Văn mẫu - Em hãy phát biểu cảm nghĩ về một người thân yêu nhất

Văn mẫu - Em hãy phát biểu cảm nghĩ về một người thân yêu nhất

 Trong cuộc sống hàng ngày, có biết bao nhiêu người đáng để chúng ta thương yêu và dành nhiều tình cảm. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng, người thân yêu nhất của bạn là ai chưa? Với mọi người câu trả lời ấy có thể là ông bà, là mẹ, là anh chị hoặc cũng có thể là bạn bè chẳng hạn. Còn riêng tôi, hình ảnh người bố sẽ mãi mãi là ngọn lửa thiêng liêng, sưởi ấm tâm hồn tôi mãi tận sau này.

 Bố tôi không may mắn như những người đàn ông khác. Trong suốt cuộc đời bố có lẽ không bao giờ được sống trong sự sung sướng, vui vẻ. Bốn mươi tuổi khi chưa đi được nửa chặng đời người, bố đã phải sống chung với bao nhiêu bệnh tật: Đầu tiên đó chỉ là những cơn đau dạ dày, rồi tiếp đến lại xuất hiện thêm nhiều biến chứng. Trước đây, khi còn khỏe mạnh, bao giờ bố cũng rất phong độ.

 Thế nhưng bây giờ, vẻ đẹp ấy dường như đã dần đổi thay: Thay vì những cánh tay cuồn cuộn bắp, giờ đây chỉ còn là một dáng người gầy gầy, teo teo. Đôi mắt sâu dưới hàng lông mày rậm, hai gò má cao cao lại dần nổi lên trên khuôn mặt sạm đen vì sương gió. Tuy vậy, bệnh tật không thể làm mất đi tính cách bên trong của bố, bố luôn là một người đầy nghị lực, giàu tự tin và hết lòng thương yêu gia đình.

 Gia đình tôi không khá giả, mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng tiền bố mẹ kiếm được hàng ngày. Dù bệnh tật, ốm đau nhưng bố chưa bao giờ chịu đầu hàng số mệnh. Bố cố gắng vượt lên những cơn đau quằn quại để làm yên lòng mọi người trong gia đình, cố gắng kiếm tiền bằng sức lao động của mình từ nghề xe lai.

 

doc 6 trang Người đăng honghoa45 Lượt xem 881Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Văn mẫu - Em hãy phát biểu cảm nghĩ về một người thân yêu nhất", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề bài: “Em hãy phát biểu cảm nghĩ về một người thân yêu nhất”
Bài làm:
Bài văn đạt 9,5 điểm của cô học trò chuyên toán Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An), Nguyễn Thị Hậu
 Trong cuộc sống hàng ngày, có biết bao nhiêu người đáng để chúng ta thương yêu và dành nhiều tình cảm. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng, người thân yêu nhất của bạn là ai chưa? Với mọi người câu trả lời ấy có thể là ông bà, là mẹ, là anh chị hoặc cũng có thể là bạn bè chẳng hạn. Còn riêng tôi, hình ảnh người bố sẽ mãi mãi là ngọn lửa thiêng liêng, sưởi ấm tâm hồn tôi mãi tận sau này.
 Bố tôi không may mắn như những người đàn ông khác. Trong suốt cuộc đời bố có lẽ không bao giờ được sống trong sự sung sướng, vui vẻ. Bốn mươi tuổi khi chưa đi được nửa chặng đời người, bố đã phải sống chung với bao nhiêu bệnh tật: Đầu tiên đó chỉ là những cơn đau dạ dày, rồi tiếp đến lại xuất hiện thêm nhiều biến chứng. Trước đây, khi còn khỏe mạnh, bao giờ bố cũng rất phong độ. 
 Thế nhưng bây giờ, vẻ đẹp ấy dường như đã dần đổi thay: Thay vì những cánh tay cuồn cuộn bắp, giờ đây chỉ còn là một dáng người gầy gầy, teo teo. Đôi mắt sâu dưới hàng lông mày rậm, hai gò má cao cao lại dần nổi lên trên khuôn mặt sạm đen vì sương gió. Tuy vậy, bệnh tật không thể làm mất đi tính cách bên trong của bố, bố luôn là một người đầy nghị lực, giàu tự tin và hết lòng thương yêu gia đình.
 Gia đình tôi không khá giả, mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng tiền bố mẹ kiếm được hàng ngày. Dù bệnh tật, ốm đau nhưng bố chưa bao giờ chịu đầu hàng số mệnh. Bố cố gắng vượt lên những cơn đau quằn quại để làm yên lòng mọi người trong gia đình, cố gắng kiếm tiền bằng sức lao động của mình từ nghề xe lai.
Hàng ngày, bố phải đi làm từ khi sáng sớm cho tới lúc mặt trời đã ngã bóng từ lâu. Mái tóc bố đã dần bạc đi trong sương sớm. Công việc ấy rất dễ dàng với những người bình thường nhưng với bố nó rất khó khăn và gian khổ. Bây giờ có những lúc phải chở khách đi đường xa, đường sốc thì những cơn đau dạ dạy của bố lại tái phát. 
 Và cả những ngày thời tiết thay đổi, có những trưa hè nắng to nhiệt độ tới 38-48 độ C, hay những ngày mưa ngâu rả rích cả tháng 7, tháng 8, rồi cả những tối mùa đông lạnh giá, bố vẫn cố gắng đứng dưới những bóng cây kia mong khách qua đường. Tôi luôn tự hào và hãnh diện với mọi người khi có được một người bố giàu đức hy sinh, chịu thương, chịu khó như vậy.
 Nhưng có phải đâu như vậy là xong. Mỗi ngày bố đứng như vậy thì khi trở về những cơn đau quằn quại lại hành hạ bố. Nhìn khuôn mặt bố nhăn nhó lại, những cơn đau vật vã mà bố phải chịu đựng, tôi chỉ biết òa lên mà khóc. Nhìn thấy bố như vậy, lòng tôi như quặn đau hơn gấp trăm ngàn lần. Bố ơi, giá như con có thể mang những cơn đau đó vào mình thay cho bố, giá như con có thể giúp bố kiếm tiền thì hay biết mấy? Nếu làm được gì cho bố vào lúc này để bố được vui hơn, con sẽ làm tất cả, bố hãy nói cho con được không?
 Những lúc ấy, tôi chỉ biết ôm bố, xoa dầu cho bố, tôi chỉ muốn với bố đừng đi làm nữa, tôi có thể nghỉ học, như vậy sẽ tiết kiệm được chi tiêu cho gia đình, tôi có thể kiếm được tiền và chữa bệnh cho bố. Nhưng nếu nhắc đến điều đó chắc chắn là bố sẽ buồn và thất vọng ở tôi nhiều lắm. 
 Bố luôn nói rằng bố sẽ luôn chiến đấu. Chiến đấu cho tới những chút sức lực cuối cùng để có thể nuôi chúng tôi ăn học thành người. Bố rất quan tâm đến việc học của chúng tôi. Ngày xưa bố học rất giỏi nhưng nhà nghèo bố phải nghỉ học. Vào mỗi tối, khi còn cố gắng đi lại được, bố luôn bày dạy cho mấy chị em học bài. 
 Trong những bữa cơm bố thường nhắc chúng tôi cách sống, cách làm người sao cho phải đạo. Tôi phục bố lắm, bố thuộc hàng mấy nghìn câu Kiều, hàng trăm câu châm ngôn, danh ngôn nổi tiếng
Lời phê của cô giáo Phan Thị Thanh Vân:
“Em là một người con ngoan, bài viết của em đã làm cho cô rất xúc động. 
Điều đáng quý nhất của em là tình cảm chân thực và em có một trái tim nhân hậu, em đã cho cô một bài học làm người.
Mong rằng đây không chỉ là trang văn mà còn là sự hành xử của em trong cuộc đời”.
 Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng tự giác học tập. Tôi sẽ làm một bác sĩ và sẽ chữa bệnh cho bố, sẽ kiếm tiền để phụng dưỡng bố và đi tiếp những bước đường dở dang trong tuổi trẻ của bố. Tôi luôn biết ơn bố rất nhiều, bố đã dành cho tôi một con đường sáng ngời, bởi đó là con đường của học vấn, chứ không phải là con đường đen tối của tiền bạc. Tôi sẽ luôn lấy những lời bố dạy để sống, lấy bố là gương sáng để noi theo.
 Và tôi khâm phục không chỉ bởi bố là một người giỏi giang, là một người cao cả, đứng đắn, lòng kiên trì chịu khó mà còn bởi cách sống lạc quan, vô tư của bố. Mặc dù những thời gian rảnh rỗi của bố còn lại rất ít nhưng bố vẫn trồng và chăm sóc khu vườn trước nhà để cho nó bao giờ cũng xanh tươi. 
 Những giỏ phong lan có bao giờ bố quên cho uống nước vào mỗi buổi sáng; những cây thiết ngọc lan có bao giờ mang trên mình một cái lá héo nào? Những cây hoa lan, hoa nhài có bao giờ không tỏa hương thơm ngát đâu? Bởi đằng sau nó luôn có một bàn tay ấm áp chở che, chăm sóc, không những yêu hoa mà bố còn rất thích nuôi động vật. 
 Tuy nhà tôi bao giờ cũng có hai chú chó con và một chú mèo và có lúc bố còn mang về những chiếc lồng chim đẹp nữa. Và hơn thế, trong suốt hơn năm năm trời chung sống với bệnh tật, tôi chưa bao giờ nghe bố nhắc đến cái chết, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc trốn tránh sự thật, bố luôn đối mặt với “tử thần”, bố luôn dành thời gian để có thể làm được tất cả mọi việc khi chưa quá muộn.   
 Nhưng cuộc đời bố bao giờ cũng đầy đau khổ, khi mà cả gia đình đã dần khá lên, khi các chị tôi đã có thể kiếm tiền, thì bố lại bỏ chị em tôi, bỏ mẹ, bỏ gia đình này để ra đi về thế giới bên kia. Bố đi về một nơi rất xa mà không bao giờ được gặp lại. Giờ đây khi tôi vấp ngã, tôi sẽ phải tự đứng dậy và đi tiếp bằng đôi chân của mình, bởi bố đi xa, sẽ không còn ai nâng đỡ, che chở, động viên tôi nữa. 
 Bố có biết chăng nơi đây con cô đơn buồn tủi một mình không? Tại sao nỡ bỏ con ở lại mà đi hả bố? Nhưng con cũng cảm ơn bố, bố đã cho con thêm một bài học nữa, đó chính là trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta hãy trân trọng những gì đang có, hãy yêu thương những người xung quanh mình hơn, và đặc biệt hãy quan tâm, chăm sóc cho bố của mình, tha thứ cho bố, khi bố nóng giận và nỡ mắng mình bởi bố luôn là người yêu thương nhất của chúng ta.
 Bố ra đi, đi đến một thế giới khác, ở nơi đó bố sẽ không còn bệnh tật, sẽ thoát khỏi cuộc sống thương đau này. Và bố hãy yên tâm, con sẽ luôn nhớ những lời dạy của bố, sẽ luôn thương yêu, kính trọng biết ơn bố, sẽ sống theo gương sáng mà bố đã rọi đường cho con đi. Hình ảnh của bố sẽ luôn ấp ủ trong lòng con. Những kỷ niệm, những tình cảm bố dành cho con, con sẽ ôm ấp, trân trọng, nó như chính linh hồn của mình.  
NGUYỄN THỊ HẬU
(Lớp 10A2, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh, Nghệ An)
Văn là người - Văn làm nên người
Học sinh tìm mua sách ngữ văn tại nhà sách - Ảnh: Tuổi Trẻ
 * Một người bạn ở trong nước đã gửi cho tôi đường link của Tuổi Trẻ Online bài văn của em Nguyễn Thị Hậu, và thật xúc động khi đọc được bài văn này. Tôi vừa đọc vừa khóc... 
Dù câu chữ còn nhiều chỗ chưa được chuẩn xác, nhưng đó là những câu chữ từ một suy nghĩ chân thật, trong sáng, đầy yêu thương của một đứa con dành cho người bố thương yêu của mình. 
Và tôi ước các con tôi cũng được đọc... 
 Chúng ta đã bàn luận nhiều về chất lượng dạy văn và học văn trong nhà trường phổ thông, nhưng cho đến bây giờ, vẫn chưa thấy khả quan. Theo tôi, vấn đề này phụ thuộc vào các yếu tố sau đây: 
 1. Giáo trình dạy văn của chúng ta bị áp đặt và không mở đường cho sự sáng tạo. Chính nó đã làm cho cả giáo viên lẫn học sinh "chết". Có lần tôi hỏi các con tôi: "Trong các môn học, các con sợ nhất môn gì?", câu trả lời y như tôi đã đoán được trước đó, mặc dù các con tôi vẫn thường viết bài cho báo Nhi Đồng và TNTP và đã được đăng. Tôi tự hỏi tại sao một đứa trẻ có năng khiếu về văn học (ít nhất việc ham thích viết báo của các con tôi đã cho thấy điều đó) lại ghét học văn đến thế? Phải chăng, những đề bài khô khan đã làm nguội đi cảm hứng của người học? Hay giáo viên không đủ năng lực để truyền ngọn lửa cảm thụ cho học sinh? 
 Tự tìm hiểu giáo trình dạy văn của chúng ta, tôi thấy đó chính là nguyên nhân chính. Chính những người soạn sách giáo khoa đã quá giáo điều khi muốn đưa tất cả vào văn học, thậm chí đưa cả những gì không thuộc văn học, lẽ ra nên đưa vào nội dung của môn khác như giáo dục công dân... 
 2. Đội ngũ giáo viên dạy văn chất lượng không cao và phương pháp truyền đạt cũng như giảng dạy chưa thật tốt. Giáo viên cần có hướng dẫn, gợi ý cho học sinh làm bài nhưng quan trọng hơn là giáo viên phải biết tạo ra nguồn cảm hứng với văn học cho học sinh. Giáo viên cũng là người hướng dẫn, giới thiệu để học sinh tiếp cận được với những tác phẩm văn học nổi tiếng, hoặc các bài báo... cho học sinh tham khảo, cũng như phân tích cho các em về nội dung, tính nghệ thuật của các tác phẩm đó. Có như vậy tiết học mới hứng thú, giáo viên dạy văn chẳng khác nào người nhạc trưởng và học sinh chính là những nhạc công trong dàn hợp xướng. 
 3. Về học sinh, một điều rất quan trọng là thái độ học tập môn văn học của các em. Điều này tuỳ thuộc vào năng khiếu. Nhưng, nếu các bậc phụ huynh chăm chút đời sống tinh thần cho con em mình, chắc chắn nó sẽ hữu ích khi con cái mình học môn học đòi hỏi nhiều tư duy như môn văn. 
NGUYỄN ĐẠI ANH TUẤN 
Học viện Công nghệ châu Á (Thái Lan)
 * Đây quả thật là một bài văn mang đậm tính nhân văn và bản chất cuộc sống! Thiết nghĩ, đề bài kiểm tra này đã giúp các em học sinh thể hiện những cảm xúc chân thật trên bài văn của mình. Có những đề văn và bài văn như thế, việc giảng dạy và học tập môn văn sẽ không xa rời cuộc sống, không còn được gọi là mang căn bệnh thành tích, bệnh chạy theo con điểm! Bài văn xứng đáng nhận điểm 10 đối với một em học sinh lớp 10 như em Nguyễn Thị Hậu. 
BACH QUOC TUAN
 * Rất tình cờ khi đọc được bài văn của Hậu. Mình thấy bài văn của bạn - đúng hơn đó là một tâm sự - thật cảm động. Khi đọc bài văn của bạn, mình cũng cảm thấy thấp thoáng bóng dáng của bố mình trong đó. Mình rất cảm ơn bạn đã viết lên những lời yêu thương nhất để gửi tới người bố quá cố của bạn. Cảm ơn bạn đã cho mình hiểu được giá trị của cuộc sống, mà trong đó bố là một người bạn lớn đồng thời cũng là người thân yêu với những đứa con... Một lần nữa cảm ơn bạn. Chúc bạn học tốt và thực hiện được ước mơ!
LÊ THỊ MAI TRANG
 * Đọc bài văn của em Hậu, tôi thật sự xúc động. Một HS nhỏ tuổi như vậy mà có thể viết một bài văn làm lay động trái tim. Tôi đã gửi bài văn này cho tất cả bạn tôi và ai cũng có cảm nhận giống tôi. Bài văn đã khơi dậy trong mỗi người hình ảnh của một người con hiếu thảo, chỉ có lòng hiếu thảo và thương yêu thật sự mới có thể viết lên một bài văn hay như thế. Tôi rất cảm ơn vì đã được tham khảo một bài văn rất hay.
kkevin...@yahoo.com
 * Bài văn rất hay về cả chủ đề, ngôn ngữ và cảm xúc. Tôi sẽ photo bài văn này cho các cháu của tôi đang học lớp 4, lớp 5 và cả lớp 9, lớp 10 đọc để thấy thế nào là ý nghĩa của cuộc sống. Đúng là cuộc sống không chỉ có tiền, nhưng tiền cũng rất quan trọng, vấn đề là kiếm tiền và tiêu tiền như thế nào. Lớp trẻ hiện nay thiếu lòng hy sinh. Lòng ích kỷ sẽ giết chết chúng ta bởi nhu cầu vật chất, nhưng lòng hy sinh, vị tha sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc hơn và phát triển hơn, giàu có hơn. 
 Tôi có kiến nghị từ nay chuyên mục bài văn hay, văn lạ cần được đăng thường xuyên hơn. Và cuối năm nên tổ chức bình bầu để chọn ra bài văn hay nhất trong năm theo ý kiến người đọc. Thêm nữa nếu được, cũng nên có mục những bài văn dở nhất, đặc biệt là cách dùng câu chữ sai lệch, hay có cách nhận xét, phân tích cực đoan để cho các em học sinh cũng như chúng ta tham khảo và nhìn vào đó để sửa mình. Đăng kèm những bài văn dở thì phải có phân tích chỉnh sửa uốn nắn kèm theo để cho mọi người hiểu rõ hơn về tiếng Việt, và cách hành văn sao cho truyệt đạt được ý, và đúng về ngữ pháp. 
NGƯỜI XÂY DỰNG
 * Bài văn thật xúc động, xin chân thành cảm ơn Nguyễn Thị Hậu đã cho tôi một bài học làm người. Với sức mình, tôi sẽ cố gắng chuyền tay cho thật nhiều người đọc hơn nữa... Cũng khá lâu rồi tôi không đọc được một bài văn hay như vậy, một lần nữa cảm ơn Hậu rất nhiều...
PHẠM XUÂN QUÝ
 * Không thể nén được xúc động khi đọc bài văn của em Hậu. Lời văn giản dị và chân thật biết bao! Một cảm xúc rất thật được truyền đến người đọc. Tôi phải mấy lần xúc động, dù tôi đã rất kiềm chế. Hoan nghênh em có một lý tưởng sống tiếp bước con đường học vấn của bố ngày xưa. Chúc em thành công trên con đường học vấn. 
thietkeweb...@yahoo.com
 * Tôi không đọc văn nhiều nhưng khi đọc bài viết này, tôi bật khóc vì nội dung và lời văn của em Hậu. Kết thúc bài văn đã làm cho nhiều người phải suy nghĩ về Cha, Mẹ của mình nhiều hơn. Xin chúc cho ước mơ của Hậu thành hiện thực!
H.D.HUNG
 * Tôi thực sự xúc động khi đọc bài văn của em Nguyễn Thị Hậu. Tình cảm, tấm lòng của con trẻ dành cho người cha kính yêu của mình đã mang đến người lớn chúng ta bao bài học, để tự nhìn lại chính mình. "Văn là người", tôi mong qua môn văn học, qua mỗi đề bài, qua tấm lòng của các thầy cô hãy khơi dậy cho các em lòng nhân hậu, sự yêu thương con người, mà hiện hữu nhất là những người thân yêu xung quanh mình. Có lẽ chẳng có bài học to tát nào hơn là cho các em giá trị nhân văn trong hành trang vào đời... 
 Tôi nghĩ rằng, những học sinh được nghe thầy hiệu phó trường Huỳnh Thúc Kháng đọc bài văn này dưới cờ sẽ có một dấu ấn rất khó quên trong cuộc đời sau này... Có lẽ đây là một bài "giáo dục công dân" hay nhất, lay động nhất mà các thầy đã làm được... 
LÊ ANH

Tài liệu đính kèm:

  • docBAI VAN HAY NOI VE NGUOI BO.doc