Giáo án Ngữ văn khối 9 - Phần: Văn học trung đại

Giáo án Ngữ văn khối 9 - Phần: Văn học trung đại

Nội dung chính của truyện xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thuý Kiều, nhân vật chính trong truyện, một cô gái "sắc nước hương trời" và có tài "cầm kỳ thi họa".

Theo kịch tính của tác phẩm, có thể chia truyện thành 13 phần nhỏ như sau:

Tóm tắt

Nguyễn Du đem thuyết "tài mệnh tương đố" (tài và mệnh ghét nhau) làm luận đề cuốn truyện. Sau đó tác giả nói về gia thế và tả tài sắc hai chị em Vân - Kiều.

Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Lạ gì bỉ sắc tư phong

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

Kiều thăm mộ Đạm Tiên

Vào khoảng thời vua Minh Thánh Tông (1522-1566), trong một gia đình viên ngoại họ Vương có 3 người con, con cả là Vương Thuý Kiều, sau là Thuý Vân và Vương Quan là cậu út. Hai chị em Thúy Kiều và Thuý Vân thì "mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười", nhưng "so bề tài, sắc" thì Thuý Kiều lại hơn hẳn cô em. Trong một lần đi tảo mộ vào tiết Thanh minh, khi đi qua mộ Đạm Tiên, một "nấm đất bên đàng", Kiều đã khóc thương và không khỏi cảm thấy ái ngại cho một "kiếp hồng nhan" "nổi danh tài sắc một thì" mà giờ đây "hương khói vắng tanh". Vốn là một con người giàu tình cảm và tinh tế nên Kiều cũng đã liên cảm tới thân phận của mình và của những người phụ nữ nói chung:

 

doc 75 trang Người đăng honghoa45 Lượt xem 826Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Giáo án Ngữ văn khối 9 - Phần: Văn học trung đại", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TÓM TẮT TRUYỆN KIỀU
Nội dung chính của truyện xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thuý Kiều, nhân vật chính trong truyện, một cô gái "sắc nước hương trời" và có tài "cầm kỳ thi họa".
Theo kịch tính của tác phẩm, có thể chia truyện thành 13 phần nhỏ như sau:
Tóm tắt
Nguyễn Du đem thuyết "tài mệnh tương đố" (tài và mệnh ghét nhau) làm luận đề cuốn truyện. Sau đó tác giả nói về gia thế và tả tài sắc hai chị em Vân - Kiều.
Trăm năm trong cõi người ta, 
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau 
Trải qua một cuộc bể dâu, 
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. 
Lạ gì bỉ sắc tư phong 
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
Kiều thăm mộ Đạm Tiên
Vào khoảng thời vua Minh Thánh Tông (1522-1566), trong một gia đình viên ngoại họ Vương có 3 người con, con cả là Vương Thuý Kiều, sau là Thuý Vân và Vương Quan là cậu út. Hai chị em Thúy Kiều và Thuý Vân thì "mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười", nhưng "so bề tài, sắc" thì Thuý Kiều lại hơn hẳn cô em. Trong một lần đi tảo mộ vào tiết Thanh minh, khi đi qua mộ Đạm Tiên, một "nấm đất bên đàng", Kiều đã khóc thương và không khỏi cảm thấy ái ngại cho một "kiếp hồng nhan" "nổi danh tài sắc một thì" mà giờ đây "hương khói vắng tanh". Vốn là một con người giàu tình cảm và tinh tế nên Kiều cũng đã liên cảm tới thân phận của mình và của những người phụ nữ nói chung:
Đau đớn thay phận đàn bà 
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
Kiều gặp Kim Trọng
Cũng trong ngày hôm đó, Kiều đã gặp Kim Trọng, là một người "vốn nhà trâm anh", "đồng thân" với Vương Quan, từ lâu đã "trộm nhớ thầm yêu" nàng. Bên cạnh đó thì Kim Trọng cũng là người "vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa". Tuy chưa kịp nói với nhau một lời nhưng sau cuộc gặp gỡ này thì hai người "tình trong như đã, mặt ngoài còn e". Tiếp sau lần gặp gỡ ấy là mối tương tư:
Người đâu gặp gỡ làm chi 
Trăm năm biết có duyên gì hay không
Kim Trọng vì tương tư Kiều nên đã quên hết cả thú vui hàng ngày, tìm cách chuyển đến ở gần nhà Kiều. Sau đó mấy tuần trăng thì Kim Kiều đã gặp nhau, Kiều đã nhận lời Kim Trọng và họ đã trao đổi kỷ vật cho nhau. Nhiều lần Kim Trọng cũng muốn "vượt rào" nhưng Thuý Kiều là một người sắc sảo, cô đã thuyết phục được Kim Trọng:
Vội chi liễu ép hoa nài, 
Còn thân ắt lại đền bồi có khi! 
Thấy lời đoan chính dễ nghe, 
Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân
Kiều bán mình chuộc cha
Tai họa đã đột ngột ập đến Vương gia trong lúc người thiếu nữ còn đang thổn thức với mối tình đầu. Bọn sai nha đầu trâu, mặt ngựa đã đánh đập cha và em nàng một cách tàn nhẫn trong nỗi oan kêu trời không thấu. Trong hoàn cảnh bi đát như vậy, Kiều đành phải đi đến quyết định bán mình để chuộc cha, nhưng nàng không quên lời hẹn ước "trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai" với Kim Trọng trước khi chàng về Liêu Dương để thọ tang chú. Thuý Kiều đã nhờ cậy Thuý Vân thay mình trả lời hẹn ước với Kim Trọng:
Cậy em, em có chịu lời 
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
Trao duyên cho em xong, nàng cảm thấy xót thương cho thân phận của chính mình:
Phận sao phận bạc như vôi 
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng 
Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang!' 
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây
Do đau thương quá nên Thuý Kiều đã ngất đi trên tay người thân.
Kiều rơi vào tay Mã Giám Sinh và Tú bà Mã Giám Sinh vốn là "một đứa phong tình đã quen" cùng với Tú bà mở hàng "buôn phấn bán hương", chuyên đi mua gái ở các chốn về "lầu xanh". Thấy Thuý Kiều như là một món hàng ngon, nhất quyết mua về, lấy tiếng là làm vợ nhưng sau khi "con ong đã tỏ đường đi lối về", Thuý Kiều đã bị Tú bà bắt phải tiếp khách. Nàng nhất quyết không chịu, tự vẫn bằng dao nhưng không chết. Tú bà đành nhượng bộ cho nàng ra ở lầu Ngưng Bích. Ở nơi này, nỗi nhớ người thân luôn luôn ấp ủ trong lòng: Xót người tựa cửa hôm mai Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ.
Và nỗi buồn của người thiếu nữ được thể hiện qua những câu thơ chất chứa đầy cảm xúc: Buồn trông cửa bể chiều hôm Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa Buồn trông ngọn nước mới sa Hoa trôi man mác biết là về đâu Buồn trông nội cỏ rầu rầu Chân mây mặt đất một màu xanh xanh Buồn trông gió cuốn mặt duềnh Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
Kiều mắc lừa Sở Khanh.
Sống một mình giữa không gian mênh mông xa vắng đó nên khi gặp Sở Khanh, một gã có "hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng" và cũng khá "văn vẻ", cô như người đang sắp chết đuối vớ được cọc mà không còn bình tĩnh nhận ra lời lường gạt sáo rỗng của Sở Khanh.
Than ôi! sắc nước hương trời, 
Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây?
Kiều vội vàng trao thân cho Sở Khanh và cùng Sở Khanh trốn thoát khỏi lầu Ngưng Bích. Cô nào ngờ mình đã rơi vào lưới do Tú bà giăng sẵn để giữ cô lại vĩnh viễn ở lầu xanh. Chưa kịp cao chạy xa bay thì Tú bà đến và lúc này nàng mới rõ bản chất con người Sở Khanh:
Bạc tình, nổi tiếng lầu xanh, 
Một tay chôn biết mấy cành phù dung!
Đến lúc này, nàng đành phải chịu quy phục, mặc cho thể xác "đến phong trần, cũng phong trần như ai" và cảm thấy xót xa cho chính bản thân mình:
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh, 
Giật mình, mình lại thương mình xót xa
Kiều gặp Thúc Sinh
Thúc Sinh tuy đã có vợ là Hoạn Thư nhưng cũng là người "mộ tiếng Kiều nhi" từ lâu. Thúc Sinh trong tác phẩm này có lẽ là có diễn biến tình cảm, tâm tư mang tính của con người trong "đời thường" nhất, chứ không cách điệu nhiều như những nhân vật khác trong tác phẩm. Thế giới của Thúc Sinh là thế giới của đam mê và là sứ giả phong lưu của tình dục. Chưa có một "đấng nam nhi" nào trong truyện Kiều có cách nhìn nâng tấm thân đầy nhục dục của Kiều lên tầm thẩm mỹ như Thúc Sinh
Rõ màu trong ngọc trắng ngà! 
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên.
Do vậy Kiều đã ham sống và tự tin hơn về tương lai số phận của mình. Hai người vui vẻ bên nhau "ý hợp tâm đầu".
Khi hương sớm khi trà trưa, 
Bàn vây điểm nước đường tơ họa đàn.
Thúc Sinh đã chuộc Thuý Kiều ra khỏi lầu xanh, chàng yêu Thuý Kiều bằng một tình yêu chân thực và trân trọng cô, điều này thể hiện tính nhân văn của truyện Kiều.
Tuy nhiên, vì là gái lầu xanh Kiều đã không được Thúc Ông (bố của Thúc Sinh) thừa nhận. Thúc Ông đã đưa Kiều lên quan xét xử:
Phong lôi nổi trận bời bời, 
Nặng lòng e ấp tính bài phân chia. 
Quyết ngay biện bạch một bề, 
Dạy cho má phấn lại về lầu xanh!
Kiều quyết tâm dan díu với Thúc Sinh không chịu quay về lầu xanh nên lại thêm một lần khốn khổ:
Dạy rằng: Cứ phép gia hình! 
Ba cây chập lại một cành mẫu đơn. 
Phận đành chi dám kêu oan, 
Đào hoen quẹn má liễu tan tác mày. 
Một sân lầm cát đã đầy, 
Gương lờ nước thủy mai gầy vóc sương.
May thay vị quan đó tuy tỏ ra nghiêm khắc nhưng cũng có tình người. Thấy Thúc Sinh đau khổ khi thấy Kiều vì mình mà gặp nạn, ông đã cho Kiều làm một bài thơ bày tỏ nỗi niềm. Đọc thơ của Kiều, vị quan khen ngợi rồi khuyên Thúc Ông nên rộng lượng chấp nhận Kiều lại cho đồ sính lễ cưới xin. Nhờ thế Kiều thoát kiếp thanh lâu nhưng chưa được bao lâu thì nàng lại mắc vạ với Hoạn Thư, vợ chính của Thúc Sinh.
Kiều và Hoạn Thư
Khi biết chuyện, cha mẹ Thúc Sinh nổi giận đòi trả Kiều trở về chốn cũ, nhưng khi biết Thuý Kiều tài sắc vẹn toàn, có tài làm thơ, bố của Thúc Sinh đã phải thốt lên:
Thương vì hạnh trọng vì tài 
Thúc ông thôi cũng dẹp lời phong ba
Kiều đã ở cùng Thúc Sinh suốt 1 năm ròng và vẫn luôn khuyên Thúc Sinh về thăm vợ cả Hoạn Thư, họ vẫn chưa có con chung sau nhiều năm sống cùng nhau. Sau chuyến đi thăm và quay trở lại gặp Kiều, Thúc Sinh không ngờ rằng Hoạn Thư đã sai gia nhân đi tắt đường biển để bắt Thuý Kiều về tra hỏi. Thuý Kiều bị tưới thuốc mê bắt mang đi, còn mọi người trong nhà lúc đó cứ ngỡ cô bị chết cháy sau trận hỏa hoạn. Kiều trở thành thị tì nhà Hoạn Thư với cái tên là Hoa Nô. Lúc Thúc Sinh về nhà, nhìn thấy Thuý Kiều bị bắt ra chào mình, "phách lạc hồn xiêu", chàng nhận ra rằng mình mắc lừa của vợ cả. Hoạn Thư đã bắt Kiều phải hầu hạ, đánh đàn cho bữa tiệc của hai vợ chồng. Đánh đàn mà tâm trạng của Kiều đau đớn:
Bốn giây như khóc như than 
Khiến người trong tiệc cũng tan nát lòng 
Cũng trong một tiếng tơ đồng 
Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm
Thế rồi, do thấy Kiều khóc nhiều, Hoạn Thư bảo Thúc Sinh tra khảo vì lý do gì. Thuý Kiều viết tờ khai nói rằng vì cha bị oan khiên, phải bán mình và bị lừa vào lầu xanh, sau đó có người chuộc ra làm vợ, rồi chồng đi vắng, nàng bị bắt đưa vào cửa nhà quan... rất tủi nhục, bây giờ chỉ mong được vào chùa tu cho thoát nợ trần. Đọc tờ khai xong, Hoạn Thư đồng ý cho Hoa Nô vào Quan Âm các sau vườn để chép kinh.
Thực ra, Hoạn Thư đánh kiều rất nhiều, Nguyễn Du miêu tả về "đòn ghen" của Hoạn Thư là "nhẹ như bấc, nặng như chì". Hoạn Thư đã ứng xử theo thường tình hiện hữu của dân gian, là "chút dạ đàn bà, ghen tưông thì cũng người ta thường tình!", "Chồng chung, chưa dễ ai chiều cho ai". Hoạn Thư khéo léo phá vỡ dây tơ giữa Kiều và Thúc Sinh, làm Kiều ra đi một cách tự nguyện.
Kiều trốn khỏi Quan Âm các và đã gặp Sư trưởng Giác Duyên (duyên giác ngộ?). Bà đã cho Kiều sang ở tạm nhà Bạc Bà, một Phật tử thường hay lui tới chùa. "Ai ngờ Bạc Bà cùng với Tú Bà đồng môn", Bạc Bà đã khuyên kiều lấy cháu mình là Bạc Hạnh. Qua tay Bạc Hạnh, một lần nữa Kiều lại bị bán vào lầu xanh.
Kiều gặp Từ Hải
Ở lầu xanh, Kiều "ngậm đắng nuốt cay" sóng cuộc sống ô nhục. Một ngày đẹp trời, có mọt người khách ghé qua chơi, đó là Từ Hải, một hải tặc lừng danh thời đó: "Râu hùm hàm én mày ngài, vai năm tấc rộng, thân mười thước cao", tài năng phi thường "đường đường một đấng anh hào, côn quyền hơn sức lược thao gồm tài". Hai bên đã phải lòng nhau và Từ Hải chuộc Kiều về chốn lầu riêng. Sống với nhau được nửa năm, Từ Hải lại "động lòng bốn phương", muốn ra nơi biên thuỳ chinh chiến. Thuý Kiều muốn xin đi cùng nhưng Từ Hải không cho đi:
Nàng rằng phận gái chữ tòng 
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi 
Từ rằng tâm phúc tương tri 
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình
Trong lúc Từ Hải đi chinh chiến, nàng ở nhà nhớ tới bố mẹ chắc đã "da mồi tóc sương", còn em Thuý Vân chắc đang "tay bồng tay mang" vui duyên với Kim Trọng.
Từ Hải sau đó đã chiến thắng trở về, mang binh tướng tới đón Kiều làm lễ vu quy.
Kiều báo thù
Lúc vui mừng cũng là lúc Thuý Kiều nghĩ đến những ngày "hàn vi", nàng kể hết mọi chuyện cho Từ Hải và muốn có sự "ân đền oán trả". Những Bạc Bà, Bạc Hạnh, Sở Khanh,... đều bị chịu gia hình, còn những vị sư đã giúp đỡ Kiều trong cơn hoạn nạn đều được thưởng. Riêng Hoạn Thư nhờ khéo nói "Rằng tôi chút phận đàn bà. Ghen tuông thì cũng người ta thường tình" nên được tha. Sau đó Kiều có gặp sư Giác Duyên, được bà báo rằng 5 năm nữa hai người sẽ gặp nhau vì Kiều còn phải trải qua nhiều lận đận nữa.
Kiều tự vẫn
Hồ Tôn Hiến bấy giờ là một quan tổng đốc của triều đình, mang nhiệm vụ đến khuyên giải Từ Hải đầu hàng và quy phục triều đình. Hồ Tôn Hiến đã bày mưu mua chuộc Thuý Kiều, đánh vào ham muốn có một cuộc sống "an bình" của phụ nữ, nàng đã thật dạ tin người và xiêu lòng nghe theo l ... rời ơi, phút giây ấy mà nàng còn "quyết" được sao?! Trong đêm hợp cẩn, hai người nói quá nhiều mà không hề tâm sự (nói nhiều nhất trong mấy lần họ gặp nhau, vì nói đến ...Gà đà gáy sáng, trời vừa rạng đông mà chưa chịu lặng im!), họ đối đáp mà chẳng hàn huyên, kể khổ mà không vấn vương kỷ niệm, đàn ca trăm chiều vui vẻ mà quên mất chuyện yêu đương... Không phải chỉ riêng Thuý Kiều - Kim Trọng, cả Vương Quan, Thuý Vân, ông bà Viên ngoại, nhất cử nhất động, lời ăn tiếng nói ở ngày sum họp đều răm rắp như một sự sắp đặt máy móc của cả Thanh Tâm tài nhân và tác giả Truyện Kiều. 
Nguyễn Du phải tuân thủ kiểu kết thúc có hậu truyền thống ? Không, ông đã từng vượt qua rất xa những công thức cổ điển thời ấy. Nguyễn Du muốn đáp ứng "ước mơ phổ biến của nhân dân" (3)? Chẳng lẽ ông nhìn ước mơ của nhân dân đơn giản và gượng ép vậy sao? Vì quá yêu nhân vật nên Nguyễn Du không để họ có một kết thúc bi kịch? Nếu vì yêu mà cho họ đoàn viên kiểu ấy thì Còn tình chi nữa mà thù đấy thôi...
Trở lại đoạn kết Truyện Kiều là tìm về với một nỗi trái ngang không dứt...Hình như có một bế tắc không vượt qua ở đoạn cuối một Truyện Kiều, đoạn cuối một thiên tài?! Bao nhiêu mâu thuẫn trong triết lý Truyện Kiều cũng bắt nguồn từ sự bế tắc ấy chăng?! Chỉ có thiên tài mới thấy những đường chân trời và giới hạn không vượt qua của nó.
Chưa có nhà văn nào trước đó đăm đắm nỗi văn chương như Nguyễn Tiên Điền. Trong Mạn hứng, ông viết :
Cuộc đời trăm năm chết xác với văn chương" (4)
Ông dùng văn chương để viết về những điều trông thấy (mục trung, sở kiến) với nỗi đau lớn - những điều mà hầu hết là khó - nói - ra thành lời rành rẽ. Văn chương, với ông, là luỵ - Văn chương vô mệnh luỵ phần dư (5), là đau đòi đoạn, là một thứ nghiệp dĩ. Văn chương của ông là giọt lệ về những điều trông thấy.
Trong U cư, ông viết những câu thật khó mà diễn đạt bằng một cách khác:
Ở đất khách giả vụng về để phòng thói tục
Gặp đời loạn vì muốn giữ toàn sinh mệnh nên luôn luôn sợ người ta" (6)
Đến bài Tạp thi, ông nói rõ hơn :
Lúc loạn lạc cười khóc cũng phải theo thời" (7).
Rồi trong Xuân thu lữ thứ, ông cất tiếng lòng u uẩn:
Trên đường danh lợi buồn hay vui cũng không được tự nhiên (8). 
Vì thế, ở Truyện Kiều, ta bắt gặp sự mâu thuẫn ngay trong cách đặt và giải quyết vấn đề, trong sự dùng dằng nửa ở nửa về giữa nhiều con người trong một Nguyễn Du.
Ở Phản chiêu hồn, ông đã có một khái quát :
Đời sau ai ai cũng đều là Thượng quan
Mặt đất đâu đâu cũng là sông Mịch La (9).
Ông còn thấu triệt một cái lẽ khó nói nữa, khi ông bàn về Khuất Nguyên:
Nếu hiến lệnh của ông mà được ban hành khắp thiên hạ
Thì làm gì có Ly tao kế tiếp Quốc phong ? (10)
Như vậy, Nguyễn Du không chỉ lên án xã hội phong kiến (ở Trung Hoa hay ở Việt Nam bấy giờ) mà ông nói cả cổ kim hận sự. Ông không chủ yếu bày tỏ nỗi đau riêng mình mà muốn nói đến nỗi kỳ oan của nhân thế - Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu? Ông không chỉ nói cái ghen ghét nhất thời mà ngẫm cái vạn vật đố tài muôn thuở. Ông không chỉ nói một Trăm năm trong cõi người ta mà nhìn vào Đêm trường dạ tối tăm trời đất. Ông nghiệm ra thứ Kinh không chữ mới đúng là chân kinh...
Khi nghiên cứu Truyện Kiều, nhiều người dễ dàng chấp nhận một luận điểm rằng, do Nguyễn Du chưa nhận thức được vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp, cho nên ông chưa đạt đến điển hình xã hội mà mới dừng lại ở trình độ điển hình tâm lý (11). Quan niệm về tính điển hình như thế khi đọc Nguyễn Du e đã làm hẹp tư tưởng của cổ nhân, đưa vùng tiếp nhận của người đọc nhiều dân tộc, nhiều thời đại trở lại một quỹ đạo cố định, bất biến. Có một điều cần phải bàn lại, không rõ từ đâu, có một cách nghĩ gần như đương nhiên: Hễ nói đến tư tưởng hoang mang, bế tắc, luôn giằng xé, kiếm tìm của một tác giả nào đó, người ta thường xem đấy là một "hạn chế". Thực ra, phải hiểu ngược lại mới đúng. Sự trăn trở đến kì cùng, đến nghi ngại, đến vò xé để quán thấu một giá trị minh triết chính là đoạn kết diễm ảo của những thiên tài nghệ thuật. Không phải thiên tài thi ca thì không có nỗi niềm đó. Một thi sĩ thường thường bậc trung sẽ không có những bế tắc không thể giải quyết. Ở điểm này, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Hàn Mạc Tử...có chỗ gặp nhau...
Đoạn kết Truyện Kiều, vì thế, xem như một kết thúc chưa phải kết thúc. Bi kịch không kết như vậy. Truyện cổ dân gian cũng không có hồi kết băn khoăn ấy. Đó là cách kết của một tâm hồn giằng xé, bế tắc và đớn đau:
Thầm đọc bài ca hỏi trời
Trời cao biết đâu mà hỏi ? (12)
-------------------------------- 
(1), (3), (11) Chủ nghĩa hiện thực thời đại Nguyễn Du, Văn học, 1989
(2) Phạm Đan Quế, Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện, Nxb Thanh niên,2003
(4) Bách niên cùng tử văn chương lý
(Mạn hứng)
(5) Độc Tiểu Thanh ký
(6) Dị hương dưỡng khuyết sơ phòng tục
Loạn thế toàn sinh cửu uý nhân
(U cư)
(7) Tiếu đề tuần tục can qua tế
(Tạp thi)
(8) Danh lợi doanh trường tuỵ tiếu tần
(Xuân thu lữ thứ)
(9) Hậu thế nhân nhân giai Thượng quan
Đại địa xứ xứ giai Mịch La
(Phản chiêu hồn) 
(10) Trực giao hiến lệnh hành thiên hạ
Hà hữu Ly tao kế Quốc phong
(Tương đàm điếu Tam Lư đại phu)
(12) Ám tụng vấn thiên chương
Thiên cao hà xứ vấn
(Bất mị)
( Theo Nguyễn Minh Hùng) 
Phân tích nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm ''Người Con gái Nam Xương''
- Người con gái Nam Xương Vũ Thị Thiết có "tư dung tốt đẹp".
Tính cách nhân vật được thể hiện qua hai mối quan hệ cơ bản là quan hệ với chồng và mẹ chồng. Mối quan hệ đó diễn ra ở những thời điểm khác nhau. Ở từng thời điểm ấy, nhân vật bộc lộ cá tính của mình.
Mối quan hệ với Trương Sinh diễn ra trên bốn thời điểm: 
+ khi chồng ở nhà, 
+ khi chia tay, 
+ khi xa chồng 
+ và khi chồng trở về. 
Khi chung sống với nhau, biết Trương Sinh là người có tính đa nghi, hay ghen nên “nàng giữ gìn khuôn phép” cho gia đình hoà thuận. Khi tiễn chồng đi tòng quân, tính cách của Vũ nương được thể hiện ở lời đưa tiễn. Nàng nói với chồng: “Lang quân đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong được đeo ấn hầu trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên”. Nàng nghĩ đến những khó nhọc, gian nguy của người chồng trước rồi mới nhận ra sự lẻ loi của mình. Tù cách nói đến nội dung của những câu nói hiện lên một Vũ nương dịu dàng, thiết tha với hạnh phúc, không hư danh, thương chồng và giàu lòng vị tha, một tâm hồn có văn hoá. 
Trong những ngày xa chồng, nàng nuôi con thơ, chăm sóc mẹ chồng như mẹ đẻ của mình. Ngòi bút Nguyễn Dữ tỏ ra già dặn, nhà văn đã để cho chính người mẹ chồng ấy nhận xét về tấm lòng hiếu thảo của nàng trước khi bà cụ qua đời: “Sau này trời giúp người lành ban cho phúc trạch, giống giòng tươi tốt xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng nỡ phụ mẹ”. Trong con mắt của người mẹ chồng ấy, nàng là “người lành”. Ðến khi người chồng đi chinh chiến trở về nghi oan cho nàng, Vũ nương tỏ bày không được thì tự vẫn, chứ không sống “chịu tiếng nhuốc nhơ”.
Khi thì cách xủ thế, khi thông qua lời nói, khi hành động, khi thái độ hình ảnh Vũ nương hiện lên là một người trong trắng thuỷ chung, giàu lòng vị tha, hiếu thảo nhưng cũng là một người phụ nữ khí khái, tự trọng. Ðó là một tâm hồn đẹp, đẹp một cách có văn hoá. Dường như Nguyễn Dữ đã tập trung những nét đẹp điển hình của người phụ nữ Việt Nam vào hình tượng Vũ nương. 
- Con người đẹp, thiết tha với hạnh phúc này phải chết - Ðó chính là bi kịch về số phận con người. Vấn đề này biết bao nhà văn xưa nay tùng trăn trở. Có lẽ đó cũng là bi kịch của muôn đời. Bởi vậy, vấn đề mà Chuyện người con gái Nam Xương đặt ra là vấn đề có tính khái, quát giàu ý nghĩa nhân văn. Phía sau tấn bi kịch của Vũ nương có một cuộc sống chinh chiến, loạn li, gây cách biệt, nhưng căn bản là người chồng mù quáng đa nghi, thiếu sáng suốt. Những kẻ như thế xưa nay tùng gây ra bao nỗi oan trái, đổ vỡ trong đời. Ðó cũng là một thứ sản phẩm hằng có trong xã hội con người. Cho nên vấn đề tưởng chùng rất riêng ấy lại là vấn đề điển hình của cuộc sống. Tất nhiên trong tấn bi kịch này có phần của Vũ nương. Nàng vùa là nạn nhân nhưng cũng là tác nhân. Bởi chính nàng đã lấy cái bóng làm cái hình, lấy cái hư làm cái thật. Âu đó cũng là một bài học sâu sắc của muôn đời vậy.
- Phần truyền kì trong câu chuyện là chuyện Vũ nương không chết, trở về sống trong Quy động của Nam Hải Long Vương đó là cuộc sống đời đời. Nhà văn đã tạo ra một cuộc gặp gỡ kì thú giữa Phan Lang - một người dương thế - với Vũ Nương nơi động tiên. Cuộc gặp gỡ ấy đã làm sáng tỏ thêm những phẩm chất của Vũ nương. Khi Phan Lang nhắc đến chuyện nhà của tổ tiên thì Vũ nương “ứa nước mắt khóc”. Nàng quả thật là một con người thiện căn, thiết tha gắn bó với quê hương đời sống mà không được sống. Tính cách của nàng và bi kịch như được tô đậm khơi sâu một lần nữa. Nhưng dụng ý của nhà văn đưa phần truyền kì vào câu chuyện không chỉ có thế. Nguyễn Dữ muốn khẳng định một chân lí nghệ thuật: cái Ðẹp là bất tử. Vũ nương không sống được ở cõi đời thì sẽ sống vĩnh hằng ở cõi tiên, vì nàng là cái Ðẹp.
- Chiếc bóng -tấm lòng yêu thương ->trở thành nguyên nhân của nỗi oan bi kịch.
Chỉ âu lo với niềm bất hạnh của chính mình, nàng chẳng hề muốn gieo tai họa cho ai khác.Câu chuyện về cái bóng của mình mà Vũ Nương kể cho con nàng nghe để dỗ con , cũng như thể đang tâm sự với chính mình ,để an ủi ngóc ngách nào đó trong tâm hồn nàng :chồng nàng đang ở một nơi nào đó ,và hình bóng người chồng không lúc nào xa rời nàng . 
Bao nhiêu công sức, tâm sức chắt chiu để vun đắp gìn giữ cái gia đình bé nhỏ đã trở nên hoàn toàn vô nghĩa, nàng đã trắng tay, bơ vơ, không lối thoát, nên tìm đến cái chết ...
Thực chất là Vũ Nương đã bị bức tử, nhưng nàng đi đến cái chết thật bình tĩnh : tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng Giang ngửa mặt lên trời mà than rằng ...
Cái chết ấy là sự đầu hàng số phận nhưng cũng là lời tố cáo thói ghen tuông ích kỉ, sự hồ đồ, vũ phu của đàn ông và luật lệ phong kiến hà khắc dung túng cho sự độc ác, tối tăm.
"Nghi ngút đầu ghềnh toả khói hương,
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.
Bóng đèn dầu nhẫn đừng nghe trẻ,
Cung nước chi lo luỵ đến nàng.
Chứng quả đã dôi vầng nhật nguyệt,
Giải oan chẳng mấy lọ đàn tràng.
Qua đây bàn bạc mà chơi vậy,
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng."
(Lê Thánh Tông)
-->Chiếc bóng có phải là một thế lực vô hình ngăn cản con người ,đặc biệt là người phụ nữ đến với hạnh phúc ...
=>Hãy quan tâm đến thân phận người phụ nữ, đến số phận con người. Hãy tôn vinh hạnh phúc và đừng làm bất cứ điều gì có thể làm huỷ hoại tổn thương đến hạnh phúc đôi lứa và gia đình. Và điều quan trọng hơn hết để có được hạnh phúc là phải thực sự hiểu được nhau, tôn trọng lẫn nhau và tránh xa những ngộ nhận đáng tiếc. Có được hạnh phúc đã là một điều khó khăn, nhưng giữ hạnh phúc cho được lâu bền lại càng là một điều khó khăn hơn.
Đó là tất cả ý nghĩa mà chúng ta có thể nhận ra được từ : Chuyện người con gái Nam Xương..
( Sưu tầm )

Tài liệu đính kèm:

  • docVan hoc trung dai lop 9.doc