Mở bài và kết bài của một số văn bản lớp 9

Mở bài và kết bài của một số văn bản lớp 9

BÀI THƠ VỀ TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH

Mở bài

Phạm Tiến Duật là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Thơ ông có giọng tự nhiên, tinh nghịch mà sôi nổi, đã góp phần làm sống mãi hình ảnh thế hệ thanh niên thời chống Mĩ gian khổ, ác liệt mà vẫn phơi phới niềm tin. Tiêu biểu là “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” (1969). Qua đó, tác giả làm nổi bật hình ảnh những người lái xe ở tuyến đường Trường Sơn hiên ngang, dũng cảm, trẻ trung, sôi nổi.

NÓI VỚI CON

Mở bài

Nhà thơ Y Phương là người dân tộc Tày. Ông có nhiều bài thơ viết về quê hương, dân tộc mình. Thơ ông hồn nhiên mà trong sáng, chân thật mà mạnh mẽ. Cách tư duy trong thơ ông độc đáo, giàu hình ảnh, thể hiện phong cách của con người miền núi. Bài thơ “Nói với con” là một khúc tâm tình của người cha dặn dò con, thể hiện lòng yêu thương con cuả người miền núi và ước mong thế hệ con cái phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông.

 

doc 6 trang Người đăng duyphuonghn Lượt xem 774Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Mở bài và kết bài của một số văn bản lớp 9", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Mở bài và kết bài của một số văn bản lớp 9 
BÀI THƠ VỀ TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH
Mở bài
Phạm Tiến Duật là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Thơ ông có giọng tự nhiên, tinh nghịch mà sôi nổi, đã góp phần làm sống mãi hình ảnh thế hệ thanh niên thời chống Mĩ gian khổ, ác liệt mà vẫn phơi phới niềm tin. Tiêu biểu là “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” (1969). Qua đó, tác giả làm nổi bật hình ảnh những người lái xe ở tuyến đường Trường Sơn hiên ngang, dũng cảm, trẻ trung, sôi nổi.
NÓI VỚI CON
Mở bài
Nhà thơ Y Phương là người dân tộc Tày. Ông có nhiều bài thơ viết về quê hương, dân tộc mình. Thơ ông hồn nhiên mà trong sáng, chân thật mà mạnh mẽ. Cách tư duy trong thơ ông độc đáo, giàu hình ảnh, thể hiện phong cách của con người miền núi. Bài thơ “Nói với con” là một khúc tâm tình của người cha dặn dò con, thể hiện lòng yêu thương con cuả người miền núi và ước mong thế hệ con cái phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông.
ĐỒNG CHÍ
Mở bài
Chính Hữu là nhà thơ quân đội trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Chính Hữu viết không nhiều, những tác phẩm của ông hầu như chỉ viết về người lính và chiến tranh. Bài thơ “Đồng chí” là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất về người lính cách mạng thời kháng chiến chống Pháp, được sáng tác đầu năm 1948 (in trong tập thơ “Đầu súng trăng treo”). Với ngôn ngữ cô đọng, giàu hình ảnh tác phẩm thể hiện vẻ đẹp của tình đồng đội, đồng chí giản dị, mộc mạc mà sâu sắc của những người lính cách mạng trong những ngày tháng chiến đấu gian lao, chống kẻ thù xâm lược. 
VIẾNG LĂNG BÁC
Mở bài
Viễn Phương là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng miền Nam thời chống Mĩ. Năm 1976, sau khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vừa khánh thành, Viễn Phương ra miền Bắc, vào lăng viếng Bác Hồ. Bài thơ “Viếng lăng Bác” được sáng tác trong dịp đó và in trong tập thơ “Như mây mùa xuân”. Tác phẩm thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và của mọi người đối với Bác.
MÙA XUÂN NHO NHỎ
Mở bài
Nhà thơ Thanh Hải hoạt động văn nghệ từ cuối những năm chống Pháp. Trong thời chống Mĩ, ông ở lại quê hương hoạt động và là một trong những cây bút có công xây dựng nền văn học cách mạng ở miền Nam từ những ngày đầu. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được sáng tác không bao lâu trước khi nhà thơ qua đời (11-1980). Bằng sự diễn đạt gợi cảm, Thanh Hải thể hiện niềm yêu mến thiết tha cuộc sống và ước nguyện chân thành của tác giả được cống hiến cho đất nước.
CHIẾC LƯỢC NGÀ
Mở bài
“Chiếc lược ngà” là một trong những truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Quang Sáng trong thời kháng chiến chống Mĩ, được đưa vào tập truyện cùng tên của ông. Với tình huống độc đáo và tài năng của người cầm bút, tác giả đã tạo nên một câu chuyện cảm động về tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh.
NHỮNG NGÔI SAO XA XÔI
Mở bài
Lê Minh Khuê là cây bút nữ nghiêng về truyện ngắn. Trong những năm chiến tranh chống Mĩ, truyện của Lê Minh Khuê viết về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ trên tuyến đường Trường Sơn. Tiêu biểu là truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” (1971). Truyện phản ánh chân thực tâm hồn trong sáng, mơ mộng, cuộc sống chiến đấu gian khổ và tinh thần lạc quan của các cô gái mở đường Trường Sơn giữa trọng điểm ném bom ác liệt của máy bay Mĩ.
LẶNG LẼ SA PA
Mở bài
Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long được sáng tác năm 1970 (nhân chuyến đi Lào Cai) trong không khí cả nước đánh Mĩ và thắng Mĩ (in trong tập “Giữa trong xanh”). Truyện khắc hoạ thành công hình ảnh những người lao động bình thường mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng ở một mình trên đỉnh núi cao. Đây là truyện ngắn giàu chất thơ song rất có giá trị hiện thực và ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
CHỊ EM THUÝ KIỀU
Mở bài
Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, là danh nhân văn hoá thế giới. Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du gồm những tác phẩm có giá trị lớn bằng chữ Hán và chữ Nôm. Sáng tác chữ Nôm xuất sắc nhất là “Đoạn trường tân thanh”, thường gọi là “Truyện Kiều”. Bên cạnh giá trị nội dung, “Truyện Kiều” còn nổi bật về giá trị nghệ thuật, đặc sắc nhất là bút pháp miêu tả người. Điều này được thể hiện rõ nét nhất trong đoạn trích “Chị em Thuý Kiều” (nằm ở phần mở đầu của tác phẩm)
ĐOÀN THUYỀN ĐÁNH CÁ
Mở bài
Huy Cận là nhà thơ nổi tiếng của phong trào thơ mới, đồng thời là một trong những gương mặt tiêu biểu của nền thơ hiện đại Việt Nam. Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” được sáng tác năm 1958 nhân một chuyến đi thực tế ở Hồng Gai (Quảng Ninh) và in trong tập “Trời mỗi ngày lại sáng”. Bằng bút pháp lãng mạn, tích cực, tác giả ca ngợi vẻ đẹp của người lao động được giải phóng đang hăng say xây dựng đất nước.
BẾP LỬA
Mở bài
Bằng Việt thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong thời kì chống Mĩ cứu nước. Thơ Bằng Việt trong trẻo, mượt mà, khai thác những kỉ niệm và mơ ước của tuổi trẻ nên rất gần gũi với bạn đọc trẻ. Bài thơ “Bếp lửa” được sáng tác năm 1963 (in trong tập “Hương cây - Bếp lửa”) khi tác giả đang du học tại Liên Xô. Bài thơ gợi lại những kỉ niệm xúc động về tình bà cháu, đồng thời thể hiện lòng kính yêu, trân trọng, biết ơn của người cháu đối với bà và cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước.
KIỀU Ở LẦU NGƯNG BÍCH
Mở bài
Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, là danh nhân văn hoá thế giới. Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du gồm những tác phẩm có giá trị lớn bằng chữ Hán và chữ Nôm. Sáng tác chữ Nôm xuất sắc nhất là “Truyện Kiều”. Trong tác phẩm, đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” (phần thứ hai) vẫn được người đọc xưa nay xem là một trong những đoạn thơ tuyệt vời về nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật và bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Đoạn thơ cho thấy cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi, tấm lòng thuỷ chung, hiếu thảo của Thuý Kiều khi nàng bị Tú Bà giam lỏng.
SANG THU
Mở bài
Hữu Thỉnh là nhà thơ quân đội, đi nhiều, viết nhiều và có một số bài thơ đặc sắc về con người cùng cuộc sống ở nông thôn. Bài thơ “Sang thu” được sáng tác vào cuối năm 1977, in lần đầu tiên trên báo Văn nghệ. Nội dung thể hiện tâm trạng bâng khuâng, xao xuyến của nhà thơ trước những chuyển biến tinh tế của trời đất và là bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ lúc giao mùa từ hạ sang thu.
RÔ – BIN – XƠN NGOÀI ĐẢO HOANG
Mở bài
Đe-ni-en Đi-phô là nhà văn lớn của nước Anh thế kỉ XVIII. Văn bản “Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang” trích trong cuốn tiểu thuyết “Rô-bin-xơn Cru-xô” là tác phẩm đầu tay và cũng nổi tiếng nhất của ông. Qua bức chân dung tự hoạ của nhân vật, ta hình dung được cuộc sống vô vàn khó khăn, gian khổ và tinh thần lạc quan của Rô-bin-xơn khi chỉ có một mình nơi hoang đảo vùng xích đạo suốt mười mấy năm ròng rã.
CHỊ EM THUÝ KIỀU
Kết bài
Nói tóm lại, qua đoạn trích, tác giả đã sử dụng bút pháp nghệ thuật ước lệ, lấy vẻ đẹp của thiên nhiên để gợi tả vẻ đẹp của con người nhằm khắc hoạ rõ nét bức chân dung của hai chị em Thuý Kiều, mà đặc biệt là nhân vật chính Thuý Kiều. Bài thơ đã đề cao, ca ngợi vẻ đẹp, tài năng và dự báo về kiếp tài hoa bạc mệnh của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến là biểu hiện của tấm lòng, cảm hứng nhân đạo của thiên tài văn học Nguyễn Du.
KIỀU Ở LẦU NGƯNG BÍCH
Kết bài
Cả đoạn trích như một bức tranh buồn đến tê lòng. Điệp ngữ liên hoàn “Buồn trông” với biện pháp tăng tiến cùng kèm theo câu hỏi tu từ đã đưa nỗi lòng Kiều từ cô đơn, lẻ loi, buồn nhớ lên đến tột đỉnh của sự thất vọng, lo sợ. Trong cảnh ngộ ở lầu Ngưng Bích, Kiều là người đáng thương nhất nhưng nàng đã quên cảnh ngộ bản thân để nghĩ về Kim Trọng, nghĩ về cha mẹ. Kiều là người tình thuỷ chung, người con hiếu thảo, người có tấm lòng vị tha đáng trọng.
Đoạn trích ‘Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một đoạn thơ hay trong “Truyện Kiều”. Những câu thơ có hoa, có nhạc ấy vừa vẽ ra một biển trời chiều hôm lại vừa tấu lên một giai điệu sâu lắng của lòng người. Ở đây, không chỉ có cảnh đẹp, tình sầu mà lòng nhà thơ tưởng như cũng hoà với lòng nhân vật, cùng đồng cảm, buồn thương, đau xót trước một kiếp người tài, sắc, hiếu thảo bị giam hãm, cầm tù, một kiếp người bị săn đuổi.
ĐỒNG CHÍ
Kết bài
“Đồng chí!” .Đọc xong bài thơ trong mỗi chúng ta đều lắng lại những cảm xúc dạt dào. Chúng ta đã cảm nhận được mối tình đồng chí đậm đà ấy qua những lời thơ nhẹ nhàng, tha thiết như bài hát tâm tình của Chính Hữu. Cuộc kháng chiến chống Pháp đã thắng lợi vẻ vang, trang sử vàng đã sang qua bao nhiêu giai đoạn mới, thế nhưng mỗi lần đọc lại bài thơ “Đồng chí”, ta như thấy rõ hình ảnh của anh bộ đội cụ Hồ hiện lên sáng rực thật cao đẹp, thật thân thương trong những lời thơ của Chính Hữu.
BÀI THƠ VỀ TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH
Kết bài
Bằng cách đưa vào bài thơ chất liệu hiện thực sinh động của cuộc sống ở chiến trường; ngôn ngữ và giọng điệu giàu tính khẩu ngữ, tự nhiên, khoẻ khoắn. Phạm Tiến Duật khắc hoạ nổi bật hình ảnh những người lính lái xe ở Trường Sơn thời chống Mĩ hiên ngang, lạc quan, dũng cảm. Họ là hình ảnh tiêu biểu của anh bộ đội cụ Hồ:
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phới phới dậy tương lai”
(Tố Hữu)
Chiến tranh đã lùi xa nhưng khi đọc bài thơ, người đọc như được sống lại một thời gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt. Bài thơ là một chứng tích tuyệt đẹp của hậu phương lớn đối với tiền tuyến anh hùng.
ĐOÀN THUYỀN ĐÁNH CÁ
Kết bài
Tóm lại, qua bài thơ, Huy Cận đã cho ta thấy được sự giàu đẹp của biển cả quê hương và vẻ đẹp của con người lao động mới. Chất lãng mạn, trữ tình của bài thơ đã truyền cho ta cảm xúc dạt dào, ta cảm nhận được cái đẹp trong cuộc sống mới, giúp ta có niềm tin thêm yêu đời, yêu cuộc sống. Với sự sáng tạo độc đáo trong bút pháp lãng mạn, bài thơ giữ được vị trí xứng đáng trong nền thơ ca hiện đại của chúng ta.
BẾP LỬA
Kết bài
Điểm nổi bật về nội dung, nghệ thuật của bài thơ là sự suy ngẫm, phát hiện chiều sâu tư tưởng của các hình tượng thơ. Bài thơ chứa đựng một ý nghĩa triết lí thầm kín: Những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người đều có sức toả sáng, nâng đỡ con người suốt hình trình dài rộng của cuộc đời. Tình yêu thương và lòng biết ơn bà chính là một biểu hiện cụ thể của tình yêu thương, sự gắn bó với gia đình, quê hương, và đó cũng là sự khởi đầu của tình yêu con người, tình yêu đất nước. Thành công của bài thơ là sự sáng tạo hình tượng bếp lửa vừa thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng mà còn kết hợp miêu tả, biểu cảm, tự sự và bình luận giọng điệu và thể thơ 8 chữ phù hợp với cảm xúc hồi tưởng và suy ngẫm.
LẶNG LẼ SA PA
Kết bài
Qua truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, tác giả muốn nói với người đọc: “Trong cái lặng im của Sa Pa [], có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước”. Đồng thời qua câu chuyện về anh thanh niên, tác phẩm cũng gợi lên ý nghĩa và niềm vui của lao động tự giác. Truyện đã xây dựng được một tình huống hợp lí, cách kể chuyện tự nhiên có sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình và bình luận. Anh thanh niên trong truyện ngắn là hình tượng điển hình cho thế hệ trẻ Việt Nam đang xây dựng đất nước. Một con người với lí tưởng cao đẹp. Sống và cống hiếnAnh là tấm gương cho chúng ta học tập, noi theo.
CHIẾC LƯỢC NGÀ
Kết bài
Qua truyện “Chiếc lược ngà” nói chung và đoạn trích nói riêng, tác giả đã thành công ở nghệ thuật xây dựng tình huống bất ngờ mà hợp lí, tự nhiên. Ở ngòi bút miêu tả tâm lí và tính cách nhân vật, nhất là nhân vật trẻ em. Đoạn trích đã thể hiện thật cảm động tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. Qua đó, tác giả khẳng định và ca ngợi tình cảm cha con thiêng liêng như một giá trị nhân bản sâu sắc, nó còn cao đẹp trong những hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy mà ý nghĩa tố cáo, lên án chiến tranh xâm lược của truyện khá sâu sắc.
MÙA XUÂN NHO NHỎ
Kết bài
Thanh Hải đã tìm ra ý nghĩa, sự cao đẹp của cuộc sống, của sự cống hiến. Bài thơ có nhịp điệu nhẹ nhàng, êm ái, lắng đọng như nốt trầm nhưng lại làm lòng người xao xuyến, xúc động trào dâng. Tác giả đã đem lại cho ta thật nhiều điều quí giá, một tấm chân tình cao đẹp. Ta nguyện cũng sẽ như tác giả, sẽ làm một mùa xuân nho nhỏ để đóng góp cho đời, để thực hiện ước mong, lời nhắn nhủ của Thanh Hải.
VIẾNG LĂNG BÁC
Kết bài
Bài thơ “Viếng lăng Bác” thật giàu hình ảnh, cảm xúc, mấy ai đọc bài thơ mà không thấy rung động trong lòng. Bằng cách sử dụng điêu luyện những biện pháp tu từ một cách sáng tạo, tác giả đã thể hiện tình cảm ngọt ngào, đằm thắm lại rất giản dị, chân thành đối với Bác. Nhà thơ đã truyền được cảm xúc của mình đến với người đọc chính bởi cảm xúc của tác giả cũng là cảm xúc của cả đồng bào Nam Bộ nói riêng, của dân tộc nói chung. Chúng ta - những cháu ngoan Bác Hồ cũng xin nguyện như Viễn Phương làm cây tre trung hiếu, làm bông hoa đẹp, làm tiếng chim hay và làm muôn ngàn công việc tốt để dâng lên Người. 
SANG THU
Kết bài
“Sang thu” của Hữu Thỉnh đã không chỉ mang đến cho người đọc những cảm nhận mới về mùa thu quê hương mà còn làm sâu sắc hơn tình cảm quê hương trong trái tim mọi người. Với “Sang thu” người đọc có thể nhìn thấy ở đó hình ảnh của quê hương xứ sở mình, hình ảnh của tâm hồn mình. Miêu tả mùa thu bằng những bước chuyển mình của vạn vật, Hữu Thỉnh đã khuấy động một cách nhìn riêng, một lối miêu tả riêng, thoát khỏi những ước lệ để khẳng định vị trí của mình trên con đường sáng tạo nghệ thuật.
NÓI VỚI CON
Kết bài
Qua lời nói với con, bằng những từ ngữ, hình ảnh giàu sức gợi cảm, nhà thơ thể hiện tình cảm gia đình đầm ấm, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương và dân tộc mình. Bài thơ giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một người dân tộc miền núi, gợi nhắc chúng ta tình cảm gắn bó truyền thống, với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống.
NHỮNG NGÔI SAO XA XÔI
Kết bài
Truyện “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê đã làm sống lại cuộc sống và chiến đấu của những cô thanh niên xung phong ở Trường Sơn trong thời chống Mĩ. Những hình ảnh cao đẹp của họ tiêu biểu cho thế hệ trẻ trong những năm tháng hào hùng của Tổ quốc:
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phới phới dậy tương lai”
(Tố Hữu)
Chiến tranh đã đi qua nhưng hình ảnh ba cô gái phá bom, với những chiến công thầm lặng của họ sẽ bất tử với năm tháng và lòng người. Những đôi mắt của họ, những trái tim rực đỏ của họ sẽ là “những ngôi sao xa xôi” mãi mãi lung linh, toả sáng hồn ta với bao ngưỡng mộ, biết ơn.
RÔ – BIN – XƠN NGOÀI ĐẢO HOANG
Kết bài
“Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang” là bài ca lao động sáng tạo hào hùng của con người. Rô-bin-xơn đã rơi vào hoàn cảnh cực kì khó khăn. Một người khác ở hoàn cảnh ấy có lẽ đã chán nản, tuyệt vọng, buông xuôi rồi chết. Nhưng Rô-bin-xơn thì không như vậy. Chàng bám chắc lấy cuộc sống, không phải để sống lay lắt, mà luôn luôn phấn đấu để cuộc sống ngày càng tốt hơn. Chàng không để thiên nhiên khuất phục mà đã khuất phục được thiên nhiên. Cái vĩ đại và đáng quí nhất ở anh là anh đã sống đẹp như một con người chân chính.

Tài liệu đính kèm:

  • docmo_bai_va_ket_bai_cua_mot_so_van_ban_lop_9.doc