Luận văn Ngôn ngữ thơ tình Nguyễn Bính

Luận văn Ngôn ngữ thơ tình Nguyễn Bính

1. Lý do chọn đề tài

1.1. Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ nổi tiếng những thập niên 30 - 60 của thế kỷ trước trong văn học hiện đại Việt Nam. Ông có một phong cách thơ được nhiều thế hệ đương thời mến mộ, đặc biệt có nhiều bài tuy sáng tác trong phong trào Thơ Mới nhưng đậm chất trữ tình dân gian cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện. Di sản thơ Nguyễn Bính nói chung, thơ tình Nguyễn Bính nói riêng đã được nhiều người quan tâm nghiên cứu về mặt nội dung và nghệ thuật. Tuy vậy, cho đến nay phương diện ngôn ngữ trong thơ tình của ông vẫn chưa nhận được sự quan tâm thích đáng. Ngôn ngữ có vai trò “là phương tiện thứ nhất của văn học”, nên chắc chắn việc khảo sát kỹ lưỡng hệ thống ngôn ngữ trong thơ tình Nguyễn Bính sẽ góp phần xác định những điểm độc đáo, đặc sắc về hình thức biểu hiện, nhất là về cấu trúc, âm điệu, các lớp từ giàu giá trị biểu nghĩa và các biện pháp tu từ nổi bật. Đề tài luận văn “Ngôn ngữ thơ tình Nguyễn Bính” chúng tôi đi theo hướng tiếp cận thơ Nguyễn Bính dựa trên quan hệ hữu cơ giữa nội dung và hình thức cũng như quan hệ giữa cá tính của nhà thơ và thi phẩm của ông. Mặt khác, kết quả khảo sát “Ngôn ngữ thơ tình Nguyễn Bính” có thể góp phần lý giải tại sao mảng thơ này lại có sức cuốn hút nhiều thế hệ người Việt đến vậy.

 

doc 119 trang Người đăng minhquan88 Lượt xem 1452Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Luận văn Ngôn ngữ thơ tình Nguyễn Bính", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bộ giáo dục và đào tạo
Trường đại học vinh
lê thị hiền
ngôn ngữ thơ tình nguyễn bính
Luận văn thạc sĩ ngữ văn
Vinh - 2008
Bộ giáo dục và đào tạo
Trường đại học vinh
lê thị hiền
ngôn ngữ thơ tình nguyễn bính
Chuyên ngành: lý luận ngôn ngữ
 Mã số: 60.22.01
Luận văn thạc sĩ ngữ văn
Người hướng dẫn khoa học:
 	TS. Trần Văn Minh
Vinh - 2008
Mục lục
Trang
Mở đầu	1
1. Lý do chọn đề tài	1
2. Lịch sử vấn đề	2
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu	6
4. Phương pháp nghiên cứu	7
5. Cái mới của đề tài	7
6. Cấu trúc của luận văn	7
Chương 1. Một số giới thuyết liên quan đến đề tài	8
1.1. Thơ và ngôn ngữ thơ	8
1.1.1. Sự khác biệt giữa thơ và văn xuôi	8
1.1.2. Đặc trưng của ngôn ngữ thơ	10
1.1.3. Các lớp từ giàu màu sắc biểu cảm trong thi ca Việt Nam	12
1.1.4. Các biện pháp tu từ thường dùng trong thơ ca	14
1.2. Nguyễn Bính - cuộc đời về thơ ca	20
1.2.1. Cuộc đời và tác phẩm	20
1.2.2. Thơ tình trong thơ Nguyễn Bính	21
Chương 2. Cấu trúc và âm điệu thơ tình Nguyễn Bính	26
2.1. Các thể thơ tiêu biểu trong thơ tình Nguyễn Bính	26
2.1.1. Kết quả thống kê phân loại về thể thơ	26
2.1.2. Tổ chức của bài thơ tình Nguyễn Bính	47
2.1.3. Khổ thơ trong thơ tình Nguyễn Bính	49
2.2. Âm điệu trong thơ tình Nguyễn Bính	53
2.2.1. Vần điệu trong thơ tình Nguyễn Bính	56
2.2.2. Nhịp điệu trong thơ tình Nguyễn Bính	58
2.2.3. Thanh điệu trong thơ tình Nguyễn Bính	60
* Tiểu kết chương 2	61
Chương 3. Ngữ nghĩa của ngôn ngữ thơ tình Nguyễn Bính	62
3.1. Từ ngữ giàu giá trị biểu cảm trong thơ tình Nguyễn Bính	62
3.1.1. Từ láy âm trong thơ tình Nguyễn Bính	62
3.1.2. Từ tình thái trong thơ tình Nguyễn Bính	64
3.1.3. Từ địa phương trong thơ tình Nguyễn Bính	69
3.1.4. Từ khẩu ngữ trong thơ tình Nguyễn Bính	71
3.2. Từ ngữ biểu thị tình yêu trong thơ tình Nguyễn Bính	72
3.2.1. Động từ biểu thị tình yêu	73
3.2.2. Danh từ biẻu thị tình yêu	90
3.2.3. Cụm từ biểu thị tình yêu trong thơ tình Nguyễn Bính	92
3.3. Các biện pháp tu từ thường dùng trong thơ tình Nguyễn Bính	98
3.3.1. Biện pháp ẩn dụ	98
3.3.2. Biện pháp so sánh	100
3.3.3. Biện pháp đối	105
3.3.4. Biện pháp điệp	107
* Tiểu kết chương 3	109
Kết luận	110
Tài liệu tham khảo	112
Lời mở đầu
Đề tài được thực hiện đúng thời gian quy định, chúng tôi nhận được sự hướng dẫn thường xuyên và nhiệt tình của TS. Trần Văn Minh, nhận được sự chỉ bảo tận tình, quý báu của các thầy cô giáo tổ Lý luận Ngôn ngữ Trường Đại học Vinh. 
Qua đây, chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình tới thầy 
TS. Trần Văn Minh, các thầy cô giáo trong tổ Ngôn ngữ đã giúp đỡ chúng tôi hoàn thành luận văn này.
Với thời gian và khả năng có hạn, những gì làm được ở đề tài này chỉ là bước đầu, chúng tôi chân thành mong nhận được sự chỉ bảo, góp ý của thầy cô và các bạn để có thể bổ sung cho đề tài được hoàn chỉnh hơn.
 Vinh, tháng 12 năm 2008
 Tác giả
Mở đầu
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ nổi tiếng những thập niên 30 - 60 của thế kỷ trước trong văn học hiện đại Việt Nam. Ông có một phong cách thơ được nhiều thế hệ đương thời mến mộ, đặc biệt có nhiều bài tuy sáng tác trong phong trào Thơ Mới nhưng đậm chất trữ tình dân gian cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện. Di sản thơ Nguyễn Bính nói chung, thơ tình Nguyễn Bính nói riêng đã được nhiều người quan tâm nghiên cứu về mặt nội dung và nghệ thuật. Tuy vậy, cho đến nay phương diện ngôn ngữ trong thơ tình của ông vẫn chưa nhận được sự quan tâm thích đáng. Ngôn ngữ có vai trò “là phương tiện thứ nhất của văn học”, nên chắc chắn việc khảo sát kỹ lưỡng hệ thống ngôn ngữ trong thơ tình Nguyễn Bính sẽ góp phần xác định những điểm độc đáo, đặc sắc về hình thức biểu hiện, nhất là về cấu trúc, âm điệu, các lớp từ giàu giá trị biểu nghĩa và các biện pháp tu từ nổi bật. Đề tài luận văn “Ngôn ngữ thơ tình Nguyễn Bính” chúng tôi đi theo hướng tiếp cận thơ Nguyễn Bính dựa trên quan hệ hữu cơ giữa nội dung và hình thức cũng như quan hệ giữa cá tính của nhà thơ và thi phẩm của ông. Mặt khác, kết quả khảo sát “Ngôn ngữ thơ tình Nguyễn Bính” có thể góp phần lý giải tại sao mảng thơ này lại có sức cuốn hút nhiều thế hệ người Việt đến vậy.
1.2. Là một trong những nhà thơ lớn của phong trào Thơ Mới (1932 - 1945) nói riêng và văn học Việt Nam hiện đại nói chung, nên khá nhiều bài thơ của Nguyễn Bính được đưa vào giảng dạy ở trường phổ thông. Trong chương trình đào tạo cử nhân Ngữ văn ở các trường đại học và cao đẳng, Nguyễn Bính luôn có vị trí một tác giả lớn. Tuy vậy, phương diện ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính nói chung, ngôn ngữ trong những bài thơ của Nguyễn Bính được giảng dạy ở nhà trường nói riêng chưa được đề cập, phân tích. Đề tài luận văn “Ngôn ngữ thơ tình Nguyễn Bính” chúng tôi lựa chọn và thực hiện với mong muốn tiếp cận mảng thơ tình của Nguyễn Bính từ góc độ ngôn ngữ, qua đó góp phần nhỏ vào việc dạy học tác giả và tác phẩm Nguyễn Bính trong nhà trường hiện nay.
2. Lịch sử vấn đề
 Trong nhiều thập kỷ qua, thơ Nguyễn Bính đã trở thành đối tượng thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, phê bình yêu thích thơ ông và đã có nhiều công trình nghiên cứu lớn nhỏ viết về cuộc đời và tác phẩm Nguyễn Bính với quy mô và hướng tiếp cận, nghiên cứu khác nhau.
	Trước cách mạng tháng tám thẩm định hay nhất, gợi đúng cái “Chân quê” của hồn thơ Nguyễn Bính phải kể đến bài giới thiệu về Nguyễn Bính của Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam” Hoài Thanh là người đầu tiên nhận ra vẻ đẹp kín đáo đậm đà của hồn thơ Nguyễn Bính đồng thời đã cắt nghĩa về sự quan tâm chưa thích đáng của giới nghiên cứu đối với thơ ông “Cái đẹp kín đáo của những vần thơ Nguyễn Bính tuy cảm được một số đông công chúng mộc mạc khó lọt vào con mắt của các nhà thông thái thời nay. Tình cờ đọc thơ Nguyễn Bính họ sẽ bảo “Thơ như thế này có gì?”. Họ có ngờ đâu đã bỏ rơi một điều mà người ta không thể hiểu bằng một lý trí, một điều đáng quý vô ngần “hồn xưa đất nước” Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng chúng ta” [30; 334].
	Cùng thời với Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan trong cuốn “Nhà văn Việt Nam hiện đại cũng chỉ ra thứ tình quê xác thực được toát lên từ những câu thơ mang dáng vẻ “thực thà”, “hai lần hai là bốn” của Nguyễn Bính [27; 701], Vũ Ngọc Phan đã đánh giá cao thơ Nguyễn Bính, đặc biệt là mảng thơ viết về làng quê.	
 	Hai nhà nghiên cứu đã có cái nhìn tinh tế, nhạy cảm trong việc nhận diện một hồn thơ độc đáo, một lối đi riêng của Nguyễn Bính. Những ý kiến trên có ý nghĩa định hướng, tin cậy cho công việc nghiên cứu thơ của Nguyễn Bính sau này.
	Trong kháng chiến chống Pháp, những vần thơ xưa của ông vẫn được trân trọng. Năm 1951, nhà xuất bản Hương Sơn cho tái bản liên tiếp hai tập thơ Hương cố nhân và Mây tần. Trong thời gian này do hoàn cảnh chiến tranh nên việc nghiên cứu thơ Nguyễn Bính có nhiều hạn chế.
	ở miền Nam, việc nghiên cứu thơ Nguyễn Bính được chú ý hơn. Thơ Nguyễn Bính được tái bản trong giáo trình của Đại học Văn khoa Sài Gòn, được đánh giá thẩm định trong một số chuyên luận về thơ tiền chiến. Đáng chú ý hơn cả là “Việt Nam thi nhân tiền chiến” (Quyển thượng) - Sài Gòn (1968) của soạn giả Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng. Đặc biệt trong tập san văn học số 60 có nhiều bài viết về Nguyễn Bính và thơ ông: Nguyễn Bính - thi sĩ suốt đời mang bệnh tương tư (Vũ Bằng), Nguyễn Bính - nhà thơ kháng chiến tại miền nam (Thái Bạch), Nguyễn Bính một ngôi sao sáng trên thi đàn dân tộc (Nguyễn Phan). Tuy số lượng bài viết trong thời gian này khá nhiều song thành tựu chưa đáng kể.
	Thơ Nguyễn Bính được nghiên cứu rầm rộ đặc biệt sau năm 1985, khi người ta có cái nhìn thận trọng, đúng dắn và sáng suốt hơn với văn học quá khứ trong đó có phong trào Thơ Mới. Cũng như một số nhà Thơ Mới khác như Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viênhàng loạt tập thơ và tuyển chọn thơ Nguyễn Bính được xuất bản: “Thơ Nguyễn Bính” (Nxb văn học, 1986), “Tuyển tập Nguyễn Bính” (Nxb văn học, 1986), “Thơ tình Nguyễn Bính” (Nxb Đồng Nai, 1996), “Thơ Nguyễn Bính chọn lọc” (Nxb văn học, 1992).
	Thơ Nguyễn Bính cũng được nhắc đến nhiều trong các bài giới thiệu hoặc trong các chuyên luận về văn chương: “Ngôn ngữ thơ” (Nguyễn Phan Cảnh, 2001), “Giáo trình văn học Việt Nam 1930 - 1945” (Phan Cự Đệ, Nguyễn Hoành Khung, Hà Minh Đức), “Thơ với lời bình” (Vũ Quần Phương, 1992), “Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thơ ca” (Hà Minh Đức, 1993).
	Năm 1992 nhà xuất bản hội nhà văn cho ra mắt “Nguyễn Bính - thi sĩ của thương yêu” do Hoài Việt sưu tầm và biên soạn. Năm 1996 nhà xuất bản văn học ấn hành cuốn sách “Nguyễn Bính - thi sĩ của đồng quê”. Năm 1994 nhà xuất bản văn học Hà Nội ra mắt bạn đọc cuốn “Nguyễn Bính thơ và đời” do Hoàng Xuân sưu tầm và biên soạn. Gần đây nhất là cuốn “Ba đỉnh cao Thơ Mới: Xuân Diệu - Nguyễn Bính - Hàn Mạc Tử” của tác giả Chu Văn Sơn, “Nguyễn Bính hành trình sáng tạo thi ca” của Đoàn Đức Phương (2006). Những công trình này đã thu hút sự chú ý của nhiều người yêu thơ. Đó là chưa kể hàng loạt bài viết của các nhà văn hoặc nhà nghiên cứu phê bình khác như Tô Hoài, Lại Nguyên Ân, Đoàn Hương, Đỗ Lai Thuý, Đức Phương, Phương Lan. Thơ Nguyễn Bính đã thở thành đề tài quen thuộc của nhiều khoá luận, luận văn, luận án trong cả nước.
	Nhìn chung qua các thời kỳ khác nhau, thơ Nguyễn Bính có những thăng trầm, nhưng việc cảm thụ, đánh giá thơ Nguyễn Bính ít có những khác biệt hoặc những mâu thuẫn gay gắt. Về căn bản, những nhận xét đánh giá của giới phê bình về Nguyễn Bính khá thống nhất. Dù ở giai đoạn nào, Nguyễn Bính vẫn được xem là nhà thơ của “Chân quê”, “Hồn quê”, “Tình quê”.
	Trong thời gian dài, thơ Nguyễn Bính đã được nghiên cứu xem xét ở nhiều góc độ từ nội dung đến nghệ thuật, từ tư tưởng đến phong cách, từ giọng điệu đến kết cấu. Chưa có một tác giả nào trực tiếp nghiên cứu ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính một cách tập trung có hệ thống. Một số tác giả có đề cập đến đặc điểm ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính. Chẳng hạn các bài viết của Hà Minh Đức, Đoàn Hương, Phương Lan, Hoài ViệtTóm lại chưa có một công trình nào đi sâu nghiên cứu khía cạnh hình thức thơ tình Nguyễn Bính một cách đầy đủ cụ thể và có hệ thống.
 	* Lịch sử nghiên cứu thơ tình Nguyễn Bính
	Người đầu tiên đề cập đến thơ tình Nguyễn Bính đó là nhà phê bình Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam” nhạy cảm, tinh tế Hoài Thanh đã phát hiện ra vẻ đẹp kín đáo của những vần thơ Nguyễn Bính. Đó là chất “Chân quê” là “hồn xưa đất nước”, một phẩm chất “quý giá vô ngần” mà chúng ta không hiểu được bằng lý trí.
	Trong lời giới thiệu tập “Chân quê” Mã Giang Lân cũng có băn khoăn giữa tính chất “Chân quê” với Thơ Mới trong ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính: “Trong thơ Nguyễn Bính bên cạnh những câu thơ duyên dáng thuần thục như ca dao ta thấy xen vào những câu thơ quá mới nên thơ ông giống ca dao mà cũng khác ca dao” [21; 17].
	Hoài Việt (trong “Nguyễn Bính thi sĩ của thương yêu”) đã có nhận xét công bằng hơn “Có người trách anh từ khi “đi tỉnh về” thì để cho “hương đồng gió nội bay  ... ình)
Anh bốn mùa hoa, em một bến
Anh muôn quán trọ, em thâm quê.
(Nhớ)
Không phải ngẫu nhiên phép đối xuất hiện nhiều trong những đề tài tình yêu và xã hội trong thơ tình Nguyễn Bính. Có lẽ hơn bao giờ hết, ở những mảng đề tài này tác giả có nhiều dằn vặt, suy tư, trăn trở, cũng như đã nhận thức sâu sắc những mâu thuẫn đối chọi không dung hợp nổi giữa con người với xã hội, giữa con người với con người.
3.3.4. Biện pháp điệp
Trong thơ tình, Nguyễn Bính đã dùng một cách phổ biến các điệp từ, điệp ngữ trong câu mà đặc biệt tác giả dùng nhiều điệp từ, điệp cụm từ một lúc đan chéo, liên tiếp với nhau trong bài thơ làm tô đậm, nhấn mạnh tâm trạng, tình cảm của nhân vật trữ tình, khắc sâu vào ký ức của người đọc, tập trung vào nội dung, ý nghĩa của bài thơ.
Dù rằng một chữ cũng thơ
Dù rằng mộ thoáng cũng thừa xót xa
Dù rằng một cánh cũng hoa
Dù rằng một nửa cũng là trái tim
Dù không nói, dù lặng im
Dù sao anh cũng thương đêm nhớ ngày.
	 	(Dù rằng)
Bài “Ghen” tác giả dùng nhiều điệp từ và lặp đi lặp lại nhiều lần để nhấn mạnh những khía cạnh tình cảm mà tác giả muốn làm nổi bật. Điệp từ “tôi”, “muốn”, “đừng”, song song xuất hiện đã thể hiện thành công bản chất ích kỷ của người đang yêu
Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai
Đừng hôn dù thấy bó hoa tươi
Đừng ôm gối chiếc đêm nay ngủ
Đừng tắm chiều nay biển lắm người.
 	(Ghen)
Điệp cụm từ “sao chẳng về đây” trong bài thơ cùng tên được nhắc đi nhắc lại nhiều lần ở đầu các khổ thơ và các điệp từ khác nhằm khắc hoạ tâm trạng dằn vặt, lạc loài của một kẻ lạc bước giữa chốn phồ hoa đô thị.
Sao chẳng về đây nỡ lạc loài
Giữa nơi thành thị gió mưa phai
Chết dần từng nấc rồi mai mốt
Chết cả mùa xuân chết cả đời.
 	(Sao chẳng về đây)
Bài “Cánh buồm nâu”, tác giả viết theo lối điệp, vừa có phần điệp nguyên vẹn, vừa có phần điệp giảm bớt.
Anh đi đấy, anh về đâu?
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm.
 	(Cánh buồm nâu)
Bằng thể thơ lục bát, Nguyễn Bính dùng điệp tạo nhịp 3/3 kế tiếp tạo sự chuyển động của con thuyền ngày một xa đần. Thủ pháp của Nguyễn Bính là phối hợp ngắt nhịp 3/3 - 3/3 - 2 với lối điệp vế câu, lối làm mất màu: ban đầu còn trông thấy màu của cánh buồm, cuối cùng chỉ còn nhận ra đó là cánh buồm mà không còn thấy rõ màu sắc nữa. ấy là lúc con thuyền đã đi xa khuất tầm mắt. Con thuyền thì lênh đênh vô định, người ở lại thì ái ngại, lo âu. Điệp vế câu và giọng điệu được Nguyễn Bính sử dụng như một phương tiện để triển khai và tạo hình trong câu thơ của mình.
Đặc biệt trong hai câu thơ sau của bài “Xuân tha hương” được tác giả nhắc đến 5 lần ở vị trí đầu của 5 khổ thơ:
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng.
 	(Xuân tha hương)
Với kết cấu của hai câu điệp đứng đầu các khổ thơ như vậy làm cho bài thơ của Nguyễn Bính trở nên chặt chẽ, thống nhất bởi âm điệu chủ đạo của câu thơ điệp. Nhưng trong từng khổ thơ riêng lại được triển khai theo những mạch ý mới và được tô đậm lên, nâng cao tầm biểu hiện của ý thơ.
Nhờ điệp câu mà tác giả đưa người đọc đi dần lên những bậc thang của tình cảm, với cường độ và sắc thái tình cảm tăng dần để đạt đến mục đích và ý nghiã tận cùng mà không gây khó hiểu cho người đọc.
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em đợi mãi con đê đầu làng
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
	 	(Chân quê)
Có thể nói, trong thơ tình Nguyễn Bính, kết cấu trùng điệp đã được tác giả sử dụng để phát triển tứ thơ một cách đắc dụng. Đặc biệt thủ pháp điệp từ, điệp vế câu và điệp câu đã xoáy sâu vào tứ thơ, tâm trạng, tình cảm của nhân vật trữ tình và cái tôi trữ tình, kết cấu trùng điệp đã tạo âm điệu, giọng điệu phù hợp với tâm trạng và cảm xúc của nhân vật trong thơ tình Nguyễn Bính.
 Tiểu kết chương 3
Để xây dựng thành công hình tượng nhân vật và tứ thơ, Nguyễn Bính không những tìm đến chất liệu của ca dao mà ông còn sử dụng các lớp từ thuần Việt cũng như các phương pháp biểu đạt tu từ mang tính truyền thống. Những phương tiện nghệ thuật này thể hiện rõ lối tư duy, cách cảm, cách nghĩ của nhà thơ. Đó là lối tư duy, lối nói vừa trực tiếp cụ thể, lại vừa hình ảnh, mộc mạc thẳng thắn mà cũng hết sức tế nhị, khéo léo. Các trạng thái cung bậc tình cảm yêu đương, nhớ nhung, tương tư, thất vọng, đợi chờ, cô đơn, buồn đau Không xa lạ gì với thơ mới nhưng chỉ Nguyễn Bính mới có được thứ ngôn ngữ “chân quê” phù hợp với người Việt Nam.
Kết luận
Nghiên cứu đề tài “Ngôn ngữ thơ tình Nguyễn Bính” một cách toàn diện về phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật, chúng tôi đi đến những kết luận sau:
1. Có thể nói, với 106 bài thơ tình chúng tôi khảo sát trong luận văn được Nguyễn Bính sáng tác vào thời kỳ trước cách mạng đã khẳng định sức mạnh, tài năng và tâm huyết trong cuộc đời thơ ông và trong phong trào thơ mới (1932-1945). Đề tài luận văn “Ngôn ngữ thơ tình Nguyễn Bính” chúng tôi đi vào giải quyết hai nội dung chính của thơ tình Nguyễn Bính: thứ nhất là miêu tả về cấu trúc và âm điệu thơ tình Nguyễn Bính,thứ hai là khảo sát và miêu tả các biện pháp tu từ và các lớp từ chỉ trạng thái, sắc thái biểu cảm, lớp từ biểu thị tình yêu trong thơ tình Nguyễn Bính.
2. Xét về nội dung cấu trúc và âm điệu trong thơ tình Nguyễn Bính. Trong tất cả các thể thơ Nguyễn Bính sử dụng, thơ lục bát là thể thơ tiêu biểu có số lượng nhiều nhất đã tạo nên bản sắc và diên mạo trong thơ tình Nguyễn Bính nói riêng và thơ Nguyễn Bính nói chung trong phong trào thơ mới (1932-1945). Lục bát trong thơ tình Nguyễn Bính thể hiện tâm trạng cái tôi thơ mới, mang đủ loại cung bậc, cảm xúc buồn vui, ngậm ngùi, cay đắng vừa như kể chuyện lại vừa như trữ tình. Thơ tình Nguyễn Bính là những bài thơ dài nhiều khổ, khổ thơ mở đầu và khổ thơ kết thúc các bài thơ tình Nguyễn Bính đầy tự do cảm xúc, không hề có sự lệ thuộc hay gò ép trong việc thể hiện nội dung tư tưởng cũng như nghệ thuật thơ. Nhịp điệu trong thơ tình Nguyễn Bính có sự cách tân so với ca dao, nhịp điệu thơ tình Nguyễn Bính không tuân theo quy tắc truyền thống mà tuân theo tần số dao động của tình cảm, diễn tả tâm trạng chủ quan của cái tôi cá thể, đào sâu vào thế giới nội tâm của con người.
3. Xét về ngữ nghĩa ngôn ngữ thơ tình Nguyễn Bính. Từ láy thể hiện đa chiều các trạng thái tình cảm của nhân vật trữ tình và cái tôi trữ tình. Từ tình thái thể hiện muôn màu muôn vẻ các sắc thái tình cảm, những xôn xao trong cảm xúc của cái tôi trữ tình. Từ địa phương vừa tạo nên sắc thái biểu cảm vừa thể hiện phong cách ngôn ngữ riêng của tác giả. Từ ngữ biểu hiện tình yêu trong thơ tình Nguyễn Bính phong phú đa dạng thể hiện mọi cung bậc của tình cảm: nhớ thương, tương tư, mong chờ, giận hờn, ghen tuông, trách móc, xót xa, biệt ly, mơ mộng, ước mong, thất tình, tan vỡ. Điều này đã làm nên tính chân thật đa dạng của thơ tình Nguyễn Bính, đi con đường ngắn nhất đến tâm hồn người đọc. Các biện pháp tu từ ẩn dụ, so sánh, đối, điệp trong đó nổi bật nhất là biện pháp so sánh đã cụ thể hoá những cảm xúc, tâm hồn tình cảm của con người hiện đại.
4. Việc nghiên cứu thơ Nguyễn Bính mà đặc biệt là thơ tình Nguyễn Bính bằng sự đi sâu chi tiết vào ngôn ngữ tình yêu là một đóng góp hoàn toàn mới giúp chúng ta có một hình dung chung nhất, cơ bản nhất về thơ tình Nguyễn Bính ở phương diện nội dung và hình thức, cách thức thể hiện và ý nghĩa của ngôn ngữ tình yêu. Mặt khác nhằm khẳng định một tài năng có giọng điệu, ngôn ngữ riêng biệt khó trộn lẫn với ai trong phong trào Thơ Mới (1932-1945).
Chọn đề tài “Ngôn ngữ thơ tình Nguyễn Bính” chúng tôi muốn góp một phần tiếng nói vào việc khẳng định vị trí và sức sống của thơ tình Nguyễn Bính trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên do thời gian và trình độ có hạn nên việc giải quyết vấn đề này một cách thấu đáo không phải là một việc làm dễ dàng. Do vậy, công việc của chúng tôi ở đây cũng chỉ dừng lại ở những khám phá bước đầu.
Tài liệu tham khảo
[1]	Lại Nguyên Ân (1998), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
[2]	Nguyễn Ngã Bản (2001), Cơ sở ngôn ngữ học (Giáo trình Đại học Vinh)
[3]	Phan Cảnh (2000), Từ điển tiếng Việt, Nxb Mũi Cà Mau.
[4]	Đỗ Hữu Châu (1996), Từ vững ngữ nghĩa học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[5]	Nguyễn Phan Cảnh (1987), Ngôn ngữ thơ, Nxb Văn học, Hà Nội.
[6]	Hữu Đạt (2000), Ngôn ngữ thơ Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[7]	Hà Minh Đức (1994), Nguyễn Bính thi sĩ của đồng quê, Nxb Văn học, Hà Nội.
[8]	Hà Minh Đức (1997), Một thời đại của thơ ca về phong trao thơ mới, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[9]	Hà Minh Đức (2002), Nguyễn Bính thi sĩ của làng quê, Nxb Văn học, Hà Nội.
[10]	Hà Minh Đức (1974), Thơ ca mấy vấn đề trong thơ hiện đại, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[11]	Hà Minh Đức - Bùi Văn Nguyên (1968), Thơ ca Việt Nam hình thức và thể loại, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[12]	Hà Minh Đức - Đoàn Phương (2001), Nguyễn Bính về tác giả và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[13]	Nguyễn Đăng Điệp (1994), “Khối tình cỡ của người dân quê”, Văn học, (4).
[14]	Tô Hoài (1986), Tuyển tập Nguyễn Bính, Nxb Văn học, Hà Nội.
[15]	Đoàn Thị Đặng Hương (2000), Nguyễn Bính thi sĩ nhà quê, Nxb Văn học, Hà Nội.
[16]	Bùi Công Hùng (1983), Góp phần tìm hiểu nghệ thuật thơ ca, Nxb Khoa học Xã hội.
[17]	Lê Đình Kỵ (1993), Thơ mới những bước thăng trầm, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
[18]	Đinh Gia Khánh - Chu Xuân Diên (1991), Văn học dân gian, Nxb Đại học và GDCN, Hà Nội
[19]	Đinh Trọng Lạc - Nguyên Thái Hoà (1993), Phong cách học tiếng Việt Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[20]	Đinh Trọng Lạc (1996), 99 phương tiện và biện pháp tu từ, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[21]	Thảo Linh (2000), Nguyễn Bính - Nhà thơ chân quê, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội
[22]	Đỗ Thị Kim Liên (2002), Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội
[23]	Phương Lựu (2002), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội
[24]	Nhiều tác giả (2002), Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, Hà Nội
[25]	Nhiều tác giả (1999), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb ĐHQG, Hà Nội
[26]	Đoàn Đức Phương (2006), Nguyễn Bính - Hành trình sáng tạo thơ ca, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[27]	Vũ Ngọc Phan (1960), Nhà văn hiện đại, Nxb Thăng Long, Sài Gòn. 
[28]	Phan Ngọc (1995), Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
[29]	Chu Văn Sơn (1997), Ba đỉnh cao Thơ mới Xuân Diệu - Nguyễn Bính - Hàn Mặc Tử.
[30]	Hoài Thanh - Hoài Chân (1998), Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội.
[31]	Đỗ Lai Thuý (1991), “Đường về Chân quê của Nguyễn Bính”, Văn học, (6).
[32]	Đỗ Lai Thuý (1993), Con mắt thơ, Nxb Lao động, Hà Nội.
[33]	Kiều Văn (1996), Thơ tình Nguyễn Bính, Nxb Đồng Nai.
[34]	Vũ Thanh Việt (1999), Thơ tình Nguyễn Bính - những lời bình, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội
[35]	Hoài Việt (1992), Nguyễn Bính - Thi sĩ của thương yêu, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
[36]	Hoàng Xuân (1994), Nguyễn Bính - Thơ và đời, Nxb Văn học, Hà Nội
[37]	Nguyễn Như ý (2003), Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[38]	Phạm Thu Yến (1998), Những thế giới nghệ thuật ca dao, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

Tài liệu đính kèm:

  • docLuan van Thac si(1).doc