Giáo án Lớp 9 môn Ngữ văn - Đề tài Ôn luyện về kiểu bài tự sự trong chương trình ngữ văn 9

Giáo án Lớp 9 môn Ngữ văn - Đề tài Ôn luyện về kiểu bài tự sự trong chương trình ngữ văn 9

A- Mục tiêu cần đạt:

 Trên cơ sở hiểu biết những nét cơ bản về văn tự sự, giúp học sinh:

-Biết tóm tắt văn bản tự sự: nắm được mục đích và cách thức tóm tắt

-Hiểu được vai trò của miêu tả nội tâm; mối quan hệ giữa nội tâm với

ngoại hình, ngoại cảnh trong văn bản tự sự.

 -Nắm được khái niệm về lập luận trong văn bản tự sự; các dấu hiệu của lập luận.

 - Cung cấp cho các em phương pháp giúp bài văn tự sự đạt hiệu quả hơn

(biết vận dụng các thao tác hỗ trợ như: kết hợp tự sự với miêu tả, miêu tả nội tâm, nghị luận.)

 

doc 11 trang Người đăng HoangHaoMinh Lượt xem 3888Lượt tải 2 Download
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án Lớp 9 môn Ngữ văn - Đề tài Ôn luyện về kiểu bài tự sự trong chương trình ngữ văn 9", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SƠ QUẾ XUÂN
TỔ NGỮ VĂN 9
CHUYÊN ĐỀ TỰ CHỌN
ĐỀ TÀI: 
ÔN LUYỆN VỀ KIỂU BÀI TỰ SỰ 
TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN 9
BIÊN SOẠN: NHÓM GIÁO VIÊN DẠY TỰ CHỌN NGỮ VĂN 9:
Nguyễn Thị Thu Hương
Vũ Ngọc
Năm học: 2008 - 2009
Tên chủ đề: ÔN LUYỆN VỀ KIỂU BÀI TỰ SỰ
TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN 9
Môn ngữ văn 9 Số tiết: 6
A- Mục tiêu cần đạt:
	Trên cơ sở hiểu biết những nét cơ bản về văn tự sự, giúp học sinh:
-Biết tóm tắt văn bản tự sự: nắm được mục đích và cách thức tóm tắt
-Hiểu được vai trò của miêu tả nội tâm; mối quan hệ giữa nội tâm với 
ngoại hình, ngoại cảnh trong văn bản tự sự.
	-Nắm được khái niệm về lập luận trong văn bản tự sự; các dấu hiệu của lập luận.
	- Cung cấp cho các em phương pháp giúp bài văn tự sự đạt hiệu quả hơn 
(biết vận dụng các thao tác hỗ trợ như: kết hợp tự sự với miêu tả, miêu tả nội tâm, nghị luận...)
	- Hướng dẫn thực hành theo từng nội dung ôn luyện để rèn và nâng cao kỹ năng làm văn tự sự.
B- Các nội dung chính:
	Tiết 1-2: Tóm tắt tác phẩm tự sự
	Tiết 3-4: Kết hợp tự sự với miêu tả nội tâm
	Tiết 5-6: Sử dụng lập luận trong văn bản tự sự
Tiết1-2: TÓM TẮT TÁC PHẨM TỰ SỰ
	*Nội dung này được triển khai trong 2 tiết, bao gồm các phần:
	-Phần 1: Xác định mục đích của việc tóm tắt văn bản tự sự
	-Phần 2: Cách thức tóm tắt văn bản tự sự - Minh hoạ
	-Phần 3: Thực hành tóm tắt văn bản tự sự.
	Phần I: Mục đích của việc tóm tắt văn bản tự sự:
-Giúp người đọc, người nghe nắm được nội dung chính của tác phẩm tự sự.
Phần II: Cách thức tóm tắt văn bản tự sự:
	1- Khái niệm:
	-Tóm tắt văn bản tự sự là dùng lời văn của mình giới thiệu một cách ngắn gọn nội dung chính (bao gồm sự việc tiêu biểu và nhân vật quan trọng) của một tác phẩm nào đó.
	-Bản tóm tắt cần phản ánh trung thành nội dung của tác phẩm được tóm tắt.
	2- Cách thức tóm tắt tác phẩm tự sự:
 2a- Đọc kỹ toàn bộ tác phẩm cần tóm tắt để nắm chắc nội dung của nó.
 2b- Xác định nội dung chính cần tóm tắt: lựa chọn sự việc tiêu biểu và các nhân vật quan trọng.
 2c- Sắp xếp các nội dung chính theo một trình tự hợp lý.
 2d- Viết bản tóm tắt bằng lời văn của mình..
	3-Những điều cần lưu ý:
	a- Khi nói đến tác phẩm tự sự, cần phải để ý đến: Cốt truyện – Nhân vật – Chi tiết - Sự kiện tiêu biểu
	b- Khi tóm tắt tác phẩm tự sự, người ta thường tước bỏ những chi tiết – nhân vật – các yếu tố không quan trọng, chỉ để lại những sự việc và nhân vật chính của tác phẩm; đặc biệt phải đảm bảo các yêu cầu:
	- Bảo đảm tính khách quan, không thêm các chi tiết không có trong tác phẩm, không chen vào bài các ý khen chê của cá nhân người tóm tắt.
	- Bảo đảm tính hoàn chỉnh: bản tóm tắt phải giúp người đọc hình dung được toàn bộ câu chuyện
	- Bảo đảm tính cân đối: số dòng tóm tắt các sự việc chính, các nhân vật chính, các chi tiết tiêu biểu... cần cân đối phù hợp.
	4- Dàn ý chung:
1- Mở đầu
2-Thắt nút
3-Phát triển
4- Mở nút
5- Kết thúc
Giới thiệu nhân vật... hoàn cảnh
Bắt đầu mấu chốt xung đột, mâu thuẩn...
Diễn biến của các sự việc, mâu thuẩn...
Đỉnh điểm của cuộc xung đột, mâu thuẩn...
Kết quả cuối cùng
-Phần này không thể lược bớt sự việc mà chỉ có thể viết gọn lại
-Phần này không thể lược bớt sự việc mà chỉ có thể viết gọn lại
-Phần này có thể lược bớt sự việc
-Phần này không thể lược bớt sự việc mà chỉ có thể viết gọn lại
-Phần này có thể viết gọn lại
	Phần III: Thực hành
	Đề: 
1-Tóm tắt “Lão Hạc” của Nam Cao.
	1- Học sinh dựa theo mẫu mà thực hành theo yêu cầu đã nêu.
	2- Giáo viên kiểm tra, chỉ ra những ưu - khuyết
	3- Nêu mẫu:
	Lão Hạc có môt người con trai, một mảnh vườn và một con chó vàng. Do tục thách cưới quá nặng mà nhà lão lại nghèo, anh con trai không lấy được vợ, phẫn chí, anh bỏ đi làm đồn điền cao su. Lão Hạc ở nhà lo làm thuê để kiếm tìên dành dụm cho con. Sau trận ốm nặng, lão thất nghiệp và lâm vào cảnh đói. Lão bán chó, mang tiền và vườn gửi ông giáo nhờ giữ hộ cho con trai, gửi cả tiền phòng việc ma chay. Lão xin bã chó và bị hiểu lầm. Lão chết đột ngột, đau đớn vật vã. Cả làng không ai hiểu vì sao lão chết, trừ Binh Tư và ông giáo.
	2- Đọc kỹ văn bản “Tôi đi học” của Thanh Tịnh và đoạn trích “Trong lòng mẹ” của Nguyên Hồng, cho biết:
- Có thể tóm tắt các văn bản ấy không?
-Vì sao?
	* Hướng dẫn học sinh thảo luận theo nhóm và cử đại diện trình bày.
	* Gợi ý cho các em: Những truyện ngắn tự sự trữ tình của Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh dường như không có cốt truyện, ít sự việc mà chủ yếu tập trung miêu tả cảm giác và nội tâm nhân vật (điểm hấp dẫn của tác phẩm lại nằm ở những yếu tố ấy) nên rất khó tóm tắt.
	Bài tập về nhà:
	Tóm tắt truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân.
-----------------------------------------------
	* Đọc thêm:
	Tóm tắt truyên “Dế Mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài:
	Truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký” gồm 10 chương, viết về những cuộc phiêu lưu của Dế Mèn qua thế giới những loài vật bé nhỏ. Dế Mèn vốn quen sống độc lập từ thuở bé, khi thành một chàng dế thanh niên cường tráng lại có tính hung hăng, kiêu ngạo, gây ra những chuyện ngỗ nghịch để rồi phải ân hận. Chán cảnh sống quẩn quanh bên bờ ruộng, Dế Mèn đi phiêu lưu để mở rộng tầm mắt và tìm ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Dế Mèn đã gặp Dế Trũi, kết làm anh em sát cánh bên nhau trong các chuyến đi. Đã đi qua nhiều nơi, gặp gỡ nhiều loài, thấy nhiều cảnh sống và cũng nhiều phen gặp gian nan, nguy hiểm, nhưng Dế Mèn không nản chí lùi bước. Cuối cùng, Dế Mèn cùng các bạn hiểu ra rằng: “Ai cũng có lòng tốt, ai cũng muốn làm ăn yên ổn”. Họ nhờ các bạn Kiến truyền đi lời hịch kêu gọi muôn loài kết làm anh em. Lời hịch được các loài nhiệt liệt hưởng ứng.
Tiết 3-4: KẾT HỢP TỰ SỰ VỚI MIÊU TẢ NỘI TÂM
	Nội dung này được triển khai trong 2 tiết gồm:
	Phần I: Tìm hiểu về Miêu tả nội tâm trong văn tự sự
	Phần II: Minh hoạ
	Phần III: Thực hành
	Phần 1: Tìm hiểu về miêu tả nội tâm: 	
Giúp học sinh nhận thức được:
	-Đối tượng của miêu tả nội tâm là những suy nghĩ, tình cảm, diễn biến tâm trạng của nhân vật... những gì không quan sát được cách trực tiếp.Cái khó nhất của miêu tả nội tâm là phải lột tả được cái thần của con người, sự vật Vì thế, người viết phải có tính sáng tạo, phải có năng lực quan sát tinh tế, nhạy cảm, trí tưởng tượng phong phú mới có thể thành công.
	-Giữa miêu tả bên ngoài và miêu tả nội tâm có mối quan hệ với nhau. Nhiều khi từ việc miêu tả bên ngoài mà người viết cho ta thấy được tâm trạng bên trong của nhân vật. Ngược lại, từ việc miêu tả tâm trạng bên trong, người đọc hiểu được hình thức bên ngoài.
	- Miêu tả nội tâm nhân vật có thể được thể hiện qua ngôn ngữ độc thoại và tả cảnh ngụ tình. Ngôn ngữ độc thoại là lời nói thầm bên trong, nhân vật tự nói với chính mình. Tả cảnh ngụ tình là mượn cảnh để gửi gắm tâm trạng. Cảnh là phương tiện miêu tả, còn tâm trạng là mục đích miêu tả.
	* Lưu ý:
	a- Tâm trạng nhân vật có các dạng:
	- Tâm trạng thuần nhất: Có tâm trạng buồn, có tâm trạng vui, tâm trạng đau khổ thất vọng, tâm trạng sảng khoái tràn đầy hy vọng
	- Tâm trạng phức hợp: Có tâm trạng mừng mừng tủi tủi, vừa hy vọng vừa âu lo, vừa tự hào vừa chua xót
	b- Các yếu tố miêu tả nội tâm làm cho ý nghĩa của chuyện thêm thấm thía, sâu sắc. Nhưng phải thấy được rằng nòng cốt của văn tự sự là sự việc và nhân vật chính. Không quá coi trọng yếu tố nội tâm mà quên sự việc của chuyện.
	Phần 2: Minh hoạ: Hướng dẫn học sinh xác định yếu tố nội tâm trong các ví dụ
	a-Miêu tả nội tâm trong văn bản thơ tự sự: 
Đoạn trích “ Kiều ở lầu Ngưng Bích” (Truyện Kiều” - Nguyễn Du)
 Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân
Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ mới phai
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm
Buồn trông cửa biển chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa...
- Miêu tả cảnh vật
- Miêu tả nội tâm
- Miêu tả nội tâm bằng ngôn ngữ độc thoại
(tâm trạng nhớ cha mẹ, nhớ người yêu)
- Miêu tả nội tâm bằng tả cảnh ngụ tình (tâm trạng đau buồn lo âu)...
	b- Miêu tả nội tâm trong truyện bằng văn xuôi:
“ Một vụ cãi lộn” (“Những tấm lòng cao cả”- Ed. Amixi)
 Thật thế, không,tuyệt nhiên không phải do ganh tỵ vì cậu ấy được phần thưởng còn tôi thì chẳng có gì. Thế mà sáng nay tôi lại cãi nhau với Cô rét ti. Thật không phải vì ganh tỵ, nhưng dù thế tôi cũng phải nhận là mình có lỗi.
Thầy giáo xếp cậu ấy ngồi cạnh tôi, tôi đang nắn nót từng chữ trên vở tập viết thì Côretti chạm khuỷu tay vào làm cho cây bút của tôi vẽ ra một cái móc quái gỡ, lại dây mực vào truyện kể hàng tháng mà tôi chép cho cậu bé thợ nề bị ốm. Tôi nổi giận nói một câu bất nhã.Côretti cười trả lời rằng: “Mình không cố ý đâu”. Lẽ ra tôi phải tin cậu ấy vì tôi biết cậu ấy lắm, nhưng cái cười của Côretti làm tôi bực mình và tôi nghĩ: giờ nó được phần thưởng, nó thành ra kiêu căng.
Lát sau, để trả thù, tôi đẩy Côretti một cái đến nỗi hỏng hết trang tập viết của cậu ta. Côretti giận đỏ mặt, nói:
“ Này, cậu cố ý đấy nhé”, vừa nói vừa giơ tay định đánh tôi. Thầy giáo nhìn, cậu ấy bỏ tay xuống nhưng lại nói thêm: “Chốc nữa tao đợi mày ở cổng”
Tôi tự thấy khó chịu, cơn giận của tôi đã lắng xuống và tôi thấy hối hận. Không, Côretti không bao giờ cố ý đẩy mình vì cậu ta rất tốt. Tôi nhớ lại hôm đến nhà cậu, tôi thấy cậu vừa học vừa chăm sóc mẹ ốm; với lại tôi dã tiếp cậu rất chu đáo tại nhà mình và bố cũng thấy cậu rất hợp ý bố...
- Miêu tả nội tâm bằng độc thoại
- Văn tự sự
- Miêu tả nội tâm bằng độc thoại
- Văn tự sự
- Miêu tả nội tâm bằng độc thoại
Phần III- Thực hành:
	Bài tập 1: Xác định yếu tố tự sự, yếu tố miêu tả, yếu tố nội tâm trong đoạn văn sau:
	“ Mẹ tôi lấy vạt áo nâu thấm nước mắt mắt cho tôi rồi xốc nách tôi lên xe. Đến bấy giờ tôi mới kịp nhận ra mẹ tôi không còm cõi quá như cô tôi nhắc lại lời người họ nội của tôi. Gương mặt mẹ tôi vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn, làm nổi bật màu hồng của hai gò má. Hay tại sự sung sướngbỗng được trông nhìn và ôm ấp cái hình hài máu mủ của mình mà mẹ tôi lại tươi đẹp như thuở còn sung túc? Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp vào đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt. Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường.
	Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ êm dịu vô cùng. Từ ngã tư đầu trường học về đến nhà, tôi không còn nhớ mẹ tôi đã hỏi và tôi đã trả lời mẹ tôi những câu gì.”
	 Bài tập 2: Hãy đóng vai nàng Kiều kể lại cho mọi người nghe việc báo ân báo oán. Trong khi kể, cố gắng làm nổi bật tâm trạng của Kiều lúc gặp Hoạn Thư.
	Gợi ý: Vừa trông thấy Hoạn Thư, nỗi căm uất bấy lâu kìm nén trong tôi nay bùng lên. Tôi mỉa mai: “Tiểu thư cũng có ngày phải đến đây sao?” Rồi những lời đay nghiến cứ tự dưng tuôn ra
Tiết 5-6: LẬP LUẬN TRONG VĂN BẢN TỰ SỰ
	Nội dung này triển khai trong 2 tiết gồm các phần:
	Phần 1: Tìm hiểu về lập luận trong văn bản tự sự
	Phần 2: Minh hoạ
	Phần 3: Thực hành
Phần1: Tìm hiểu về lập luận trong văn bản tự sự:
	Hướng dẫn học sinh nắm lại khái niệm và xác định những dấu hiệu của lập luận trong văn bản tự sự để trên cơ sở đó, học sinh dễ dàng nhận ra lập luận trong văn bản, đồng thời biết vận dụng lập luận vào trong sáng tác của mình.
	1- Khái niệm:
- Lập luận là trình bày lý lẽ một cách có hệ thống, có lôgic nhằm chứng minh cho một kết luận về một vấn đề.
	 -Để lập luận chặt chẽ, hợp lý, người ta thường dùng các từ và câu lập luận.
	2- Những dấu hiệu của lập luận trong văn bản tự sự:
	 - Lập luận thực chất là các cuộc đối thoại với người hoặc với chính mình, trong đó người viết thường nêu lên các nhận xét, phán đoán, các lý lẽ nhằm thuyết phục người nghe,người đọc về một vấn đề gì đó.
	 - Trong lập luận, người ta ít dùng câu miêu tả, trần thuật...mà dùng những loại câu khẳng định, phủ định, câu có các mệnh đề hô- ứng như: nếu thì; không những mà còn; càng càng; vì thế cho nên
	 - Trong câu văn nghị luận, người ta thường dùng nhiều từ lập luận như: tại sao, thật vậy, tuy thế, trước hết, sau cùng, nói tóm lại... 
	Phần 2: Minh hoạ bằng phân tích các ví dụ: 
Hướng dẫn học sinh xác định các yếu tố nghị luận, trình tự lập luận, vấn đề chính của lập luận trong các đoạn văn bản
	a- Lập luận của vợ ông giáo trong “Lão Hạc” của Nam Cao:
 Luôn mấy hôm, tôi thấy lão Hạc chỉ ăn khoai. Rồi thì khoai cũng hết. Bắt đầu từ đấy, lão chế tạo được món gì ăn món ấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy hay bữa trai, bữa ốc. Tôi nói chuyện lão với vợ tôi. Thị gạt phắt đi:
- Cho lão chết! (1) Ai bảo lão có tiền mà chịu khổ! (2)Lão làm lão khổ chứ ai làm lão khổ! (3) Nhà mình sung sướng gì mà giúp lão? (4) Chính con mình cũng đói (5)...
LẬP LUẬN DIỄN DỊCH
a- Luận điểm: câu 1
b- Luận cứ:
- Lý lẽ 1: câu 2
- Lý lẽ 2: câu 3
- Lý lẽ 3: câu 4
- Dẫn chứng: câu 5
	b- Lập luận của ông giáo trong “Lão Hạc” của Nam Cao:
 Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ bần tiện, ngu ngốc, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn, không bao giờ ta thương...(1) Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. (2a) Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? (2b) Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. (2c) Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỷ che lấp mất. (2d) Tôi biết vậy nên tôi chỉ buồn thôi chứ không nỡ giận. (6)
LẬP LUẬN QUY NẠP
a- Luận cứ:
-Lý lẽ 1: câu 1
- Lý lẽ 2: câu 2a
+Dẫn chứng: 2b
+ Lý lẽ: 2c
+ Lý lẽ: 2d
b- Luận điểm: câu 6
Phần 3: Thực hành- Luyện tập:
Đề1: Phân tích lập luận của Hoạn Thư trong đoạn trích “ Kiều báo ân báo oán” (TRUYỆN KIỀU - Nguyễn Du)
	a- Học sinh tự thực hành dựa trên kiến thức đã được cung cấp.
	b- Giáo viên gợi ý cho học sinh rút dàn ý về lập luận của nhân vật:
	 *Hoạn Thư tuy “hồn lạc phách xiêu” nhưng vẫn biện minh cho mình bằng một lập luận xuất sắc.
* Trong 8 dòng thơ, nhân vật đã đưa ra 4 lý lẽ sắc bén như sau: 
	1- Tôi là đàn bà nên ghen tuông là chuyện thường.
	2- Tôi đã từng đối xử tốt với cô (cho làm ni cô, không đuổi theo khi cô bỏ trốn) 
	3-Tôi với cô chung một chồng nên khó nhường nhau.
	4- Dù sao tôi cũng từng đắc tội với cô nên bây giờ chỉ còn biết mong vào lòng khoan dung rộng lớn của cô. (nhận tội và đề cao, tâng bốc Kiều)
	 * Kết quả lập luận: Kiều rơi vào thế khó xử, đành tha bổng
	c-Yêu cầu học sinh chuyển đoạn lập luận bằng thơ thành một đoạn văn tự sự.
	 Đề2:
*Viết đoạn văn tự sự kể lại tâm trạng của Thuý Kiều khi gặp Hoạn Thư trên công đường với tư cách là một chánh án.
Gợi ý:
- Suy nghĩ lúc mới nhìn thấy Hoạn Thư bị giải đến trước mặt.
- Lời chào mỉa mai.
-Suy nghĩ lúc Hoạn Thư tự biện hộ.
- Quyết định cuối cùng: tha bổng cho Hoạn Thư (vì lập luận của bà ta quá sắc sảo và khôn ngoan)
- Đoạn văn phải có sử dụng các yếu tố: miêu tả nội tâm và nghị luận.
-----------------------------------------------
Đọc thêm: Văn bản tự sự có yếu tố miêu tả, miêu tả nội tâm và lập luận
HAI MƯƠI NĂM SAU, ĐẢN VỀ THĂM MỘ MẸ
	Tôi vẫn nhớ như in cái ngày tồi tệ đó, cái ngày mà tôi biết được sự thật về cái chết của mẹ tôi, tôi đau đớn vô cùng. Tôi vùng bỏ chạy đi mặc cha tôi đang rơm rớm nước mắt kể lại bi kịch ngày ấy. Tôi cứ khóc và chạy mãi, chạy mãi. Rồi tôi lạc vào rừng. Một người tiều phu già không con đã cưu mang tôi đến tận bây giờ. Suốt bao nhiêu năm tháng, tôi không một lần về thăm cha và nỗi đau đớn uất hận cứ đeo bám lấy tôi. Thoắt cái, khi con thoi miệt mài thêu dệt những chuỗi ngày quạnh quẽ, kể từ ngày mẹ mất, hai mươi năm đã trôi qua. Tôi đã hai mươi ba tuổi, hai mươi ba cái xuân lặng lẽ đã đi qua cuộc đời tôi. Đứng trên thảm cỏ xanh, tôi hướng mắt nhìn về chốn quê nhà. Thấy bao la một vùng rộng khắp, tiếng xao xác của hàng cây, tiếng vi vu của làn gió, tiếng dập dềnh của dòng sông, tất cả như thôi thúc tôi trở về. Phải về thôi, ít ra là về thăm mộ mẹ!
	Vừa bước vào làng, tôi lặng lẽ chìm vào cõi nhớ: mới ngày nào kia, thảm cỏ tươi non mơn mởn, bầu trời rợp mát cánh chim; thế mà giờ đây: cỏ khô cằn, vàng úa, bầu trời u ám, heo hút trong làn gió se lạnh. Tôi bồi hồi tìm ngôi mộ thân quen. Nhiều cặp mắt tò mò nhìn tôi. Tôi muốn chào hỏi vì đó đều là những người làng mà tôi từng biết nhưng sao không thốt được nên lời. Họ nhìn tôi nhưng dường như không nhận ra tôi:
Anh từ đâu đến? Anh tìm ai chăng?
Tôi đau đớn không trả lời mà quay vội đi để giấu hai hàng lệ: họ đã quên tôi
thật rồi!
	Tôi lặng ngắm nhìn mộ mẹ, nhìn như muốn thu giữ lấy cho thoả nỗi mong nhớ bao năm qua. Một nấm mộ đơn sơ nhưng sạch sẽ. Một bình hoa còn tươi mới. Một bát nhang đã đầy. Cỏ xung quanh được giẫy gọn. Tôi biết đó là sự chăm sóc hương khói của cha tôi, nhưng lòng tôi sao vẫn cứ ngập nỗi oán hờn: Tôi ghét cha tôi. Làm sao có thể bù đắp được sự thiếu hụt tình mẹ trong tôi? Làm sao có thể xoá hết tội lỗi của ông ta đối với mẹ? Làm sao mẹ tôi có thể sống lại?... Đột nhiên, một làn gió nhẹ thoáng qua mang theo mùi hương dịu nhẹ trong tiếng lá khô xào xạc mùi hương quen thuộc nhưng xa xămmuì hương trên áo mẹLòng tôi chợt dịu lại, nỗi oán hờn dần lắng xuống. Tôi ngước nhìn bầu trời, một khung trời trong xanh, không nắng chói chang, không vương chút bụi. Cảnh vật quanh tôi như bình yên, như thanh thản.
	Đằng xa, tôi thấy một cụ già tóc bạc, khuôn mặt phảng phất nỗi buồn khổ xót xa, duy đôi mắt nhìn ai cũng chan hoà cởi mở. Cầm trên tay một bó hoa cúc tím, một thẻ nhang thơm, ông từ từ đi về phía tôi. Tôi nhìn như thôi miên vào bộ quần áo nâu bạc đã sờn, nhìn đôi má hóp, nhìn dáng đi nặng trĩu nỗi niềm. Tôi chợt sững người: đó chính là cha tôi. Mới hơn mười năm mà ông đã tiều tuỵ đến như vậy sao? Tôi cứ đứng ngây ra, không ôm chầm lấy cha, không mừng rỡ hỏi han như bao người con lâu ngày gặp cha. Tôi nhìn ông bằng ánh mắt xa lạ. Hình như ông đã nhận ra tôi. Nét mặt rạng rỡ, ông quýnh quáng vội vàng chạy lại, giọng run run: “Đản đấy hả con? Con đã về đấy ư?” Tôi khẽ lách sang một bên, cố lấy giọng lạnh lùng: “Ông còn nhớ tôi à? Thế nhưng tôi lại chẳng nhớ ông đâu. Làm sao tôi có thể nhớ đến người đã bức tử mẹ tôi. Tôi tôi ghét ông.” Ông cúi đầu, nín lặng. Nước mắt giàn giụa, bàn tay già nua run rẩy năm chặt lấy tay tôi:
“Con ơi, cha không trách con đâu.Tất cả là tại cha, tại cái tính đa nghi độc
đoán của cha. Cha ân hận lắm, con ơi!”
Tôi không trả lời. Đột nhiên tôi nhận ra chiếc hoa vàng trên áo ông ta - kỷ vật
của mẹ tôi. Ông vẫn còn giữ ư? Vẫn mang lấy tình yêu mẹ tôi bên mình ư? Tôi lại nhìn vào mắt ông. Ánh mắt già nua như đau đớn, như chờ đợi, như khẩn cầu. Nước mắt chợt tràn ra, không kìm được, tôi ôm chầm lấy ông và gọi lớn: “Cha!”.Tiếng “cha” của bao nhiêu năm nghẹn cứng, tiếng cha của bao nhiêu năm oán hờn. Trái tim tôi như mềm ra, đập liên hồi, trái tim đã lại mở rộng khoan dung. Tôi dìu cha ngồi xuống trước mộ mẹ. Làn gió khi nãy lại thoảng qua, bao trùm lấy cha con tôi ấm áp, thân mật. Dù không ai nói gì, cha và tôi nhìn nhau. Cả hai đều biết: mẹ tôi đã về.
	Cha và tôi ngồi đó, rất lâu. Làn gió kia cũng ở bên thoảng dịu dàng thân thiết. Tôi cảm thấy tâm hồn chợt bình an và thanh thản. Sao phải cứ mãi kiếm tìm, sao phải cứ mãi trách hờn. Chẳng phải là gia đình tôi đang đoàn tụ đó sao?
(Thu Hương – Gv Trường THCS Quế Xuân)
++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Nguồn: Phòng giáo dục Quế Sơn, Quảng Nam, 11/09/2009.
++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
- website đang xây dựng, cập nhật phần mềm, tài liệu cá nhân có trong quá trình làm việc, sử dụng máy tính và hỗ trợ cộng đồng:
+ Quản lý giáo dục, các hoạt động giáo dục;
+ Tin học, công nghệ thông tin;
+ Giáo trình, giáo án; đề thi, kiểm tra;
Và các nội dung khác.
++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++

Tài liệu đính kèm:

  • docV9.Chu-de.Kieu-bai-tu-su.Thu-Huong&Vu-Ngoc.Que-Son.NLS.up.doc