Đề tài Đổi mới phương pháp dạy học lịch sử sao cho có hiệu quả hơn kinh nghiệm dạy bài Các nước Tây Âu

Đề tài Đổi mới phương pháp dạy học lịch sử sao cho có hiệu quả hơn kinh nghiệm dạy bài Các nước Tây Âu

 Môn lịch sử trong trường THCS là môn học có ý nghĩa và vị trí quan trọng đối với việc đào tạo thế hệ trẻ theo mục tiêu giáo dục đã được Nhà nước xác định, giúp học sinh nắm được những kiến thức cơ bản cần thiết về lịch sử thế giới, lịch sử dân tộc làm cơ sở bước đầu cho sự hình thành thế giới quan khoa học, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước tin vào lí tưởng độc lập dân tộc và CNXH. Hơn nữa, học sinh biết tự hào về truyền thống dựng nước, giữ nước và nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, biết quan tâm đến những vấn đề bức xúc có ảnh hưởng tới quốc gia, khu vực và toàn cầu. Trên nền tảng kiến thức đã học môn lịch sử còn giúp học sinh phát triển năng lực tư duy, hành động,

doc 15 trang Người đăng HoangHaoMinh Lượt xem 1185Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề tài Đổi mới phương pháp dạy học lịch sử sao cho có hiệu quả hơn kinh nghiệm dạy bài Các nước Tây Âu", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 I, Đặt vấn đề.
 Môn lịch sử trong trường THCS là môn học có ý nghĩa và vị trí quan trọng đối với việc đào tạo thế hệ trẻ theo mục tiêu giáo dục đã được Nhà nước xác định, giúp học sinh nắm được những kiến thức cơ bản cần thiết về lịch sử thế giới, lịch sử dân tộc làm cơ sở bước đầu cho sự hình thành thế giới quan khoa học, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước tin vào lí tưởng độc lập dân tộc và CNXH. Hơn nữa, học sinh biết tự hào về truyền thống dựng nước, giữ nước và nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, biết quan tâm đến những vấn đề bức xúc có ảnh hưởng tới quốc gia, khu vực và toàn cầu. Trên nền tảng kiến thức đã học môn lịch sử còn giúp học sinh phát triển năng lực tư duy, hành động, có thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội, chủ yếu đáp ứng yêu cầu của sự phát triển con người Việt Nam XHCN trong công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.
 Môn lịch sử 9 cũng là môn học quan trọng cần thiết, đáp ứng những yêu cầu của giáo dục nêu trên. Với tầm quan trọng đó, năm học 2006 2007 môn học này tiếp tục được đổi mới toàn diện về chương trình, sách giáo khoa và phương pháp dạy học. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin đưa ra một vài kinh nghiệm nhỏ góp phần vào việc đổi mới phương pháp dạy học lịch sử sao cho có hiệu quả hơn kinh nghiệm dạy bài Các nước Tây Âu.
 II, Nội dung.
 II.1. Một số vấn đề cần lưu ý khi dạy học môn lịch sử 9.
 1.1. Những lưu ý trong đổi mới phương pháp dạy học môn lịch sử 9.
 Cũng như khi giảng dạy các môn học đổi mới ở trường THCS , việc day học môn lịch sử 9 cũng phải thay đổi phương pháp dạy học theo hướng thầy- trò cùng làm việc để thực hiện tốt mục tiêu chung của chương trình lịch sử và mục tiêu của hệ thống giáo dục phổ thông muốn vậy cần lưu ý mấy điểm sau:
 a. Khi dạy và học các phần trong chương trình lịch sử 9 ( Lịch sử Thế giới và lịch sử Việt Nam hiện đại, lịch sử địa phương ) cần chú ý sự khác nhau về yêu cầu nhận thức và truyền thụ nên giáo viên cần lựa chọn phương pháp dạy học thích hợp .
 b. Phần lịch sử thế giới hiện đại nhằm cung cấp cho học sinh những hiểu biết sơ lược về tình hình thế giới sau chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay ( đến năm 2000 ). Đây là thời kì gần thời đại chúng ta nhất, xong thực ra các em không được tường tận chứng kiến mọi sự kiện lịch sử nên giáo viên cần phải sử dụng bản đồ, lược đồ, tranh ảnh kết hợp với những đoạn chữ nhỏ, phần tài liệu tham khảo và câu hỏi cuối mỗi mục hay giữa mục...Phương pháp trình bày cần linh hoạt: bằng tường thuật, kể chuyện hoặc phương pháp hỏi đáp...để bài giảng sinh động, học sinh dễ tiếp thu và phát huy được tính tích cực chủ động của bản thân.
 - Phần lịch sử Việt Nam hiện đại là phần lịch sử viết về chính lịch sử dân tộc mình nên gần gũi với các em nhất. Giáo viên nên tiếp tục sử dụng có hiệu quả phương pháp dạy học ở phần lịch sử thế giới hiện đại nhưng trình bày kỹ hơn , lưu ý nhiều hơn đến việc sử dụng đồ dùng dạy học, các sự vật, sự việc cụ thể đương thời nhằm tăng tính lịch sử cho bài học, học sinh dễ tiếp thu và bài giảng thêm sinh động hấp dẫn.
 - Phần lịch sử địa phương gồm một số nội dung lịch sử ở ngoài trường, lớp như hướng dẫn học sinh học lịch sử ở bảo tàng, tham quan , ngoại khoá lịch sử ... giáo viên cần chú ý chuẩn bị cho tiết dạy thật chu đáo ( nội dung, địa điểm, phương pháp thực hiện... ) Song những địa điểm di tích lịch sử, bảo tàng... phải gần sát với nội dung của bài học trong chương trình và phải giúp các em có nhận thức rõ rệt về lịch sử.
 1.2. Những thuận lợi và khó khăn khi dạy học môn lịch sử 9 theo phương pháp mới .
 - Đối với học sinh THCS, nhất là học sinh lớp 9 môn học lịch sử không phải mới mẻ. Các em đã được học từ cấp I có hệ thống theo tiến trình lịch sử nên ít nhiều đã có những tư duy lịch sử nhất định. Do đó, các em dễ dàng nắm bắt được về những sự kiện lịch sử và bài học được rút ra.
 - Qua thực tế giảng dạy tôi nhận thấy rất nhiều học sinh quan tâm và có hứng thú đối với môn học. Các em tỏ ra muốn tìm hiểu sâu các sự kiện lịch sử để rút ra bài học lịch sử bổ ích. Nhưng các em lại gặp một số trở ngại khiến cho việc học tập môn học này chưa đạt kết quả như mong muốn. Đó là:
 + Từ trước đến nay các em đã quen với phương pháp học cũ thầy trình bày bài học nên các em chưa thực sự tích cực, chủ động, linh hoạt trong học lịch sử, làm cho giờ học trầm và nhàm chán.
 + Trong điều kiện thực tế của nhà trường còn thiếu thốn, các em ít có cơ hội tiếp xúc, làm quen thường xuyên với đồ dùng thiết bị dạy học lịch sử nhất là đối với các phương tiện hiện đại: máy chiếu...nên bài giảng chưa phong phú.
 + Trong tư tưởng của một số học sinh phân biệt môn chính môn phụ, ít giành thời gian cho việc học môn lịch sử, học chỉ mang tính chất chống đối, học thuộc vẹt chứ chưa có ý thức tìm hiểu để có cái nhìn sâu sắc, toàn diện về lịch sử, chưa biết liên hệ giữa lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc.
 II.2. Giải quyết vấn đề.
 Trước những đòi hỏi của môn học và thực tế của việc học lịch sử trong trường THCS tôi luôn trăn trở làm thế nào để việc dạy học môn lịch sử ( nhất là môn lịch sử 9 ) có hiệu quả hơn, việc học mang tính giao tiếp hơn. Vì vậy tôi đã tiến hành thí điểm hai phương pháp dạy học cũ và mới ở hai lớp 9, 9 với bài dạy Các nước Tây Âu.
 * ở lớp 9: tôi dùng phương pháp truyền thống: trình bày kết hợp với vấn đáp. Kết quả có nhiều em thuộc bài song đó chỉ là các sâu chuỗi sự kiện lịch sử mà không hiểu bản chất lịch sử hoặc rất mơ hồ và không rút ra được bài học.
 * ở lớp 9: bản thân tôi chuẩn bị rất chu đáo cho giờ học: bản đồ thế giới, biểu bảng thống kê tỷ trọng kinh tế của các nước Tây Âu so với Mĩ từ 1950 1975, băng hình về nước Đức, lược đồ các nước trong Liên minh châu Âu, máy chiếu ... đồng thời tôi hướng dẫn học sinh nghiên cứu trước bài học và sưu tầm một số tranh ảnh tư liệu về các nước Tây Âu và Liên minh châu Âu
 Trong quá trình dạy học tôi đã sử dụng những đồ dùng dạy học trên kết hợp với phương pháp hỏi - đáp, khuyến khích các em kể về những sự kiện lịch sử liên quan đến bài học. Kết quả thật bất ngờ: các em nắm bài rất nhanh có hệ thống và sâu sắc, giờ học sôi nổi, các em thực sự bị cuốn hút vào bài học.
 Trên cơ sở tiếp thu những yêu cầu chung trong đổi mới phương pháp dạy học môn lịch sử, trải nghiệm qua thực tế thí điểm và thực tế giảng dạy tôi tự rút ra cho mình một số kinh nghiệm nhỏ. áp dụng vào bài Các nước Tây Âu tôi xin đưa ra để các đồng chí hiểu cụ thể và đóng góp ý kiến để kinh nghiệm của tôi được hoàn thiện hơn.
 2.1. Sự chuẩn bị cho tiết học.
 Muốn dạy và học tốt môn lịch sử thì trước hết giáo viên và học sinh phải có sự chuẩn bị tốt, phải tạo được tâm thế thoải mái, sẵn sàng chờ đợi và say mê trong suốt giờ học. Điều đó có ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiếp thu bài học của học sinh. Do vậy cần lựa chọn phương tiện, đồ dùng, phương pháp phù hợp với từng loại bài, từng điều kiện và từng đối tượng học sinh. Đối với bài học này cần chuẩn bị như sau:
 a. Về phía giáo viên: bản đồ thế giới, biểu bảng thống kê tỷ trọng kinh tế của các nước Tây Âu so với Mĩ từ 1950 – 1970, băng hình về nước Đức, lược đồ các nước trong Liên minh châu Âu, máy chiếu ... 
 b. Về phía học sinh: nghiên cứu bài trước ở nhà theo câu hỏi hướng dẫn trong sách giáo khoa, tìm hiểu đặc điểm tên các nước Tây Âu, và tìm hiểu tổ chức Liên minh châu Âu ( tên các nước thành viên, mục đích, hoạt động... ).
 Sự chuẩn bị chu đáo của giáo viên và học sinh tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành tiết học phong phú sinh động.
 2.2. Dạy học bài mới
 Để học sinh tiếp thu bài học có hiệu quả tôi đã tiến hành theo các bước như sau:
 Trước hết tôi hình thành cho học sinh khái niệm về các nước Tây Âu để học sinh hiểu phân biệt với các nước Đông Âu và các nước khác trên thế giới, đó là các nước Tư bản chủ nghĩa ở phía tây châu Âu. Hiện nay mặc dù tình hình đã thay đổi các nước XHCN ở Đông Âu đã khủng hoảng và tan rã nhưng người ta vẫn quen sử dụng khái niệm Tây Âu này.
 Lần lượt tôi hướng dẫn các em đi vào tìm hiểu từng phần đơn vị kiến thức. Mỗi phần tôi lại chia thành các phần nhỏ hơn để các em dễ nắm bắt các đơn vị kiến thức.
A, ở phần I Tình hình chung
 Tôi đã sử dung bản đồ thế giới cho các em quan sát, dựa vào kiến thức địa lí về khu vực lãnh thổ trên thế giới các em đã được học để xác định vị trí địa lí của các nước Tây Âu.
 - Phía bắc và đông bắc giáp với Bắc Âu, phía đông giáp với Đông Âu, phía nam giáp với Nam Âu và vùng châu Phi, phía tây giáp với Đại Tây Dương.
 Trên cơ sở vị trí địa lí, dựa vào những kiến thức địa lí, lịch sử đã học các em thấy rằng đây là một khu vực rộng lớn của châu Âu và là một trung tâm văn minh của thế giới, là cái nôi của các cuộc cách mạng công nghiệp then chốt trong lịch sử, là đầu mối giao lưu với các nền kinh tế trong khu vực bắc, đông, nam Âu và vùng châu Phi. Chính vì vậy Tây Âu có một vị trí quan trọng không chỉ đối với khu vực mà còn đối với cả thế giới. 
 - Với vị thế như vậy sau chiến tranh thế giới thứ hai tình hình Tây Âu có những nét chung gì tôi hướng dẫn học sinh đi vào tìm hiểu về kinh tế, chính trị.
 1, Về kinh tế 
 Từng bước tôi đưa ra các câu hỏi gợi mở để học sinh tìm hiểu về tình hình kinh tế của các nước Tây Âu.
G: Trong chiến tranh thế giới thứ hai tình hình các nước Tây Âu như thế nào?
H: Nhiều nước Tây Âu bị phát xít chiếm đóng và tàn phá nặng nề 
G: Sự chiếm đóng và tàn phá đó đã ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế của các nước Tây Âu mà đặc biệt là các nước tham chiến?
H: Năm 1944 sản xuất công nghiệp của nước Pháp giảm 38%, nông nghiệp giảm 60% so với trước chiến tranh. Italia sản xuất công nghiệp giảm khoảng 30%, sản xuất nông nghiệp chỉ bảo đảm 1/3 nhu cầu lương thực trong nước. Các nước đều bị mắc nợ, đến tháng 6 / 1945, nước Anh nợ tới 21 tỉ bảng Anh.
G: Em có nhận xét gì về tình hình kinh tế của các nước Tây Âu?
H: - Kinh tế bị tàn phá nặng nề, giảm sút nghiêm trọng, nhiều nước trở thành những con nợ lớn.
 Tôi cho học sinh liên hệ tới hậu quả của cuộc chiến tranh thế giới đã tàn phá nặng nề nền kinh tế của các nước Tây Âu ( kể cả các nước thắng hay bại trận ) để các em thấy được đó cũng chính là bối cảnh mà các nước Tây Âu bước vào thời kì xây dựng đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh.
G: Trong điều kiện khó khăn đó các nước Tây Âu đã làm gì để khôi phục kinh tế?
H: - Năm 1948 : 16 nước Tây Âu đã nhận viện trợ của Mĩ : Anh , Pháp , ý , Tây Đức .theo kế hoạch Phục Hưng Châu Âu hay còn gọi là kế hoạch Mac san do Mĩ vạch ra . Kế hoạch đựơc thực hiện ( 1948 - 1951 ) với tổng số tiền 17 tỉ đô la . 
G: Đưa thêm tư liệu để học sinh hiểu rõ về kế hoạch phục hưng châu Âu: còn gọi là kế hoạch Mácsan, do tướng Mác san, lúc đó là ngoại trưởng Mĩ đề ra.
G: Vậy kế hoạch Phục Hưng Châu Âu được thực hiện nhằm mục đích gì ?
H: - Dựa vào tiềm lực kinh tế Mĩ viện trợ để chi phối lôi kéo điều khiển các nước Tây Âu. 
 - Thực chất là từng bước Mĩ thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới.
 ... hai khu vực tình hình nước Đức thay đổi như thế nào?
H: - Nhà nước Cộng hoà Liên bang Đức được Mĩ, Anh, Pháp giúp đỡ khôi phục kinh tế đưa vào khối quân sự Bắc Đại Tây Dương
 - Nền kinh tế Cộng hoà Liên bang Đức được phục hồi và phát triển nhanh chóng. Những năm 1960 - 1970 sản xuất công nghệp của cộng hoà liên bang đức vươn lên đứng thứ ba trên thế giới
G: So với kinh tế các nước Tây Âu em có nhận xét gì về kinh tế của Cộng hoà Liên bang Đức ?
H: - Cũng giống như các nước tư bản Tây Âu khác Cộng hoà Liên bang Đức có nền kinh tế phát triển nhưng lệ thuộc vào tư bản nước ngoài ( như Anh, Pháp, nhất là Mĩ )
G: Liên hệ đến Cộng hoà Dân Chủ Đức để học sinh thấy được Cộng hoà Dân chủ Đức được Liên Xô giúp đỡ cũng đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước.
G: Đến năm 1990 nước Đức có sự thay đổi gì nữa?
H: - Ngày 3 - 10 - 1990 Cộng hoà Dân Chủ Đức sáp nhập vào Cộng hoà Liên Bang Đức thành một nước Đức thống nhất.
G: Tại sao lại có sự sáp nhập như vậy?
H: - Về phía Cộng hoà Liên Bang Đức có lãnh thổ, dân số tài nguyên, tiềm lực kinh tế vượt trội hơn hẳn so với Cộng hoà Dân Chủ Đức.
 - Sự khủng hoảng và tan rã của Liên Bang Xô Viết đã ảnh hưởng đến Cộng hoà Dân Chủ Đức. Nước này đã quay lại con đường Tư bản.
G : Việc hai Nhà nước sáp nhập lại có ý nghĩa gì ?
H: - Kết thúc thời kì chia cắt đất nước sau bốn thập niên ( 1949 - 1990 )
 - Nước Đức thống nhất phát triển theo con đường chung duy nhất
 - Là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với nước Đức, tao điều kiện thuận lợi, một sức mạnh tổng hợp cho nước Đức trong công cuộc xây dựng đất nước
G: Hiện nay Đức có vị thế như thế nào trong khu vực Tây Âu?
H: - Là một quốc gia có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn mạnh nhất Tây Âu.
G: Đến đây tôi đã chiếu đoạn băng tư liệu về cổng thành BecLin trong thời kì chia cắt nước Đức thành hai Nhà nước Cộng hoà Dân Chủ Đức và Cộng hoà Liên Bang Đức và một số hình ảnh nước Đức bây giờ khi đã được thống nhất để học sinh có cái nhìn trực quan về nước Đức, và đó sẽ là đoạn băng tư liệu quý giá để học sinh tìm hiểu lịch sử.
 B, ở phần II: Sự liên kết khu vực.
 Trước hết tôi cho học sinh hiểu về xu hướng ngày càng nổi bật của các nước Tây Âu là sự liên kết trong khu vực. Sau đó tôi chia phần kiến thức này thành hai đơn vị kiến thức nhỏ hơn là: Quá trình liên kết và vai trò của Liên minh châu Âu để học sinh dễ theo dõi.
Quá trình liên kết.
 Tôi cho học sinh tóm tắt lại quá trình liên kết để học sinh có cái nhìn khái quát rồi từ đó sẽ đi tìm hiểu cụ thể sự liên kết khu vực theo quá trình đó.
G: Em hãy trình bày tóm tắt những nét chính của quá trình liên kết khu vực Tây Âu?
H: - 4 - 1951 Thành lập cộng đồng than thép châu Âu
 - 3 - 1957 Thành lập cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu rồi cộng đông kinh tế châu Âu 
 - 7 - 1967 Thành lập cộng đông châu Âu ( EC )
 - 1991 mang tên Liên minh châu Âu.
G : Hướng dẫn học sinh chú ý vào cộng đồng than thép châu Âu, cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu rồi cộng đông kinh tế châu Âu để học sinh tìm hiểu về những tổ chức cộng đồng này.
G : Những tổ chức cộng đồng này ra đời nhằm mục đích gì ?
H : - Cộng đồng than thép châu Âu ra đời nhằm liên kết sản xuất khai thác than, thép.
 - cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu ra đời nhằm liên kết khai thác sử dụng nguồn năng lượng nguyên tử ( nguồn năng lượng mới đem lại nhiều lợi ích cho con người).
 - cộng đông kinh tế châu Âu ra đời nhằm hình thành một thị trường chung để xoá dần hàng rào thuế quan tiến tới thực hiện lưu thông về nhân công và tư bản, có chính sách thống nhất trong lĩnh vực nông nghiệp và giao thông.
G: Chốt lại: các cộng đồng này ra đời làm cho các nước xích lại gần nhau hiểu nhau hơn để cùng phát triển.
G: Đến đây tôi chiếu bản lược đồ các nước trong Liên minh châu Âu để học sinh xác định các nước đầu tiên tham gia cộng đồng liên kết và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự liên kết:
 - Học sinh xác định vị trí của 6 nước Pháp, Đức, Italia, Bỉ, Hà Lan, Lúc - xăm - bua trên lược đồ.
- Sáu nước có vị trí gần gũi, có một nền văn minh chung, có một nền kinh tế không cách biệt nhau lắm, từ lâu có quan hệ mật thiết với nhau. Sự hợp tác là cần thiết để mở rộng thị trường và giúp các nước tin cậy nhau hơn.
- Từ năm 1950 do nền kinh tế bắt đầu phát triển với tốc độ nhanh, các nước Tây Âu liên kết với nhau để thoát dần sự lệ thuộc vào Mĩ
G: Đó là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự liên kết: liên kết không chỉ trên cơ sở mối quan hệ trong lịch sử mà còn trên cơ sở trình độ phát triển tương đồng trong hiện tại.
 Sự ra đời của ba cộng đồng này là cơ sở dẫn đến sự ra đời của cộng đồng châu Âu tháng 7 - 1967.
G: Sự thành lập cộng đồng châu Âu có ý nghĩa gì?
H: - Đánh dấu sự liên kết bắt đầu trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực
G: Sau mười năm chuẩn bị các nước trong cộng đồng châu Âu có hoạt động gì?
H: -Tháng 12 - 1991 các nước trong cộng đồng châu Âu họp hội nghị cấp cao tai Ma-a- xtơ-rich (Hà Lan) .
G: Tại hôị nghị cấp cao này các nước đã thông qua những quyết định gì?
H: - Xây dựng một thị trường nội địa châu Âu với một liên minh kinh tế và tiền tệ, có một đồng tiền chung duy nhất. Từ ngày 01 - 01 - 1999 đã phát hành đồng tiền chung châu Âu với tên gọi là đồng EURO .
 - Xây dựng một liên minh chính trị, mở rộng sang liên kết về chính sách đối ngoại và an ninh tiến tới một Nhà nước chung châu Âu.
G: Tôi đã chiếu toàn bộ nội dung quyết định của hội nghị lên máy chiếu để học sinh quan sát một lần nữa và rút ra những nhận xét cần thiết để hiểu sâu sắc về hội nghị .
G: Tại sao hội nghị lại thống nhất thông qua những quyết định như vậy?
H: - Muốn thống nhất về tiền tệ, liên kết về chính trị để tiến tới thống nhất Nhà nước.
G: Những quyết định đó có ý nghĩa gì?
H: - Giúp cho các nước thành viên phát triển kịp với các nước khác và có những phản ứng nhanh chóng kịp thời hiệu quả trước những thay đổi về kinh tế - chính trị của thế giới.
 - Đánh đấu sự liên kết ngày càng toàn diện : cả về kinh tế, tài chính, chính trị, quân sự.
G: Đưa tư liệu: một ngân hàng chung đã được thành lập trước đó sáu tháng để giúp nhau phát triển. Đồng tiền EURO trở thành đồng tiền chung châu Âu và chỉ sau một năm ban hành nó đã được lưu hành trong 12 nước thành viên EU.
G: Hướng dẫn học sinh chú ý vào sự kiện cộng đồng châu Âu đổi thành Liên minh châu Âu.
G: Việc đổi cộng đồng châu Âu mang tên mới là Liên minh châu Âu có ý nghĩa gì?
H: - Đánh dấu một mốc mang tính đột biến với bước tiến mới: liên kết mang tính thống nhất cao.
G: Đó là bước ngoặt quan trong trong xu thế nhất thể hoá của các nước trong cộng đồng liên minh châu Âu. Mặc dù liên kết cao như vậy nhưng các nước trong liên minh châu Âu không can thiệp sâu vào nội bộ của nhau.
G: Sự liên kết đó nhằm đạt tới mục tiêu gì?
H: - Hợp tác cùng phát triển.
G : Dẫn dắt để học sinh tìm hiểu vai trò của liên minh châu Âu.
 2. Vai trò của liên minh châu Âu.
G : Hiện nay liên minh châu Âu có vai trò gì và số thành viên của tổ chức này như thế nào ?
H : - Liên minh châu Âu là một liên minh kinh tế - chính trị lớn nhất thế giới, có tổ chức chặt chẽ nhất và trở thành một trong ba trung tâm kinh tế thế giới.
 - Đến năm 1999 số nước thành viên là 15, đến năm 2004 là 25 nước thành viên.
G: Chiếu lược đồ các nước trong liên minh châu Âu để học sinh xác định vị trí của các nước thành viên trong liên minh trước năm 1995 và đến năm 2004.
G: Với vai trò và số thành viên như vậy chứng tỏ điều gì?
H: - Khẳng định thành quả to lớn về kinh tế, chính trị, quân sự mà liên minh châu Âu đã đạt được.
 - Chứng tỏ sự liên kết trong khu vực ngày càng sâu rộng với quy mô, tổ chức ngày càng rộng lớn hơn.
G: Liên hệ đến liên minh châu Âu trong tình hình thế giới hiện nay.
 Với sự liên kết sâu rộng như vậy liên minh châu Âu ngày càng có vị trí quan trọng nổi bật trong đời sống kinh tế - chính trị của thế giới. Nhưng trước tình hình châu Âu và thế giới diễn ra phức tạp thì con đường dẫn tới một liên minh châu Âu thống nhất còn là một quá trình lâu dài với hàng loạt những vấn đề khó khăn cần giải quyết: như vấn đề văn hoá, xã hội, tôn giáo, dân tộc...nhưng dù sao liên minh châu Âu vẫn là một tổ chức liên minh thành công nhất hiện nay.
G: Chốt lại toàn bộ bài học để học sinh nắm được vấn đề cơ bản của bài học: sau chiến tranh thế giới thứ hai từ những nước có nền kinh tế bị tàn phá nặng nề các nước Tây Âu đã vươn lên phát triển mạnh mẽ góp phần vào quá trình liên kết khu vực.
 Để khắc sâu những kiến thức đã học, kiểm tra sự nắm bắt bài giảng của học sinh tôi đã đưa ra một bài tập được tiến hành dưới một hình thức trò chơi. 
 Chọn mốc thời gian để dán vào các sự kiện thích hợp:
G: Đưa các mốc thời gian để học sinh chọn.
1948 - 1951
03 - 10 - 1990
7 - 1967
1991
2004
Sự kiện
Thời gian ( Năm )
Kế hoạch phục hưng châu Âu với tổng số tiền khoảng 17 tỷ USD được thực hiện.
Nước Đức được thống nhất .
Cộng đồng châu Âu ra đời.
Cộng đồng châu Âu đổi thành Liên minh châu Âu.
Số nước thành viên trong tổ chức Liên minh châu Âu là 25 nước.
 Qua phần bài tập học sinh nắm bài tương đối tốt nên bài làm hoàn chỉnh theo đúng yêu cầu.
 III.3. Kết quả đạt được.
 Qua học tập kinh nghiệm của đồng nghiệp, tự tìm tòi và mạnh dạn áp dụng phương pháp, phương tiện dạy học mới tôi đã đạt được hiệu quả cao khi dạy bài Các nước Tây Âu. Cụ thể:
 - Các em nắm chắc bài học ngay tại lớp, hiểu bài sâu sắc.
 - Các em biết vận dụng kiến thức của môn học, có kĩ năng phân tích, đánh giá, so sánh và rút ra những kết luận cần thiết.
 - Các em sử dụng các đồ dùng, phương tiện dạy học có hiệu quả .
 - Đặc biệt các em có hứng thú thực sự khi học môn này, luôn có tâm thế sẵn sàng chờ đợi giờ lịch sử. Chính vì vậy nó kích thích được óc tìm tòi, sáng tạo của các em.
 Qua các bài tập và bài kiểm tra số lượng học sinh đạt yêu cầu trở lên chiếm 95% trong đó số học sinh đạt khá - giỏi chiếm 60%. Điều đó làm tôi rất vui và càng cố gắng tìm tòi để cho việc dạy môn lịch sử ngày càng tốt hơn.
 Như vậy, việc đổi mới phương pháp dạy học lịch sử 9 đã giúp cho việc nâng cao chất lượng dạy và học. Học sinh hiểu bài hăng hái tham gia vào quá trình học, không khí học tập sôi nổi. Đây là điều đáng mừng cần phải phát huy không chỉ trong giờ học lịch sử mà còn trong các giờ học khác.
 III, Kết thúc vấn đề.
 Có thể nói đổi mới phương pháp dạy học trong đó có đổi mới phương pháp dạy học môn lịch sử 9 có một ý nghĩa quan trọng để nâng cao chất lượng môn học. Việc vận dụng các phương pháp, phương tiện, đồ dùng dạy học vào trong bài học là cần thiết để giúp học sinh có cái nhìn trực quan về lịch sử, hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu sâu về lịch sử. Có như vậy các em mới nắm vững kiến thức về lịch sử. Tuy nhiên việc vận dụng các thiết bị dạy học đó cũng cần khéo léo, linh hoạt nếu không sẽ làm cho bài học khuôn mẫu, cứng nhắc hoặc không thích hợp. Việc vận dụng các phương tiện dạy học phải đảm bảo nâng cao chất lượng giảng dạy.

Tài liệu đính kèm:

  • docSKKN su 9(1).doc