chú ý đến dáng đi, giọng nói, gương mặt, thái độ......)
Đối với văn tả người cũng phải chú trọng nhiều tới ngôn ngữ tượng hình, tượng thanh, nghệ thuật so sánh. Đặc biệt người viết phải biểu lộ tình cảm với người được tả ngay trong quá trình làm văn.
b.4/ Diễn đạt, hành văn.
ở bậc Tiểu học cũng như trong chương trình Ngữ văn 6, văn miêu tả yêu cầu rèn luyện cho học sinh năng lực diễn đạt bằng cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Học sinh dựa vào các câu hỏi để trả lời rồi phát triển thành đoạn văn, bài văn bằng văn nói trước khi chuyển thành văn viết. Đặc biệt lưu ý trong diễn đạt, hành văn là văn viết phải sinh động, “có hồn”.
Ví dụ: Em hãy tả lại buổi lễ chào cờ đầu tuần ở trường em.
Giáo viên vận dụng lý thuyết để hướng dẫn học sinh làm bài theo các bước đã nêu.
Giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu đề:
?Xác định thể loại của đề bài?
? Nội dung miêu tả là gì?
? Phạm vi miêu tả là ở đâu?
 ? Từ sự quan sát của bản thân, em 
hãy nêu các sự việc chính diễn ra trong buổi lễ chào cờ đầu tuần ở trường?
 ? Nêu bố cục của một bài văn miêu tả nói chung?
 ? Phần mở bài phải nêu được vấn đề gì?
 ? Em sẽ miêu tả bao quát buổi lễ chào cờ như thế nào?
 ? Dựa vào các ý chính đã tìm được ở bước 2, em hãy lập dàn ý cho phần miêu tả chi tiết buổi lễ chào cờ đầu tuần ở trường em?
 -Học sinh dựa vào phần tìm ý để làm dàn ý.
 - Giáo viên gọi học sinh trình bày, gọi học sinh khác nhận xét.
 -Cuối cùng giáo viên nhận xét, sửa chữa và khái quát thành dàn bài hoàn chỉnh phần miêu tả chi tiết.
? Phần kết bài cần nêu được điều gì?
Bước 1: Tìm hiểu đề
-Thể loại: Miêu tả (tả cảnh sinh hoạt)
-Nội dung: Tả buổi lễ chào cờ đầu tuần
 -Phạm vi: ở trường em.
Bước 2: Tìm ý
 -Học sinh lớp trực tuần kê bàn ghế.
 -Trống tập trung, học sinh xếp hàng.
 -Lớp trưởng các lớp báo cáo sĩ số
-Lễ chào cờ
 +Bạn Liên đội trưỏng hô “Nghiêm! Chào cờ! Chào!”, cả trường im lặng
 +Hát quốc ca, hát đội ca
 +Hô khẩu hiệu
-Lớp trực tuần xếp loại thi đua tuần trước
-Cô tổng phụ trách đội, cô hiệu trưởng nhận xét kết quả hoạt động của tuần trước và phổ biến công tác tuần này.
Bước 3: Lập dàn ý.
 I/ Mở bài.
Giới thiệu về buổi lễ chào cờ đầu tuần ở trường em.
 II/ Thân bài
 1/ Miêu tả bao quát
Sân trường nhộn nhịp, tiếng cười nói râm ran
Lớp trực tuần đang kê bàn ghế chuẩn bị cho buổi lễ
Trên cột cờ lá cờ đang tung bay trong gió
2/ Miêu tả chi tiết
Trống tập trung, học sinh xếp hàng ngay ngắn theo vị trí lớp.
Lớp trưởng các lớp lần lượt lên báo cáo sĩ số của lớp mình.
Bạn Liên đội trưỏng điều hành buổi lễ chào cờ:
 +Bạn hô “Nghiêm! Chào cờ! Chào!”, sân trường im lặng mọi người đều ngước mắt nhìn lên lá cờ tổ quốc, trống vang lên
 +Học sinh hát “Quốc ca”, “Đội ca”, hát to, rõ ràng và say sưa bằng tình cảm thiêng thiêng của mỗi người đối với Tổ quốc.
 +Hô khẩu hiệu
Toàn trường ngồi xuống
Một bạn lớp trực tuần lên nhận xét tình hình học tập và thực hiện nề nếp của đội trong tuần vừa qua.
Cô tổng phụ trách đội nhận xét kết quả hoạt động của đội tuần qua và phổ biển kế hoạch hoạt động của đội trong tuần.
Cô hiệu trưởng nhận xét chung và tuyên dương các tập thể, cá nhân hoạt động tốt trong tuần qua, phổ biến công tác chung của trường trong tuần, nhắc nhở toàn trường thực hiện tốt nhiệm vụ.
Buổi lễ chào cờ kết thúc, học sinh nghỉ giải lao 5 phút trước khi vào lớp học.
III/ Kết bài
 -Cảm nghĩ của em về buổi lễ chào cờ đầu tuần.
 -Bài học liên hệ cho bản thân.
Sau khi lập được dàn ý, giáo viên yêu cầu học sinh dựa vào dàn ý đó để tập nói về buổi lễ chào cờ đầu tuần ở trường em trước lớp.
Đầu tiên giáo viên sẽ gọi những học sinh yếu, học sinh trung bình nói từng phần một. Mỗi học sinh nói xong cho học sinh khác nêu nhận xét, giáo viên là người theo dõi để sửa chữa cho các em. Cuối cùng gọi học sinh khá, giỏi nói toàn bài, nhắc các em khác chú ý nghe để học tập cách diễn đạt của bạn .
Khi học sinh đã được tập nói, giáo viên yêu cầu học sinh viết thành một bài văn hoàn chỉnh, cho các em đọc chéo bài của nhau và nhận xét bài viết của bạn vào một trang giấy khác, sau đó giáo viên thu bài của các em kể cả các bài nhận xét chéo để kiểm tra xem mức độ viết bài cũng như sự cảm thụ bài viết của bạn khác như thế nào từ đó có nhận xét cụ thể, chọn bài viết hay nhất đọc cho cả lớp nghe để các em học tập.
II/ Kết quả.
áp dụng cách làm này đối với học sinh khối 6 trong trường, sau gần một học kỳ tôi thấy các em học sinh cơ bản đã biết cách làm một bài văn miêu tả đúng hơn và hay hơn. Kết quả cụ thể như sau: (có biểu phụ lục kèm theo)
C/ Kết luận:
1/ Bài học kinh nghiệm.
-Để học sinh nắm chắc cách làm bài văn miêu tả, giáo viên cần nghiên cứu kỹ tài liệu và hướng dẫn học sinh phương pháp làm bài chung, để từ đó các em có thể vận dụng vào làm từng bài cụ thể.
-Phải phân loại lực học của học sinh thành từng đối tượng cụ thể: Giỏi, khá, trung bình, yếu, kém để giao việc cho phù hợp, cho vừa sức với các em, có như thế các em mới tích cực suy nghĩ làm bài và không cảm thấy môn Ngữ văn là khó quá. Cho các em được đọc và tự nhận xét, chấm bài của bạn khác, tạo cho các em có tính tự tin khi được chấm bài của bạn , từ đó khơi dậy cho các em niềm phấn khởi trong học tập và thấy yêu thích môn học Ngữ văn.
2/ Đề xuất: Nhà trường cần bổ sung thêm sách tham khảo để giáo viên có thêm tài liệu nghiên cứu, từ đó có cách giảng dạy tối ưu phù hợp với đối tượng học sinh.
3/ Kết luận: Trên đây là một số ý kiến mà tôi rút ra được trong quá trình giảng dậy, rất mong được sự góp ý của Ban giám hiệu nhà trường, của ban giám khảo để cho trình độ chuyên môn nghiệp vụ của tôi ngày càng được nâng cao hơn góp phần cho sự nghiệp Giáo dục của nhà trường nói riêng và sự nghiệp Giáo dục của Đất nước ngày càng tốt hơn.
 Duy Minh, ngày 25 tháng 4 năm 2008
 Người viết
 Trịnh Thị Châu

Tài liệu đính kèm:

  • docBai viet.doc