Đề thi tuyển sinh vào thpt môn Văn 9

Đề thi tuyển sinh vào thpt môn Văn 9

Câu 1 (2.0 điểm):

 Phân tích nét độc đáo của việc sử dụng từ láy trong những câu thơ sau:

Nao nao dòng nước uốn quanh,

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

Sè sè nắm đất bên đường,

Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Câu 2: (3.0 điểm)

 Tự lập là một trong những yếu tố cần thiết làm nên sự thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống.

 Hãy viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về tính tự lập của các bạn học sinh hiện nay.

 

doc 5 trang Người đăng honghoa45 Lượt xem 734Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi tuyển sinh vào thpt môn Văn 9", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GD-ĐT LÝ NHÂN ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO THPT
TRƯỜNG THCS HỢP LÝ (Thời gian làm bài: 120 phút, 
không kể thời gian giao đề)
Câu 1 (2.0 điểm): 
 Phân tích nét độc đáo của việc sử dụng từ láy trong những câu thơ sau:
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
Sè sè nắm đất bên đường,
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Câu 2: (3.0 điểm)
	Tự lập là một trong những yếu tố cần thiết làm nên sự thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống.
	Hãy viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về tính tự lập của các bạn học sinh hiện nay.
Câu 3: (5.0 điểm)
	Phân tích hình ảnh các nhân vật nữ thanh niên xung phong trong truyện “Những ngôi sao xa xôi” của tác giả Lê Minh Khuê. Qua truyện ngắn này em hình dung và hiểu biết được gì về thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ ấy ?
Hết
PHÒNG GD-ĐT LÝ NHÂN
TRƯỜNG THCS HỢP LÝ
 HƯỚNG DẪN CHẤM THI TUYỂN SINH VÀO THPT
Câu 1 (2.0 điểm): Học sinh cần thể hiện được một số yêu cầu sau:
- Chỉ ra những từ láy được sử dụng trong những câu thơ trên là: nao nao, nho nhỏ, sè sè, rầu rầu.	(0,5đ)
- Nét độc đáo của việc sử dụng từ láy trong những câu thơ trên là:
+ Các từ láy nao nao, rầu rầu là những từ láy vốn được dùng để diễn tả tâm trạng con người nhưng trong đoạn thơ lại dùng để tả cảnh vật.	(0,5đ)
+ Trong đoạn thơ, các từ láy nao nao, rầu rầu chẳng những biểu đạt được sắc thái cảnh vật (từ nao nao: góp phần diễn tả bức tranh mùa xuân thanh nhẹ với dòng nước lững lờ trôi xuôi trong bóng chiều tà; từ rầu rầu: gợi sự ảm đạm, màu sắc úa tàn của cỏ trên nấm mộ Đạm Tiên) mà còn biểu lộ rõ nét tâm trạng con người (từ nao nao: thể hiện tâm trạng bâng khuâng, luyến tiếc, xao xuyến về một buổi du xuân, sự linh cảm về những điều sắp xảy ra - Kiều sẽ gặp nấm mộ Đạm Tiên, gặp Kim trọng; từ rầu rầu: thể hiện nét buồn, sự thương cảm của Kiều khi đứng trước nấm mồ vô chủ). (0,5đ)
- Được đảo lên đầu câu thơ, các từ láy trên có tác dụng nhấn mạnh tâm trạng con người. Các từ láy nao nao, rầu rầu đã làm nổi bật nghệ thuật tả cảnh đặc sắc trong đoạn thơ: cảnh vật được miêu tả qua tâm trạng con người, nhuốm màu sắc tâm trạng con người. 	(0.5 đ)
Câu 2: (3.0 điểm) Thí sinh cần đảm bảo các yêu cầu:
Nội dung: suy nghĩ về tính tự lập của học sinh hiện nay.
Bài văn cần làm rõ các ý sau:
+ Tự lập là khả năng tự xây dựng lấy cuộc sống của mình, không ỷ lại và nhờ vả người khác. 0.25đ
+ Tự lập là một trong những yếu tố cần thiết làm nên sự thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống. 0.25đ
+ Trong học tập, người học sinh có tính tự lập sẽ có thái độ chủ động, tích cực, có động cơ và mục đích học tập rõ ràng, đúng đắn. Từ đó, nó sẽ giúp cho học sinh tìm được phương pháp học tập tốt. Kiến thức tiếp thu được vững chắc. Bản lĩnh được nâng cao. 0.5đ
+ Hiện nay, nhiều học sinh không có tính tự lập trong học tập. Họ có những biểu hiện ỷ lại, dựa dẫm vào bạn bè, cha mẹ. Từ đó, họ có những thái độ tiêu cực: quay cóp, gian lận trong kiểm tra, trong thi cử; không chăm ngoan, không học bài, không làm bài, không chuẩn bị bài. Kết quả: những học sinh đó thường rơi vào loại yếu, kém cả về hạnh kiểm và học tập. 0.5đ
+ Học sinh cần phải rèn luyện tính tự lập trong học tập vì điều đó vừa giúp học sinh có thái độ chủ động, có hứng thú trong học tập, vừa tạo cho họ có bản lĩnh vững chắc khi tiếp thu tri thức và giải quyết vấn đề. Tự lập không phải là cô lập, không loại trừ sự giúp đỡ chân thành, đúng đắn của bạn bè, thầy cô khi cần thiết, phù hợp và đúng mức. 0.5đ
+ Tính tự lập trong học tập là tiền đề để tạo nên sự tự lập trong cuộc sống. Điều đó, là một yếu tố rất quan trọng giúp cho học sinh có được tương lai thành đạt. Tính tự lập là một đức tính vô cùng quan trọng mà học sinh cần có, vì không phải lúc nào cha mẹ, bạn bè và thầy cô cũng ở bên cạnh họ để giúp đỡ họ. Nếu không có tính tự lập, khi ra đời học sinh sẽ dễ bị vấp ngã, thất bại và dễ có những hành động nông nỗi, thiếu kiềm chế. 0.5đ
Hình thức 0.5đ
+ Văn bản là một một bài văn ngắn có kết cấu hoàn chỉnh.
+ Hành văn: rõ ràng, chính xác, sinh động, mạch lạc và chặt chẽ.
Câu 3: (5.0 điểm)
Kỹ năng: Biết cách làm bài văn nghị luận văn học; kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả.
Kiến thức: HS có thể có những cách trình bày khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý chính sau:
a. Giới thiệu những nét chính về tác giả, tác phẩm, nhân vật 0.5đ
b. Phân tích hình ảnh ba nữ thanh niên xung phong 
*. Hoàn cảnh sống và chiến đấu : 
- Họ ở trong một hang dưới chân một cao điểm giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, tức là ở nơi tập trung nhất bom đạn và sự nguy hiểm, ác liệt, từng ngày, từng giờ phải đối mặt với bom rơi, đạn nổ: đường bị đánh “lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn” tưởng như sự sống bị huỷ diệt : “không có lá xanh” hai bên đường, “thân cây bị tước khô cháy”. 0.5đ
- Công việc trinh sát, phá bom lại càng đặc biệt nguy hiểm. Họ phải chạy trên cao điểm giữa ban ngày, phơi mình ra giữa vùng trọng điểm đánh phá của máy bay địch để đo và ước tính khối lượng đất đá bị bom địch đào xới, đếm những quả bom chưa nổ và dùng những khối thuốc nổ đặt vào cạnh nó để phá bom. Đó là một công việc phải mạo hiểm với cái chết, luôn căng thẳng thần kinh, đòi hỏi sự dũng cảm và bình tĩnh hết sức. “có ở đâu như thế này không : đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần. Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn không hay biết rằng khắp xung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa. Nhưng nhất định sẽ nổ”. 0.5đ
*. Những nét chung của ba nữ thanh niên xung phong 
- Họ đều thuộc thế hệ những cô gái thanh niên xung phong thời kì kháng chiến chống Mĩ mà tuổi đời còn rất trẻ có lí tưởng, đã tạm xa gia đình, xa mái trường, tình nguyện vào cái nơi mà cái sự mất còn chỉ diễn ra trong nháy mắt, một cách vô tư, hồn nhiên, cống hiến tuổi thanh xuân. Cả ba cô gái đều có tinh thần trách nhiệm cao với nhiệm vụ, lòng dũng cảm không sợ hi sinh, tình đồng đội gắn bó. Có lệnh là lên đường, bất kể trong tình huống nào, dù phải đối mặt với máy bay và bom đạn quân thù, họ luôn sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ. 0.5đ
- Cuộc sống và chiến đấu ở chiến trường thật gian khổ, nguy hiểm và luôn căng thẳng nhưng họ luôn lạc quan yêu đời. Họ đều là những cô gái trẻ với cuộc sống nội tâm phong phú, đáng yêu: dễ cảm xúc, nhiều mơ ước, hay mơ mộng, dễ vui, dễ buồn. Họ thích làm đẹp cho cuộc sống của mình, ngay cả trong hoàn cảnh chiến trường ác liệt. Nho thích thêu thùa, chị Thao chăm chép bài hát, Định thích ngắm mình trong gương, ngồi bó gối mơ mộng và hát 0.5đ
=> Quả thực, đó là những cô gái mang trong mình những tính cách tưởng như không thể cùng tồn tại: vô cùng gan dạ, dũng cảm trong chiến đấu mà vẫn hồn nhiên, vô tư trong cuộc sống. Những người như họ thật đáng trân trọng!
*. Nét riêng : 
+ Chị Thao, tổ trưởng, ít nhiều có từng trải hơn, mơ ước và dự tính về tương lai có vẻ thiết thực hơn, nhưng cũng không thiếu nhưng khát khao và rung động của tuổi trẻ. Nhưng trong công việc chị rất cương quyết, táo bạo. Đặc biệt là sự “bình tĩnh đến phát bực” : máy bay địch đến nhưng chị vẫn “móc bánh bích quy trong túi, thong thả nhai”. Có ai ngờ con người ấy lại sợ máu, sợ vắt: “thấy máu, thấy vắt là chị nhắm mắt lại, mặt tái mét”. Và không ai có thể quên được chị hát: nhạc sai bét, giọng thì chua, chị không hát trôi chảy được bài nào nhưng chị lại có ba quyển sổ dày chép bài hát . 0.5đ
+ Nho là một cô gái trẻ, xinh xắn, “trông nó nhẹ, mát mẻ như một que kem trắng”. Nho rất hồn nhiên – cái hồn nhiên của trẻ thơ: “vừa tắm ở dưới suối lên, cứ quần áo ướt, Nho ngồi, đòi ăn kẹo”. Hồn nhiên là thế nhưng cô lại bình thản vô cùng khi bị thương : “Không chết đâu. Đơn vị đang làm đường kia mà. Việc gì phải khiến cho nhiều người lo lắng”. Ngay cả lúc đau đớn như vậy nhưng gặp mưa đá, Nho vẫn nhổm dậy, môi hé mở xoè tay xin mấy viên đá mưa. Đặc biệt, khi máy bay giặc đến thì chiến đấu rất dũng cảm, hành động thật nhanh gọn. Và trong một lần phá bom, hầm của cô đã bị sập, đất phủ kín lên người. Có lẽ với những người con gái ấy, sự sống luôn cao hơn cái chết. 0.5đ
+ Phương Định là cô gái để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Phương Định là một cô học sinh thành phố dũng cảm trong lửa đạn. Cô rất nhạy cảm, hồn nhiên, mơ mộng, thích hát và hay sống với những kỉ niệm của tuổi thiếu nữ vô tư. Có thể nói đây là những nét riêng của các cô gái trẻ Hà Nội vào chiến trường tham gia đánh giặc, tuy gian khổ nhưng vẫn giữ được cái phong cách riêng của người Hà Nội, rất trữ tình và đáng yêu. 0.5đ
- Nghệ thuật: Truyện sử dụng ngôi kể thứ nhất cũng là nhận vật chính; cách kể chuyện tự nhiên, ngôn ngữ sinh động, trẻ trung; miêu tả tâm lý nhân vật tinh tế. 0.5đ
c. Đánh giá chung: Truyện “Những ngôi sao xa xôi” làm nổi bật tâm hồn trong sáng, giàu mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh mất mát nhưng rất hồn nhiên, lạc quan của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Cùng với một số tác phẩm tiêu biểu viết về đề tài chống Mỹ cứu nước như: “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”; “Chiếc lược ngà” truyện đã làm sáng tỏ những phẩm chất tốt đẹp của thế hệ trẻ thời chống Mỹ cứu nước : Yêu nước, căm thù giặc, chiến đấu dũng cảm, sống lạc quan, yêu đời. 0.5đ
Lưu ý: Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá bài làm tổng quát của học sinh, chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng biểu điểm. Những bài viết có cảm xúc, diễn đạt tốt cần được khuyến khích. 
	Hết

Tài liệu đính kèm:

  • docHop Ly.doc