Văn mẫu lớp 9 - Hành vi ngôn ngữ của biểu thức hỏi trong ca dao tình yêu đôi lứa

Văn mẫu lớp 9 - Hành vi ngôn ngữ của biểu thức hỏi trong ca dao tình yêu đôi lứa

HÀNH VI NGÔN NGỮ CỦA BIỂU THỨC HỎI

TRONG CA DAO TÌNH YÊU ĐÔI LỨA

1. Đặt vấn đề

Ca dao là một thể loại trữ tình của văn học dân gian. Trong ca dao cái tôi trữ tình được thể hiện rõ nét. Ca dao phản ánh lịch sử, miêu tả khá chi tiết phong tục tập quán trong sinh hoạt vật chất và tinh thần của nhân dân lao động nhưng trước hết là bộc lộ tâm hồn dân tộc trong đời sống riêng tư, đời sống gia đình và đời sống xã hội. Phong phú và sâu sắc nhất là mảng ca dao nói về tình yêu đôi lứa. Trai gái gặp gỡ, tìm hiểu , thổ lộ tình cảm trong lao động, hội hè, đình đám, vui xuân. Họ có thể thổ lộ với nhau bằng câu ví, bằng hình thức giao duyên trong những cuộc hát đối đáp nam nữ.

Có thể nghiên cứu ca dao từ nhiều góc độ, trong đó, nghiên cứu ca dao dân ca ở bình diện Ngữ dụng học là môt vấn đề khá mới mẻ. Gần đây, Lí thuyết hành vi ngôn ngữ đã mở ra một hướng tiếp cận ca dao khá lý thú. Bài viết này đi sâu vào nghiên cứu hành vi ngôn ngữ được biểu hiện bằng biểu thức câu hỏi trong ca dao tình yêu đôi lứa dưới hai hình thức trực tiếp và gián tiếp.

 

doc 7 trang Người đăng honghoa45 Lượt xem 905Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Văn mẫu lớp 9 - Hành vi ngôn ngữ của biểu thức hỏi trong ca dao tình yêu đôi lứa", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
HÀNH VI NGÔN NGỮ CỦA BIỂU THỨC HỎI 
TRONG CA DAO TÌNH YÊU ĐÔI LỨA
1. Đặt vấn đề 
Ca dao là một thể loại trữ tình của văn học dân gian. Trong ca dao cái tôi trữ tình được thể hiện rõ nét. Ca dao phản ánh lịch sử, miêu tả khá chi tiết phong tục tập quán trong sinh hoạt vật chất và tinh thần của nhân dân lao động nhưng trước hết là bộc lộ tâm hồn dân tộc trong đời sống riêng tư, đời sống gia đình và đời sống xã hội. Phong phú và sâu sắc nhất là mảng ca dao nói về tình yêu đôi lứa. Trai gái gặp gỡ, tìm hiểu , thổ lộ tình cảm trong lao động, hội hè, đình đám, vui xuân. Họ có thể thổ lộ với nhau bằng câu ví, bằng hình thức giao duyên trong những cuộc hát đối đáp nam nữ.
Có thể nghiên cứu ca dao từ nhiều góc độ, trong đó, nghiên cứu ca dao dân ca ở bình diện Ngữ dụng học là môt vấn đề khá mới mẻ. Gần đây, Lí thuyết hành vi ngôn ngữ đã mở ra một hướng tiếp cận ca dao khá lý thú. Bài viết này đi sâu vào nghiên cứu hành vi ngôn ngữ được biểu hiện bằng biểu thức câu hỏi trong ca dao tình yêu đôi lứa dưới hai hình thức trực tiếp và gián tiếp. 
2. Hành vi ngôn ngữ
Hành vi ngôn ngữ là hành vi được thực hiện bằng ngôn ngữ ngay khi nói năng và trên hành động tạo lời. Cụ thể khi ta hỏi, tuyên bố, ra lệnh, yêu cầu, khuyên nhủ một người nào đó là ta đã thực hiện các hành vi ngôn ngữ.
Hành vi ngôn ngữ có hiệu lực rất lớn, chúng có thể làm thay đổi tư cách pháp nhân của người đối thoại, có nghĩa là chúng đặt người nói và người nghe vào những nghĩa vụ và quyền lợi mới so với tình trạng của họ trước khi thực hiện hành động nói.
Hành vi ngôn ngữ có thể được thực hiện trực tiếp hay gián tiếp. Khi người ta lấy biểu thức của một hành vi tại lời này để thực hiện một hành vi tại lời khác thì ta có hành vi tại lời gián tiếp. 
3. Hành vi hỏi trực tiếp trong ca dao tình yêu đôi lứa
Hỏi là một hành vi ngôn ngữ trực tiếp khi nó yêu cầu người nghe một câu trả lời.
	“- Bây giờ mận mới hỏi đào:
	Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
 “Mận” là người con trai, “đào” là người con gái, “vườn hồng” là tình cảm, hay trái tim của người con gái. Chàng trai đã dùng hình thức hỏi trực tiếp để dò xét gia thế, tình cảm của người con gái. Điều này được biểu hiện rõ qua câu trả lời của cô nàng.
	- Mận hỏi thì đào xin thưa: 
	Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.”
 Từ ngữ trong câu ca dao trên tuy có phần bóng bẩy nhưng với câu trả lời trên, người con trai biết được rằng trong lòng cô gái vẫn chưa có ai và sẽ nghĩ rằng mình vẫn còn có cơ hội để ngự trị trong trái tim nàng. Một trường hợp khác:
	“Con chim trên cành cắn cây ngậm lá,
	Con cá dưới biển ẩn đá ngậm sao.
	Gặp mặt anh đây không nói không chào,
	Hay là em có nơi nào bỏ anh?”
	Chuyện tình cảm là chuyện tế nhị nhưng đôi lúc cũng cần sự nhanh chóng, quyết liệt, nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội, bỏ lỡ hạnh phúc của đời mình. Vì thế hành vi hỏi trực tiếp có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong ca dao trên chàng trai đã “tấn công” người con gái mạnh mẽ để chớp lấy cơ hội hạnh phúc. Bằng cách nói trắng, chàng trai có thể nhận được câu trả lời của người con gái để từ đó có thể có hành động xử trí kịp thời. 
4. Hành vi hỏi gián tiếp trong ca dao tình yêu đôi lứa
	Phần lớn biểu thức hỏi trong ca dao tình yêu đôi lứa không được dùng để nghi vấn, để tìm kiếm thông tin. Hành vi hỏi được dùng để thực hiện nhiều mục đích khác nhau.
4.1. Hỏi để nhắc nhở
	“Thuyền về có nhớ bến chăng?
	Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.”
“Thuyền”, “bến” là hình ảnh ẩn dụ quen thuộc chỉ người con trai (hay người chồng) và người con gái (hay người vợ). Vì một lý do nào đó chàng và nàng ly biệt. Chàng như con thuyền trôi giạt, lênh đênh, còn nàng như bến đỗ, qua tháng năm không dịch chuyển. Xa cách muôn trùng, người con gái không phút giây nguôi nhớ thương, mong đợi. Nàng tự nhủ lòng mình son sắc thủy chung. Tuy nhiên xa mặt cách lòng, biết chàng có còn nhớ đến ta! 
“Thuyền về có nhớ bến chăng?”
 Câu thơ nghe như một lời thở than ai oán. Bằng cách dùng hành vi ngôn ngữ gián tiếp qua biểu thức câu hỏi, cô gái đã khéo léo nhắc nhở chàng trai hãy giữ trọn lời nguyền đồng thời tác động đến tâm lý, tình cảm của người ra đi. 
4.2 Hỏi để trách móc 
	“Tằm ơi say đắm nơi đâu
	Mà tằm bỏ nghĩa cành dâu không nhìn?”
“Tằm” tượng trưng cho người con trai, “dâu” chỉ người con gái. Tằm thì ăn dâu, không có dâu thì làm sao tằm thành kén để nhả tơ cho đời. Thể mà đến khi đã đủ lớn, tằm lại “bỏ nghĩa cành dâu không nhìn”. Qua câu hỏi, người con gái tỏ ý trách móc chàng trai đã không giữ trọn nghĩa tình.
4.3. Hỏi để khẳng định
	“Lìa cây, lìa cội, ai nỡ lìa hoa
	 Lìa người bạc nghĩa, chớ đôi ta sao lìa?”	
	“ Ai”,  “sao” là những yếu tố đánh dấu câu hỏi, tuy nhiên câu ca dao không hướng tới ràng buộc người nghe trả lời. Thông qua hình thức hỏi, nhân vật trữ tình khẳng định tấm lòng thủy chung đối với người mình yêu.
4.4. Hỏi để cầu khiến
	Thuộc nhóm hành vi cầu khiến bao gồm rất nhiều hành động ngôn từ cụ thể như đề nghị, yêu cầu, xin xỏ, khuyên răn, nhờ vả, mời mọc Trong ca dao, biểu thức hỏi được dùng để thực hiện các hành vi cầu khiến như:
* Hỏi- đề nghị / yêu cầu
	“Tình cờ anh gặp nàng đây
	Như cá gặp nước, như mây gặp rồng
	Rồng gặp mây, bán mây bán vũ
	Cá gặp nước, con ngược con xuôi
	Chồng nam vợ bắc anh ơi!
	Sao anh chẳng lấy một người như em?”
	Trong bài ca dao trên, cô gái đã dùng hình thức hỏi với từ nghi vấn chuyên dùng “sao”. Thông thường câu hỏi với đại từ nghi vấn “sao” được dùng để tìm hiểu nguyên nhân. Tuy nhiên trong câu ca dao người con gái không thực sự muốn chàng trai trả lời. Từ các tiền đề thuận lợi nêu trên (cá gặp nước, mây gặp rồng) , cô gái vươn đến mục đích thực hiện hành động ngôn từ gián tiếp. Cô gái muốn mời gọi, gợi ý chàng trai trai kết hôn với mình.
* Hỏi- khuyên
“Sông sâu cá lặn vào bờ
	Lấy ai thì lấy đợi chờ ta chi?"
	Trong cuộc đời, hẳn cô gái nào cũng mong mỏi có được một nơi nương tựa vững chắc, an toàn cho đời mình: (Sông sâu cá lặn vào bờ). Như vậy thì em chờ đợi ta làm gì để bỏ lỡ cơ hội được sung sướng của đời mình? Câu thứ hai có hình thức là một câu hỏi với đại từ nghi vấn “ chi” (tức để làm gì ?) nhưng thực sự đây không phải là hành vi hỏi chân thành, bởi vì con trai không ràng buộc cô gái trả lời ; mà thông qua biểu thức chàng trai muốn khuyên cô gái hãy đi lấy chồng, đừng đợi chờ chàng nữa. 
* Hỏi- mời.
	“Em thương ai nấp bụi nấp bờ
	Sớm trông đò ngược, tối chờ đò xuôi
	Thuyền anh đậu bến lâu rồi
	Sao em chưa xuống mà ngồi thuyền anh?”
	Bằng chiến lược “bắt nọn” (Thuyền anh đậu bến lâu rồi), chàng trai làm ra vẻ ta đây rất hiểu tâm lý người con gái (Em thương ai nấp bụi nấp bờ, Sớm trông đò ngược, tối chờ đò xuôi) ; để rồi cuối cùng dùng hình thức nghi vấn để giăng bẫy mời gọi người con gái (Sao em chưa xuống mà ngồi thuyền anh?). Quả là một chiến lược tỏ tình thông minh, dí dỏm.
* Hỏi – cầu hôn
	“Mặt trời đã xế về tây
	Hỡi cô cắt cỏ bên đầy bên vơi
	Cô còn cắt nữa hay thôi?
	Cho tôi cắt với làm đôi vợ chồng”
	Lại một tình huống nữa chàng trai chủ động “tấn công” người con gái thông qua hình thức câu hỏi nhưng không chờ đợi được trả lời. Về lý thuyết mà nói, câu hỏi lựa chọn (hay- hoặc) tiền giả định cho người nghe một trong hai khả năng trả lời. Với câu hỏi trên cô gái chỉ có thể trả lời “còn” hay “thôi”, nhưng thực sự chàng trai ở đây không chờ đợi câu trả lời của cô gái, bởi vì thực tế nàng chưa trả lời và chàng đã nói tiếp : “Cho tôi cắt với làm đôi vợ chồng”. Như vậy, thông qua biểu thức hỏi, chàng trai đã ngỏ lời cầu hôn cùng cô gái.
* Hỏi- nhờ
	“Ai lên Đồng Tĩnh, Huê Cầu
	Đồng Tĩnh bán thuốc, Huê Cầu nhuộm thâm
	Nào ai đi chợ Thanh Lâm?
	Mua anh một áo vải thâm hạt liền”
Cụm từ “ Nào ai” trong bài ca dao trên đánh dấu hành vi hỏi, nhưng thực chất chàng trai không vươn đến mục tiêu hỏi, mà mục đích cuối cùng là hành vi cầu khiến. Chàng trai muốn nhờ cô gái mua giùm mình chiếc áo và qua đó chàng trai muốn làm quen cô gái, muốn cô gái quan tâm đến mình.
4.2 Hiệu quả hành vi ngôn ngữ gián tiếp trong ca dao tình yêu đôi lứa 
- Thể hiện tính tế nhị trước người nghe: Người nói để cho người nghe có quyền lựa chọn hay từ chối lời mời, lời yêu cầu, lời hỏi xin...
- Do nội dung bày tỏ không được thể hiện trực tiếp trên phát ngôn, người nghe phải loại suy ý nghĩa của phát ngôn nên họ có thể hiểu nhiều cách khác nhau, từ đó, tạo nên sự phong phú, tính đa nghĩa của ngôn từ.
- Vì không phải là cách nói thẳng thừng, khô khan mà là cách nói ý nhị, trau chuốt, mượt mà nên cách nói mang tính thẩm mĩ, dễ tạo sức hấp dẫn, thuyết phục người nghe.
5. Kết luận 
Trong ca dao tình yêu đôi lứa, hỏi để thực hiện hành vi gián tiếp được thực hiện khá phổ biến, với những mục đích khác nhau. Các kiểu câu hỏi khá đa dạng với số lượng khác nhau. Các nhân vật trữ tình thường sử dụng nhiều kiểu câu hỏi- đề nghị, yêu cầu để bày tỏ nỗi lòng và mong muốn về hạnh phúc lứa đôi, đồng thời thể hiện thái độ lịch sự trong giao tiếp. Hành vi hỏi trực tiếp trong ca dao tình yêu đôi lứa cũng được sử dụng nhưng có phần hạn chế hơn. Cả hai bổ sung lẫn nhau nhằm tăng hiệu quả diễn đạt của hành vi hỏi trong ca dao. 
 Hành vi hỏi trong ca dao tình yêu đôi lứa thể hiện phần nào phép lịch sự trong văn hóa ứng xử của người Việt. Có khi là cách hỏi vòng vo, có khi là cách hỏi trực tiếp nhưng đều là những cách nói khéo léo nhằm bày tỏ tình cảm một cách tốt nhất. Ngôn từ trong những lời ca dao ấy là sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa chất thơ nghệ thuật và chất đời thường, làm cho nội dung ca dao vừa sâu lắng, trữ tình vừa gần gũi, quen thuộc. 
Tài liệu tham khảo
1. Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Tổng tập văn học dân gian người Việt (tập 16) Ca dao tình yêu đôi lứa- Quyển thượng, Nhà xuất bản Khoa học xã hội. 1997
2.Vũ Thị Thu Hương ( tuyển chọn và biên soạn), Ca dao Việt Nam- Những lời bình, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin Hà Nội năm 2000.

Tài liệu đính kèm:

  • doctai lieu tham khao.doc