Giáo án Tự chọn Văn 9 - Chủ đề 5: Sáng tạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều

Giáo án Tự chọn Văn 9 - Chủ đề 5: Sáng tạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều

Tên chủ đề:

NHỮNG SÁNG TẠO CỦA NGUYỄN DU

 TRONG TRUYỆN KIỀU

Môn Ngữ văn 9

Loại chủ đề: Nâng cao.

Thời lượng: 6 tiết.

I/ Mục tiêu:

 Sau khi học xong chủ đề, HS có khả năng:

-Nhận biết được giá trị của Truyện Kiều nhất là những sáng tạo của Nguyễn Du trong tác phẩm được xem là kiệt tác này.

-Có kĩ năng vận dụng những hiểu biết đó vào việc phân tích, đánh giá tác phẩm cũng như việc vận dụng trong bài làm văn.

-Có thái độ trân trọng những sáng tạo đó trong tác phẩm và giữ gìn, phát huy vốn quý của nền văn học thời trung đại nói riêng và văn học nước nhà nói chung.

II/ Các tài liệu hỗ trợ:

 -SGK Ngữ văn 9.

 -Truyện Kiều.

 -Lịch sử văn học Việt Nam.

 -Phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều.

III/ Nội dung:

 1.Bài đọc: Các bài viết về Truyện Kiều.

 2.Các hoạt động yêu cầu HS thực hiện:

 Đọc toàn bộ Truyện Kiều của Nguyễn Du.

 Đọc các phần tham khảo, đọc thêm có liên quan đến Truyện Kiều ở SGK.

 Tìm đọc các bài nghiên cứu, phê bình về Truyện Kiều.

 3.Tiến trình tổ chức các hoạt động lên lớp:

 

doc 9 trang Người đăng duyphuonghn Lượt xem 899Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án Tự chọn Văn 9 - Chủ đề 5: Sáng tạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tên chủ đề:
NHỮNG SÁNG TẠO CỦA NGUYỄN DU
 TRONG TRUYỆN KIỀU
Môn Ngữ văn 9
Loại chủ đề: Nâng cao.
Thời lượng: 6 tiết.
I/ Mục tiêu:
	Sau khi học xong chủ đề, HS có khả năng:
-Nhận biết được giá trị của Truyện Kiều nhất là những sáng tạo của Nguyễn Du trong tác phẩm được xem là kiệt tác này.
-Có kĩ năng vận dụng những hiểu biết đó vào việc phân tích, đánh giá tác phẩm cũng như việc vận dụng trong bài làm văn.
-Có thái độ trân trọng những sáng tạo đó trong tác phẩm và giữ gìn, phát huy vốn quý của nền văn học thời trung đại nói riêng và văn học nước nhà nói chung.
II/ Các tài liệu hỗ trợ:
	-SGK Ngữ văn 9.
	-Truyện Kiều.
	-Lịch sử văn học Việt Nam.
	-Phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều.
III/ Nội dung:
 1.Bài đọc: Các bài viết về Truyện Kiều.
 2.Các hoạt động yêu cầu HS thực hiện:
	Đọc toàn bộ Truyện Kiều của Nguyễn Du.
	Đọc các phần tham khảo, đọc thêm có liên quan đến Truyện Kiều ở SGK.
	Tìm đọc các bài nghiên cứu, phê bình về Truyện Kiều.
 3.Tiến trình tổ chức các hoạt động lên lớp:
Tiết 1, 2
A.Phần mở đầu:
GV giới thiệu mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của chủ đề này trong phần văn học trung đại, trong chương trình học kì I của Ngữ văn 9: Chủ đề này cung cấp kiến thức cơ bản cho phần Văn nhưng giúp ích rất nhiều trong việc làm văn nghị luận văn học.
B.Phần tổ chức các hoạt động học tập:
Hoạt động 1: Tổ chức cho HS tìm hiểu về tác giả, tác phẩm.
I.Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
1. Nguyễn Du:
GV: Nêu những hiểu biết của em về tác giả Nguyễn Du?
(HS đã học phần này ở chương trình chính khoá, GV cho HS nhớ lại và trình bày).
HS: (trả lời theo nội dung tiết 26).
GV chốt lại những vấn đề về tên chữ, tên hiệu; thời gian sống, quê quán, gia đình, bản thân; cuộc đời và thời đại Nguyễn Du có ảnh hưởng đến sáng tác Truyện Kiều.
	Nguyễn Du (1765 – 1820	) tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên; quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan ( Bao giờ Ngàn Hống hết cây / Sông Rum hết nước họ này hết quan) và có truyền thống về văn học.
	Cuộc đời Nguyễn Du gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của thời đại. Đó là sự khủng hoảng trầm trọng của chế độ phong kiến, phong trào nông dân nổi lên khắp nơi (đỉnh cao là khởi nghĩa Tây Sơn). Trong hoàn cảnh ấy, Nguyễn Du đã sống phiêu bạt nhiều năm trên đất Bắc rồi về ở ẩn tại quê nội Hà Tĩnh. Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, Nguyễn Du ra làm quan bất đắc dĩ với triều Nguyễn. Năm 1813 – 1814 ông được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc. Năm 1820 dưới triều Minh Mạng, Nguyễn Du lại được lệnh làm chánh sứ sang Trung Quốc lần thứ hai nhưng chưa kịp đi thì bị bệnh, mất tại Huế.
Bản thân Nguyễn Du thông minh, học giỏi, có kiến thức sâu rộng, am hiểu văn hóa dân tộc và văn chương Trung Quốc (An Nam ngũ tuyệt). Cuộc đời từng trải, đi nhiều, tiếp xúc nhiều đã tạo cho Nguyễn Du một vốn sống phong phú và niềm cảm thông sâu sắc với những đau khổ của nhân dân. Nguyễn Du là một thiên tài văn học, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn.
Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du gồm những tác phẩm có giá trị lớn bằng chữ Hán và chữ Nôm. Thơ chữ Hán có ba tập: Thanh Hiên thi tập, Bắc hành tạp lục, Nam trung tạp ngâm (tất cả có 243 bài). Sáng tác chữ Nôm có Văn chiêu hồn (Văn tế thập loại chúng sinh), Thác lời trai phường nón, Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu, xuất sắc nhất là Đoạn trường tân thanh (thường gọi là Truyện Kiều).
2. Truyện Kiều:
GV: Nêu lai lịch Truyện Kiều?
HS: Truyện Kiều có nguồn gốc từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân nhưng phần sáng tạo của Nguyễn Du là rất lớn; với cảm hứng nhân đạo chủ nghĩa xuất phát từ cuộc sống Việt, con người Việt, tác phẩm đã và sẽ mãi mãi là sáng tác văn chương đích thực của thiên tài văn học Nguyễn Du.
GV: Truyện Kiều có bố cục mấy phần, cốt truyện như thế nào? 
GV gọi 1 HS tóm tắt cốt truyện phần I: Gặp gỡ và đính ước.
 Lớp nhận xét, bổ sung - GV hoàn chỉnh phần I một cách chi tiết.
Gọi HS kể tiếp phần II: Gia biến và lưu lạc.
Lớp theo dõi, sửa chữa, bổ sung các chi tiết chưa đủ, chưa đúng.
GV tóm tắt hoàn chỉnh phần trọng tâm này để chuẩn bị cho phần chính của tiết sau
Gọi 1 HS kể tiếp phần còn lại: Đoàn tụ.
Lớp theo dõi, bổ sung và hoàn chỉnh.
GV nhận xét chung về phần I và cả hai tiết học, dặn dò chuẩn bị cho các tiết sau.
Tiết 3, 4
Hoạt động 2: Tìm hiểu những sáng tạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều:
II.Những sáng tạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều:
1. Thể loại:
GV: Kim Vân Kiều truyện viết theo thể loại gì? So sánh với Truyện Kiều?
HS: Truyện Kiều viết theo thể loại truyện nhưng không giống như Kim Vân Kiều truyện viết bằng văn xuôi, Truyện Kiều viết bằng thể thơ lục bát gồm 3254 câu.
Phương thức biểu đạt của Kim Vân Kiều truyện là tự sự, của Truyện Kiều là tự sự kết hợp với trữ tình và nghị luận.
2. Giới thiệu và miêu tả tâm lí nhân vật:
GV:Thanh Tâm tài nhân đã giới thiệu chị em Thuý Kiều theo trình tự như thế nào?
	Nguyễn Du có giới thiệu theo trình tự đó không? Tác dụng của cách đó?
HS: Trong Kim Vân Kiều truyện, Thanh Tâm tài nhân đã giới thiệu nhân vật Thúy Kiều trước, sau đó mới giới thiệu Thúy Vân. “Nói về ở Bắc Kinh, có một viên ngoại họ Vương tên Lưỡng Tùng, tự Tử Trinh, tính tình thuần thục trung hậu, gia kế thường thường, không dồi dào cũng không túng kém. Vợ họ Hà, cũng là người hiền năng, sinh được một con trai, tên Vương Quan, học tập nghiệp nho, và hai gái, chị tên Thúy Kiều, em tên Thúy Vân, tuổi đều đang độ thanh xuân. Cả hai chị em đều thạo thơ phú. Riêng Thúy Kiều vẻ người tha thướt phong lưu, tính chuộng hào hoa, lại thích âm luật, rất thạo ngón hồ cầm. Thúy Vân dáng yêu kiều, hiền dịu ” Nguyễn Du không giới thiệu chị em Thuý Kiều theo trình tự chị trước, em sau như Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân mà dùng phương pháp đòn bẩy: giới thiệu Thuý Vân trước:
	Vân xem trang trọng khác vời,
	Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
	Hoa cười, ngọc thốt, đoan trang
	Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Nàng có vẻ đẹp hoàn hảo khiến mây thua, tuyết nhường nhưng Thuý Kiều còn tài, sắc hơn Thuý Vân. 
	Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn.
	Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
	Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.
	Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
	Cung thương lầu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.
	Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân.
Như vậy, vẻ đẹp của hai chị em đều được tôn lên rõ rệt.
GV: Trong đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều”, tâm trạng Thuý Kiều như thế nào, có giống với hình ảnh Thuý Kiều trong Kim Vân Kiều truyện không?
HS: Trong Kim Vân Kiều truyện, khi Mã Giám Sinh mua Kiều thì Kiều tham gia vào chính cuộc mua bán này và định giá: “Nếu không phải năm trăm lạng là không được”. Còn Kiều của Nguyễn Du, trong hoàn cảnh này đã âm thầm chấp nhận, chịu đựng những ê chề, tủi nhục và không thể nói thành lời khi đang trong tâm trạng: 
“Nỗi mình thêm tức nỗi nhà
 Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng
 Ngại ngùng dín gió e sương 
Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày
...Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai”.
GV: Nhân vật trong Truyện Kiều có tư tưởng chống phong kiến. Đó là những nhân vật nào? Nêu vài dẫn chứng để làm rõ nội dung này.
	HS trả lời, GV hoàn chỉnh lại ý.
*Một chủ nghĩa nhân đạo cao cả, chừng mực nào có tính chiến đấu chống phong kiến là nền tảng vững chải cho tác phẩm vĩ đại này.
a.Thuý Kiều:
	Thuý Kiều là một nhân vật được tác giả ưu ái và gửi gắm những suy nghĩ, ước muốn về con người và cuộc sống. Kiều là nhân vật có tài sắc nhưng đặc trưng nhất cho nàng còn là cái ý thức làm người.
	Lần thứ nhất Kiều ý thức là khi gặp nấm mồ Đạm Tiên, Kiều đã than khóc nức nở: 	“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.
	Khi gặp Kim Trọng, tình yêu của họ nảy nở nhanh chóng, quyết liệt. Trong xã hội phong kiến “Nam nữ thụ thụ bất thân”, vậy mà Thuý Kiều bất chấp cả lễ giáo, “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”, “Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường”. Có thể nói mối tình Thúy Kiều – Kim Trọng là một mối tình có ý nghĩa phản phong. 	Khi ở lầu Ngưng Bích, đối tượng đầu tiên Thúy Kiều nhớ về là Kim Trọng sau đó mới đến cha mẹ. (Điều này còn minh chứng thêm cho tài năng của Nguyễn Du trong việc khắc họa tâm lí, tính cách nhân vật).
Tài sắc Thuý Kiều không được xã hội phong kiến tôn trọng mà thậm chí còn lợi dụng tài sắc ấy để kiếm chác; chỉ có một người thấy được giá trị Thuý Kiều, yêu quí Thuý Kiều, đó là Từ Hải. Sống với Từ Hải, Kiều không chỉ sung sướng mà căn bản Kiều được trả lại nhân phẩm. Nhưng Từ Hải bị coi là giặc, một sự phản bội xấu xa cũng đã giết chết Từ Hải. 
Lần chống phong kiến ít thất bại nhất của Kiều là lúc ở lầu xanh của Tú Bà: Kiều rút dao tự vẫn, Tú Bà đã phải chăm sóc thuốc thang và hứa gã cho nàng một tấm chồng xứng đáng, tử tế. Lần cuối cùng, Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn, đó là cách chống đối bất lực của một con người thất bại.
b.Từ Hải:
	Nguyễn Du sáng tạo lại nhân vật này với nhiều cảm hứng. Tác giả đã tước đi rất nhiều chi tiết không hay, không hợp với Từ Hải vốn có trong tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân để nhân vật được nhất quán trong màu sắc lung linh của một thứ ánh sáng lí tưởng. Chỉ có Từ Hải mới là người đánh giá đúng Thuý Kiều, tìm thấy ở Thuý Kiều một người bạn tri kỉ. 
	 	Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều
	Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng
	Thiếp danh đưa đến lầu hồng
	Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa.
	Từ rằng: “Tâm phúc tương cờ,
	Phải người trăng gió vật vờ hay sao?
	Bấy lâu nghe tiếng má đào,
	Mắt xanh chẳng để ai vào, có không?”
	Từ Hải đã cứu Kiều từ một gái lầu xanh để trở thành một quan toà nhưng cuối cùng, Từ Hải đã mắc mưu Hồ Tôn Hiến để chết đứng giữa trận tiền. Điều này có ý nghĩa tố cáo sâu sắc xã hội phong kiến. Từ Hải là người duy nhất thông cảm với những con người đau khổ thì cuối cùng bị chính cái xã hội ấy phản trắc và giết chết.
	Như vậy điều sáng tạo của Nguyễn Du là ở chỗ tác giả đã miêu tả sâu sắc diễn biến nội tâm nhân vật, xứng đáng là bậc thầy về việc miêu tả tâm lí nhân vật.
3. Tả cảnh:
GV: Tìm những câu thơ miêu tả cảnh các mùa trong Truyện Kiều?
HS trả lời, GV chốt lại ý chính, phân tích mẫu một ví dụ.
So với Kim Vân Kiều truyện thì Truyện Kiều đã bỏ đi những chi tiết kể lể dài dòng, thêm vào nhiều đoạn tả cảnh. Từ cảnh mùa xuân êm đềm:	
“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
Cảnh mùa hè gay gắt:
“Dưới trăng quyên đã gọi hè
 	Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông”. 
Cảnh mùa thu mơ màng: 
“Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”.
Có khi bốn mùa trong một câu thơ:
	“Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân.”
Ta hãy tìm hiểu kĩ hơn một sáng tạo của Nguyễn Du trong bức tranh xuân: 
“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
Có người nói đây không phải là Nguyễn Du sáng tạo nên mà chẳng qua là ông đã dịch câu thơ chữ Hán của người ta: “Phương thảo liên thiên bích/ Lê chi sổ điểm hoa”. Dịch tuyệt vời nhường ấy chẳng đáng quý hay sao? Hơn nữa, Nguyễn Du đâu chỉ dịch mà còn sáng tạo. Cái màu “trắng” của hoa lê kia làm gì có trong câu thơ chữ Hán? Và sắc trắng độc đáo đó cứ ngời ngợi lên trên cái nền xanh của màu trời, sắc cỏ làm cho bức tranh xuân càng thêm lộng lẫy. Điều đáng nói ở đây không chỉ là sắc trắng do họa sĩ Nguyễn Du thêm vào. Với tư cách nhà thơ – nghệ sĩ của ngôn từ - Nguyễn Du đã đặt từ “trắng” vào vị trí nổi bật nhất của câu thơ. Nếu đảo vị trí từ “trắng” thì ý nghĩa thông báo không thay đổi, luật thơ lục bát vẫn ổn định: “Cành lê điểm trắng một vài bông hoa” nhưng bức tranh xuân đã mất đi vẻ hài hòa màu sắc vì cặp từ “XANH” và “TRẮNG” không còn đối chọi với nhau ở hai câu thơ. Như vậy câu thơ của Nguyễn Du đạt đến mức hoàn hảo tối đa!
Tiết 5, 6
4. Ngôn ngữ:
	GV: Nhận xét về tỉ lệ từ thuần Việt so với từ Hán Việt trong Truyện Kiều.
	Tác dụng của việc sử dụng từ ngữ trong tác phẩm.
Truyện Kiều có số từ Hán Việt chiếm tỉ lệ lớn, khoảng 35% trong tổng số từ của tác phẩm; lại có nhiều điển cố cầu kì, khó hiểu nhưng người ta vẫn đánh giá thành công của nghệ thuật Truyện Kiều là ở ngôn ngữ vì Nguyễn Du đã Việt hoá bằng cách dựa vào từ Hán để tạo ra từ mới cho tiếng Việt. Cách tạo từ mới của Nguyễn Du thường là căn cứ vào đặc điểm về âm thanh và ngữ điệu của tiếng Việt. Ông dịch những từ ghép và thành ngữ Hán ra những từ ghép và thành ngữ Việt. Có khi ông dùng song song những từ thuần Việt với những từ Hán Việt có cùng một ý nghĩa.(Mặt trăng: vành trăng, cung trăng, cung quảng, gương nga, bóng nga, chị Hằng ... Nước mắt: lệ, hoa, giọt lệ, giọt châu, giọt ngọc, giọt tương, giọt riêng, dòng châu, dòng thu...) Đó là một biểu hiện về sự phong phú của ngôn ngữ Nguyễn Du, có ý nghĩa quan trọng trong sáng tác nói chung, đặc biệt là sáng tác thơ. Có thể nói, cho đến nay, cách dùng từ Hán Việt của Nguyễn Du vẫn là một bài học sinh động và sáng tạo về cách sử dụng tiếng nước ngoài để làm phong phú cho ngôn ngữ nước mình.
	Bộ phận từ thuần Việt của Nguyễn Du trong Truyện Kiều thường xuất phát từ hai nguồn: một nguồn từ ca dao, tục ngữ, thành ngữ - ngôn ngữ đã được trau chuốt, đúc kết từ ngôn ngữ văn học của quần chúng. Một nguồn lấy trực tiếp từ lời ăn tiếng nói hằng ngày của họ. Ở phương diện này, Nguyễn Du cũng có những tìm tòi, những đóng góp hết sức độc đáo.
Truyện Kiều có hàng mấy chục câu thơ Nguyễn Du trực tiếp rút từ ca dao. Rất có thể câu: 
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường
là rút ra từ những câu ca dao:
	Tiễn đưa một chén rượu nồng
Vầng trăng xẻ nửa tơ lòng đứt đôi
Hay: 
Vầng trăng ai xẻ làm đôi 
Đường trường ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng ...
Câu thơ: 	
Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.
là rút từ câu ca dao: 
Ai làm cho bướm lìa hoa
	 Cho chim xanh nỡ bay qua vườn hồng
	Ai đi muôn dặm non sông
	 Để ai chất chứa sầu đong vơi đầy.
Cộng với một câu thơ Trung Quốc: Nhất nhật bất kiến như tam thu hề.
Trong Truyện Kiều, có biết bao nhiêu những tiếng nói thông thường, những cách nói trên cửa miệng của quần chúng mà vẫn rất thơ, rất nghệ thuật. Trong khuôn khổ của thể thơ lục bát, ông có thể viết những câu:
	Nàng rằng: thôi thế thì thôi,
	Rằng không thì cũng vâng lời rằng không.
Hay:	Nàng rằng: Trời nhẽ có hay,
	Quyến anh rủ yến sự này tại ai?	
	Đem người đẩy xuống giếng thơi
	Nói rồi rồi lại ăn lời được ngay.
	Còn tiên Tích Việt trên tay,
	Rõ ràng mặt ấy mặt này chứ ai...
5. Nhịp, vần và đối :
GV: Nêu cách ngắt nhịp của thể thơ lục bát. So sánh với Truyện Kiều.
	HS: Nhịp trong tác phẩm được ngắt hết sức đa dạng. 
Trong câu lục, có những kiểu ngắt nhịp: 2-2-2; 2-4; 3-3; 4-2; 1-5... và trong câu bát có những kiểu: 2-2-2-2; 3-5; 4-4; 2-6; 5-3; 6-2; 2-2-4; 3-1-4...
Ví dụ nhịp chẵn:
	Trăm năm/ trong cõi/ người ta/
Chữ tài/ chữ mệnh/ khéo là/ ghét nhau.
Nhịp 3/3, 4/4:
	Người quốc sắc/ kẻ thiên tài/
Tình trong như đã/ mặt ngoài còn e.
Nhịp 2/2/2, 3/3/2:
	Một mình/ âm ỹ/ đêm chầy/
	Đĩa dầu vơi/ nước mắt đầy/ năm canh.
Nhịp 3/3, 3/3/2:
	Bắt phong trần/ phải phong trần/
	Cho thanh cao/ mới được phần/ thanh cao.
Nhịp 2/4, 3/1/4:
	Cỏ non/ xanh tận chân trời/
	Cành lê trắng/ điểm/ một vài bông hoa.
Nhịp 2/1/3, 2/1/3/2:
	Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh”,
	Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”.
Nhịp 1/2/3, 2/2/4:
	Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều,
	Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?
Nhịp 2/4, 1/3/1/3:
	Thanh minh trong tiết tháng ba,
	Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
Nhịp 2/2/2, 3/1/3/1:
	Ngổn ngang gò đống kéo lên,
	Thoi vàng vó/ rắc/ tro tiền giấy/ bay.
Không có một truyện dài nào được gieo vần rất chỉnh như Truyện Kiều. Những câu thơ cuối của tác phẩm là một minh chứng cho điều này:
	Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
	Bắt phong trần phải phong trần, 
	Cho thanh cao, mới được phần thanh cao.
	Có đâu thiên vị người nào,
	Chữ Tài, chữ Mệnh, dồi dào cả hai.
	Có Tài, mà cậy chi Tài?
	Chữ Tài liền với chữ Tai một vần.
	Đã mang lấy nghiệp vào thân,
	Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa.
	Thiện căn ở tại lòng ta,
	Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.
	Lời quê chắp nhặt dông dài 
	Mua vui cũng được một vài trống canh.
Nguyễn Du sử dụng vần không phải chỉ để móc nối các câu thơ lại với nhau mà vần của Nguyễn Du thường có âm hưởng, có dư ba; vì vậy mà khi cần thiết nhà thơ nhân vần lên bằng cách sử dụng nhiều từ trùng điệp, từ đồng âm.
Về đối, Nguyễn Du cũng rất linh hoạt, như một nghệ sĩ tài ba. Nhờ biện pháp đối mà các thành phần cũng như các từ ngữ trong câu, trong đoạn, có dịp chọi vào nhau để phát ra hào quang, phát ra ánh sáng.
Có khi là tiểu đối: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”
	“Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”
Có khi là đối trong câu lục bát:
	Trong như tiếng hạc bay qua,
	 Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.
	Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
	 Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
	Câu thơ Truyện Kiều dường như chỗ nào cũng óng ánh. Nó vừa thoả mãn được tình cảm, vừa thoả mãn được trí tuệ, lại vừa thoả mãn được mỹ cảm của người đọc. Công đóng góp của Nguyễn Du về phương diện ngôn ngữ là có một không hai trong lịch sử.
Hoạt động 3. Hướng dẫn HS tổng kết, rút kinh nghiệm và đánh giá:
1.Tổng kết chủ đề (15 phút):
GV: Chủ đề này nêu lên những vấn đề gì?
HS trả lời dựa vào phần bài đã ghi. GV chốt lại những nội dung cơ bản.
2.Rút kinh nghiệm (10 phút):
GV nêu câu hỏi để HS liên hệ với kiến thức đã học trong chương trình chính khoá, rút kinh nghiệm trong việc tìm hiểu, đánh giá, phân tích tác phẩm Truyện Kiều.
3.Kiểm tra, đánh giá (20 phút):
	Làm bài kiểm tra ngắn để đánh giá kết quả học tập chủ đề này.
Đề ra: 
 Nêu và phân tích ngắn gọn những sáng tạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.
*Dặn dò:
	Học thuộc lòng các đoạn trích trong SGK về tác phẩm Truyện Kiều.
	Đọc thuộc những đoạn thơ hay trong Truyện Kiều.
	Tìm đọc các bài nghiên cứu, phê bình về tác phẩm này.

Tài liệu đính kèm:

  • docgiao_an_tu_chon_van_9_chu_de_5_sang_tao_cua_nguyen_du_trong.doc