Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 môn: Ngữ văn - Năm học 2009 - 2010

Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 môn: Ngữ văn - Năm học 2009 - 2010

Câu 1(2,0 điểm):

 Sau đây là ba lượt lời của nhân vật chị Dậu nói với nhân vật cai lệ trong tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố:

 + Lượt lời thứ nhất: “- Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho!”.

 + Lượt lời thứ hai: “- Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ!”.

 + Lượt lời thứ ba: “- Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!”.

Từ ba lượt lời trên, em hãy cho biết:

 a) Từ ngữ xưng hô đã làm cho vai xã hội của các nhân vật thay đổi như thế nào?

 b) Sự tuân thủ và không tuân thủ phương châm lịch sự của người nói được thể hiện ra sao?

 c) Ý nghĩa của sự thay đổi từ ngữ xưng hô của nhân vật?

Câu 2 (2,0 điểm).

Phân tích vẻ đẹp tiềm ẩn trong đoạn thơ sau:

“ Cứ nghĩ: Hồn thơm đang tái sinh

 Ngôi sao ấy lặn, hoá bình minh

 Cơn mưa vừa tạnh. Ba Đình nắng

 Bác đứng trên kia, vẫy gọi mình”

 (Tố Hữu, Theo chân Bác)

 

doc 5 trang Người đăng honghoa45 Lượt xem 1567Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 môn: Ngữ văn - Năm học 2009 - 2010", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phòng gd-đt quảng trạch
Trường thcs cảnh dương 
 đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9
 Môn: Ngữ văn- Năm học 2009-2010
 Thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
Đề ra:
Câu 1(2,0 điểm):
 Sau đây là ba lượt lời của nhân vật chị Dậu nói với nhân vật cai lệ trong tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố:
 + Lượt lời thứ nhất: “- Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho!”.
 + Lượt lời thứ hai: “- Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ!”.
 + Lượt lời thứ ba: “- Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!”.
Từ ba lượt lời trên, em hãy cho biết: 
 a) Từ ngữ xưng hô đã làm cho vai xã hội của các nhân vật thay đổi như thế nào?
 b) Sự tuân thủ và không tuân thủ phương châm lịch sự của người nói được thể hiện ra sao?
 c) ý nghĩa của sự thay đổi từ ngữ xưng hô của nhân vật?
Câu 2 (2,0 điểm).
Phân tích vẻ đẹp tiềm ẩn trong đoạn thơ sau:
“ Cứ nghĩ: Hồn thơm đang tái sinh
 Ngôi sao ấy lặn, hoá bình minh
 Cơn mưa vừa tạnh. Ba Đình nắng
 Bác đứng trên kia, vẫy gọi mình”
 (Tố Hữu, Theo chân Bác)
Câu 3 (6,0 điểm)
	Hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam được thể hiện sâu sắc qua các tác phẩm văn học trung đại trong chương trình Ngữ văn 9.
 ..Hết.. 
 Người ra đề 
 Nguyễn Thị ái Vân
Phòng gd-đt quảng trạch
Trường thcs cảnh dương 
Hướng dẫn chấm
đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9
 Môn: Ngữ văn- Năm học 2009-2010 
Câu 1 (2,0 điểm)
Nội dung cần đạt được:
a) Từ ngữ xưng hô của nhân vật chị Dậu trong mỗi lượt lời thay đổi đã làm cho vai xã hội của các nhân vật thay đổi:
 - Lượt lời thứ nhất: Xưng hô “cháu”, “ông” => chị Dậu vai dưới, cai lệ vai trên.
 - Lượt lời thứ hai: Xưng hô “tôi”, “ông” => chị Dậu ngang vai với cai lệ.
 - Lượt lời thứ ba: Xưng hô “bà”, “mày” => chị Dậu vai trên, cai lệ vai dưới.
 (Đạt 1,0 điểm)
b) Chỉ ra sự tuân thủ và không tuân thủ phương châm lịch sự trong các lượt lời:
 - Lượt lời thứ nhất: Nhân vật đã tuân thủ phương châm lịch sự, thể hiện ở từ ngữ xưng hô (cháu, ông) và lời lẽ mang tính chất van xin tha thiết phù hợp với thân phận của chị Dậu trong hoàn cảnh giao tiếp cụ thể.
 - Lượt lời thứ hai và lượt lời thứ ba: Nhân vật đã không tuân thủ phương châm lịch sự, thể hiện ở từ ngữ xưng hô (tôi, ông; bà, mày) và lời lẽ mang tính chất đe doạ, thách thức, không phù hợp với thân phận của chị Dậu trong hoàn cảnh giao tiếp cụ thể.
 (Đạt 0,75 điểm) 
c) Sự thay đổi về từ ngữ xưng hô đã thể hiện sự thay đổi thái độ và sự phản ứng quyết liệt của nhân vật, từ đó góp phần khắc hoạ rõ diễn biến tâm trạng và tính cách của chị Dậu. 
 (Đạt 0,25 điểm)
Câu 2 (2,0 điểm)
Yêu cầu và cách cho điểm:
* Xác định các phép tu từ và những dấu câu có ý nghĩa tu từ được nhà thơ Tố Hữu sử dụng trong đoạn thơ:
 + Hoán dụ: hồn thơm
 + ẩn dụ: ngôi sao, bình minh
 + Từ ngữ cùng trường từ vựng chỉ các hiện tượng tự nhiên: ngôi sao, lặn, bình minh, cơn mưa, tạnh, nắng.
 + Dấu câu có ý nghĩa tu từ: dấu hai chấm, dấu chấm. 
 (Đạt 0,5 điểm)
* Phân tích hiệu quả biểu đạt của các phương tiện nghệ thuật trên:
 + Dấu hai chấm trong câu thơ “Cứ nghĩ: Hồn thơm đang tái sinh”: đây là đặc trưng thơ trữ tình điệu nói của nhà thơ Tố Hữu. Câu thơ là sự suy ngẫm của tác giả về sự ra đi của Bác: Bác đang hoá thân vào thiên nhiên, là ánh bình minh rực rỡ; Bác Hồ kính yêu bất tử. 
 (Đạt 0,5 điểm) 
 + Cách chấm câu đột ngột giữa dòng thơ tạo nên một cách ngắt câu đặc biệt: “Cơn mưa vừa tạnh. Ba Đình nắng”. Đó là cách chấm câu có tính chất tu từ , tạo liên hệ vắt dòng giữa các dòng thơ (“Cơn mưa vừa tạnh. Ba Đình nắng” và “Bác đứng trên kia, vẫy gọi mình”) nhằm mục đích biểu hiện một tình cảm ngưỡng vọng thành kính, sâu lắng thiết tha đối với Bác. 
 (Đạt 0,5 điểm) 
 + Nhà thơ Tố Hữu đã vận dụng rất sáng tạo các phép tu từ hoán dụ, ẩn dụ và trường từ vựng chỉ các hiện tượng tự nhiên để thể hiện sự vĩnh hằng, bất tử của Bác: Bác hoá thân vào thiên nhiên, trường tồn cùng thiên nhiên đất nước; giảm nhẹ nỗi đau xót về sự ra đi của Người. Hình ảnh thơ vừa giàu sắc thái biểu cảm vừa thể hiện tấm lòng thành kính thiêng liêng của tác giả đối với Bác. 
 (Đạt 0,5 điểm)
Câu 3 (6,0 điểm)
I. Hướng dẫn chung:
 - Việc vận dụng hướng dẫn chấm phải chủ động, linh hoạt, tránh cứng nhắc, máy móc và phải biết cân nhắc trong từng trường hợp cụ thể để ngoài việc kiểm tra kiến thức cơ bản còn phát hiện những bài làm thể hiện được tố chất của một học sinh giỏi (Kiến thức vững chắc, có năng lực cảm thụ sâu sắc, tinh tế, kĩ năng làm bài tốt, diễn đạt có cảm xúc, có giọng điệu riêng); đặc biệt khuyến khích những bài làm có sự sáng tạo, có phong cách.
 - Giám khảo cần đánh giá bài làm của thí sinh một cách tổng thể ở từng câu và cả bài, không đếm ý cho điểm nhằm đánh giá bài làm của thí sinh trên cả hai phương diện: Kiến thức và kĩ năng.
 - Hướng dẫn chấm chỉ nêu những ý chính và các thang điểm cơ bản, trên cơ sở đó, giám khảo căn cứ vào nội dung bài làm và kĩ năng trình bày của thí sinh để cho điểm tối đa hoặc thấp hơn mức điểm tối đa. 
 - Nếu thí sinh làm bài theo cách riêng nhưng đáp ứng được yêu cầu cơ bản, hợp lý, có sức thuyết phục, giám khảo căn cứ vào thực tế bài làm để đánh giá cho điểm một cách chính xác, khoa học, khách quan.
 - Không thực hiện làm tròn số đối với điểm từng câu và toàn bài; chiết đến 0,25 điểm
II, Hướng dẫn cụ thể
1. Yêu cầu về kĩ năng
 - Biết và làm đúng dạng đề tổng hợp, thể loại chứng minh và bình luận ngắn.
 - Bố cục đầy đủ; kết cấu chặt chẽ, hợp lí; các ý trình bày rõ ràng và triển khai tốt.
 - Diễn đạt trôi chảy, mạch lạc. Mắc ít lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
2. Yêu cầu về kiến thức: Cơ bản đạt được các ý:
a) Giới thiệu sơ lược về các tác phẩm văn học trung đại trong chương trình Ngữ văn 9 (1,0 điểm):
 - Văn học Việt Nam thời trung đại trong chương trình Ngữ văn 9 (từ thế kỉ X đến hết thế kỉ thứ XIX): Đây là thời kì văn học ra đời và phát triển dưới các triều đại phong kiến. Vì vậy, theo quy luật phản ánh của văn học nói chung, văn học Việt Nam là tấm gương phản chiếu xã hội phong kiến Việt Nam.
 - Những tác phẩm trung đại trong chương trình ngữ văn 9: “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ (thế kỉ XVI), “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh”- trích “Vũ trung tuỳ bút” của Phạm Đình Hổ (thế kỉ XVIII), “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái, một số trích đoạn trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du (thế kỉ XVIII), một số trích đoạn trong “Truyện Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu (thế kỉ XIX). Đây là những tác phẩm văn học trung đại ra đời trong thời kì xã hội phong kiến Việt Nam suy tàn mục ruỗng. Cho nên, hiện thực được phản ánh chủ yếu trong các tác phẩm này chính là những mặt trái của xã hội. Đó là sự rối ren, sự xấu xa, vô nhân đạo của xã hội với những thế lực tàn bạo chà đạp con người- nạn nhân của chính xã hội ấy.
b. Chứng minh các tác phẩm trên đã phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam (4,0 điểm - đây là yêu cầu trọng tâm của đề).
HS làm rõ những nội dung chính sau đây:
*Phản ánh hiện thực rối ren, bộ mặt xấu xa, vô nhân đạo của xã hội phong kiến:
 - “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ: phản ánh chế độ nam quyền, chiến tranh phong kiến phi nghĩa gây ra bao nhiêu bất hạnh cho con người.
 - “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh” - trích “Vũ trung tuỳ bút” của Phạm Đình Hổ: phản ánh cuộc sống xa hoa của tầng lớp vua chúa, sự nhũng nhiễu của bọn quan lại thời Lê- Trịnh.
 - “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái: sự rối ren của xã hội phong kiến được phản ánh thông qua số phận bi thảm, bộ mặt hèn nhát của lũ vua quan bán nước, hại dân; sự đại bại của bè lũ xâm lược nhà Thanh.
 - “Mã Giám Sinh mua Kiều” (trích “Truyện Kiều” của Nguyễn Du): phản ánh bản chất bất nhân, phi nghĩa của bọn buôn người.
 - “Lục Vân Tiên gặp nạn” (trích “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu) : phản ánh sự tàn ác, toan tính thấp hèn của kẻ bất nhân.
* Phản ánh số phận khổ đau, bị chà đạp của con người, đặc biệt là người phụ nữ:
 - Là số phận oan trái, bi kịch của Vũ Nương (“Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ): hiếu thảo, thuỷ chung nhưng lại bị chồng nghi ngờ về lòng chung thuỷ, bị dồn vào bước đường cùng, phải tìm đến cái chết ở bến Hoàng Giang.
 - Là số phận chìm nổi của Thuý Kiều, một người con gái tài sắc, đang sống trong cảnh ấm êm, bỗng chốc rơi vào thảm cảnh: bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích với bao bẽ bàng chua xót (Kiều ở lầu Ngưng Bích); trở thành món hàng trong tay bọn buôn người (Mã Giám Sinh mua Kiều).
 - Là Lục Vân Tiên nhân hậu nhưng trở thành nạn nhân của những toan tính thấp hèn, âm mưu hiểm độc (Lục Vân Tiên gặp nạn).
c. Bình luận (1,0 điểm)
 - Hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam được thể hiện trong các tác phẩm nói trên vừa sâu sắc (trên nhiều phương diện), vừa sinh động (dưới nhiều hình thức thể loại, các kiểu dạng nhân vật phong phú). Hiện thực ấy đã giúp các tác giả tái hiện lại bức tranh xã hội phong kiến Việt Nam trong những giai đoạn lịch sử nhất định, đặc biệt làm nên giá trị hiện thực - một trong những phương diện tư tưởng quan trọng của tác phẩm.
 - Thông qua hiện thực ấy, các tác giả đã lên tiếng tố cáo đanh thép xã hội phong kiến, thể hiện sự bất bình cao độ, đặc biệt là cất lên tiếng nói đồng cảm, xót xa, bênh vực và bảo vệ con người - Đó chính là giá trị nhân đạo của các tác phẩm.
 - Thông qua hiện thực ấy, ta hiểu được tài năng và cả tấm lòng của các tác giả văn học thời trung đại.
III. Cách cho điểm:
 - 6 điểm: Đạt được các yêu cầu nêu trên.
 - 5 điểm: Cơ bản đạt được các yêu cầu, nhưng còn mắc một vài sai sót nhỏ.
 - 4 điểm: Cơ bản đạt được các yêu cầu nêu trên, nhất là yêu cầu về nội dung và cách lập luận, thiếu phần bình luận.
 - 3 điểm: Nắm được phương pháp chứng minh nhưng trình bày còn chung chung, ít bám sát văn bản.
 - 2 điểm: Đạt khoảng 1/2 yêu cầu trên về nội dung chứng minh, thiếu phần bình luận.
 - 1 điểm: Nội dung quá sơ sài, diễn đạt kém dẫn đến không thể hiện được nội dung.
 - 0 điểm: Lạc đề, sai phương pháp chứng minh, bình luận; sai quan điểm.
Lưu ý: Những bài viết chữ xấu, sai lỗi chính tả nhiều chỉ đánh giá điểm tối đa cho bài làm đúng các yêu cầu trên ở mức dưới 4 điểm.
 Người làm đáp án Chuyên môn duyệt
 Nguyễn Thị ái Vân
.
Tài liệu tham khảo:
Chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Ngữ văn.
Sách giáo khoa Ngữ văn 9.
Sách thiết kế Ngữ văn 9.
Tuyển tập thơ Tố Hữu.
Tổng hợp các đề thi vào PTTH (Chuyên).

Tài liệu đính kèm:

  • docde thi HS gioi ngu van 9.doc