Đề thi tuyển sinh lớp 10 chuyên THPT môn: Ngữ văn (môn chuyên)

Đề thi tuyển sinh lớp 10 chuyên THPT môn: Ngữ văn (môn chuyên)

Câu 1 (2 điểm): Nêu ý nghĩa của những chi tiết kỳ ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ?

Câu 2 (8 điểm): Giữa một vùng sỏi đá khô cằn, có những loài cây vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp. Viết một văn bản nghị luận (không quá hai trang giấy thi) nêu suy nghĩ của em được gợi ra từ hiện tượng trên.

Câu 3 (10 điểm): Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. (Nguyễn Đình Thi, Tiếng nói văn nghệ)

Suy nghĩ về ý kiến trên qua một số tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở.

 

doc 3 trang Người đăng honghoa45 Lượt xem 1028Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi tuyển sinh lớp 10 chuyên THPT môn: Ngữ văn (môn chuyên)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 CHUYÊN THPT 
TẠI TP.HCM NĂM HỌC 2008-2009 
MÔN: NGỮ VĂN (môn chuyên)
Câu 1 (2 điểm): Nêu ý nghĩa của những chi tiết kỳ ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ? 
Câu 2 (8 điểm): Giữa một vùng sỏi đá khô cằn, có những loài cây vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp. Viết một văn bản nghị luận (không quá hai trang giấy thi) nêu suy nghĩ của em được gợi ra từ hiện tượng trên.
Câu 3 (10 điểm): Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. (Nguyễn Đình Thi, Tiếng nói  văn nghệ) 
Suy nghĩ về ý kiến trên qua một số tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở. 
GỢI Ý GIẢI ĐỀ THI
Câu 1 (2 điểm): 
Học sinh cần trình bày được:
- Kể ra những chi tiết kỳ ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương: Phan Lang nằm mộng, thả rùa; lạc vào động rùa của Linh Phi, được đãi yến tiệc, gặp Vũ Nương - người cùng làng đã chết, rồi được sứ giả của Linh Phi đưa về dương thế; Vũ Nương hiện ra với kiệu hoa, võng lọng... lúc ẩn lúc hiện sau khi Trương Sinh lập đàn giải oan cho nàng ở bến Hoàng Giang.
- Nêu ý nghĩa của những chi tiết kỳ ảo trên: 
+ Là yếu tố nghệ thuật độc đáo, góp phần tạo nên sức hấp dẫn, lung linh của thiên truyện, đáp ứng được yêu cầu của thể loại truyền kỳ. 
+ Góp phần thể hiện giá trị tư tưởng của tác phẩm, đặc biệt là giá trị nhân đạo: tô đậm thêm vẻ đẹp phẩm chất của Vũ Nương - vẫn khao khát trở về dương thế, phục hồi danh dự; khiến câu chuyện có màu sắc như cổ tích với kết thúc có hậu, nói lên khát vọng, ước mơ của tác giả cũng như của nhân dân về sự công bằng, tốt đẹp trong cuộc đời. Ở một góc độ khác, chi tiết kỳ ảo ở cuối truyện cũng đồng thời cũng tô đậm bi kịch của Vũ Nương - hạnh phúc dương thế mà nàng khao khát chỉ là ảo ảnh, hiện ra trong thoáng chốc rồi biến mất, thể hiện niềm cảm thương của tác giả đối với số phận bi thảm của người phụ nữ dưới xã hội phong kiến. 
Câu 2 (8 điểm):
Cần đáp ứng được các yêu cầu:
- Về hình thức: trình bày thành bài văn nghị luận ngắn, có bố cục ba phần rõ ràng (mở bài, thân bài và kết luận), không quá hai trang giấy thi.
- Về nội dung: 
+ Giải thích hiện tượng: là hiện tượng có thể bắt gặp trong thiên nhiên, gợi tả sức chịu đựng, sức sống kỳ diệu của những loài cây vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp ngay trong một vùng sỏi đá khô cằn (có thể đi từ việc giải thích từ ngữ: vùng sỏi đá khô cằn chỉ sự khắc nghiệt của môi trường sống; loài cây vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp: sự thích nghi, sức chịu đựng, sức sống, vẻ đẹp). 
+ Trình bày suy nghĩ: hiện tượng thiên nhiên nói trên gợi suy nghĩ về vẻ đẹp của những con người - trong bất cứ hoàn cảnh nghiệt ngã nào vẫn thể hiện nghị lực phi thường, sức chịu đựng và sức sống kỳ diệu nhất. Đối với họ, nhiều khi sự gian khổ, khắc nghiệt của hoàn cảnh lại chính là môi trường để tôi luyện, giúp họ vững vàng hơn trong cuộc sống. Những chùm hoa thật đẹp - những chùm hoa trên đá (thơ Chế Lan Viên), thành công mà họ đạt được thật có giá trị vì nó là kết quả của những cố gắng phi thường, sự vươn lên không mệt mỏi. Vẻ đẹp của những cống hiến, những thành công mà họ dâng hiến cho cuộc đời lại càng có ý nghĩa hơn, càng rực rỡ hơn
+ Liên hệ với thực tế (trong đời sống và trong văn học) để chứng minh cho cảm nhận, suy nghĩ nói trên.  
+ Nêu tác dụng, ảnh hưởng, bài học rút ra từ hiện tượng: những con người với vẻ đẹp của ý chí, nghị lực luôn là niềm tự hào, ngưỡng mộ của chúng ta, động viên và thậm chí cảnh tỉnh những ai chưa biết chấp nhận khó khăn, thiếu ý chí vươn lên trong cuộc sống 
Câu 3 (10 điểm): 
Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo đựơc một số ý chính:
* Giải thích ý kiến của Nguyễn Đình Thi trong Tiếng nói của văn nghệ: 
- Giải thích từ ngữ:
+ Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại: đặc trưng riêng của tác phẩm nghệ thuật trong phương thức phản ánh đời sống. Người nghệ sĩ nào khi sáng tác cũng cũng lấy vật liệu mượn ở thực tại - hiện thực khách quan về cuộc sống, con người, xã hội, để xây dựng nên tác phẩm của mình. Có như vậy, tác phẩm của họ mới được công chúng đón nhận, mới đi vào cuộc sống. 
+ Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ: tác phầm không chỉ phản ánh cuộc sống thực tại khách quan (ghi lại cái đã có rồi) mà còn là nơi thể hiện những suy nghĩ chủ quan, hay nói cách khác là tâm tư tình cảm, là tư tưởng của người nghệ sĩ. Đây chính là một điều gì mới mẻ luôn xuất hiện trong sáng tác của họ. 
- Rút ra nội dung nhận định: ý kiến của Nguyễn Đình Thi đề cập đến nội dung phản ánh, thể hiện của văn nghệ: tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng phản ánh thực tại và là nơi nhà văn nhắn gửi, thể hiện thế giới tình cảm cũng như tư tưởng, quan điểm nhân sinh của mình. Đây cũng là đặc trưng của các tác phẩm văn chương, tạo nên sức cuốn hút, sự lay động tâm hồn, là Tiếng nói của văn nghệ. 
* Chứng minh qua một số tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở: 
Học sinh có thể chọn một số tác phẩm tiêu biểu trong chương trình (các lớp 6,7,8,9) để qua đó chứng minh hai vấn đề chính:
- Tác phẩm văn học phản ánh thực tại đời sống (ghi lại cái đã có rồi): hiện thực cuộc sống luôn được thể hiện rõ nét (ví dụ: xã hội phong kiến Việt Nam thế kỷỉ XVIII hiện lên với những mặt trái của nó - xã hội vô nhân đạo với những thế lực tàn ác chà đạp chà đạp con người, số phận bi thảm của người phụ nữ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du; cuộc sống đói nghèo, bị dồn vào bước đường cùng của người nông dân trong Lão Hạc của Nam Cao; không khí sôi nổi, hào hứng trong lao động xây dựng cuộc sống mới trong Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận; cuộc sống chiến đấu gian khổ ác liệt nhưng tràn đầy lạc quan trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật)
-  Tác phẩm văn học là nơi nhà văn nhắn gửi, thể hiện tình cảm cũng như tư tưởng, quan điểm nhân sinh của mình (muốn nói một điều gì mới mẻ): Truyện Kiều của Nguyễn Du thể hiện rõ nét sự bất bình, căm ghét đối với xã hội phong kiến, thái độ xót thương vô hạn của nhà văn đối với những người phụ nữ; qua Lão Hạc, Nam Cao nói lên niềm yêu mến, cảm phục đối với những người nông dân nghèo khổ mà giữ được phẩm chất tốt đẹp; Làng của Kim Lân chẳng những thể hiện cái nhìn yêu mến, trân trọng mà còn nói lên được sự biến chuyển trong nhận thức và tình cảm của người nông dân trong bổi đầu chống Pháp; Bến quê của Nguyễn Minh Châu gửi gắm suy nghĩ, bài học nhân sinh về cuộc đời của mỗi con người.
(Lưu ý: học sinh cần chú ý đến tính toàn diện, tiêu biểu của dẫn chứng). 
* Đánh giá chung:
- Ý kiến của Nguyễn Đình Thi đề cập đến nội dung có tính chất đặc trưng của tác phẩm văn nghệ nói chung, tác phẩm văn học nói riêng, gợi cho người đọc có phương pháp tiếp cận tác phẩm đúng đắn và sâu sắc. 
- Để có một nội dung sâu sắc, hấp dẫn, nhà văn chẳng những phải có vốn sống phong phú mà còn phải có tài năng nghệ thuật, và quan trọng nhất là tình cảm chân thành, tư tưởng đúng đắn. 
ThS TRIỆU THỊ HUỆ 
(tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong 

Tài liệu đính kèm:

  • docKY THI TUYEN SINH LOP 10 CHUYEN THPT TAI TPHCM NAM HOC 20082009 mon chuyen.doc