Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện môn: Ngữ văn lớp 9 năm học: 2010 - 2011

Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện môn: Ngữ văn lớp 9 năm học: 2010 - 2011

Câu 1 (5 điểm):

 Đoạn kết thúc một bài thơ có câu:

“ Không có kính rồi xe không có đèn,”

 .

 a) Hãy chép tiếp các câu thơ còn lại để hoàn chỉnh khổ thơ gồm 4 câu?

 b) Cho biết, đoạn thơ vừa chép trong bài thơ nào? Tác giả là ai? Nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ?

 c) Từ “trái tim” trong câu thơ cuối cùng của đoạn vừa chép được dùng với nghĩa như thế nào? Từ đó em hãy nêu nội dung chính của bài thơ?

Câu 2 (5 điểm):

 Lẽ ra cuộc gặp mặt sau tám năm xa cách sẽ ngập tràn niềm vui và hạnh phúc nhưng trong câu chuyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng, cuộc găp ấy lại khiến nhân vật “anh” “đau đớn”. Vì sao vậy?

Câu 3 (10 điểm):

Hãy viết một đoạn văn nghị luận khoảng 20 câu theo phép lập luận quy nạp làm rõ tình cảm sâu nặng của người cha đối với con trong tác phẩm Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.

 

doc 4 trang Người đăng honghoa45 Lượt xem 718Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện môn: Ngữ văn lớp 9 năm học: 2010 - 2011", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 PHÒNG GD&ĐT 
ĐIỆN BIÊN ĐÔNG
 (Đề chính thức)
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN
Môn: Ngữ văn lớp 9
Năm học: 2010 - 2011
Thời gian: 150 phút (không kể giao đề)
Câu 1 (5 điểm):
 Đoạn kết thúc một bài thơ có câu:
“ Không có kính rồi xe không có đèn,”
 .....	
	a) Hãy chép tiếp các câu thơ còn lại để hoàn chỉnh khổ thơ gồm 4 câu?
	b) Cho biết, đoạn thơ vừa chép trong bài thơ nào? Tác giả là ai? Nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ?
	c) Từ “trái tim” trong câu thơ cuối cùng của đoạn vừa chép được dùng với nghĩa như thế nào? Từ đó em hãy nêu nội dung chính của bài thơ? 
Câu 2 (5 điểm): 
 Lẽ ra cuộc gặp mặt sau tám năm xa cách sẽ ngập tràn niềm vui và hạnh phúc nhưng trong câu chuyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng, cuộc găp ấy lại khiến nhân vật “anh” “đau đớn”. Vì sao vậy?
Câu 3 (10 điểm): 
Hãy viết một đoạn văn nghị luận khoảng 20 câu theo phép lập luận quy nạp làm rõ tình cảm sâu nặng của người cha đối với con trong tác phẩm Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.
.........................Hết...............................
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm!
 PHÒNG GD&ĐT 
ĐIỆN BIÊN ĐÔNG
 (Đề chính thức)
HƯỚNG DẪN CHẤM 
THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN
Môn: Ngữ văn lớp 9
Năm học: 2010 - 2011
Thời gian: 150 phút (không kể giao đề)
Câu 1 (5 điểm): 
a) Chép chính xác 3 câu thơ còn lại của khổ thơ (0,75 điểm)
 “... Không có mui xe thùng xe có xước,
 Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
 Chỉ cần trong xe có một trái tim.”
b) "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" - Phạm Tiến Duật ( 0,5 điểm)
* Hoàn cảnh sáng tác: HS nêu được năm sáng tác,đặc điểm lịch sử, xã hội của giai đoạn đó (1,25 điểm):
- Bài thơ được sáng tác năm 1969 khi cuộc kháng chiến chống Mĩ của nước ta đang diễn ra ác liệt, giặc Mĩ điên cuồng bắn phá ác liệt dọc tuyến đường Trường Sơn hòng chặn đứng mạch máu giao thông chính vận chuyển vũ khí, lương thực từ miền Bắc vào tiếp viện cho miền Nam.
c, Nghĩa của từ trái tim trong câu thơ cuối ( 0,5 điểm):
 Là hình ảnh hoán dụ có thể hiểu theo nghĩa chuyển :
- Chỉ người lính lái xe.
- Chỉ sự nhiệt tình cứu nước, lòng yêu nước nồng nàn, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc
* Nêu được nội dung chính của bài thơ (2 điểm): 
- Bài thơ của Phạm Tiến Duật đã khắc hoạ một hình ảnh độc đáo: những chiếc xe không kính. Qua đó, tác giả khắc hoạ nổi bật hình ảnh những người lính lái xe ở Trường Sơn trong thời chống Mĩ, với tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan, dũng cảm, bất chấp khó khăn nguy hiểm và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam.
Câu 2 (5 điểm):  
Gợi ý: 
 Lẽ ra cuộc gặp mặt sau tám năm xa cách vẫn ngập tràn niềm vui, hạnh phúc. Nhưng trong câu chuyện, cuộc gặp gỡ ấy lại khiến nhân vật “anh”thấy “đau đớn” vì:
- Anh Sáu đi kháng chiến xa nhà đã tám năm, nay được về nghỉ phép thăm nhà có ba ngày, trước khi đi nhận nhiệm vụ mới. Anh khao khát, mong chờ gặp lại đứa con gái mà anh chưa hề gặp mặt. Song, bé Thu (con gái anh) chỉ biết mặt cha qua tấm ảnh đã không nhận ra anh là cha đẻ của mình, hoảng sợ bỏ chạy vì anh có vết sẹo dài trên má “giần giật ửng đỏ” mỗi khi xúc động, không giống tấm hình mà anh chụp chung với mẹ của bé. (3,25 điểm).
- Anh “đau đớn” vì bất ngờ khi thấy đứa con mà anh hằng mong đợi không chấp nhận anh là cha đẻ của mình. (1,75 điểm).
Câu 3 (10 điểm): 
Gợi ý:
a. Về hình thức:
- Đoạn văn trình bày theo phép lập luận quy nạp: Câu chốt ý nằm ở cuối đoạn, không có câu mở đoạn, thân đoạn làm sáng rõ nội dung chính bằng các mạch ý nhỏ.
- Đảm bảo chỉ số câu quy định (khoảng 20 câu); viết liên tiếp câu không xuống dòng, những đầu đoạn lùi vào một ô, viết hoa.
- Khi viết không sai lỗi chính tả, phải trình bày rõ ràng.
b. Về nội dung:
* Các câu trong đoạn phải hướng vào làm rõ nội dung chính sẽ chốt ý ở cuối đoạn là:
- Tình cảm sâu nặng của người cha đối với con, được thể hiện trong tác phẩm “Chiếc lược ngà”.
* Học sinh lựa chọn nhiều hướng khai thác làm rõ nội dung chính. Các em có thể khai thác mạch ý theo trình tự thời gian trong tác phẩm sau đây để làm rõ tình cảm sâu nặng của người cha đối với con.
- Khi anh Sáu về thăm nhà:
+ Khao khát, nôn nóng muốn gặp con: Khi xuồng cập bến:Anh “ nhảy thót lên”, “bước vội vàng tới chỗ Thu đang chơi ở nhà chòi, kêu to “Thu! Con” (1 điểm)
+ Đau đớn khi thấy con bỏ chạy: “mặt anh sầm lại, trông thật đáng thương và hay tay buông xuống như bị gãy” (1 điểm)
+ Suốt ba ngày ở nhà: “Anh chẳng đi đâu xa, lúc nào cũng vỗ về con” và khao khát “ mong được nghe một tiếng ba của con bé”, nhưng con bé chẳng bao giờ chịu gọi. (1 điểm)
- Khi anh Sáu ở trong rừng tại khu căn cứ (ý này là trọng tâm):
+ Sau khi chia tay với gia đình, anh Sáu luôn day dứt, ân hận về việc anh đã đánh con khi nóng giận. Nhớ lời dặn của con: “ Ba về! ba mua cho con môt cây lược nghe ba!” đã thúc đẩy anh nghĩ tới việc làm một chiếc lược ngà cho con. (1,25 điểm)
+ Anh đã vô cùng vui mừng, sung sướng, hớn hở như một đứa trẻ được quà khi kiếm được một chiếc ngà voi. Rồi anh dành hết tâm trí, công sức vào làm cây lược “ anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc”. “ Trên sống lưng lược có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba” (1,25 điểm)
=> Chiếc lược ngà đã thành một vật quý giá, thiêng liêng với anh Sáu. Nó làm dịu đi nỗi ân hận, chứa đựng bao nhiêu tình cảm yêu mến, nhớ thương, mong đợi của người cha với đứa con xa cách. (1,5 điểm)
 + Khi bị viên đạn của máy bay Mỹ bắn vào ngực, lúc không còn đủ sức chăng chối điều gì, anh đã “đưa tay vào túi, móc cây lược” đưa cho bác Ba, nhìn bác Ba hồi lâu. Và chỉ đến khi bác Ba hứa sẽ trao tận tay bé Thu cây lược ngà thì “Anh mới nhắm mắt đi xuôi” (1,5 điểm)
=> Cây lược ngà trở thành kỷ vật minh chứng cho tình yêu con thắm thiết, sâu nặng của anh Sáu, của người chiến sỹ Cách mạng với đứa con gái bé nhỏ trong hoàn cảnh chiến tranh đầy éo le, đau thương, mất mát. Anh Sáu bị hy sinh, nhưng tình cha con trong anh không bao giờ mất. (1,5 điểm)

Tài liệu đính kèm:

  • docDe Dap an HSG Van 9.doc