Đề tài Lối xưng hô trong ca dao tình yêu đôi lứa

Đề tài Lối xưng hô trong ca dao tình yêu đôi lứa

Ngữ dụng học là bộ môn mới của ngành ngôn ngữ có phạm vi nghiên cứu rộng và có nhiều mối quan hệ với các ngành khoa học khác như triết học, xã hội học, tâm lý học, văn hóa học.v.v. Chính vì vậy có nhiều cách nêu khái niệm dụng học và nhiều quan niệm khác nhau về phạm vi, đối tượng nghiên cứu của ngữ dụng học.Dụng học vốn là một thuật ngữ của tín hiệu học được nhà tín hiệu học Mỹ Charles William Morris đã nêu ra trong công trình “Những cơ sở lý thuyết của tín hiệu học” xuất bản năm 1938, thường được gọi là ba bình diện của tín hiệu học. Cụ thể là bình diện nghĩa học, bình diện kết học, bình diện dụng học. Sự phân biệt ba bình diện nghiên cứu của tín hiệu học trên, nhất là sự phân biệt giữa dụng học và hai bình diện kết học và nghĩa học đã mở ra hướng mới cho việc nghiên cứu tín hiệu học nói chung và tín hiệu ngôn ngữ nói riêng.

Theo M.V.Overberker (1980) “ Ngữ dụng học không phải là bộ môn tự hướng vào trong mà nó tràn ra ngoài theo mọi hướng. Nó không chỉ phá vỡ khuôn khổ của những trường phái ngôn ngữ học cổ điển mà nó còn thâm nhập vào những vấn đề cơ bản của triết học, nó gợi ý nhiều vấn đề cho triết học và nó sẽ được vận dụng để đổi mới những lý thuyết văn học”. Dụng học đưa vào nghiên cứu ở loại tín hiệu ngôn ngữ thường được gọi là ngữ dụng học.

 

doc 13 trang Người đăng duyphuonghn Lượt xem 1105Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề tài Lối xưng hô trong ca dao tình yêu đôi lứa", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A.ĐẶT VẤN ĐỀ
1/ Lý do chọn đề tài
Ngữ dụng học là bộ môn mới của ngành ngôn ngữ có phạm vi nghiên cứu rộng và có nhiều mối quan hệ với các ngành khoa học khác như triết học, xã hội học, tâm lý học, văn hóa học.v.v.. Chính vì vậy có nhiều cách nêu khái niệm dụng học và nhiều quan niệm khác nhau về phạm vi, đối tượng nghiên cứu của ngữ dụng học.Dụng học vốn là một thuật ngữ của tín hiệu học được nhà tín hiệu học Mỹ Charles William Morris đã nêu ra trong công trình “Những cơ sở lý thuyết của tín hiệu học” xuất bản năm 1938, thường được gọi là ba bình diện của tín hiệu học. Cụ thể là bình diện nghĩa học, bình diện kết học, bình diện dụng học. Sự phân biệt ba bình diện nghiên cứu của tín hiệu học trên, nhất là sự phân biệt giữa dụng học và hai bình diện kết học và nghĩa học đã mở ra hướng mới cho việc nghiên cứu tín hiệu học nói chung và tín hiệu ngôn ngữ nói riêng.
Theo M.V.Overberker (1980) “ Ngữ dụng học không phải là bộ môn tự hướng vào trong mà nó tràn ra ngoài theo mọi hướng. Nó không chỉ phá vỡ khuôn khổ của những trường phái ngôn ngữ học cổ điển mà nó còn thâm nhập vào những vấn đề cơ bản của triết học, nó gợi ý nhiều vấn đề cho triết học và nó sẽ được vận dụng để đổi mới những lý thuyết văn học”. Dụng học đưa vào nghiên cứu ở loại tín hiệu ngôn ngữ thường được gọi là ngữ dụng học.
Theo GS Cao Xuân Hạo: “Dụng học là ngành của ngôn ngữ học nghiên cứu nội dung ngôn từ trong những tác động qua lại của nó với tình huống bên ngoài, với ngôn cảnh, với những người tham gia vào giao tiếp bằng ngôn ngữ. Nói cách khác nó nghiên cứu trực tiếp cách sử dụng ngôn ngữ trong sinh hoạt xã hội”.
Lược qua một vài lập luận trên, ta thấy ngôn ngữ có vai trò rất quan trọng trong đời sống con người - là người bạn đồng hành không thể thiếu của con người. Vì vậy, con người luôn luôn quan tâm đến ngôn ngữ và xây dựng cả một khoa học về nó. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm lịch sử, ngôn ngữ nói chung và ngôn ngữ Việt Nam nói riêng ngày càng có sự chuyển biến mạnh mẽ, đa dạng phù hợp với thời đại. Một trong những ngành khoa học nghiên cứu thể hiện rõ nhất về Ngữ dụng học, đó là Văn học. 
2/ Phạm vi nghiên cứu
Ngôn ngữ trong Văn học được xây dựng trên nền tảng ngôn ngữ xã hội , ngôn ngữ toàn dân. Tùy theo đối tượng quen lạ,vai vế, tuổi tác, địa vị xã hội mà ngôn ngữ sử dụng cũng khác nhau. Và tùy theo vùng miền văn hóa thì ngôn ngữ sử dụng cũng khác nhau mặc dù cùng một chủ đề giao tiếp.Trên cơ sở được tiếp thu lý thuyết về Ngữ dụng học của giảng viên và hiểu biết cá nhân, tiểu luận chỉ đi vào khảo sát tìm hiểu “Lối xưng hô trong ca dao tình yêu đôi lứa”. Chọn đề tài này, bản thân người thực hiện muốn khẳng định sự phong phú của ngôn ngữ Việt Nam và qua đó đánh giá lại kiến thức của mình từ đó có một sự chuẩn bị tốt hơn trong học tập và nghiên cứu.
B. NỘI DUNG
Ca dao Việt Nam phản ánh lịch sử xã hội Việt Nam, nó được coi như là một kho tài liệu phong phú về phong tục, tập quán trong các lĩnh vực sinh hoạt vật chất và tinh thần của nhân dân lao động. Đó là tiếng hát trữ tình của con người, là tiếng hát của tình yêu trong mọi khó khăn vui buồn của cuộc sống. Văn học dân gian Việt Nam có những bài ca dao trữ tình rất hay thuộc chủ đề tình yêu nam nữ, hôn nhân hay gia đình rất tế nhị như:
Cô kia cắt cỏ một mình
Cho anh cắt với chung tình làm đôi
Cô còn cắt nữa hay thôi
Cho anh cắt với làm đôi vợ chồng.
Lại có những câu ca dao rất hay, tuy mộc mạc nhưng rất ý vị, dí dỏm:
Đường xa thì thật là xa,
Mượn mình làm mối cho ta một người.
Một người mười tám đôi mươi,
Một người vừa đẹp vừa tươi... như mình.
Còn rất nhiều câu ca dao duyên dáng, đằm thắm như vậy!Điều gì làm cho lời nói giữa chàng trai và cô gái có hồn, say đắm nhau? Đó chính là do chức năng ngôn ngữ, ngữ cảnh, địa điểm, phát ngônđặc biệt là cách xưng hô khi giao tiếp. Theo Đỗ Hữu Châu & Cao Xuân Hạo trong “Trao đáp là vận động cơ bản của hội thoại” thì: “một cuộc đối thoại bình thường là một cuộc đối thoại có người nói lời và người đáp lời. Nói theo Nguyễn Đức Dân: “Mỗi lượt lời được xây dựng trên cơ sở những lượt lời trước đó. Vậy là có sự luân phiên lượt lời, luân phiên nói năng trong hội thoại. Đó là một nguyên lí hội thoại” như câu ca dao:
Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào
Tuy nhiên trong ca dao có nhiều lúc, người nói rơi vào tình huống lúng túng, khó trao lời hoặc chưa tìm ra một cách trao lời thích hợp. Thay cho một câu đáp cần có, họ chọn sự im lặng và ngầm chờ đợi một diễn biến mới (có khi từ phía người đang đối thoại) để tiếp tục cuộc thoại. 	Và cũng một phần lí do đó mà trong ca dao, xuất hiện rất nhiều cách xưng hô từ tình huống mà ra.
Từ xưng hô tiếng Việt không chỉ dùng để “xưng” và “hô” nhằm định vị mối quan hệ giữa các đối tượng khi giao tiếp mà còn là phương tiện biểu đạt tình cảm, góp phần tạo nên nhịp cầu giao cảm giữa đôi bờ tâm hồn. Nhiều nhà nghiên cứu đã nói về sự phong phú của lớp từ xưng hô tiếng Việt. Sự phong phú đó không chỉ thể hiện ở số lượng từ xưng hô mà còn thể hiện bởi cách phô diễn. Trong ca dao, dù là cách nói trực tiếp hay ẩn dụ, ví von... vẫn hiện lên hình ảnh hai nhân vật đang bộc bạch nỗi lòng hoặc dò ý, trao lời.  
          Các cặp từ xưng hô thường thấy trong ca dao nói chung như:
Thiếp - chàng:     	 Ai làm bầu bí đứt dây,
Thiếp ở bên này, chàng ở bên kia.
Thiếp - anh:          	Anh giơ roi đánh thiếp sao đành
Nhớ khi đói khổ rách lành có nhau.
Anh - em:             	   Cam sành lột vỏ còn the
 Thấy em còn nhỏ, anh ve để dành.
Anh - nàng:            Anh muốn vãng lai, sợ nàng mang tai tiếng
 Giả khách qua đường, sớm viếng tối thăm.
Ta - bạn:                 Bạn về ta chẳng dám cầm
 Dang tay đưa bạn, ruột bầm như dưa.
Ta - mình:            Đường đi nho nhỏ
 Bờ cỏ xanh xanh
 Không duyên, không nợ, không tình
 Đồng không mông quạnh, sao mình gặp ta?
Mình – ta: 	- Mình nói dối ta mình hãy còn son 
 Ta đi qua ngõ thấy con mình bò 
 Con mình những trấu cùng tro 
 Ta đi xách nước rửa cho con mình.
Đó - đây:                 Đó có đôi, ngồi ăn một ngựa,
 Đây một mình, biết dựa vào ai?
            Cũng cùng thể hiện mối quan hệ tình cảm lứa đôi đã có đến 8 cặp từ xưng hô và số lượng cặp xưng hô không chỉ còn dừng lại ở đó.Ở đây ta rất khó so sánh cung bậc tình cảm giữa những cặp từ xưng hô trên, nhưng cũng dễ dàng nhận thấy sự khác nhau về sắc thái biểu cảm cũng như mối quan hệ tiệm tiến hay tiệm thoái của hai nhân vật. Những cặp từ xưng hô này đã thể hiện một cách trọn vẹn những bước “thăng- trầm”, “li - hợp”... của tình yêu đôi lứa. Cặp “đó - đây” thể hiện tình cảm giữa hai người còn một khoảng cách nhất định. Nó chỉ mới dừng ở mức đánh tiếng, thăm dò và phần nào đó còn là tình yêu đơn phương. “Đây” thường là người mở lời dò hỏi hay than thân trách phận, tiếc nuối duyên nợ không thành: 
Đó đủ đôi, ăn rồi lại ngủ
Đây một mình thức đủ năm canh
Với cặp từ “ta - bạn”, tình cảm vẫn còn xa dẫu giữa hai người đã có sự giao cảm. Mối quan hệ tình cảm ở đây cũng có khi thuộc về quá khứ và để lại cho một trong hai người nỗi đau thật khó nguôi ngoai: 
Tai nghe bạn cũ có đôi
Trong lòng bối rối như vôi mới hầm
Cặp “thiếp - chàng” dù có sắc thái biểu cảm dương tính nhưng có phần khuôn sáo, xa lạ với tình cảm chân chất, mộc mạc, sôi nổi và tự nhiên của người dân lao động. Cặp “anh - em” thể hiện sắc thái tình cảm tự nhiên, gần gũi và phổ biến nhất. Hàng rào ngăn cách đã được khai thông; sự e ấp của cái thuở “Tình trong như đã... mặt ngoài còn e” qua đi để sang một bước ngoặt mới về tình cảm: 
Anh thương em bất luận xa gần
Cầu không tay vịn anh cũng lần đi qua
 Xưng hô không phải dễ! Nếu không chuẩn bị đầy đủ, chưa chín muồi mà vội vàng “quá độ” thì không khéo sẽ “xôi hỏng bỏng không”.Trong đời sống, ta không thể tránh khỏi những khi bị trêu ghẹo, bị người khác thổ lộ tình cảm một cách trơ trẽn, suồng sã. Đối phó với trường hợp đó, nhiều cô gái rất táo bạo, mạnh dạn bày tỏ thái độ của mình qua cách dùng từ xưng hô như: 
Gió đưa ba lá sa kê 
Ông trời hổng vật mấy thằng dê cho rồi.
Anh hùng đáo xứ anh hùng lai 
 Em là thục nữ cũng biết đối trai anh hùng.
(“Đối trai” nói lái là “đái trôi”)
  Cặp xưng hô “ta (em )- mình” đã vươn tới sự gần gũi, thân quen, nồng thắm và khoảng cách giữa hai người dường như không còn nữa. Từ “anh” (hoặc “em”) đến “mình” là một bước tiến dài về tình cảm, một sự thay đổi về chất trong mối quan hệ. Chính vì thế mà ta thấy vì sao để gọi được tiếng “mình” thiết tha ấy, cô gái đã trải qua bao nỗi đắn đo, lo lắng:
Bấy lâu em còn nghi ngại,
Bữa nay kêu đại bằng mình
Phụ mẫu hay đặng, không lẽ giết mình với em.
Từ cách xưng hô “ta - mình” dẫn đến lối xưng hô mà khoảng cách giữa hai người đã được xoá nhoà, không còn giới hạn. Đó là cách nói gộp kiểu như “Đôi ta...” hay “Chúng mình...”: 
Đôi ta như cá ở đìa
Ngày ăn tản lạc tối vìa ngủ chung
Cách xưng hô “mình –ta – người” là những từ xưng hô quen thuộc trong giao tiếp của người Việt (Vùng Nam Bộ). Trong ca dao và thơ ca chúng ta đã thấy xuất hiện rất nhiều :
Mình về ta chẳng cho về
Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ
Mình về mình nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười 
Người ơi người ở đừng về
Lo ăn , lo ở chẳng nề tốn hao
Đặc biệt trong thơ Tố Hữu chúng ta thấy các từ này xuất hiện với tần suất khá cao và ranh giới đối ngôn (chủ ngôn – khách ngôn) của các từ này không có sự tách biệt rõ ràng. “mình ta – ta mình” trộn lẫn vào nhau chẳng hạn:
Mình về mình có nhớ ta
Mình về mình có nhớ không
Mình đi mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu
Mình đi mình có nhớ mình
Tân Trào Hồng Thái mái đình cây đa
Ta với mình mình với ta
 Ngoài ra còn có các lớp từ xưng hô khác tạo nên sự đa dạng, phong phú và mang đậm màu sắc địa phương:
Qua - bậu:                 - Bậu nói với qua, bậu không bẻ lựu hái đào
                                                                	 Chớ đào đâu bậu bọc, lựu nào bậu cầm tay?
Anh (em) - bậu:             - Áo vắt vai đi đâu hăm hở
                                                                        Em có chồng rồi mắc cỡ lêu lêu!
                                                                        - Áo vắt vai anh đi thăm ruộng,
                                                                       Anh có vợ rồi, chẳng chuộng bậu đâu.
Qua -em:                      - Qua về bán ruộng cây đa
                                                                     Bán cả đất nhà cưới chẳng đặng em.
Tui - bậu:                  - Lại đây tui biểu chút xíu, bớ nàng
Tui biểu lời hơn sự thiệt
Chớ không phải biểu nàng từ biệt ngỡi nhơn
 Ngỡi nhơn là ngỡi nhơn đồng,
 Tui không biểu bậu bỏ chồng bậu đâu.
Tui - bạn:                  - Thằn lằn chắc lưỡi mái rui,
                                                                Từ tui xa bạn, lòng chẳng vui chút nào.
Tui -anh:                   - Nhợ xa cần, nhợ lại nằm khoanh
                                                                    Chim kêu rủ rỉ, nhớ anh tui khóc muồi.
Tui - mình:                - Đường đi chưn trợt bờ sình
                                                                    Trợt ba bốn cái chẳng thấy mình đỡ tui.
            Ngoài ra, cặp từ xưng hô “qua - bậu” mang đậm sắc thái địa phương diễn tả nhiều cung bậc tình yêu như:
Bậu nói với qua, bậu không lang chạ
Bắt đặng bậu rồi, đành dạ bậu chưa?
Hay buồn thương vì duyên nợ không thành: 
Trách mẹ với cha chứ qua không trách bậu
Cha mẹ ham giàu gả bậu đi xa
Bên cạnh đó là hai biến thể “anh (em) - bậu” và “qua - em (anh)”. Những bài ca dao sử dụng hai biến thể xưng hô này thường là những bài ca dao tỏ tình nhưng thiếu tự tin: 
Bậu có chồng chưa, bậu thưa cho thiệt
Kẻo anh lầm tội nghiệp cho anh
hay đau khổ, trách hờn người yêu:
Trách lòng bậu cứ đẩy đưa
Gạt anh dãi nắng, dầm mưa nhọc nhằn
hoặc thể hiện nỗi da diết, nhớ mong: 
Bướm xa hoa, bướm dật, bướm dờ
Anh đây xa bậu, đêm chờ ngày trông
            Trong những cặp từ xưng hô còn lại, ta thấy có một nét chung là ngôi thứ nhất dù là nam hay nữ, đều xưng hô là “tôi” hoặc “tui” (biến thể phát âm Nam bộ). Đại từ này dùng trong giao tiếp mang tính nghi thức thì có sắc thái biểu cảm trung tính, nhưng nếu dùng trong giao tiếp không nghi thức thì có thể mang sắc thái biểu cảm âm tính. Thực tế cho thấy khi nói năng hàng ngày, dùng đại từ này thường tạo ra sự xa cách và để biểu lộ thái độ không đồng tình, phản đối hay tạo ra một khoảng cách an toàn nếu ta không muốn tình cảm tiến xa. Với hai người vốn đã thân quen, có quan hệ gần gũi, đại từ này ít khi dùng và nếu có là dấu hiệu báo cho biết sự thay đổi tình cảm, thái độ. 
 Trong ca dao nói chung, đại từ “tôi”, vốn mang tính chỉ định cá thể cao, ít xuất hiện. Thế nhưng, trong ca dao Đồng bằng sông Cửu Long lại có nhiều mô hình xưng hô mà ngôi thứ nhất lại mạnh dạn dùng “tui” (hoặc “tôi”). Họ bộc lộ công khai, rõ ràng cái tôi của mình khi bày tỏ tình yêu nhưng lại có phần “thủ thế” không tự tin, ngại ngần chưa dám xưng thân mật với người mình thương. Ngay cả tiếng “yêu” trước đây thật xa lạ đối với các chàng trai, cô gái vùng sông nước (Trong khẩu ngữ Nam bộ, từ “thương” đồng nghĩa với từ “yêu”). Họ dùng từ “thương” khi thổ lộ nỗi lòng: “Tàu chìm còn nổi giàn mui; Anh liệu thương đặng mình tui, tui chờ.” Có thể là thói quen ăn nói, nhưng lối xưng hô trên phần nào tạo một khoảng cách vô hình. Con đường tình yêu trong bài này còn cam go bởi phải qua hai lần thay đổi cách xưng hô. Thứ nhất, ngôi thứ hai từ “anh” (hoặc “em”) chuyển sang “mình”: 
Rồng giao đầu, phụng giao đuôi
Nay tui hỏi thiệt, mình có thương tui không mình?
Thứ hai, ngôi thứ nhất thay đổi từ “tui” (hoặc “tôi”) có phần xa cách để chuyển sang “anh” (hoặc “em”) như đã nói ở trên. Sự thay đổi cách xưng hô có khi sẽ diễn ra chóng vánh, chỉ đôi lần gặp gỡ, nhưng cũng có khi mãi mãi dừng lại ở bước khởi đầu.
Ngoài ra còn có một số cách xưng hô đậm chất khẩu ngữ với sắc thái biểu cảm âm tính như:
- Một bàn tay năm ngón
Có ngón ngắn, ngón dài.
Người ta kẻ kém người tài,
Anh xem cho kĩ, gái này kém ai?
- Con cua kình càng bò ngang đám bí
Nói với chị mày: giờ tí tao qua.
            Những cách xưng hô trên không nhiều, không tiêu biểu, giá trị nghệ thuật không cao nhưng nhờ nó làm phong phú thêm cách xưng hô trong ca dao. 
Bên cạnh những cách xưng hô được nói ở trên, chúng ta còn bắt gặp những cách xưng hô mà ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ hai được ẩn đi - là khuynh hướng dùng tên riêng hay từ chỉ quan hệ họ hàng kèm với ngôi thứ trong gia đình. Ví dụ như:
- Vái Trời cưới được cô Năm
Làm chay bảy ngọ, mười lăm ông thầy.
- Chim quyên đậu lái ghe bầu,
Miệng kêu bớ Bảy xuống lầu trao thư.
- Con quạ nó đậu nhành gáo,
Nó kêu nam đáo, nữ phòng.
Biểu với cô Hai đừng lấy hai chồng
Dao phay kia hai lưỡi nó hòng phanh thây.
- Anh tưởng giếng sâu anh nối sợi dây cụt
Ai dè giếng cạn nó hụt sợi dây
Qua tới đây không cưới được cô Hai mày
Qua chèo ghe ra biển đợi nước đầy qua chèo trở vô.
Cách xưng hô này thường được dùng phổ biến trong quan hệ hàng xóm láng giềng để thể hiện sự thân mật, gần gũi như người trong gia đình, dòng họ. Còn trong tình yêu đôi lứa, cách xưng hô này cho thấy mối quan hệ giữa hai đối tượng vẫn còn rất “sơ” dù người nói đã có tình, có ý. Nó chỉ mới ở mức thăm dò, đánh tín hiệu, còn “đối tác” có bắt tín hiệu hay chịu giải mã không thì đành chịu và chỉ còn biết...”Vái trời...”.
Trên đây khảo sát một vài ví dụ ta thấy cách xưng hô trong ca dao hết sức phong phú, đa dạng. Ngoài cách sử dụng những cặp từ xưng hô thường thấy trong ca dao nói chung, chúng ta còn thấy những cách nói riêng mang đậm tính địa phương và phản ánh lời ăn, cách nói, nếp nghĩ của họ. Nổi bật nhất là cặp từ xưng hô “qua- bậu” và những biến thể của cặp xưng hô này. Bên cạnh đó là việc sử dụng rất nhiều đại từ “tui” (hoặc “tôi”) ở ngôi thứ nhất. Ngoài ra, chúng ta còn thấy cả cách gọi: “Cô Hai, cô Bảy, cô Ba...” ở ngôi thứ hai vốn là đặc trưng phổ biến của cách xưng hô hàng ngày trong giao tiếp khẩu ngữ ở Nam bộ. Ở mỗi cách xưng hô thể hiện mối quan hệ tình cảm khác nhau; phản ánh những chặng đường khác nhau từ lúc sơ giao đến lúc thành vợ, thành chồng hay những khi éo le, trắc trở trong tình yêu. Cùng một cặp từ xưng hô, nhưng ở mỗi bài ca dao nó có thể phản ánh mối quan hệ và sắc thái biểu cảm khác nhau chứng tỏ sự đa dạng, phong phú về lớp từ xưng hô, cách xưng hô của người Việt.
C.KẾT LUẬN
Ngôn ngữ có đời sống của nó, nó không ngừng được hình thành và phát triển từ chính cuộc sống cộng đồng của nhân dân. Với những đặc trưng riêng của từng vùng đất, đã tạo ra một truyền thống ngôn ngữ rất năng động, rất phong phú. Đó chính là nhờ sự giao lưu của nhiều luồng văn hóa khác nhau của các vùng trong nước và của nhiều luồng văn hóa phương Đông, phương Tây.
Ở Việt Nam, những nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Du, Tố Hữu, Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Anh Đức, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân có thể được coi là những người đã kế thừa tốt những giá trị đặc trưng của ngôn ngữ dân gian, góp phần làm giàu, làm đẹp thêm cho sức sống mãnh liệt của Văn học Việt Nam.
Cách xưng hô trong ca dao tình yêu thể hiện rõ nét sự lạc quan và tính cởi mở, vừa cho thấy sự đa dạng nhiều cung bậc của tâm hồn con người Việt Nam không chỉ giới hạn trong tình yêu mà còn ở những lĩnh vực khác. Bằng các thủ pháp nghệ thuật như ví von, ẩn dụ, phóng đại mang tính chất phác, mộc mạc, độc đáo, ca dao tình yêu đôi lứa chiếm một khoảng không nhỏ trong đời sống tinh thần của người Việt Nam qua cách xưng hô duyên dáng, tế nhị, giàu chất nhân văn nhân bản. Điều đó nói lên: ngôn ngữ Việt Nam đa dạng, phong phú, bóng bẩy, giàu cảm xúc... như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Tiếng Việt của ta rất giàu và đẹp”
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1/ www.myopera.com
2/www.admin@ngonngu.net
3/ www.thuquan.net
4/ Hoàng Tiến Tựu – Bình giảng ca dao, NXBGD, 2001
5/ Mã Giang Lân – Ca dao Việt Nam và lời bình, NXBVH, 1991
6/ Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên – Văn học dân gian, tập 1,2, NXBGDCN

Tài liệu đính kèm:

  • docde_tai_loi_xung_ho_trong_ca_dao_tinh_yeu_doi_lua.doc