Trong tập thơ Bắc Hành Tạp Lục của bộ Thơ Hán Nguyễn Du, có hai nhân vật nổi tiếng trong lịch
sử văn chương Trung Quốc được Nguyễn Du nhắc nhở đến. Đó là Khuất Nguyên và Đỗ Phủ. Bài
viết tản mạn này chỉ nhắc đến Khuất Nguyên.
Nguyễn Du phải rất có cảm tình với Khuất Nguyên và có thể đã tìm thấy ở Khuất Nguyên những
điểm tương đồng với chính mình khi ông đã dành sáu bài thơ nhắc đến Khuất Nguyên.
Phần đầu bài viết gồm sáu bài thơ Nguyễn Du viết về Khuất Nguyên, phần thứ hai có vài hàng
nói về nhân vật Khuất Nguyên trong lịch sử và văn chương Trung Quốc và sau cùng là ít hàng
thử tìm hiểu tại sao Nguyễn Du lại chú ý đến Khuất Nguyên.
Khuất Nguyên và Nguyễn Du Sóng Việt - Đàm Giang Trong tập thơ Bắc Hành Tạp Lục của bộ Thơ Hán Nguyễn Du, có hai nhân vật nổi tiếng trong lịch sử văn chương Trung Quốc được Nguyễn Du nhắc nhở đến. Đó là Khuất Nguyên và Đỗ Phủ. Bài viết tản mạn này chỉ nhắc đến Khuất Nguyên. Nguyễn Du phải rất có cảm tình với Khuất Nguyên và có thể đã tìm thấy ở Khuất Nguyên những điểm tương đồng với chính mình khi ông đã dành sáu bài thơ nhắc đến Khuất Nguyên. Phần đầu bài viết gồm sáu bài thơ Nguyễn Du viết về Khuất Nguyên, phần thứ hai có vài hàng nói về nhân vật Khuất Nguyên trong lịch sử và văn chương Trung Quốc và sau cùng là ít hàng thử tìm hiểu tại sao Nguyễn Du lại chú ý đến Khuất Nguyên. I 1- Bài thứ hai trong tập Bắc Hành nhắc đến Khuất Nguyên là bài Tương Đàm Điếu Tam lư Đại Phu (171/249) Nhị thủ I Hiếu tu nhân khứ nhị thiên tải (1), Thử địa do văn lan chỉ hương (2). Tống quốc tam niên bi phóng trục, Sở từ vạn cổ thiện văn chương (3). Ngư long giang thượng vô tàn cốt, Đỗ Nhược châu biên hữu chúng phương (4). Cực mục thương tâm hà xứ thị, Thu phong lạc mộc quá Nguyên Tương (5). Qua Tương Đàm Viếng Tam Lư Đại Phu I Người hiếu tu sống cách hai nghìn năm Ngày nay đất còn thơm mùi hoa chỉ, hoa lan Xa quê ba năm buồn phiền vì bị tống xuất Nghìn đời sau thơ của ông vẫn hay nhất Rồng cá đầy sông cốt tìm chẳng thấy Bên bờ Đỗ nhược có giống cỏ thơm Nhướng mắt đau lòng không biết là đâu Gió thu lá rụng khi qua vùng Nguyên,Tương. Đàm Giang dịch diễn nghĩa Tương Đàm (Trường sa): tên một huyện tỉnh Hồ nam Tam lư đại phu: là chức tước của Khuất nguyên người nước Sở đời Chiến quốc. Khuất nguyên là người tài giỏi lúc đầu được vua Sở tin dùng và thực thi chủ trương chính trị do ông đề xướng, nhưng sau vì lới gièm pha của nịnh thần ông bị đầy đi Giang-nam. Ngày mồng 5 tháng 5 ông trầm mình ở sông Mịch-la. 1- Hiếu tu nhân: người thích sửa sang đức tính tốt. 2- Thơ Khuất Nguyên có câu: "Bờ sông Nguyên có hoa chỉ, bờ sông Lễ có hoa lan". Ý muốn nói đến sự cao khiết. 3- Sở từ: thi ca người nước Sở, chỉ tác phẩm Ly tao của Khuất Nguyên. 4- Ly tao có câu:"Hái hoa Đỗ nhược ở bãi thơm". Đỗ nhược là một loài cây giống sen, hoa màu trắng có 6 cánh. 5- Nguyên, Tương: Hai con sông thuộc tỉnh Hồ nam. 2- Tương Đàm Điếu Tam lư Đại Phu II (172/249) Sở quốc oan hồn táng thử trung (1) Yên ba nhất vọng điểu hà cùng. Trực giao hiến lệnh hành thiên hạ (2), Hà hữu Ly Tao kế Quốc phong (3)? Thiên cổ thùy nhân liên độc tỉnh (4) Tứ phương hà xứ thác cô trung? Cận thời mỗi hiếu vi kỳ phục (5), Sở bội tiêu lan cánh bất đồng (6). Qua Tương Đàm viếng Tam-Lư Đại Phu II Người nước Sở oan hồn chôn nơi đây, Khói sóng mênh mông cứ nhìn hoài không cùng. Hiến lệnh đó nếu đã được ban ra khắp mọi nơi, Thì làm gì có Ly tao kế với Quốc phong? Ngàn năm trước ai hiểu người tỉnh một mình, Bốn phương lòng trung biết gửi nơi nào? Thời này quần áo mặc sao là lạ, Hoa tiêu lan nay cũng chẳng giống của ông. Đàm Giang dịch diễn nghĩa Chú thích 1- Sở quốc an hồn: chỉ Khuất Nguyên 2- Hiến lệnh: Khuất Nguyên làm pháp lệnh giúp Sở Hoài vương. 3- Quốc phong: đây chỉ Kinh thị 4- Thiên Ngư phủ có câu: "Mọi ngừi say chỉ có một mình ta tỉnh". 5- Khuất Nguyên có nói: "Lúc trẻ ta ham đồ phục sức lạ, gươm dài mũ cao", ý nói mình trung trực khác người. 6- Tiêu lan: các thứ hoa Khuất Nguyên thường đeo, để tỏ lòng cao khiết của mình. Theo dẫn giải cũ thì hai câu này ám chỉ thời sự, tức là chuyện quan trường nhà Nguyễn. 3- Phản Chiêu Hồi (173/249) Nguyễn Du cảm phục và coi Khuất Nguyên như một người tài hoa nhưng gặp toàn bất ha.nh. Khuất Nguyên lúc sinh thời thường đeo bên mình một giỏ hoa lan, hoa chi, làm bạn đồng hành, một loại cỏ thơm cũng thanh cao như tấm lòng Khuất Nguyên. Nghĩ đến Khuất Nguyên với một cái nhìn khác lạ với dân gian hay với Tống Ngọc. Trong khi Tống Ngọc cho rằng hồn phách Khuất Nguyên sắp tiêu tan nên gọi hồn Khuất Nguyên về để có nơi nương tựa, thi Nguyễn Du cho rằng khắp mặt đất đâu đâu cũng là Mịch la, ai ai cũng là Thượng quan thì làm gì có chỗ trong sáng đủ để cái tâm thanh khiết của Khuất Nguyên có chỗ nương tựa. Phản đối việc gọi hồn, Nguyễn Du lại muốn hồn Khuất Nguyên mau mau về cõi hư vô. Phản Chiêu Hồi (173/249) Hồn hề ! Hồn hề ! hồ bất qui ? Đông tây nam bắc vô sở ỵ Thướng thiên há địa giai bất khả, 2 Yên, Dĩnh thành trung lai hà vi ? (1) Thành quách do thị, nhân dân phi, Trần ai cổn cổn ô nhân ỵ Xuất giả khu xa, nhập cử tọa, Tọa đàm lập nghị giao Cao, Quì (2). Bất lộ trảo nha dữ giác độc, Giảo tước nhân nhục cam như di ! Quân bất kiến Hồ-nam sổ bách châu, Chỉ hữu sấu tích, vô sung phì. Hồn hế ! Hồn hế ! suất thử đạọ Tam Hoàng chi hậu phi kỳ thì (3). Tảo liễm tinh thần phản thái cực (4), Thận vật tái phản linh nhân xi, Hậu thế nhân gian giai Thuơ.ng-quan (5) Đại địa xứ xứ giai Mịch la (6), Ngư long bất thực, sài hổ thực, Hồn hề ! Hồn hề ! nại hồn hà ? Chống Bài Chiêu Hồn Hồn ơi! Hồn ơi! sao chẳng về? Đông tây nam bắc không tựa kề Lên trời xuống đất đều không ổn Đất Yên đất Dĩnh về làm chi ? Thành quách xưa nhưng lòng dân đổi Nhuốm bụi nhiều quần áo bẩn dơ Đi ra xe ngựa, nhà vênh váo Ngồi bàn tán chuyện ông Quì, Cao Không hề để lộ nanh độc ác . Nhưng cắn xé người ngọt biết bao! Có thấy chăng cả trăm vùng Hồ Toàn người gầy ốm, béo có đâu Hồn ơi! Hồn hỡi! theo đường đó, Thì sau Tam Hoàng đà lỗi thờị Sao bằng tìm về cõi hư vô Về đây chi để người mai mỉa Đời sau ai ai cũng Thượng quan Mặt đất đó đây đều sông Mịch Cá rồng không ăn, beo cũng nuốt Hồn ơi! Hồn ơi! biết làm sao? Đàm Giang phỏng dịch Chú thích. Chiêu hồn: một bài từ của Tống Ngọc, người cùng thời với Khuất-Nguyên. Trong bài có nói Tống Ngọc thương Khuất nguyên hồn phách sắp tiêu tan nên làm bài từ để gọi hồn cho sống lâu hơn. Nguyễn Du phản lại ý đó, ý muốn nói hồn khong nên trở lại cõi trần gian có đầy những kẻ gian ác thâm hiểm. 1- Yên, Dĩnh (hay Sinh): yên thuộc đất Sở, Dĩnh là kinh đô nước Sở, cả hai đầu thuộc tỉnh Hồ- bắc. 2- Cao, Quì: hai vị quan giỏi đời Ngu Thuấn. 3- Tam Hoàng: có thể theo thuyết đây là ba vị vua cổ nhất của Trung quốc, đó là Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Đế. 3 4- Thái cực: cõi hư vô 5- Thượng quan: tức Thượng quan Ngân Thượng là kẻ gièm pha để Sở Hoài vương ruồng bỏ Khuất Nguyên. 6- Mịch la: con sông thuộc huyện Hồ nam, nơi Khuất Nguyên gieo mình xuống tự tử. 4- Biện Giả (174/249) Trong bài thơ này Nguyễn Du bày tỏ kiến bênh vực Khuất Nguyên đối với bài phú Viếng Khuất Nguyên của Giả Nghị. Giả Nghị, một vị quan đời Hán, vì bị quan thần bài xích nên bị đổi đi làm thái phó ở Trường sa. Khi đi qua sông Tương, Giả Nghị làm bài phú Viếng Khuất Nguyên, ngụ ý than thở cảnh ngộ mình, đồng thời có ý thắc mắc sao Khuất Nguyên không đi tìm vua khác mà thờ, mà phải ôm lấy cố đô làm chi ? Biện Giả Bất thiệp Hồ-nam đạo, An tri Tương thủy thâm? Bất độc Hoài sa phú (1) An thức Khuất Nguyên tâm? Khuất Nguyên tâm, Tương giang thủy, Thiên thu vạn thu thanh kiến để. Cổ kim an đắc đồng tâm nhân, Giả sinh nhất phú đồ vi nhĩ. Liệt nữ tòng lai bất nhị phu, Hà đắc thê thê "tướng cửu châu" (2). Vị tất cổ nhân tri hữu ngã, Nhãn trung Tương-thủy, không du du! Bác Giả-Nghị Không qua đường Hồ Nam Sao biết sông Tương sâu ? Không đọc "Hoài sa phú " Sao biết lòng Khuất Nguyên? Lòng Khuất Nguyên, nước sông Tương, Ngàn vạn thu lòng vẫn trong suốt. Cổ kim khó gặp bạn đồng tâm, Giả sinh bài phú nghĩa gì đâu Liệt nữ xưa nay không hai chồng Sao đi chín châu tìm vua khác? Người xưa nào có biết ta đâu Mắt nhìn Tương-thủy lặng lờ trôi. Đàm Giang dịch diễn nghĩa Chú thích Giả: là Giả nghị (201-169 trước C.N.) một vị quan đời Hán, vì bị quan thần bài xích nên bị đổi đi làm thái phó ở Trường sa. Khi đi qua sông Tương làm bài phú Viếng Khuất Nguyên, ngụ ý than thở cảnh ngộ mình. 1- Hoài sa phú: là một trong chín bài đề "Cửu chương" của Khuất Nguyên, tỏ ý Khuất Nguyên không muồn nhìn cảnh quốc gia bị mất nên quyết định tự tử ở sông Tương. 2- Trong bài phú Viếng Khuất Nguyên của Giả Nghị có câu có nghĩa đi tìm vua khác mà thờ, sao phải ôm lấy cố đô làm chi. Nguyễn Du bác bỏ ý này của Giả Nghị. 4 5 - Trường sa Giả Thái Phó (175/249) Trong bài số 175 này có nhắc đến Tương Đàm, tên một huyện ở Hồ nam, gần nơi Giả Nghị ở. Nơi này có sông Tương, phía thượng của sông gọi là Mịch La nơi Khuất Nguyên tự tử. Câu này có ý nói Giả Nghị có cùng một tâm sự như Khuất Nguyên, muốn cứu nước mà không được tin dùng; khi qua sông Tương, Giả Nghị làm bài phú điếu Khuất Nguyên để nói tâm sự mình. Trường sa Giả Thái Phó Giáng Quán võ nhân hà sở tri (1), Hiếu văn đạm bạc đạn canh vi (2). Lập đàn bất triển bình sinh học (3), Sự chức hà phương chí tử bi (4). Thiên giáng kỳ tài vô dụng xứ, Nhật tà dị vật hữu lai thì (5). Tươngđdàm chỉ xích tương lân cận (6), Thiên cổ tương phùng lưỡng bất vị Giả Thái Phò đất Trường Sa Giáng, Quán quan võ không hiểu nhiều, Vua Hiếu đạm bạc ngại đổi thaỵ Bàn sơ khó thấu tài uyên bác, Trọn nghĩa chức vụ, chết vì buồn Trời cho tài mà không đất dụng, Một chiều chim lạ báo điềm xuị Tương Đàm gần gũi trong gang tấc, Ngàn năm gặp gỡ chung tấm lòng. Đàm Giang dịch diễn nghĩa Chú thích. Giả thái phó: tức Giả Nghị lúc còn gần vua Hán, có xin cải đổi chính sự nhưng bị hai quan võ Giáng Quân và Quán Anh can gián vua, nên Giả Nghị mất trọng dụng và phải ra làm thái phó ở Trường sa 1- Giáng Quán: Giáng Hầu và Quán Anh. 2- Hiếu văn: tức Hán Văn đế (179- 159 trước công nguyên) 3- Lập đàn: đứng mà bàn việc 4- Sự chức: làm hết chức vụ Trong lúc Giả Nghị làm thái phó cho Lương Hoài vương, Hoài vương ngã ngựa chết, Giả Nghị buồn phiền nên sang năm sau thì chết lúc 33 tuổị 5- Dị vật: chỉ chim phục (một loại chim cú), khi chim cú bay vào nhà và đậu ngay chỗ ngồi của Giả Nghị thì ông cho là điềm gở, nhân đó làm bài Phục điểu phú để tự an ủị 6- Tương đàm: tên huyện ở Hồ nam, gần nơi Giả Nghị ở. Nơi này có sông Tương, phía thượng của sông gọi là Mịch La nơi Khuất Nguyên tự tử. Câu này có ý nói Giả Nghị có cùng một tâm sự như Khuất Nguyên, muốn cứu nước mà không được tin dùng; khi qua sông Tương, Giả Nghị làm bài phú điếu Khuất Nguyên để nói tâm sự mình. 6 - Ngũ nguyệt quan cạnh độ (144/249) Bài thơ này Nguyễn Du làm khi có dịp xem đua trải trên sông Tương Đàm vào ngày giỗ Khuất Nguyên (ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch). Hội đua thuyền này tượng trưng cho việc tìm thi thể nhà thơ , mà theo Nguyễn Du thì không thích hợp. Hai câu chót trong bài thơ đã được nhiều người cho rằng có ý ký thác tâm sự của chính Nguyễn Du. 5 Bài thơ dù được viết trước theo thứ tự thời gian của những bài thơ trong tập Bắc Hành, nhưng thích hợp cho kết luận về nhân vật Khuất Nguyên. Ngũ nguyệt quan cạnh độ Hoài vương qui táng Trương Nghi tử (1,2), Sở quốc từ nhân ký bội lan (3). Thiên cổ chiêu hô chung bất phản (4), Mãn giang tranh cạnh thái vô đoan (5). Yên ba diểu diểu không bi oán, La cổ niên niên tự tiếu hoan.. Hồn ngược qui lai dã vô thác, Long xà quỉ vực biến nhân gian (6). Tháng năm xem đua chải Sở vương cốt đã rước, Trương đã chết, Một văn nhân nước Sở với chùm lan Ngàn năm gọi hồn, hồn vẫn ẩn, Đầy sông thuyền chải, nghĩa gì đâu Mịt mờ khói sóng thương xót hão, Chiêng trống hàng năm vẫn bày trò Hồn kia có về nương đâu nhỉ ? Rắn rồng quỉ quái đầy thế gian. Đàm Giang dịch diễn nghĩa Chú thích. 1,2- Sở Hoài vương không nghe lời Khuất Nguyên can, sang hội nước Tần, bị giữ lại rồi chết ở đó. Sau hài cốt được mang về táng ở nước Sở. 3- Trương nghi: mưu sĩ nước Tần, bạn của Tô Tần, chủ trương thuyết liên hành, đi thuyết sáu nước xu phụ Tần theo kế liên hoành, chống lại kế hợp tung. 4- Khuất Nguyên: tự là Bình, là người hoàng tộc trong nước Sở. Ông đa tài, vừa có khả năng về chính trị, văn học, vừa biết ứng đối với các chư hầu. Trong văn chương, ông có hai tác phẩm nổi tiếng là Ly Tao và Cửu Chương. Trong Ly Tao có câu: "Xâu chùm hoa lan để đeo". 5- Tống Ngọc có làm bài thơ Chiêu hồn để tỏ lòng thương nhớ Khuất Nguyên. 6- Hai câu chót ký thác tâm sự của nhà thơ. II Khuất Nguyên Khuất Nguyên tự Bình là người hoàng tộc nước Sở (Chu) sinh vào khoảng 340-278 trước C.N., làm quan chức Tam Lư Đại Phu cho Sở Hoài Vương. Ông đa tài vừa có khả năng về chính trị và văn học. Thoạt đầu được vua rất thương yêu, sau bị Thượng quan đại phu ghen tài, vu khống ông, nói xấu nhiều điều. Vua nghe lời gièm pha, đày ông ra Giang Nam, phía nam sông Dương Tử. Trong thời gian lưu đày, ông sáng tác được nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó phải kể Li Tao và Cửu Chương. Năm 278 trước C.N., Khuất Nguyên rất đau buồn vì cảnh quốc phá gia vong, lại nghe Sở Hoài vương sang hội nước Tần (Qin), bị giữ lại rồi chết ở đó, sau hài cốt được mang về táng ở nước 6 Sở, ông tự trầm ở sông Mịch La vào ngày 5 tháng 5. Đời sau vào ngày này gọi là tết Đoan Ngọ, dân Trung Quốc có tục bơi thuyền ném cơm xuống sông để điếu ông. Li Tao (Li Sao) Li Tao làmột bài phú trữ tình nổi tiếng, đã được một nhà phê bình văn học đời Minh xếp vào hạng thứ hai trong sáu đại tác phẩm của Trung Quốc. Li Tao là tiếng vọng bi đát của một nhà cô thần, một bài phú tả cuộc đời lý tưởng của tác giả. Một vài câu nổi tiếng như sau: Ai dân sinh chi đa nạn hề (Sót thương cho dân gặp nạn) Trường thái tức dĩ yểm thế (Lớn tiếng thở than che nước mắt) ... Quốc vô nhân mạc vô tri hề (Nước không người biết đến ta) Hựu hòa hoài hồ cố đô (Hà tất nhớ đến kinh đô xưa) Ký mạc túc dữ vi mỹ chính hề (Đã không cùng được làm cho chính trị tốt đẹp) Ngô tương tùng Bành Hàm chi sở cư (Thì sá gì không đi theo Bành Hàm). Bành Hàm là một viên quan đại phu triều đại nhà Ân. Vì không ngăn cản nổi nhà vua nên tự trầm. Cửu Chương (Jiu Zhang) Khuất Nguyên soạn Cửu Chương trong thời gian bị lưu đầy. Tác phẩm gồm chín thiên. Chín thiên (Cửu chương) gồm: (1) Tịch tụng: than tiếc, (2) Thiệp giang: qua sông, (3) Ai Hĩnh: kinh đô của nước Sở, (4) Trừu tư: giải nỗi niềm, (5) Hoài sa: ôm cát, (6) Tư mỹ nhân: nhớ người đẹp, (7) Tích vãng nhật: tiếc ngày qua, (8) Quất tụng: ca ngợi cây quất, (9) Bi hồi phong: thương gió lô.ng. Một trong những thiên nổi tiếng là Hoài sa (Ôm cát). Chương này tác giả than thở vì tiểu nhân đắc chí, người đời không ai biết đến ông nên ông đành thác để giữ tiết nghĩa. Hoài sa Thế hỗn trọc mạc ngô tri Nhân tâm bất khả vị hề Tri tử bất khả nhượng Nguyện vận ái hề Minh cáo quân tử Ngô tương dĩ vi loại hề Ôm cát Đời vẫn đục không ai biết ta Chẳng thể ngỏ cùng ai hề Biết chết không thể nhường Nguyện, chẳng thương tiếc hề Nói rõ cùng người quân tử Hãy lấy ta làm gương hề (bản dịch của Trần Trọng San) III Khuất Nguyên là một nhà ái quốc, và là một nhà thơ nổi tiếng, rất quan tâm đến xứ sở và dân tình. Ông rất được dân Trung Quốc yêu quý trọng vọng. Nguyễn Du trong hai giai đoạn trong thời kỳ đi sứ Trung Quốc đã làm thơ về ông. Lần đầu vào dịp tết Đoan ngọ, mùng năm tháng năm, và sau đó khi ông đi sứ qua vùng Khuất Nguyên tự trầm. 7 Nguyễn Du cũng là một nhà thơ có lòng yêu quý dân tình, nặng lòng yêu nước, cũng ở trong cảnh huống đau lòng, muốn giúp nước mà không toại ý. Sư tương đồng cảm với Khuất Nguyên là một chuyện không có gì khó hiểu. Nguyễn Du dù thể chất có yếu đuối, tóc bạc già trước tuổi, đau ốm thường xuyên, nhưng có một đầu óc rất minh mẫn, thông suốt kinh sử, lịch sử quê nhà cũng như Trung Quốc. Và ông đã tận dụng chuyến đi sứ xa để thăm viếng những di tích lịch sử Trung Quốc, viết về những cảm nghĩ của ông với những nhân vật trong lịch sử Trung Quốc rất chân thật, rất tình người. Phải bắt buộc đi sứ không có gì vui thú nhưng Nguyễn Du đã cho thấy ông đã trám vào những đau khổ nhớ nhà riêng tư để nói lên nỗi niềm riêng tư của mình, chia xẻ những cái vui buồn cùng người xưa, viết về họ, nói về họ như người đương thời cùng ông. Cái vui, cái sầu thảm, cái phẫn nộ của ông rất gần gũi, rất chân thành. Một chút duyên thơ văn đã làm tôi chú ý đến thơ Hán Nguyễn Du của ông, cảm tình với thơ ông, thán phục thơ ông, rồi tìm cách quảng bá thơ ông. Đọc thơ Hán của ông, dù hiểu biết hạn chế, tôi nghĩ tôi cũng đã cảm được thơ ông, vui buồn xót xa cùng ông, và không khỏi thở dài thương tiếc cho một nhân tài chẳng gặp thời. Để kỷ niệm 240 năm sinh nhật của ông (1765-1820) những bài viết bàn về Thơ Hán Nguyễn Du của cá nhân tôi là một đóng góp nhỏ bé như một hạt cát trong đại dương gửi đến những người ngưỡng mộ những tác phẩm của Đại thi hào Nguyễn Du. Có được người chú ý đọc đến và tò mò muốn tìm hiểu thêm thơ Hán Nguyễn Du cũng đủ để làm tôi cảm thấy hãnh diện và thanh thản. Sóng Việt - Đàm Giang 22 March, 2005 Trang nhà Thơ Hán Nguyễn Du của Sóng Việt- Đàm Giang Thanh Hiên Thi Tập: Bắc Hành Tạp Lục: Những Khuôn Mặt Đàn Bà trong Thơ Hán Nguyễn Du: Khuất Nguyên và Nguyễn Du: 8
Tài liệu đính kèm: