Tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng học tập của học sinh

Tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng học tập của học sinh

Trong những năm gần đây ngành giáo dục đã có rất nhiều chủ trương nâng cao chất lượng dạy học bằng nhiều hình thức và biện pháp như đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, dạy học lấy học sinh làm trung tâm, đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh, tăng cường đưa công nghệ thông tin vào nhà trường. Ngành cũng đã phát động nhiều phong trào lớn trên phạm vi toàn ngành như cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục”; “Không để học sinh không đạt chuẩn mà được lên lớp”, “ Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” “Phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” Khách quan mà nói thì với những nổ lực lớn của toàn ngành, sự tập trung cao của các nhà trường, và sự quan tâm, ủng hộ của xã hội, chất lượng học sinh giỏi có phần cải thiện đáng kể, số lượng có tăng, nổi lên một bộ phận học sinh thực sự xuất sắc. Song, bên cạnh đó chất lượng học sinh đại trà lại vẫn còn lại là nỗi lo, chưa có được những kết quả tích cực, thậm chí có chiều hướng đi xuống. Nếu nhìn trên số liệu thống kê trong các báo cáo đánh giá tổng kết năm học chắc chắn sẽ không có gì đáng nói bởi số lượng học sinh yếu kém ở từng trường đang ở hệ số an toàn, ước chừng khoảng không quá 10% hằng năm, thế nhưng con số thực lại cao hơn rất nhiều. Số học sinh vào lớp 6 không biết đọc, biết viết ngày càng tăng (tại đơn vị chúng tôi năm học trước có 2 em, năm học nầy có 5 em). Tình trạng học sinh thi vào lớp 10 có điểm 0 ngày càng nhiều. Thực trạng đó đang làm ray rức những người thầy có tâm huyết với nghề, nhiều bậc phụ huynh phải xót xa vì kết quả học tập của con em, dư luận xã hội có nhiều bức xúc và cũng có thể nói rằng đang làm đau đầu nhiều cấp lãnh đạo chính quyền và nhiều nhà quản lí. Vậy nguyên nhân là do đâu? Câu hỏi đã được nhiều người quan tâm và thực sự cũng đã có nhiều câu trả lời ở từng cấp và ở các mức độ khác nhau, nhiều giải pháp cũng đã được đặt ra, tuy nhiên thực trạng vẫn chưa có dấu hiệu khả quan hơn.

doc 6 trang Người đăng honghoa45 Lượt xem 1129Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng học tập của học sinh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GD - ĐT NÚI THÀNH
TRƯỜNG THCS CHU VĂN AN
BÁO CÁO THAM LUẬN
Đề tài:
TÌM HIỂU NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP
 NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HỌC TẬP CỦA HỌC SINH
(Trình bày tại Hội nghị chuyên đề “Nâng cao chất lượng học tập của học sinh” do Phòng Giáo Dục – Đào Tạo huyện Núi Thành tổ chức, ngày 28/01/2010)
Nguyễn Tấn Hùng
(Hiệu trưởng, Trường THCS Chu Văn An)
Trong những năm gần đây ngành giáo dục đã có rất nhiều chủ trương nâng cao chất lượng dạy học bằng nhiều hình thức và biện pháp như đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, dạy học lấy học sinh làm trung tâm, đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh, tăng cường đưa công nghệ thông tin vào nhà trường. Ngành cũng đã phát động nhiều phong trào lớn trên phạm vi toàn ngành như cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục”; “Không để học sinh không đạt chuẩn mà được lên lớp”, “ Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” “Phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” Khách quan mà nói thì với những nổ lực lớn của toàn ngành, sự tập trung cao của các nhà trường, và sự quan tâm, ủng hộ của xã hội, chất lượng học sinh giỏi có phần cải thiện đáng kể, số lượng có tăng, nổi lên một bộ phận học sinh thực sự xuất sắc... Song, bên cạnh đó chất lượng học sinh đại trà lại vẫn còn lại là nỗi lo, chưa có được những kết quả tích cực, thậm chí có chiều hướng đi xuống. Nếu nhìn trên số liệu thống kê trong các báo cáo đánh giá tổng kết năm học chắc chắn sẽ không có gì đáng nói bởi số lượng học sinh yếu kém ở từng trường đang ở hệ số an toàn, ước chừng khoảng không quá 10% hằng năm, thế nhưng con số thực lại cao hơn rất nhiều. Số học sinh vào lớp 6 không biết đọc, biết viết ngày càng tăng (tại đơn vị chúng tôi năm học trước có 2 em, năm học nầy có 5 em). Tình trạng học sinh thi vào lớp 10 có điểm 0 ngày càng nhiều. Thực trạng đó đang làm ray rức những người thầy có tâm huyết với nghề, nhiều bậc phụ huynh phải xót xa vì kết quả học tập của con em, dư luận xã hội có nhiều bức xúc và cũng có thể nói rằng đang làm đau đầu nhiều cấp lãnh đạo chính quyền và nhiều nhà quản lí. Vậy nguyên nhân là do đâu? Câu hỏi đã được nhiều người quan tâm và thực sự cũng đã có nhiều câu trả lời ở từng cấp và ở các mức độ khác nhau, nhiều giải pháp cũng đã được đặt ra, tuy nhiên thực trạng vẫn chưa có dấu hiệu khả quan hơn.
Hôm nay, ngành giáo dục huyện chúng ta tổ chức hội nghị nầy đương nhiên là để mạnh dạn đánh giá lại thực trạng, đi tìm nguyên nhân và giải pháp cụ thể nhất, thiết thực nhất, tốt nhất nhằm cải thiện tình hình chất lượng trên địa bàn huyện để mỗi nhà trường có thêm được những định hướng cụ thể trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện góp phần nâng cao chất lượng dạy học.
Thay mặt cho đơn vị Trường THCS Chu Văn An, tôi xin góp một số ý kiến cùng hội nghị:
I/ Nguyên nhân từ phía nhà trường và công tác chỉ đạo của ngành:
1. Đội ngũ thầy cô giáo: 
Chúng ta biết rằng vai trò quyết định của chất lượng giáo dục không ở đâu khác trước hết là ở đội ngũ thầy cô giáo, nói đến chất lượng đội ngũ là nói đến năng lực chuyên môn, trình độ nghiệp vụ sư phạm, phẩm chất đạo đức ... Khuyết một trong những yếu tố đó đều là không đảm bảo yêu cầu chất lượng. Nhìn chung trong đội ngũ hiện nay, bên cạnh số đông đáp ứng tốt các yêu cầu chuẩn mực vẫn còn có một bộ phận thầy cô giáo chưa đáp ứng được các yêu cầu trên nhất là về năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Những trường hợp nầy phần lớn là những người đã có tuổi, sức khỏe giảm sút và một phần do năng lực yếu. Chính lực cản nầy là một nguyên nhân gây nên tình trạng mất gốc của học sinh bởi nếu gặp phải trường hợp nầy là một mắc xích kiến thức học sinh đã bị hổng, đặc biệt nguy hại hơn là ở bậc tiểu học vì một học sinh tiểu học phải học một thầy cô giáo trong cả một năm học.
2.Về phương pháp dạy học:
 Mâu thuẩn lớn nhất hiện nay trong phương pháp dạy học mới là điều kiện không đáp ứng được yêu cầu: Đó là việc chúng ta áp dụng phương pháp dạy học tiên tiến với quan điểm lấy học sinh làm trung tâm, là phát huy tính tích cực của học sinh, là thầy thiết kế trò thi công, là dạy học tích cực bằng phương pháp thảo luận nhóm,  tất cả những yêu cầu đó đòi hỏi điều kiện đáp ứng phải thật sự tốt như ĐDDH, các phương tiện dạy học phải đảm bảo; phòng ốc bàn ghế phải đạt chuẩn; số lượng học sinh phải ở mức vừa phải Giáo viên phải thực sự có năng lực vững vàng cả về kiến thức và phương pháp, phải biết kết hợp vận dụng nhiều phương pháp giảng dạy và kĩ năng sư phạm trong mỗi tiết lên lớp, nhanh nhạy, ứng xử kịp thời trong giải quyết tình huống. Thế nhưng, điều kiện đáp ứng của chúng ta thì chưa đảm bảo, từ nguồn kinh phí đầu tư trang còn hạn hẹp đến hạn chế về năng lực đội ngũ nên hiệu quả mang lại không được như mong muốn, thậm chí đôi lúc, đôi nơi còn có tác dụng ngược.
3. Bất cập trong cơ cấu đội ngũ:
Nhiều môn học không có giáo viên có chuyên môn được đào tạo (hoặc có nhưng không đủ) như Nhạc, Mĩ thuật, Công nghệ. Để thực hiện việc dạy học các môn nầy nhà trường buộc phải bố trí giáo viên dạy trái môn (chủ yếu là đảm bảo đủ số giờ qui định) nên rõ ràng không thể nào đảm bảo được yêu cầu chất lượng, thậm chí đôi khi còn phản tác dụng. Chúng ta thử nghĩ: Không có hiểu biết căn bản về âm nhạc lại phải dạy âm nhạc, không có năng khiếu vẽ vẫn phải dạy vẽ trong khi đây là những môn học mang tính nghệ thuật, yếu tố góp phần làm nên tâm hồn con người, đã khuyết thì khó sửa. Phải chăng chúng ta đang không nghĩ đến tác hại lâu dài của nó! Và phải chăng chúng ta đang lãng phí tiền bạc mà hiệu quả mang lại thì không được như mong muốn. Về phía nhà trường thì không còn cách nào khác là phải dùng những gì mình có.
4. Chương trình sách giáo khoa:
Nội dung chương trình sách giáo khoa được hầu hết giáo viên đánh giá là quá tải, chưa phù hợp với nhận thức của học sinh theo lứa tuổi. Dung lượng kiến thức trong một tiết học quá nhiều, chưa cân đối giữa nội dung bài học với thời lượng một tiết học trên lớp.Việc xây dựng chương trình còn khập khiểng, chưa có độ ổn định cao. Chương trình vừa được công bố thì cũng kèm theo văn bản chỉ đạo điều chỉnh gây nhiễu cho giáo viên. 
5. Công tác đánh giá học sinh:
- Phương pháp kiểm tra đánh giá mà chúng ta đang áp dụng (nhất là kiểm tra học kỳ theo đề của Phòng, trước đây còn là của Sở) được gọi là “trắc nghiệm khách quan” nhưng theo tôi với cách làm hiện nay là không khách quan chút nào mà tạo nên sự ngộ nhận về kết quả đánh giá. Bởi khi làm bài kiểm tra học sinh có thể dễ dàng tiếp nhận được sự hỗ trợ của bạn về kết quả bài làm mà không cần phải học. Giáo viên thì không thể nào kiểm soát chặt chẽ được tính độc lập làm bài của học sinh. Điều đó gây nên sự lười học trong một bộ phận học sinh.
6. Công tác quản lí:
Trong chừng mực nào đó cũng có thể nói rằng trong quản lí đội ngũ chúng ta chưa phát huy hết được năng lực làm việc của đội ngũ. 
Xét ở góc độ tạo động lực, kích thích tinh thần làm việc của đội ngũ mà nói thì biện pháp mà các nhà trường đang sử dụng hiện nay chủ yếu là động viên tinh thần, chúng ta chưa có được một giải pháp khuyến khích vật chất thực sự hữu hiệu để biện pháp đó trở thành động lực căn bản lâu dài cho những nổ lực, hy sinh cống hiến của đội ngũ. Ngược lại, tình trạng ì ạch, chay lười, thoái thác trách nhiệm, không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ  đã gây nên sự trì trệ trong công tác, trong giảng dạy vẫn chưa có tiền lệ giải quyết nghiêm khắc, triệt để. Và chúng ta cũng chưa xác lập được một sự thay đổi hữu hiệu trong phương pháp quản lí, chưa thoát ra được lối mòn quản lí thiếu tính kỉ luật cao đã hình thành qua quá trình lịch sử quản lí nhà trường không biết tự bao giờ. 
Xét ở góc độ quyền lực thì hiệu trưởng chưa có thực quyền trong các quyết định của mình như là chưa có được quyền tuyển chọn giáo viên, nhân viên (tuyển dụng) và quyền từ chối, sa thải mà biện pháp chủ yếu trong quản lí hiện nay là kích thích, động viên, nhắc nhở, góp ý, phê bình, kiểm điểm, thậm chí chấp nhận phương án làm thay  những biện pháp đó xem ra chỉ có tác dụng đối với người có tinh thần trách nhiệm, có ý thức tổ chức kỉ luật còn đối với người có thái độ tiêu cực, thoái thác, đùn đẩy trách nhiệm thì không giải quyết được. Tôi nghĩ, đó chính là khâu yếu gây nên sự kém hiệu quả trong công tác quản lí trường học hiện nay và đương nhiên đó cũng là nguyên nhân của tình trạng yếu kém về chất lượng.
7. Tác dụng không mong muốn của công tác đánh giá thi đua:
- Chúng ta vẫn biết rằng căn cứ để đánh giá thi đua trong giáo dục đương nhiên phải dựa vào tiêu chí về chất lượng dạy học nhưng chúng ta chưa có một phương pháp đánh giá khách quan, Ví dụ như các cấp quản lí GD khi đánh giá thi đua giáo viên thì lấy kết quả đánh giá học sinh của giáo viên đó để đánh giá thi đua giáo viên; đánh giá thi đua nhà trường thì lấy kết quả đánh giá học sinh của trường đó để đánh giá thi đua nhà trường thì tất yếu sẽ dẫn đến một hệ lụy là giáo viên, nhà trường chạy theo thành tích, bởi không ai muốn rằng mình đã nổ lực mà không được ghi nhận. Chính điều đó đã tạo nên thành tích ảo, là nguyên nhân của sự yếu kém. Thêm vào đó, tiêu chí để công nhận các chuẩn cũng như hoàn thành các chương trình mục tiêu đặt ra cao, ví dụ như Tiêu chí trường chuẩn quốc gia, phổ cập giáo dục  buộc các trường phải có giải pháp hoàn thành chỉ tiêu mà biện pháp tích cực không thực hiện được thì phải sử dụng đến thủ thuật. Đó, lại là thành tích ảo, là nguyên nhân của sự yếu kém.
8. Hệ quả của chủ trương đưa học sinh lên lớp ào ạt từ cấp tiểu học:
Chúng ta đã từng nhận thức rằng bậc học tiểu học là “móng”. Thế nhưng hằng năm cấp THCS đã thu nhận được từ tiểu học số học sinh yếu kém, thậm chí không biết đọc, biết viết ngày càng nhiều vậy thì làm sao có thể xây “tường” cho vững được. Đến lượt mình bậc THCS lại cũng lo nếu để học sinh ở lại lớp các em sẽ nghỉ học và như thế nhà trường sẽ không hoàn thành nhiệm vụ phổ cập bậc THCS, lại tiếp tục tạo cơ hội cho các em lên lớp, Cứ như thế thì làm sao không dẫn đến tình trạng kết quả điểm 0 ở kì tuyển sinh 10. Đành rằng, ngành cũng đã có chủ trương chỉ đạo bằng nhiều biện pháp nâng cao chất lượng học sinh yếu kém nhưng đâu dễ gì dạy học sinh từ chỗ chưa biết đọc biết viết đạt trình độ THCS ở ngay cấp học nầy! 
II/Nguyên nhân từ phía gia đình và xã hội :
1. Ngày nay, ở địa bàn nông thôn một bộ phận người dân có cuộc sống khó khăn nên họ tập trung thời gian cho công cuộc mưu sinh hơn là quan tâm đến việc học tập của con em, đành phó mặc cho nhà trường.
2. Tác động của môi trường xã hội hiện nay đến học sinh là rất lớn. Đó là ảnh hưởng của một bộ phận thanh thiếu niên hư, là tác động của game online, chat trên internet do không được định hướng đúng đắn.
3. Gia đình chưa kiểm soát được việc học tập của học sinh tại nhà, tình trạng học sinh không học bài cũ và không chuẩn bị bài trước khi đến lớp trở thành phổ biến nên việc tiếp thu bài ở lớp trở nên khó khăn dẫn đến tình trạng lười học, chán học.
4. Tình hình cơ sở vật chất nhà trường những năm gần đây tuy có đầu tư lớn nhưng tựu trung cũng chỉ ở CSVC bên ngoài, nhiều trường vẫn chưa đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dạy học một cách tốt nhất, nhất là việc đầu tư trang thiết bị phương tiện dạy học.
5. Sự phối kết, hợp giữa nhà trường và gia đình còn thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Kênh thông tin cung cấp dữ liệu từ nhà trường đến phụ huynh và ngược lại còn rất hạn chế nhất là trường ở địa bàn nông thôn.
6. Người thầy giáo chưa được xã hội quan tâm một cách đúng mức, đời sống nghề thầy còn thấp, nhiều thầy cô giáo còn làm thêm nghề khác để mưu sinh, không chuyên tâm vào công việc dạy học, thiếu tâm huyết với nghề. Ngành sư phạm lại tái diễn tình trạng không thu hút được những người tài.
 II/Từ các nguyên nhân trên chúng tôi xin kiến nghị một số giải pháp sau :
1) Đối với các nhà trường: 
- Cần nhiều biện pháp cho công tác quản lí bao gồm quản lí hoạt động dạy học của giáo viên, quản lý đội ngũ nhân viên, quản lí nề nếp học sinh. Chú trọng đặc biệt đến công tác bồi dưỡng đội ngũ về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và lòng yêu nghề.
- Vận dụng các quan điểm dạy học mới bằng các phương pháp dạy học tích cực là cần thiết nhưng phải đảm bảo tính thực tế trong điều kiện cho phép. Không nên cứng nhắc áp đặt quan điểm phải thực hiện phương pháp dạy học mới một cách cứng nhắc buộc GV phải thực hiện trong khi cơ sở chưa hội đủ điều kiện, tạo nên sự rối loạn trong nhận thức của học sinh.
- Tăng cường công tác kiểm tra có biện pháp động viên, nhắc nhở học sinh việc học bài cũ ở nhà, chuẩn bị bài mới trước khi đến lớp. Hướng dẫn phương pháp học tập.
- Tăng cường mối quan hệ: Gia đình – Nhà trường – Xã hội, làm cho mối quan hệ nầy thực sự có ý nghĩa, có tác dụng thiết thực.
2. Đối với Phòng Giáo Dục – Đào Tạo:
- Cần đề xuất với cấp trên điều chỉnh giảm tải hợp lí trong chương trình sách giáo khoa với thời lượng tiết học, tránh ôm đồm kiến thức gây lúng túng cho giáo viên và quá tải đối với học sinh. Phải có chương trình rõ ràng, lấy đó làm căn cứ pháp lí không nên để cho giáo viên, tổ chuyên môn tự phân định dẫn đến tình trạng không thống nhất, áp đặt quan điểm cá nhân trong thanh tra, kiểm tra đánh giá GV.
- Cần thay đổi phương pháp kiểm tra đánh giá học sinh đảm bảo tính khách quan để thu nhận kết quả bài kiểm tra đánh giá đúng thực lực.
- Cần chỉ đạo chỉ đạo các nhà trường nâng cao chất lượng học tập của học sinh yếu kém bằng những giải pháp cụ thể, thực tế, khả thi và kiên quyết không để các nhà trường cho học sinh yếu kém được lên lớp.
- Cần có tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động chuyên môn các nhà trường, tổ chức khảo sát, kiểm tra đánh giá chất lượng học sinh một cách nghiêm túc, công bằng, khách quan. Lấy đó làm căn cứ đánh giá thi đua các trường. Hằng năm, cần độc lập công bố mức độ thứ hạng chuyên môn các nhà trường (căn cứ kết quả khảo sát học sinh, không nhất thiết dựa vào kết quả đánh giá giáo viên).
3. Đối với huyện:
- Cần có sự đầu tư cụ thể xây dựng CSVC cho các nhà trường hiện chưa hoàn thiện. Hằng năm huyện cần thành lập đoàn khảo sát nhu cầu từng trường để có kế hoạch đầu tư phù hợp, không nhất thiết phải chờ đợi các nhà trường lập hồ sơ tham mưu vì thực tế không phải hiệu trưởng nào cũng có năng lực tham mưu tốt.
- Cần tạo điều kiện về kinh phí hoạt động cho các nhà trường để có điều kiện đầu tư vào hoạt động chuyên môn vì mức phân bổ kinh phí như hiện nay là rất thấp, không đảm bảo cho chi hoạt động dạy học dù nhu cầu chỉ ở mức vừa phải.
- Phải tạo cho hiệu trưởng có nhiều quyền lực thực sự hơn như được quyền tham gia tuyển chọn giáo viên, nhân viên cho đơn vị mình và được từ chối hoặc đề nghị sa thải giáo viên, nhân viên không hoàn thành nhiệm vụ.
- Bố trí đủ số lượng giáo viên, nhân viên theo yêu cầu và đảm bảo cơ cấu cho các nhà trường.
- Cần có chủ trương chỉ đạo thực hiện NĐ 132 của chính phủ (nghỉ hưu trước tuổi) cụ thể hơn đối với những người không đảm bảo năng lực giảng dạy, công tác để đảm bảo rằng không còn những người không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ tồn tại trong nhà trường. 
4. Đối với chính quyền địa phương:
- Là nơi gần gủi nhất đảm bảo trước hết tình hình an ninh cho nhà trường thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Kịp thời can thiệp, xử lí những vụ việc thuộc về trật tự an ninh khi nhà trường có yêu cầu.
- Tăng cường kiểm soát tình hình thanh thiếu niên phạm tội để không ảnh hưởng đến môi trường giáo dục.
- Tạo điều kiện giúp đỡ nhà trường về mọi mặt trên tinh thần chủ trương xã hội hóa giáo dục.
- Cần vận động tổ chức tốt hoạt động khuyến học ở địa phương
5) Đối với gia đình:
- Đây là nhân tố giữ vai trò quyết định đồng thời với nhà trường về sự phát triển toàn diện của học sinh. Gia đình phải hết sức chăm lo, kiểm soát hành vi, tinh thần thái độ học tập ở nhà, tạo mọi điều kiện để các em có thể học tập tốt. Đồng thời, thường xuyên giữ mối liên hệ với nhà trường để nắm bắt tình hình học tập của con em. Mọi sự thiếu quan tâm của gia đình sẽ biến mọi nổ lực của nhà trường bằng không.
Kính thưa quí vị đại biểu!
Kính thưa các thày cô giáo!
Trên đây là nội dung tham luận của đơn vị chúng tôi. Tôi nghĩ rằng đi tìm nguyên nhân của tình trạng học sinh học tập yếu có thể là không khó, tuy nhiên để có những biện pháp khắc phục nó thì thực sự khó bởi các nguyên nhân phát sinh phải được giải quyết đồng bộ ở nhiều cấp và phải được sự vào cuộc của toàn xã hội thì vấn đề mới được giải quyết căn bản, lâu dài. 
Đương nhiên rằng mọi sự tập trung của các nhà trường với thực tiễn của mình sẽ là điều hết sức có ý nghĩa để duy trì và phát triển chất lượng của đơn vị.
Tất cả những gì chúng tôi đã trình bày có thể có những điều chưa hợp lí. Rất mong hội nghị thông cảm!
Chúng tôi rất mong rằng sẽ nhận được nhiều ý kiến chỉ đạo từ hội nghị hôm nay để áp dụng vào việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện tại nhà trường trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng học tập của học sinh.
Xin kính chào và chúc mừng năm mới hạnh phúc, an khang thịnh vượng đến quí vị, các thầy cô giáo!

Tài liệu đính kèm:

  • docTHAM LUAN VE NANG CAO CHAT LUONG HS.doc