Giáo án môn Ngữ văn khối 9 - Quan niệm nghệ thuật về con người của Nam Cao

Giáo án môn Ngữ văn khối 9 - Quan niệm nghệ thuật về con người của Nam Cao

Trong dòng chảy vận động của văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945, Nam Cao được đánh giá là một cây bút xuất sắc. Cuộc đời cầm bút tuy không dài nhưng Nam Cao đã lặng lẽ, miệt mài như con ong đi hút mật dâng vị ngọt cho đời, đem đến cho người đọc bao tác phẩm hay, giàu ý nghĩa. Vốn là nhà văn có trách nhiệm và nhận thức sâu sắc về nghiệp cầm bút, Nam Cao luôn tâm niệm “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những gì chưa có”. Trong dòng văn học hiện thực phê phán, Nam Cao là người đến muộn. Tưởng như các mảng màu hiện thực nhức nhối của con người, cuộc đời đã được các nhà văn đi trước khám phá và khai thác hết. Dù thế, đi trên con đường chung của dòng văn học hiện thực nhưng Nam Cao bằng cái tôi đầy ý thức sáng tạo và cái tâm của người cầm bút đã có những khám phá mới mẻ, tạo nên một tiếng nói riêng đầy cá tính khó hòa lẫn. Xã hội cũ xấu xa chính là mảnh đất ươm mầm sáng tạo, cũng là nơi đánh động trong trái tim ông niềm trắc ẩn, tình yêu thương trước những con người bần cùng, chênh vênh trên bờ vực của sự tha hóa nhân cách. Ngòi bút lạnh lùng, đầy triết lí nhưng ngầm ẩn đằng sau một trái tim đầy yêu thương của Nam Cao đã mang đến cho người đọc những trang văn hấp dẫn, giàu giá trị hiện thực và nhân đạo.

doc 15 trang Người đăng honghoa45 Lượt xem 1401Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án môn Ngữ văn khối 9 - Quan niệm nghệ thuật về con người của Nam Cao", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU.
Trong dòng chảy vận động của văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945, Nam Cao được đánh giá là một cây bút xuất sắc. Cuộc đời cầm bút tuy không dài nhưng Nam Cao đã lặng lẽ, miệt mài như con ong đi hút mật dâng vị ngọt cho đời, đem đến cho người đọc bao tác phẩm hay, giàu ý nghĩa. Vốn là nhà văn có trách nhiệm và nhận thức sâu sắc về nghiệp cầm bút, Nam Cao luôn tâm niệm “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những gì chưa có”. Trong dòng văn học hiện thực phê phán, Nam Cao là người đến muộn. Tưởng như các mảng màu hiện thực nhức nhối của con người, cuộc đời đã được các nhà văn đi trước khám phá và khai thác hết. Dù thế, đi trên con đường chung của dòng văn học hiện thực nhưng Nam Cao bằng cái tôi đầy ý thức sáng tạo và cái tâm của người cầm bút đã có những khám phá mới mẻ, tạo nên một tiếng nói riêng đầy cá tính khó hòa lẫn. Xã hội cũ xấu xa chính là mảnh đất ươm mầm sáng tạo, cũng là nơi đánh động trong trái tim ông niềm trắc ẩn, tình yêu thương trước những con người bần cùng, chênh vênh trên bờ vực của sự tha hóa nhân cách. Ngòi bút lạnh lùng, đầy triết lí nhưng ngầm ẩn đằng sau một trái tim đầy yêu thương của Nam Cao đã mang đến cho người đọc những trang văn hấp dẫn, giàu giá trị hiện thực và nhân đạo.
Trong gia tài tác phẩm giàu có của Nam Cao, “Chí Phèo” được xem là truyện ngắn xuất sắc bậc nhất. “Truyện ngắn Chí Phèo như một thứ quả lạ của một phong cách đã chín” (Vũ Tuấn Anh). Chí Phèo “lạ” từ cách viết cho đến nội dung thể hiện và quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn. Không còn là hình ảnh người nông dân thuần nhất tính cách như chị Dậu, anh Pha, “Chí Phèo” của Nam Cao mở ra sâu thẳm những cái nhìn khác nhau về con người. Có lẽ vì những khám phá mới mẻ, đầy sáng tạo mà tác phẩm Nam Cao vẫn là “cả một gia tài lồ lộ mời mọc, cả một dòng đời cuộn chảy với những bi kịch ngổn ngang với bao số phận chìm nổi” (Đoàn Lê) hấp dẫn bao thế hệ bạn đọc. 
Tìm hiểu “Quan niệm nghệ thuật về con người của Nam Cao qua truyện ngắn Chí Phèo”, người viết mong muốn có những hiểu biết sâu sắc hơn về một phương diện thi pháp trong nghệ thuật viết truyện để thấy rõ hơn tài năng, phong cách của nhà văn.
NỘI DUNG
Khái niệm quan niệm nghệ thuật về con người.
Mácxim Gorki từng nói “Văn học là nhân học”. Nhà thơ Tố Hữu cũng từng quan niệm “Con người là điểm xuất phát cũng là đích hướng đến của văn học”. Có thể nói, con người là tinh hoa của cuộc sống luôn được văn học hướng đến khám phá và thể hiện. Trong bức tranh đa sắc màu của cuộc sống và văn chương, con người chính là trung tâm của sự phản ánh và thể hiện. Viết về con người, mỗi nhà văn có một quan niệm nghệ thuật khác nhau. Thế giới nhân vật trong tác phẩm chính là sự thể hiện rõ nhất quan niệm nghệ thuật về con người. Đó là những nhân vật mang tính quan niệm. Bao giờ, một nhân vật là “con đẻ” của nhà văn cũng thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn ấy. Quan niệm nghệ thuật về con người là một phương diện thi pháp của tác phẩm.
Trong “Dẫn luận thi pháp học”, Trần Đình Sử cho rằng “Quan niệm nghệ thuật về con người là sự lý giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy con người đã được hóa thân thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mĩ cho các hình tượng nhân vật trong đó”. Là một phương diện quan trọng của thi pháp học, quan niệm nghệ thuật về con người không chỉ bộc lộ nghệ thuật thể hiện nhân vật trong tác phẩm mà còn phản ánh chiều sâu cách cảm, cách nghĩ của nhà văn về con người, về cuộc đời. Do đó, nó là một trong những yếu tố cơ bản, then chốt của một chỉnh thể nghệ thuật chi phối các phương diện nghệ thuật khác của thi pháp và góp phần tạo nên tính độc đáo trong cách thể hiện của tác phẩm. Vì vậy, thông qua quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn, ta có thể hình dung đầy đủ tư tưởng nghệ thuật cũng như dấu ấn sáng tạo của nhà văn ấy. Tìm hiểu quan niệm nghệ thuật về con người là con đường dẫn ta khám phá giá trị tác phẩm, khám phá cá tính sáng tạo, khẳng định phong cách của nhà văn.
Quan niệm nghệ thuật về con người của Nam Cao trong truyện ngắn “Chí Phèo”.
Trong sự nghiệp văn chương của Nam Cao, “Chí Phèo” được xem là truyện ngắn xuất sắc viết về người nông dân trong xã hội cũ. Không chỉ có giá trị về tư tưởng, tác phẩm còn ghi dấu sự độc đáo, mới mẻ trong nghệ thuật thể hiện. Bên cạnh kết cấu mới mẻ, cốt truyện hấp dẫn, ngôn ngữ sống động,...truyện ngắn này cũng thể hiện sự hiện đại, sáng tạo trong quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả qua hình tượng Chí Phèo. Với những khám phá về con người tha hóa, con người bi kịch, con người cô đơn, con người tự ý thức và con người với bản thể tự nhiên, truyện ngắn “Chí Phèo” đã chạm tới được nghệ thuật văn xuôi hiện đại.
2.1. Con người tha hóa
Vũ Tuấn Anh đã từng cho rằng “Với Nam Cao, đời là một tấm áo cũ bị xé rách tả tơi () Không có gì nguyên vẹn, ngay ngắn, tròn trịa, đẹp đẽ trong văn Nam Cao”. Có lẽ, đọc văn Nam Cao, ta cảm thấy đau đớn không nguôi trước những số phận người, những con người đang trượt dài trên con đường của sự tha hóa nhân cách. Hướng ngòi bút vào khám phá chiều sâu cuộc sống, len vào những ngõ hẻm đường quê để cảm thông với con người, Nam Cao đã xót xa khi phát hiện ra sự tha hóa con người đang diễn ra khắp nơi. Kiểu con người tha hóa đó ta gặp trong hình ảnh của Lang Rận, của người cha trong “Trẻ con không ăn thịt khó”, của bà cái Đĩ trong “Một bữa no”và với “Chí Phèo”, nó hiện thân trong nhân vật Chí Phèo, Năm Thọ, Binh Chức.
Sự tha hóa của Chí Phèo bắt đầu khi hắn bước ra khỏi ngưỡng cửa nhà tù trở về làng Vũ Đại. Thế nhưng, cái anh chàng Chí hiền lành, chân chất ở tuổi hai mươi thưở xưa đã không còn nữa. Thay vào đó là một Chí Phèo biến dạng, tha hóa về cả nhân tính lẫn nhân hình. Trước đây, hắn là một thằng “hiền lành như đất” và cũng ý thức rất rõ về nhân cách, rất giàu lòng tự trọng. Khi bà Ba bắt hắn bóp đùi, hắn cảm thấy “nhục hơn là thích” và hắn nghĩ “người ta không thích cái gì người ta khinh”. Hắn cũng có ước mơ giản dị như bao người về một mái gia đình “Chồng cuốc mướn cầy thuê, vợ dệt vải, chúng bỏ lại một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Nhưng rồi, Bá Kiến cùng nhà tù thực dân đã nhào nặn lại hình hài và nhân cách Chí Phèo trong một bộ dạng khác: dị dạng, méo mó, trở thành “con quỹ dữ của làng Vũ Đại” - nỗi khiếp sợ của bao người. Dường như, sau bảy tám năm ở tù về, Chí Phèo đã trượt dài trên đường ray của sự tha hóa: tha hóa nhân hình, tha hóa nhân tính, tha hóa cả những suy nghĩ. Nhân hình của Chí không còn là nhân hình của một người bình thường “Trông đặc như thằng sắng cá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất câng câng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! (...). Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông thầy tướng cầm chuỳ, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!”. Đó là nhân hình của một người dị dạng, không giống người. Xưa kia Chí cũng là một anh canh điền trẻ trai, khỏe mạnh, bình thường. Thế nhưng, bây giờ nó là sản phẩm của sự tha hóa triệt để “Cái mặt hắn không trẻ cũng không già: nó không còn phải là mặt người, nó là mặt của một con vật lạ, nhìn mặt những con vật có bao giờ biết tuổi ? Cái mặt hắn vàng vàng mà lại muốn xạm màu gio; nó vằn dọc vằn ngang, không thứ tự, biết bao nhiêu là vết sẹo”. Rõ ràng, Chí đã bị cướp mất hình hài của một con người. Phải chăng, cái ngoại hình dữ tợn bị tha hóa kia cũng là sự phản ánh cho đời sống nội tâm, cho phần nhân tính bên trong cũng đã bị hủy hoại, tha hóa không kém gì cái hình hài bên ngoài? Nhân tính của hắn là nhân tính của một “con quỹ dữ”. Hắn bây giờ không phải là anh canh điền “hiền lành như đất” mà “hắn là con quỷ dữ của làng Vũ Ðại, tác quái cho bao nhiêu dân làng.(...) hắn đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện”. Cuộc đời của hắn bây giờ là triền miên trong những cơn say, triền miên trong những cảnh ức hiếp, đâm chém, rạch mặt, ăn vạ...Những suy nghĩ, những ngộ nhận của hắn cũng phản ánh nội tâm của một con người bị tha hóa hoàn toàn. Không phải Bá Kiến xảo quyệt, không phải nhà tù thực dân hủy hoại hắn hoàn toàn mà chính hắn cũng đang từng ngày hủy hoại mình mà không hay không biết. Hắn vênh vang đắc chí khi nghĩ rằng “Không vây cánh, không họ hàng thân thích; anh em không có, đến bố mẹ cũng không... Ờ, thế mà dám độc lực chọi nhau với lý trưởng, chánh tổng, bá hộ tiên chỉ làng Vũ Ðại” và “hắn thấy hắn oai thêm bậc nữa. Hắn tự đắc: "anh hùng làng này cóc có thằng nào bằng ta !". Suy nghĩ đó của Chí phản ánh sự tha hóa đến tận cùng về nhân cách. Bây giờ, hắn sống trong trạng thái mơ hồ, nhòe mờ về thời gian và cuộc sống “Vết những mảnh chai của bao nhiêu lần ăn vạ kêu làng, bao nhiêu lần, hắn nhớ làm sao nổi? Bao nhiêu việc ức hiếp, phá phách, đâm chém, mưu hại người ta giao cho hắn làm! Những việc ấy chính là cuộc đời của hắn; cuộc đời mà hắn cũng chả biết đã dài bao nhiêu năm rồi”. Đối với hắn không còn khái niệm ngày tháng nữa mà đời là một cơn say dài kéo lê từ ngày này qua ngày khác. Hắn không còn ý thức bình thường của một con người.
Có thể thấy, nhân vật Chí Phèo là nhân vật điển hình cho mẫu con người tha hóa trong truyện Nam Cao. Chí tha hóa nhân hình, tha hóa nhân tính, tha hóa suy nghĩ và mơ hồ về cuộc sống...Thực tế, Chí Phèo là con người nhưng đã tha hóa đến bên bờ vực ranh giới của cuộc sống con vật. Sự tha hóa đó của nhân vật Nam Cao phản ánh nỗi đau của cuộc đời, của số phận con người trong xã hội cũ. Dĩ nhiên không thể đỗ lỗi hết cho hoàn cảnh bởi con người có khả năng chống lại hoàn cảnh nhưng xã hội cũ xấu xa, độc ác, nham hiểm với những con người như Bá Kiến đã không cho người ta sống cuộc sống như một con người. Xã hội đó đã đẩy người ta xuống bùn đen, tha hóa hình hài, nhân cách. Thể hiện sự tha hóa của Chí Phèo, trang văn Nam Cao đã mở ra một bức tranh hiện thực đầy rẫy bất công, u tối. Nó phản ánh cái nhìn đầy cảm thông và thăm thẳm chiều sâu nhân văn về người nông dân trong xã hội cũ của nhà văn.
2.2. Con người bi kịch.
	Cuộc đời Chí Phèo là một chuỗi ngày dài đầy bi kịch: bi kịch trong thân phận một đứa trẻ mồ côi đi ở đợ; bi kịch bị tha hóa nhân hình, nhân tínhThế nhưng, bi kịch lớn nhất và đau đớn nhất chính là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo. Và khi bi kịch này bắt đầu thì nó kéo theo bi kịch của sự cô đơn.
	Khi Chí Phèo xuất hiện giữa trang văn Nam Cao với tiếng chửi cứ kéo dài ra mãi thì cũng là lúc bi kịch cuộc đời Chí rõ ràng hiện ra trong từng câu chữ. Cùng với quá trình tha hóa, Chí Phèo đã sống cuộc đời bi kịch bị tước đoạt mất quyền làm người. Trở về làng Vũ Đại sau bảy tám năm ở tù, Chí Phèo trở thàn ... trút tất cả giận hờn, cay đắng lên Chí Phèo. Mới mơ ước cuộc sống gia đình đó bây giờ đã bị dập tắt. Chí cố gắng níu kéo, van xin thì Thị “gạt ra, lại giúi thêm một cái”. Đau đớn biết bao khi ngỡ Thị Nở sẽ là bàn tay “cứu chuộc” Chí ra khỏi nỗi cô đơn của cuộc đời “quỹ dữ” thì chính bàn tay đó lại “ruồng bỏ” Chí, làm tan đi những ước mơ về mái gia đình và cuộc sống hòa nhập với con người. Chính trong giây phút này, Chí mới cô đơn hơn hết cả. Người ta càng cô đơn hơn khi ý thức sâu sắc về nó. Chí tìm đến Bá Kiến trong sự tuyệt vọng, trả thù và kết liễu đời mình. Và ngay cả khi chết, Chí vẫn cô đơn. Làng Vũ Đại vốn không xem Chí là người thì dửng dưng bàn tán. Chỉ có Thị Nở từng có một quãng thời gian nhân ngãi yêu thương với Chí thì cũng ngẩn ngơ nhìn xuống bụng nghĩ về một cái lò gạch bỏ không như muốn cắt đứt mối liên hệ còn sót lại với Chí. Vì vậy, lúc còn sống hay cả khi chết đi rồi, Chí Phèo hoàn toàn cô đơn. Cuộc đời cô đơn của Chí Phèo nhức nhối trong trang văn Nam Cao làm ta càng xót xa thêm về số phận người nông dân trong xã hội cũ.
2.4. Con người tự ý thức
Kiểu con người tự ý thức xuất hiện đậm đặc trong văn Nam Cao ở mảng đề tài trí thức với nhân vật Hộ trong “Đời thừa”, Điền trong “Trăng sáng” Thế nhưng, đọc truyện ngắn “Chí Phèo”, ta vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng kiểu con người này ở nhân vật Chí Phèo.
Nhân vật của Nam Cao khi chênh vênh trên ranh giới thiện - ác, người - vật, vô thức – ý thức thường tự ý thức để khẳng định vẻ đẹp nhân cách của mình. Ý thức là cái giúp phân biệt con người với loài vật. Tự ý thức là trình độ cao của ý thức, thể hiện khi con người tự suy ngẫm, nhìn vào cõi lòng mình để hướng tới sự hoàn thiện. Nhân vật Chí Phèo sống cuộc đời dằng dặc trong vô thức với bản năng của con quỹ dữ nhưng cũng có những khoảng lặng ý thức tự ngẫm về cuộc đời mình. Lần đầu tiên Chí Phèo ý thức được về cuộc đời mình là khi Thị Nở xuất hiện trong cuộc đời hắn. Trước đó, trong những cơn say, Chí buông tiếng chửi thì dường như hắn cũng có ý thức, cũng biết tức vì không ai chửi lại nhưng đó chỉ là ý thức mơ hồ. Khi Thị Nở đến cùng tình yêu, sự chăm sóc thì những cảm xúc, những ước mơ khao khát, những suy ngẫm về cuộc đời rất rõ ràng xuất hiện trong đầu Chí. Đó là ý thức rất người của Chí Phèo, ý thức hoàn toàn tỉnh táo. Nghĩ về mơ ước quá khứ xa xôi, hắn “nao nao buồn”; nghĩ về hiện tại ốm đau, hắn thấy cô độc và “buồn thay cho đời”. Những âm thanh bình dị cuộc sống như tiếng chim hót, tiếng gõ mái chèo đuổi cá, tiếng trò chuyện của người đi chợ... dội vào lòng Chí Phèo, bật lên thành tiếng thở dài “Chao ôi là buồn!”. Cảm nhận sâu sắc nỗi buồn đó vì Chí Phèo đã ý thức được quãng đời tăm tối trong lốt con quỹ dữ của mình, ý thức được sự cô đơn và nỗi buồn bị đồng loại xa lánh. Chưa bao giờ, hắn ý thức giá trị con người như thế. Ý thức được là người thì phải được sống trong những mối quan hệ con người. Vì vậy, hắn khát khao lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người thông qua Thị Nở. Lần ý thức này mở ra trong Chí hi vọng, mơ ước, khát khao về những điều tốt đẹp.
Thế nhưng, càng hi vọng bao nhiêu thì nỗi đau đớn tuyệt vọng khi không đạt được càng thẳm sâu bấy nhiêu. Khi sự can ngăn của bà cô Thị Nở buông ra, Thị Nở bỏ mặc hắn níu kéo thì nẻo về cuộc đời lương thiện của Chí Phèo hoàn toàn bị cắt đứt. Lần này là lần thứ hai Chí Phèo ý thức được nỗi đau, ý thức được bi kịch cuộc đời. Ý thức thẳm sâu về kẻ thù đã gây nên bi kịch cuộc đời mình đã đưa chân Chí Phèo đến nhà Bá Kiến. Sự tự ý thức đó thể hiện rõ trong câu nói đầy đau đớn “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không!” Một người tưởng đã mất hết tính người đã ý thức được sâu sắc bi kịch không được làm người của mình. Và giết chết kẻ thù, tự kết liễu đời mình cũng chính là Chí Phèo ý thức được hắn không thể làm người lương thiện được và cũng không thể sống như trước nữa. Chính trong sự tự ý thức đầy đau đớn đó, nhân vật Nam Cao tỏa sáng vẻ đẹp nhân cách. Nam Cao đã phát hiện ra vẻ đẹp tâm hồn lương thiện còn sót lại ở Chí Phèo như một sự khẳng định vẻ đẹp con người với tấm lòng nhân đạo sâu sắc. Sự tự ý thức đã khơi nguồn trong ta những cái nhìn mới đầy tính nhân văn về con người. Con người dù tha hóa đến mất nhân tính nhân hình như Chí Phèo thì vẫn có những phút lóe sáng vẻ đẹp nhân cách. Nam Cao không hề đánh mất niềm tin vào con người. Chính trên bờ vực của sự tha hóa, sự tự ý thức đã kéo nhân vật đứng vững, không tăm tối mãi trong cuộc sống như thú vật. Cái nhìn mang vẻ đẹp đầy nhân bản của Nam Cao làm ta thêm yêu mến những trang văn sống động, chân thật như những trang đời. 
2.5. Con người với bản thể tự nhiên.
	Bàn về nhân vật Chí Phèo, Nguyễn Quang Trung cho rằng chỗ tuyệt bút của Nam Cao là ông đã xây dựng nhân vật Chí Phèo với “sự lưỡng hóa về tính cách”. Sự lưỡng hóa tính cách giữa đôi bờ say tỉnh của vô thức và ý thức, giữa thiện và ác đó cũng chính là bản thể tự nhiên của con người. Đó cũng là một phát hiện độc đáo trong quan niệm nghệ thuật về con người của Nam Cao.
Con người sinh ra trên đời không ai tốt hay xấu hoàn toàn. Thiện hay ác do chủ quan cá nhân cùng với sự tác động hoàn cảnh tạo nên. Nhân vật Chí Phèo của Nam Cao là sự đan xen bản tính thiện ác theo từng giai đoạn. Từ một anh canh điền lương thiện, Chí đánh mất nhân tính, biến dạng nhân hình thành con quỹ dữ của làng Vũ Đại; từ kẻ tha hóa, Chí mơ ước được làm người lương thiện. Dù phần ác đó chiếm phần nhiều và che khuất đi bản tính hiền lành tự nhiên của con người Chí Phèo nhưng có thể thấy, Chí Phèo có tính cách hoàn toàn hợp tự nhiên. Chí Phèo hung dữ, tưởng không còn là người cũng có những phút run run khi thấy Thị Nở, cũng biết làm tình, biết làm nũng như trẻ con. Trước Chí Phèo, Nam Cao đã phát hiện ra rằng “Ôi sao mà hắn hiền! Ai dám bảo đó là thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt và đâm chém người? Ðó là cái bản tính của hắn, ngày thường bị lấp đi”. Sự đan xen thiện - ác, phần người và phần thú trong con người Chí cũng hiện hữu trong tất cả chúng ta - những ai tồn tại với hai tiếng “con người”. Chỉ có điều, sự nổi lên của phần người hay phần thú đó là do tác động hoàn cảnh và khả năng mỗi người. Phát hiện ra bản thể tự nhiên trong con người Chí Phèo thể hiện sự mới mẻ, giàu ý nghĩa trong quan niệm nghệ thuật về con người của Nam Cao so với văn học thời bấy giờ. Nó cũng giúp chúng ta nhìn lại mình và nhân đạo hơn trong việc đánh giá một con người.
Sự sáng tạo và ý nghĩa nhân văn trong quan niệm nghệ thuật về con người của Nam Cao trong truyện ngắn “Chí Phèo”.
Nam Cao đã từng khẳng định “Một tác phẩm thật giá trị phải vượt lên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người”. Truyện ngắn Chí Phèo của ông đã làm được điều đó, hoàn toàn xứng đáng được xem là một tác phẩm giá trị về nội dung lẫn nghệ thuật. Bên cạnh sự thành công ở những bình diện khác của thi pháp như ngôn ngữ, giọng điệu, xây dựng nhân vật,...quan niệm nghệ thuật về con người của Nam Cao thể hiện qua nhân vật Chí Phèo đã phần nào cho thấy sự đổi mới đầy sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện cũng như chiều sâu nhân văn trong cách nhìn con người.
 Cùng với những quan niệm về con người như đã nói, Nam Cao đã không dẫm lên lối mòn cũ của những nhà văn hiện thực đi trước trong cách khám phá hiện thực và con người. Ông đã tự khai thông cho mình một con đường riêng tuy vất vả, khó khăn nhưng đầy dấu ấn sáng tạo. Nếu như Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan,... khám phá hiện thực chủ yếu trên những xung đột xã hội, giai cấp trực tiếp thì Nam Cao đi sâu vào những xung đột tâm lí nhân vật. Viết về người nông dân, văn học hiện thực thời bấy giờ chỉ quen nhìn con người trong con người nguyên phiến, thuần nhất về tính cách. Văn học thể hiện nỗi khổ con người chủ yếu để bộc lộ sự thông cảm và ngợi ca phẩm chất tốt đẹp của nhân vật. Chị Dậu, anh Pha dù bị dồn đẩy, bức ép của hoàn cảnh xã hội đen tối nhưng luôn giữ vững nhân cách. Thế nhưng, ở con người Chí Phèo, Nam Cao không chỉ phát hiện ra nỗi bi kịch, sự tha hóa mà còn thấy những khoảng lặng cô đơn, sự tự ý thức đầy đau đớn và cả con người mang bản tính thiện - ác tự nhiên. Đó là một cách nhìn con người hoàn toàn mới mẻ và sáng tạo.
Đổi mới và sáng tạo trong quan niệm nghệ thuật về con người, Nam Cao đã cho thấy chiều sâu trong cách phản ánh hiện thực, chiều sâu của tấm lòng nhân đạo chan chứa yêu thương của nhà văn. Qua con người Chí Phèo, ta thấy được một bức tranh xã hội cũ đen tối dồn đẩy con người ta tha hóa, vẫy vùng tuyệt vọng trong bi kịch không được làm người, đau đớn trong nỗi cô đơn đến tận cùng. Xưa nay, các nhà văn thường diễn tả nỗi khổ người nông dân nghèo đói vì áp bức. Với Nam Cao, ông cũng quan tâm đến nỗi khổ vì cái đói, miếng ăn nhưng ông thể hiện nhức nhối hơn nỗi đau của bi kịch nhân cách, nỗi cô đơn tuyệt vọng ít ai quan tâm đến trong giai đoạn này. Phát hiện ra bản tính thiện - ác rất đỗi tự nhiên của con người, Nam Cao cũng đã thể hiện lòng nhân đạo sâu sắc và niềm tin khôn nguôi vào con người. Có thể không đặt kì vọng nhiều vào con người nhưng Nam Cao không bao giờ mất niềm tin vào con người. Đó cũng chính là ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong tác phẩm của ông. Phải chăng, chính những sáng tạo mới mẻ cùng tấm lòng thông cảm, tràn đầy yêu thương của nhà văn mà những tác phẩm của ông đã lay gọi tâm hồn bao thế hệ bạn đọc với niềm yêu mến, trân trọng? Đó cũng chính là điều đã đưa Nam cao bước lên đỉnh cao của chủ nghĩa hiện thực phê phán và vươn đến tính hiện đại, hứa hẹn một nền văn học hiện đại, mới mẻ trong cách thể hiện, giàu khám phá và sáng tạo.
KẾT LUẬN
Là một nhà văn tâm huyết với nghề, luôn muốn sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị, Nam Cao như con tằm đã nhả hết tơ cho đời, cho nghiệp văn chương bằng chính vốn liếng, kinh nghiệm cầm bút của mình. Truyện ngắn “Chí Phèo” không chỉ giúp ta hiểu thêm những phát hiện đầy sáng tạo trong cách quan niệm và thể hiện của nhà văn về con người mà giúp ta yêu hơn một tài năng đang độ chín, quý hơn một tấm lòng đầy yêu thương, trân trọng con người. Với tất cả những gì đã sống và đã viết, Nam Cao xứng đáng có “phẩm chất của những gì ưu tú, là cái giá trị đã có thể đi dần vào quỹ đạo của những gì thuộc về cổ điển” (Phong Lê) để rồi bao thế hệ nhà văn và bạn đọc sau này luôn tâm niệm “Đó là một nhà văn chân chính. Phải sống và làm việc như con người ấy” (Nguyễn Khải). Tin chắc rằng, không chỉ truyện ngắn “Chí Phèo” mà cả những tác phẩm khác của Nam Cao mãi là sách gối đầu giường, sách cầm tay của bao bạn đọc qua nhiều thế hệ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Chí Phèo, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1995
Nam Cao về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, 1998.
Nguyễn Đăng Mạnh, Nhà văn tư tưởng và phong cách, NXB Tác phẩm mới, 1979.
Phong Lê, Văn học trên hành trình thế kỷ XX, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000.
Trần Đình Sử, Dẫn luận thi pháp học, NXB Giáo dục, 1996.

Tài liệu đính kèm:

  • docQuan niem nghe thuat ve con nguoi trong Chi Pheo cuaNam Cao.doc